Friday, October 3, 2008

Entry for October 03, 2008

Các nhà kinh tế đánh giá thế nào về McCain và Obama?.

Theo khảo sát của tờ The Economist với 142 nhà kinh tế có tên trong tổ chức National Bureau of Economic Research, tổ chức nghiên cứu kinh tế quan trọng nhất ở Mỹ với thành viên hầu hết đều là các giáo sư ở các trường đại học hàng đầu thì phần lớn các nhà kinh tế Mỹ cho rằng Obama hiểu biết về kinh tế tốt hơn McCain (80% so với chưa đến 6-7%). Ngay cả những người thuộc đảng Cộng hòa được khảo sát cũng nghiêng về ý kiến cho rằng Obama hiểu nhiều về kinh tế hơn McCain (46% so với 23%). Tương tự 81% các nhà kinh tế cho rằng Obama sẽ tập hợp được đội hình cố vấn kinh tế tốt hơn (so với khoảng 15% của McCain).

Chương trình kinh tế chung của Obama cũng được đánh giá tốt hơn McCain (điểm 3,3 so với 2,2). Obama được đánh giá tốt hơn cụ thể trong hầu hết các chương trình cụ thể từ vượt qua khủng hoảng tài chính cho tới các chính sách tài khóa, chính sách năng lượng, bảo hiểm xã hội, y tế, quản lý hệ thống tài chính, chính sách thuế, và tăng trưởng kinh tế.

Chương trình kinh tế của McCain chỉ được các nhà kinh tế đánh giá tốt hơn hẳn Obama chỉ duy nhất trong một mảng là tự do thương mại và toàn cầu hóa.

Kết quả điều tra này có phần gây ngạc nhiên, bởi như phân tích của tờ Economist, hầu hết các nhà kinh tế đều ủng hộ tự do thương mại, mức thuế thấp và nhà nước ít can thiệp thị trường- những luận điểm gần gũi với lập trường của phe McCain hơn là phe Obama. Nhìn chung, so với giới học thuật khác thì giới kinh tế gia có xu hướng ít cánh tả hơn đa số các ngành khác (nhất là so với những ngành xã hội, nhân văn). Theo tờ Economist, thì nguyên nhân có thể từ những hành động thực tế của đảng Cộng hòa dưới thời Bush, đã lợi dụng các chiêu bài trên nhằm cho những mục đích chính trị. Bất kể đảng phái, hầu hết các nhà kinh tế đều đánh giá thành tích kinh tế của Tổng thống Bush là tồi tệ: 82% đánh giá là tồi tệ và rất tồi tệ và chỉ có 1% đánh giá là rất tốt.

Một con số cũng phần nào gây ngạc nhiên là trong 142 người trả lời Economist, thì có 46% là Dân chủ, 44% không đảng phái và chỉ có 10% là ủng hộ Cộng hòa. Như vậy, ngay cả trong giới kinh tế gia là giới được cho rằng có xu hướng nghiêng về phía hữu nhiều hơn so với những ngành học thuật khác (có lẽ chỉ thua political science) và có những nhà kinh tế phái hữu nổi tiếng như Milton Friedman, Hayek, hay gần đây là Gary Becker, Robert Lucas (đều ủng hộ McCain trong đợt bầu cử này) thì tỷ lệ ủng hộ đảng Cộng hòa vẫn rất thấp. Có lẽ ngoài pháo đài Chicago School ở khoa Kinh tế và trường Kinh doanh Đại học Chicago và lẻ tẻ ở các trường đại học khác thì hầu hết những nhà kinh tế vẫn có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ hay không ủng hộ đảng nào.

Tất nhiên, như những người khác, các nhà kinh tế rất có thể cũng bị định kiến. Obama có thể được coi là "người của họ", một vị Tổng thống có học thức, sinh viên xuất sắc ở Harvard, giáo sư thỉnh giảng Đại học Chicago. Trong khi đó McCain xuất thân quân nhân chuyên nghiệp, tốt nghiệp hạng bét ở Học viện Hải quân, thẳng thắn thừa nhận là mình không hiểu mấy về kinh tế, và công khai tỏ sự nghi ngờ với các nhà kinh tế. Trong khi đội ngũ cố vấn kinh tế của Obama khá đa dạng và có không ít các nhà kinh tế học thuật thì đội ngũ cố vấn kinh tế của McCain hầu như vắng bóng giới học thuật.

1 comment:

  1. hì hì, em cũng tò mò muốn biết Obama, nếu trở thành TT Mỹ lần này, có sốc lại KT Mỹ được không.

    ReplyDelete