Saturday, October 4, 2008

Entry for October 04, 2008

Nhà xuất bản Trẻ thu hồi tập truyện Tột đỉnh tình yêu của tác giả Nguyễn Thúy Ái vì trong đó có truyện ngắn "Trở về Lệ Chi viên" xây dựng hình ảnh Nguyễn Trãi là một nhân vật xấu.
Không biết có ai đọc truyện ngắn này chưa?

Trên SGGP có bài của Vũ Hạnh lên án tác giả Thúy Ái và truyện ngắn này, gọi Thúy Ái là "kẻ đốt đền".

Theo báo Văn nghệ TP HCM thì trong truyện ngắn này: "Nguyễn Trãi đã bị miệt thị như một kẻ đầy âm mưu, dã tâm, mê sắc dục và háo danh đến nỗi dâng vợ cho vua để mưu cầu lợi danh ở tuổi cuối đời. Còn Nguyễn Thị Lộ thì là một phụ nữ nhà quê vô học, gian dâm và cả... bạo dâm."

Còn theo tác giả Trí Nhân trên SGGP: "
...dưới ngòi bút của Thúy Ái thì Nguyễn Trãi dù gì cũng chỉ là một lão già háo sắc, đa dâm mà bất lực, nhỏ nhen, hèn hạ, cúi mình xin cho vợ cái chức danh vô nghĩa Lễ nghi học sỹ để dễ hiến thân cho ông vua trẻ, cầu danh cho chồng... Thật không khác gì kẻ tiểu nhân!

Người vợ trẻ của ông - Nguyễn Thị Lộ, là người đức hạnh, giỏi giang, người đời cảm thương số phận người đàn bà tài sắc đa đoan ấy. Vậy mà ở đây tác giả tạo ra một Nguyễn Thị Lộ không khác gì những cô cave mạt hạng thời nay: vô học, trốn chúa lộn chồng, già giặn ngón chơi, biết khai thác triệt để cái vốn tự có để đổi đời cấp kỳ cho mình và cho cả gia đình, dòng họ."

Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất có thể viết hư cấu về một danh nhân lịch sử theo cách khác với cách hiểu truyền thống về họ không? Trước kia Nguyễn Huy Thiệp từng viết Phẩm Tiết, Kiếm Sắc xây dựng hình tượng Nguyễn Huệ như một ông vua hám gái, võ biền...Hai truyện ngắn này từng khiến ông Thiệp bị phê phán nặng nề. Nhưng rồi thời gian qua, vị trí của ông Thiệp vẫn hoàn toàn được khẳng định. Ở hải ngoại, Nguyễn Gia Kiểng viết Tổ Quốc Ăn Năn (thể loại phi hư cấu) trong đó cũng chê trách nặng nề Quang Trung và cũng hứng chịu rất nhiều búa rìu cho rằng ông Kiểng báng bổ anh hùng dân tộc.

Trong không khí sáng tác tự do thì những chuyện như trên không thành vấn đề. Thái độ tiếp nhận của giới phê bình, của người đọc sẽ là yếu tố quyết định. Nhưng cách phê bình như thế nào mới hợp lý? Theo tôi, giới phê bình nếu không tán đồng với truyện ngắn của Thúy Ái thì cần chỉ ra những thứ như sự không hợp lý của nhân vật, tình tiết, vụng tay...chứ không thể cho rằng vì đó đã là danh nhân, nên phải tuyệt hảo, phải trong trắng...Và nhất là nhân vật Nguyễn Thị Lộ, người có rất ít chi tiết được biết đến trong lịch sử, thì làm sao có thể biết rằng bà thực sự thế nào?

Thứ hai, việc NXB Trẻ thu hồi tập sách này cũng có vấn đề. Trong quyết định của NXB Tuổi Trẻ nêu trong bài báo không hề nhắc gì tới tác giả. Không hiểu việc NXB thu hồi sách như thế có sự đồng tình của tác giả hay không? Một cuốn sách được xuất bản không chỉ là bản quyền của nhà xuất bản mà còn là bản quyền của tác giả. Việc NXB tự ý thu hồi chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp tác giả vi phạm hợp đồng với nhà xuất bản và hợp đồng quy định rằng NXB được phép thu hồi; hoặc là trong trường hợp bất khả kháng khi kiểm duyệt không cho xuất bản. Còn nếu không thì rõ ràng NXB đã tự ý vi phạm hợp đồng và tác giả hoàn toàn có quyền kiện NXB. Bản thân quyết định thu hồi không nhắc tới việc tác giả có đồng ý hay không với việc thu hồi cũng là một hành động có tính cửa quyền, thiếu tôn trọng tác giả.

Nhưng bỏ qua các khía cạnh pháp lý thiếu rõ ràng thì việc NXB Trẻ ban đầu bảo vệ tác phẩm này và cho rằng mình làm đúng (bà Nguyệt, Giám đốc NXB ban đầu nói:" theo tôi NXB Trẻ đã làm đúng nhiệm vụ của mình khi cấp phép xuất bản tác phẩm trên. Vấn đề nội dung của tác phẩm, theo tôi đây không phải là một tác phẩm lịch sử mà thuần túy là một tác phẩm văn học."), rồi sau đó lại quyết định thu hồi với lý do không rõ ràng ( "Tập truyện ngắn Tột đỉnh tình yêu liên kết với NXB Trẻ trong đó có truyện ngắn Trở về Lệ Chi viên đã có những câu từ thiếu sự tôn trọng và gây nhiều hiểu lầm về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi".) cho thấy sự thiếu bản lĩnh của nhà xuất bản này.

Thực chất, đánh giá con người lịch sử Nguyễn Trãi không dễ dàng chút nào. Thơ văn Nguyễn Trãi tràn đầy tinh thần yêu nước, thương dân, và thương bản thân mình, nhưng cuộc đời của ông rất phức tạp. Riêng hành động dâng thiếp cho vua (vì theo chính sử, vua ngủ với Thị Lộ, thiếp của ông rồi đột tử) như thế cũng khó lý giải động cơ một cách thực sự thuyết phục và cách hiểu của tác giả Thúy Ái cũng có những cơ sở của mình. Người đọc có thể bất bình, thậm chí phẫn nộ khi thấy hình tượng danh nhân bị bôi nhọ, nhưng đó là quyền của người đọc, tại sao lại phải cấm đoán, không cho người đọc tiếp cận với một cách nhìn khác về danh nhân.

Phải chăng vì người ta e ngại rằng một cách nhìn "phi chính thống" với danh nhân lịch sử rồi sẽ dẫn tới việc đánh giá lại những danh nhân lịch sử khác, gần gũi hơn? Và trong một chế độ mà hệ thống phân loại con người được xác định rạch ròi (kiểu Nguyễn Trãi tốt, Nguyễn Huệ tốt, Nguyễn Ánh xấu, Tự Đức xấu...) theo những tiêu chuẩn nặng tính giai cấp thì việc đánh giá lại nhân vật lịch sử sẽ làm lung lay hệ thống giá trị được dựng lên?

Cũng liên quan tới việc đánh giá lại, gần đây cuối cùng Phan Thanh Giản cũng được minh oan, và đã có một trường trung học mang tên ông. Hy vọng ngày nào không xa, sẽ có những trường mang tên Gia Long, vị vua thống nhất Việt Nam và đưa nước Việt vào thời hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, hay các học giả Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký...

25 comments:

  1. Thỉnh thoảng đưa cái nhìn khác về danh nhân cũng hay, có điều xã hội VN chưa quen với chuyện đấy.

    ReplyDelete
  2. Ở VN, cái gì "phi chính thống" đều bị cấm cản. Nhưng buồn nôn thay, nhiều cái "chính thống" lại rất nặng mùi. Thể chế nào đường lối nấy... Hệ quả tất yếu thôi.

    ReplyDelete
  3. Cám ơn anh.
    Người dân toàn quyền được biết đến mặt trái của các danh nhân lịch sử. Dù là chuyện hư cấu, nhưng người đọc tự tìm ra chân lý. Việc thu hồi sách này là bằng chứng tự do ngôn luận, tự do tiếp nhận thông bị bóp nghẹt.

    ReplyDelete
  4. Sự chân xác của lịch sử luôn là thách thức và đích đến của các nhà sử học. Với lịch sử thì rõ ràng là nhà văn không phải là các nhà chuyên môn, họ có quyền tưởng tượng, bịa tạc. Nhưng tớ không nghĩ thứ quan trọng đối với một tác phẩm văn học lịch sử là cái nhìn tốt xấu tích cực tiêu cực lạc quan bi quan này kia đối với các nhân vật lịch sử này kia, mà vấn đề chủ yếu vẫn là cách kể chuyện, cách dẫn dắt câu chuyện. Chứ giờ viết truyện bảo Đinh Bộ Lĩnh bất lực tình dục, xong Dương Vân Nga chịu không được hoàn cảnh bi đát ấy liền liên thủ với Lê Hoàn chim to ám sát Đinh Tiền Hoàng rồi cả hai người hú hí với nhau này nọ thì cũng được thôi, nhưng mà chưa chắc truyện đã hay.

    ReplyDelete
  5. Rất tán thành những phân tích của bạn.Các cơ quan văn hóa luôn luôn đánh giá thấp người đọc và bắt người ta nghĩ theo những chiều hướng đã định sẵn, xuyên tạc sự thật lịch sử một cách có hệ thống làm cho thế hệ trẻ nhầm lẫn Phan Thanh Giản, Gia Long là những nhận vật xấu trong lịch sử.Đến bao giờ sự thật mới được tôn trọng ?Sự dối trá chỉ làm cho dân tộc thụt lùi .
    Cám ơn

    ReplyDelete
  6. hihi, ở nước mình, ai cũng tốt, làm gì có kẻ xấu, nên tác phẩm bị thu hồi là đúng. Đọc báo Thanh Niên, có bạn đọc phản ánh phim Bỗng dưng muốn khóc có một nhân vật bụi đời hay nói 'đồ mất dạy' là rất phản cảm, có lẽ bạn ấy gnhĩ nước xã hội chủ nghĩa thì không ai chửi thề, mà chỉ mới chửi 'đồ mất dạy' thôi nhé, và toà soạn báo rất đồng tình nên mới đăng cả bài hoành tráng! Hihi.

    ReplyDelete
  7. nếu đọc Sử nên đọc theo cách trung dung chăng, tôi nghĩ đã từng có thời gian lấy kinh nghiệm từ lịch sử, nhưng đọc sử nên đọc theo kiểu không theo bè phái nào. Ghi nhận là chủ yếu, như thế mới đi đúng tinh thần sử gia :)

    ReplyDelete
  8. Nhà xb cấp phép, rồi in sách, rồi hủy giấy phép, rồi thu hồi sách, vẫn có thể nói rằng việc thu hồi là bất khả kháng vì sách không có giấy phép xuất bản.

    ReplyDelete
  9. Đọc entry này, nhớ đến hai từ "ta" và "địch" ngày xưa. Cứ vào phim là hỏi nhau, đâu là ta, đâu là địch, rồi mới yên tâm xem tiếp, để còn xác định rõ thái độ của mình :D.

    ReplyDelete
  10. Lối nhìn nhận lịch sử theo kiểu ĐỊCH-TA, TỐT-XẤU theo tôi chỉ làm méo mó lịch sử, đó là lối diễn dịch lịch sử nhằm mục đích tuyên truyền hay phục vụ cho một mưu đồ chính trị. Đúng là lịch sử thuộc về những người viết về nó. Ở Thanh Hóa đang có hội thảo khoa học do Hội KHLS Việt Nam chủ trì, tên hội thảo là “Công và tội của triều Nguyễn”. Tôi thấy ngay cái tên hội thảo đã là phản khoa học rồi. Suốt ngày chỉ chăm chăm công và tội, mấy chục năm nay vẫn thế. (Ngoài lề tẹo! Viết về Nguyễn Trãi có quyển “Vạn Xuân” do một nữ nhà văn Pháp viết, hay cực! Highly recommended!! Ngả mũ bái phục cả nhà văn lẫn đội ngũ dịch giả!)

    ReplyDelete
  11. @bác Oasis: quyển Vạn Xuân đó nếu đã dịch rồi thì có ở VN ko ạ?

    ReplyDelete
  12. @ Katty Ko: Có chứ ! Tớ mua ở Đinh Lễ chứ đâu. Mua cũng được 7-8 tháng rồi. Nếu bạn đang ở Hà Nội thì chạy ra xem thử. Hy vọng là còn. Nếu không còn và bạn thật sự cần thì PM cho tớ, tớ mua giúp cho!

    ReplyDelete
  13. Tôi thấy dũng cảm nhất vẫn là bài "Thử bào chữa cho vua Ngọa Triều" thôi. Từ lâu chúng ta vẫn "đóng đinh" các nhân vật lịch sử với 2 khái niệm tốt và xấu. Ai xấu thì ắt hẳn phải toàn xấu, ai đẹp thì toàn đẹp. Đó là cách nhìn nhận vấn đề một cách không công bằng.
    http://ngochoangduy.sky.vn/archives/380

    ReplyDelete
  14. Trường Lê Hồng Phong ở Tp HCM hồi xưa có tên là Petrus ký, bây giờ ở HCM cũng có một trường PTTH tư thục mang tên Trương Vĩnh Kỹ. Trường Gia Long hồi xưa ở SG cũng là một trường có tiếng, sau năm 75 thì được đổi tên là Nguyễn Thị Minh Khai

    ReplyDelete
  15. Phản biện vẫn là một thứ quá xa xỉ ở VN, chúng ta quen nhìn mọi việc theo 1 chiều mất rồi.

    ReplyDelete
  16. "Phải chăng vì người ta e ngại rằng một cách nhìn "phi chính thống" với danh nhân lịch sử rồi sẽ dẫn tới việc đánh giá lại những danh nhân lịch sử khác, gần gũi hơn?" <-- em cho rằng đây mới là lí do chính, chứ ko phải chiện mấy danh nhân danh nho gì đâu.
    Túm lại, vẫn là bệnh "sợ người ta sờ đến mình" thôi, chứ còn danh dự người sống nó còn chả quan tâm, nó quan tâm đek gì đến danh dự người đã khuất, mà lại khuất từ cái thưở nào rồi :-j

    ReplyDelete
  17. Việc bạch hóa cuộc đời các "danh nhân văn hóa" có thể biến thành trào lưu dù là một nghiên cứu khoa học hay chỉ là hư cấu của một nhà văn. Trào lưu "ngòai luồng" luôn nguy hiểm vì nó làm sụp đổ thần tượng.

    ReplyDelete
  18. ở mình mấy năm gần này cũng đã xuất bản lại những tác phẩm của Phạm Quỳnh..ví dụ:Tập Tiểu Luận,Thượng Văn Chi Tập,..hình như đối với tài năng và đóng góp của các bậc trí thức còn nhiều đánh giá khác nhau như cụ Phạm Quỳnh đã bắt đầu dần dần được khẳng định ít nhiều..nhà em ở gần sát mộ của cụ Trương Vĩnh Ký,ngày nhỏ không biết đấy là gì,chừ mới biết đấy là khu lăng mộ của một bác học lẫy lừng của Việt Nam,mộ nằm ngay ngã tư đại lộ Trần Hưng Đạo và đường Trần Bình Trọng,bên trong cỏ mọc nhiều,có vẻ chưa được đầu tư xứng tầm vóc của Trương Vĩnh Ký,hình như hậu duệ của cụ sở hữu hay sống bên trong khu mộ của cụ..^^..chết mồ tự dưng lạc đề quá,chủ nhà thứ lỗi hỉ..^^

    ReplyDelete
  19. Tạm không bàn vụ văn học.

    Mr. Phạm Quỳnh bị dân cộng sản căm đến xương tủy bởi câu nói "Truyện Kiều còn là tiếng ta còn, tiếng ta còn là nước ta còn". Người ta cho rằng như thế có nghĩa là không cần đấu tranh gì hết, cứ bảo vệ "tiếng ta" là ta thắng rồi. Đến nay thì khối người đã nhận ra Phạm Quỳnh có phần quá đúng (khi mà dân Việt Nam nói tiếng Việt còn không chuẩn), nhưng dù gì thì Phạm Quỳnh cũng vẫn cứ chắc chắn còn bị xếp làm Việt Gian dài dài.

    Cụ Vĩnh thì được một số nhà báo tôn vinh bằng cách... ao ước, giá giải Ngô Tất Tố đổi thành giải Nguyễn Văn Vĩnh. Trương Vĩnh Ký thì quả có hơi bị phản động một chút, nhưng tài năng của ông này thì khiến thế giới nghiêng mình. Mỗi tội ông ý là người Việt Nam (cho nên Việt Nam ko dựng tượng).

    Lan man với bác Linh một tý, he he.

    ReplyDelete
  20. Có gì mới đâu. Trong chuyện Tấm Cám, Tấm vẫn được ca ngợi đấy thôi. Còn Thúy Kiều thì có rất nhiều sách chê từ lâu rồi, mà vẫn không được đưa vào sách tham khảo cho học sinh nữa là. Cả thế giới blog hiện tại bầu cho Maradona là cầu thủ vĩ đại nhất, mà FIFA vẫn bầu cho Pele đó thôi. Cái vụ này cũng đến thế thôi.

    ReplyDelete
  21. Nhớ lại nhân vật SÙNG trong phim vĩ tuyến 17 mới thấy hay. Hình ảnh nhân vật SÙNG có lẽ là một đột phá trong tư duy người Việt về phân biệt ta địch cho đến tận bây giờ

    ReplyDelete
  22. ngòai lề tí: đọc truyện của Nguyễn Thúy Ái hơi chán, nhạt và hay lên gân (ngày xưa Nguyễn Thúy Ái tiên phong phê phán Nguyễn Huy Thiệp, nhất là hai truyện Phẩm tiết và Kiếm sắc, phẫn nộ ghê lắm!!!! không biết bây giờ hư cấu về Nguyễn Trãi và Nguyễn thị Lô có giống NHT không)

    ReplyDelete
  23. Người ta không quen với việc nhìn ngược lại thói quen của một thứ lịch sử rất là dã sử như nước mình.

    Tàng thư không còn, nếp nghĩ kiểu "quả thị thơm, cô Tấm rất hiền" đã có trong đầu hầu hết mọi người.

    Phản biện kiểu Thử bào chữa cho vua Lê Long Đĩnh hay phản biện của thầy Lê Mạnh Thát đã dẫn đến những hậu quả gì, ai cũng thấy...

    Người ta đơn giản là sợ sự xáo trộn và đôi khi hộ quốc an dân bằng cách êm đềm đó thôi.

    em cũng chả bị tò mò về việc thu hồi cuốn sách đó, giống các bạn ầm lên vì phim Thủ tướng bị cấm là do thế này, do thế kia. sao không nghĩ nó dở vậy, cấm là may cho đạo diễn đó!

    ReplyDelete
  24. Em thì nghĩ rằng dân mình đề cao lòng yêu nước. Ai có công với nước, làm lợi cho nước thì được tôn thờ, ngược lại bán nước cầu vinh, dẫn ngoại bang về nhà, làm hại cho nước... thì bị phỉ báng. Ngay cả việc học tập văn hoá nước ngoài trước nay cũng nhằm bảo vệ đất nước. Đó là thứ tư duy thực dụng có phần cực đoan( giờ thì người ta nghĩ, làm giàu cho văn hoá cũng là yêu nước vậy).
    Quay lại vấn đề chính, tôi nghĩ đánh giá lại các nhân vật lịch sử, soi xét lại theo các góc nhìn khác cũng chẳng có vấn đề gì. Cũng như giờ người ta đánh giá Hồ Quý Ly, ngoài tội ra còn xem ông là nhà cải cách đại tài, là người "sinh không hợp thời". Nhưng tôi không nghĩ cứ nói bất cứ điều gì về các nhân vật lịch sử cũng được. Nhất là khi họ thuộc về lịch sử, nhất là khi chúng ta đang ở thời đại mới có cái nhìn mới còn họ là đứa con của thời đại họ.
    Theo thời gian, người ta nhìn rõ hơn về lịch sử nhưng tôi nghĩ người ta vẫn phải nhìn bằng cái tâm mình.
    Hư cấu về các nhân vật lịch sử, xét họ dưới các góc cạnh khác nhau cũng được, nhưng viết gì cũng phải có cái tâm của mình chứ nhỉ? Điều gì quyết định cái hay của một cốt truyện hư cấu lịch sử khiến người ta đọc mà không thấy sạn? Có phải là nó phải có một sự hợp lý nào đó so với lịch sử hay không?

    ReplyDelete
  25. có nên chăng nhìn nhận vấn đề khách quan là tác giả viết cũng không dựa vào một sự thật nào hết. lịch sử không thể quay lại để giải thích nếu người ta không đánh giá nó dựa vào những nghiên cứu khoa học,và ông Nguyễn Trãi càng không thể bật dậy để thanh minh giải thích cho mình, tội nghiệp ông chết bao đời nay vẫn bị lôi ra mổ xẻ...

    ReplyDelete