Wednesday, October 1, 2008

Entry for October 01, 2008

Từ comment của bạn Bill Clinton (không phải chồng bà Hilary) ở đây, có một ý về việc xây dựng trường đại học chất lượng cao:

"Điểm cuối cùng: chúng ta không nên ngạc nhiên cho những khoản chi như thế này nếu chúng ta có muốn có một nền giáo dục tốt và có ĐH lọt vào top XX trường tốt nhất thế giới. Ai cũng mơ ta có một trường ĐH lọt vào top đầu nhưng hễ cứ nói chuyện đầu tư là nhiều người lại lo ngại hoặc phản ứng mạnh. Thằng harvard mỗi năm sử dụng 37 tỉ, Stanford và Princeton 17 tỉ; gần hơn là thằng NUS 978 triệu, NTU 914 triệu. Vậy nếu chúng ta muốn có một trường gọi là tốt thì mỗi cần ít nhất 100tr. Nếu 100tr vẫn là quá cao thì chúng ta có thể xuất phát với 50tr. Số tiền này lấy từ đâu? Một phần từ nhà nước, phần lớn từ alumni với việc đầu tư lấy vốn của các công ty ngoài. Việc tự chủ tài chính ĐH ở nước ngoài là khá phổ biến và các trường nên dần thích nghi với việc tự tìm vốn cho mình. Còn chuyện tiền được dùng thế nào là chuyện khác và xin miễn bàn tại đây."

Như tôi để ý thấy thì nếu như thời Thủ tướng Khải, ông Khải có ý tưởng xây dựng 1 trường ĐH chất lượng cao của Việt Nam với sự hỗ trợ của một số trường đại học nước ngoài và giáo sư Việt kiều+nước ngoài thì thời ông Dũng+ ông Nhân, hướng đầu tư được chuyển sang xây dựng các trường đại học liên kết với nước ngoài như Việt-Đức, Việt-Mỹ trong đó phía nước ngoài sẽ hoàn toàn chủ động trong giai đoạn đầu của dự án (một lưu ý nhỏ: nước Đức là nơi ông Nhân từng tu nghiệp tiến sĩ). Số tiền đầu tư của chính phủ là rất lớn, hiện đã cam kết sẽ đầu tư 100 triệu USD cho Việt Đức và có lẽ ít nhất là 100 triệu cho Việt Mỹ.

Hiệu quả của mô hình thế nào rất khó đoán trước, nhưng nếu so sánh với các nước khác thì rất ít có các mô hình trường liên kết được chính phủ nước sở tại đầu tư như vậy. Các nước đi sau về giáo dục như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc...đều đầu tư vào một số trường đại học trọng điểm với tiêu chuẩn đầu vào khắt khe (Bắc Kinh, Thanh Hoa... ở Trung Quốc, NUS ở Singapore, Seoul National Univ ở Hàn Quốc...) với chế độ đãi ngộ tốt cho giáo sư. Sự liên kết với nước ngoài ở các trường này được khuyến khích trên tinh thần các trường chủ động tìm và tạo mối liên kết.

Vậy, việc chính phủ đầu tư vài trăm triệu USD cho các trường Việt-Đức, Việt-Mỹ là các trường có tính hướng nghiệp thay vì nghiên cứu chuyên sâu khoa học, và nhằm vào đào tạo nhân lực cao cho thị trường có phải là hướng đi hợp lý không? Hơn nữa, sinh viên các trường này hầu như chắc chắn sẽ là con em nhà khá giả theo học những ngành thời thượng (tài chính, marketing, computer...). Tuy lợi ích của các trường này là có thể tạo ra một lực lượng nhân lực chất lượng cao cho thị trường tư nhân nhưng những việc đó có thể để khu vực tư nhân làm, vai trò nhà nước nên hạn chế ở mức hỗ trợ vừa phải, chủ yếu về thủ tục, những ưu đãi nhất định về đất đai...Một ví dụ: trường đại học RMIT đã được thành lập hoàn toàn do phía nước ngoài.

Số tiền 200 hay 300 triệu đô-la đó có thể đầu tư vào vài trường trọng điểm về nghiên cứu, tập trung thu hút chất xám và nâng cao môi trường giảng dạy, tạo mức lương cao, đủ để hấp dẫn chất xám (kể cả mời giáo sư nước ngoài). Nhưng muốn vậy phải cải cách triệt để bởi các trường hiện đang tồn tại rất khó tự cải cách với một cơ chế chồng chéo và những di sản từ 30-40 năm trước để lại. Đó cũng là lý do một số nhà khoa học Việt kiều nhiệt tình với mô hình trường đại học chất lượng cao hoàn toàn mới của Việt Nam, nhưng đề án này lại khó khả thi bởi sự chống đối của những trường ĐH sẵn có (vì sợ mất nguồn tài trợ, và có thể mất cả nhân lực giỏi), và cả tính khả thi chính trị (ĐCS e ngại Việt kiều hơn Tây, trí thức Việt kiều chỉ được phép "hiến kế" cho Đảng thôi, còn "quản lý" một trường đại học quốc gia thì e rằng khó được phép).

Một giải pháp có tính dung hòa có thể là tạo một trường đại học nhỏ từ trường đại học lớn hiện có. Ví dụ thành lập 1 trường đại học A với cơ sở vật chất từ ĐHQG và nhân lực tinh tuyển từ nhiều trường đại học khác, mời một số giáo sư Việt kiều và nước ngoài, các TS đã tốt nghiệp ở nước ngoài về (trong vài năm tới sẽ có khá nhiều TS tu nghiệp nước ngoài về VN- những người đi theo diện học bổng VEF và học bổng ngân sách) và một số thạc sĩ ưu tú để hình thành đội ngũ core faculty của trường đó. Chẳng cần tới 100 triệu USD, tôi nghĩ chỉ cần 50 triệu USD, với chính sách và cơ chế linh động cho phép trường có quyền chủ động cao, và mời được một số người giỏi quản lý và thực sự có nhiệt tâm với giáo dục đại học về quản lý thì một trường ĐH có chất lượng cao của Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Và khi có một trường ĐH chất lượng cao thì mô hình đó sẽ dễ dàng có sức lan tỏa sang các trường đại học khác.

2 comments: