Tuesday, October 14, 2008

Entry for October 14, 2008

Sự kiện nhà văn lưu vong chống cộng (và cũng là cựu cộng sản) Kundera có thể từng đóng vai trò chỉ điểm trong vụ án bắt một điệp viên của một nhóm chống cộng Tiệp Khắc cho thấy trong chế độ toàn trị, không có cá nhân nào an toàn, đứng ngoài cuộc cả. Hoặc anh là nạn nhân, hoặc anh là đao phủ, hoặc phổ biến hơn, anh vừa là nạn nhân, vừa là đao phủ, chứ không có con đường thứ ba.

Giả sử sự kiện này là đúng (Kundera đã bác bỏ) thì Kundera có thể cũng từng là đao phủ trước khi là nạn nhân. Có nhiều trường hợp như vậy, từ những đao phủ lừng lẫy thực sự như Yakoda hay Yazov cho tới những trường hợp tinh tế hơn, những người "chém bút" và dùng bút để chém bạn trong văn chương vậy.

Với hầu hết những người từng ít nhiều đóng vai trò đao phủ, sau khi đã qua giai đoạn đó, họ đều phẩy tay và cố quên nó đi. Kundera lựa chọn cách gán tội cho nhân vật và chỉ để tội đó là ý nghĩ. Trong Cuộc sống không ở đây, ông cho nhân vật chính, một nhà thơ yêu nước, yêu chế độ, tưởng tượng tới việc tố cáo anh trai của bạn gái. Trong The Joke, ông cho nhân vật chính bị bạn gái phản bội và tố cáo chỉ vì một câu nói đùa trên tấm bưu thiếp. Đó có thể cũng là một cách phẩy tay của Kundera trước quá khứ của mình, biến nó thành một cái gì nửa thực, nửa hư. Trong tác phẩm của Kundera, dưới chế độ toàn trị, bất kỳ ai cũng có thể trở thành kẻ tố cáo và một người có thể bị kết án bởi những lỗi ngớ ngẩn nhất. Đó có thể là sự thực, nhưng cũng có thể là cách Kundera tạo ra để xoa dịu trách nhiệm của mình. (Nếu ai cũng có thể thành kẻ tố cáo, chỉ điểm thì việc tôi có chỉ điểm cũng không phải là điều gì quá đáng. Nếu ai cũng có thể bị tù đày thì việc gã đó bị tù đày cũng chỉ là sự không may).

Mặc dù thực ra mà nói, việc Kundera có thể đã làm là hoàn toàn có thể hiểu được bởi kẻ bị ông tố cáo (giả sử việc này là đúng) đích thực là điệp viên của một tổ chức người Tiệp lưu vong được Mỹ và Anh giúp đỡ, có sự hợp tác với cơ quan tình báo Mi6 của Anh. Ở bất kỳ quốc gia nào, chế độ nào thì việc tố cáo gián điệp cũng được coi là trách nhiệm công dân. Nhưng trong lăng kính thời hậu cộng sản và với thế giới quan sau này của nhà văn thì việc này lại trở thành một thứ gần với tội lỗi, một sự tiếp sức cho chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc. Nhất là việc đó lại khiến cho người bị ông tố cáo phải ngồi tù 14 năm và một trong những người giúp đỡ anh ta xâm nhập trái phép vào Tiệp Khắc bị xử tử (theo Timesonline).

Cũng nói thêm trước Cách mạng Mùa xuân Prague năm 1968, Kundera vẫn là một đảng viên Cộng sản trung thành, cho dù trong những năm 1960, ông đã có những hoài nghi với người Nga và chế độ Stalinist. Nhưng những thanh trừng của chế độ Stalinist được tái lập sau cách mạng 1968 với Kundera nói riêng và với trí thức Tiệp Khắc nói chung đã khiến Kundera phải lưu vong ở nước ngoài và trở thành người tố cáo sâu sắc các chế độ độc tài toàn trị ở châu Âu.

5 comments:

  1. Anh Linh viết:

    "Với hầu hết những người từng ít nhiều đóng vai trò đao phủ, sau khi đã qua giai đoạn đó, họ đều phẩy tay và cố quên nó đi. Kundera lựa chọn cách gán tội cho nhân vật và chỉ để tội đó là ý nghĩ. Trong Cuộc sống không ở đây, ông cho nhân vật chính, một nhà thơ yêu nước, yêu chế độ, tưởng tượng tới việc tố cáo anh trai của bạn gái. Trong The Joke, ông cho nhân vật chính bị bạn gái phản bội và tố cáo chỉ vì một câu nói đùa trên tấm bưu thiếp. Đó có thể cũng là một cách phẩy tay của Kundera trước quá khứ của mình, biến nó thành một cái gì nửa thực, nửa hư."

    Cách giải thích trên cũng có thể đúng. Em nghĩ có một cách khác. Đấy là đơn thuần, trên góc độ người viết, Kundera biết rằng chi tiết này là một chi tiết đắt cho một good story. Tức là ông lựa chọn hoàn toàn trên góc độ xử lý tác phẩm, chứ không phải như một cách giải quyết ẩn ức tâm lý gì đó.

    Một nhà văn bao giờ cũng vừa sống phần con người bình thường của mình, vừa sống con người văn chương. Con người bình thường thì cũng vẫn sợ hãi, vẫn cầu an, vẫn nhỏ nhen, vẫn cần cảm giác được included vào xã hội, etc... Nhưng con người văn chương thì càng viết sẽ càng dũng cảm, càng tách ra làm một người quan sát, bao gồm cả quan sát chính mình. Càng viết sâu và lên cao thì hai thứ này càng tách ra rõ rệt; đôi khi cái con người văn chương hoàn toàn có thể lạm dụng con người thật (anh thấy nhiều nhà văn lớn bị bipolar). Nói như Faulkner là: một nhà văn thuộc dạng first-rate sẽ phải ruthless... anh ta hoàn toàn bỏ qua danh dự, đạo đức, tự trọng, sự yên ổn, vv... chỉ để có good story. Anh ta thậm chí có thể "rob his mother" nếu cần. Và thường các nhà văn loại first-rate thì có cái linh khiếu đặc biệt để nhận biết cái gì là cần cho một good story. Khi họ theo đuổi a good story, bản thân họ cũng không là gì cả. Theo cách này, họ đúng là nạn nhân, nhưng vừa là nạn nhân của xã hội vừa là nạn nhân của chính mình; nó như một dạng "curse" lên những người làm nghệ thuật; đây là sự thật chứ không phải nói cho nó lãng mạn.

    Em cũng nghĩ là không có khái niệm "sau khi đã qua giai đoạn này". Tức là không có cái "sau khi" đâu. Sự phân tách bản thân diễn ra liên tục trong đời một người viết... có điều là mức độ kiềm chế, nhận thức và tâm tính của mỗi nhà văn khác nhau, nên hành vi cư xử của họ có khác nhau. Với dạng nhà văn first-rate, càng viết thì càng thấy có cái gọi là Chân-Thiện-Mỹ có thể cầm nắm và vươn tới được, và cái này giống như cứu cánh giúp họ chế ngự được cái phần con người thông thường để bớt làm những thứ bậy bạ khi chịu áp lực. Còn với những nhà văn không phải dạng first-rate, không bao giờ thấy được cái đẹp tử tế và biết mình không tới được, thì sự nhì nhằng và đê tiện sẽ diễn ra song hành cả ở con người thật và con người văn chương, thậm chí càng ngày càng tệ. Đấy là bi kịch lớn và tiếc là xảy ra cho nhiều người.

    ReplyDelete
  2. Hihi, trời, chị PV viết còn dài hơn anh viết nữa.

    Em nghĩ nhà văn làm cái gì thì kệ ông ấy. Tác phẩm của ông ấy vẫn là quan trọng nhất. Chuyện ông ấy có chỉ điểm ai hay không cứ để cho ông ấy chứng minh và những người có trách nhiệm ở đó chứng minh, còn người ta - người đọc sách chỉ nên focus và anh Kundera nhà văn, còn người - không đọc sách - thì cứ focus vào cuộc đời MK.

    Nếu giờ đem cái đã xảy ra trong tác phẩm của anh ấy ra để tìm mối liên hệ với một sự kiện (có thể) đã xảy ra trong cuộc đời anh ấy thì em thấy hơi... siêu thực. :) Cái này không cần phải giải thích nhiều.

    ReplyDelete
  3. (ặc, lúc nào cũng nhầm, cái này là của em Moonie nhé, đang đăng nhập nick Nhã Nam post ảnh anh Marc Levy) :">

    ReplyDelete
  4. Sorry chị viết dài, lúc viết không để ý :)

    ReplyDelete