Monday, August 11, 2008

Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Chân chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
(Hoàng Nhuận Cầm)

Cuối cùng bác Osin đã có một bài hoành tráng về những sự kiện gần đây xảy ra với báo Tuổi Trẻ và vài tờ khác. Bài này, theo tôi rất thẳng thắn, nhất là đặt vào địa vị bác Osin cũng là một người làm báo, tức là ở trong cái guồng máy "báo chí công cụ" như bác ấy nói.

Có nhiều nhận xét rất sắc và thẳng thắn.

"
Nếu như ở một quốc gia nghèo đói, vực dậy dân trí khó khăn ra sao thì ở một quốc gia chưa có dân chủ, cải thiện quan trí lại là một việc muôn phần nan giải." [Oh, chưa có dân chủ ??? Có mấy nhà báo dám viết blog câu này?].

"Khả năng “chống tham nhũng” của “báo chí công cụ” hiện thời, rất khó có thể chạm tay được vào tham nhũng thật. Sự năng nổ của báo chí, cũng giống như các thanh niên xung phong đứng ở ngã tư, chủ yếu chỉ nhắc nhở được những người ngay và khiến cho những kẻ gian không lộng hành lộ quá."...

Trong bài này, bác Osin cho rằng việc Chính quyền xử lý báo chí thời gian qua là một đòn phản tác dụng, vì thật ra chính tờ báo "cấp tiến" như Tuổi Trẻ mới thực
là tờ có tư tưởng XHCN, và có tác dụng như van giải tỏa các ức chế của nhân dân đối với chính quyền, tóm lại là sự tự do và cấp tiến của các tờ này có lợi cho chính quyền hơn là cho nhân dân. Nhận xét này đúng hay sai thì tôi không biết chắc nhưng có lẽ sẽ khiến một số nhà báo ở báo Tuổi Trẻ sẽ không hài lòng lắm, nhất là những người "làm báo lý tưởng" (chữ dùng trên một bài báo trên BBC của một ký giả tự do) vẫn cho rằng mình làm báo là để đại diện cho nhân dân, mà quên rằng điều 1 Luật Báo chí đặt nhân dân ở sau chính quyền (tức là trong trường hợp có mâu thuẫn lợi ích giữa nhân dân và chính quyền thì nghĩa vụ của báo chí sẽ là phục vụ chính quyền).

(Điều 1 Luật Báo chí: Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội ; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức) ; là diễn đàn của nhân dân").


Những hành động chấn chỉnh "lề bên phải" mà các cơ quan an ninh (chứ không chỉ là cơ quan tuyên huấn như truyền thống) thực hiện thời gian qua không nhằm gì khác ngoài việc cảnh cáo báo chí phải luôn đứng về phía chính quyền và không nên có một ảo tưởng nào khác trong việc này. Chính vì vậy, những người đầu tiên phải bị trừng trị lại là những người có tư tưởng cộng đồng và lý tưởng nhiều hơn cả. Điển hình là Nguyễn Văn Hải và Bùi Thanh. Tôi không có thông tin gì về Nguyễn Văn Hải nhưng qua những dòng mà đồng nghiệp của anh viết về anh thì có vẻ như anh là một người rất lý tưởng, thậm chí có thể là người có lý tưởng cộng sản thực sự (về chức danh trong Đảng là bí thư chi bộ văn phòng miền Bắc báo Tuổi Trẻ), và còn có phần hơi Bolsevik (trong tiếng Việt thời bao cấp và hậu bao cấp, có từ bôn để chỉ những người như vậy). Trong xã hội Việt Nam hiện nay, những người có lý tưởng cộng sản thực sự quả là rất hiếm. Bùi Thanh có lẽ cũng là người làm báo lý tưởng và nếu không phải có tư tưởng cộng sản thì có lẽ cũng gần gũi về mặt tư tưởng với những người theo chủ nghĩa xã hội, như những bài viết và avatar của ông.

Nhưng trong một xã hội hậu cộng sản (post-communist) thì thường sẽ không có chỗ đứng cho những người có lý tưởng thật. Khi Fidel Castro chiếm được Cuba thì cũng là lúc Che Guevara phải ra đi, bởi vì trong một xã hội chuyên chính, cái người ta cần là nguyên tắc và lòng trung thành với chế độ (và lòng trung thành đó thường được ràng buộc bằng quyền lợi), chứ không phải là lý tưởng. Con người như Che, nếu không xa rời lý tưởng của mình và trở thành một ông Trùm thì chỉ có thể là lang thang cho tới chết trong thân phận của người chiến sĩ suốt đời (hay kẻ xúi giục, agitator, suốt đời- tùy góc nhìn). Cũng may cho Che là thời ông còn có thể có nhiều cách mạng giải phóng cần lao nên ông vẫn còn có thể chọn để chiến đấu cho tới chết. Chứ nếu Che sống ở thời hậu-cộng-sản-tiền-tư-bản thì việc từ người hùng sống chiến đấu theo gương ABC vĩ đại mà ông còn được đi bán quảng cáo thì cũng còn là may.

Các xã hội chuyên chính không cần những người hùng dám nghĩ, dám làm một cách độc lập. Người hùng mà những xã hội này cần là những hình tượng như Lôi Phong, tự coi mình chỉ là một con ốc trong bánh xe vĩ đại của chế độ. Người công chức máy móc, nhà doanh nghiệp an phận không kêu ca, viên cảnh sát trung thành không suy nghĩ, nhà lý luận giáo điều nhưng biết "biến báo" theo "định hướng" mới nhất, nhà báo "nhạy cảm" trước ý muốn của nhà cầm quyền và luôn biết đi theo làn đường bên phải 'mới được quy định' (và nếu không may do thay đổi lằn ranh được đi mà phạm luật thì phải nghiến răng chịu đựng coi đó là tai nạn xe cán chứ không được kêu ca)... Đó mới thực sự là hình ảnh những công dân mẫu mực mà chính quyền mong muốn, mới thực sự là những "anh hùng" mà nhà nước cần. Những anh hùng như thế kể ra cũng sẵn, ra ngõ là gặp (sáng mai đi ăn phở, đừng quên ngắm các anh hùng xung quanh bạn!).

+ Một mẩu đối thoại (xin lỗi anh Bùi Thanh nếu anh cảm thấy không vui khi đọc đối thoại như vậy. Thành thật chia sẻ với anh).

A: Bùi Thanh, người sau khi bị cách chức Phó Tổng biên tập Tuổi Trẻ, bị rút thẻ, vừa nhận được quyết định phân công về phòng quảng cáo làm nhân viên phát triển thị trường

B: đọc ở đâu

A: trên blog osin

B: funny, giờ đi bán quảng cáo, nhân dân thương, sẽ mua quảng cáo, công nhận sắp xếp hợp lý.

+ Blast của chị Cây sầu riêng trổ bông (hình như là nhà báo Tuổi Trẻ): "Chỉ khi có thiên tai trang báo mới sôi động lên. Trời đất ơi!"

Chính ra từ blast này còn có thể nói một chuyện khác, đó là việc báo chí từ nay bị cấm trực tiếp quyên góp và hỗ trợ cho đồng bào bị thiên tai mà bị bắt buộc phải thông qua Mặt trận Tổ Quốc. Về vấn đề này, bạn Myselfvn viết ở đây ""phần lớn người dân tìm đến cơ quan báo chí là vì họ tin những đồng tiền của họ sẽ đến được tay những người gặp nạn nhanh hơn, và nhất là không “rơi rớt”... "Cơ quan nhà nước, ở đây là MTTQ VN, nếu muốn lập thành tích tốt hơn trong nhiệm vụ chính của mình là cứu trợ đồng bào, thì việc trước nhất họ phải làm là phải lấy lại được lòng tin của nhân dân, của xã hội bằng chính chất lượng công việc của họ, chứ không phải chặn đứng bàn tay cứu trợ của các lực lượng xã hội khác."

Báo TT cũng mới "xin" được MTTQ đồng ý cho cứu trợ trực tiếp. Các báo khác có vẻ im ắng.


+ Bác Hoàng Nhuận Cầm có tư tưởng đáng tầm triết gia. Muốn sống lâu, làm bồ câu.

8 comments:

  1. osin kh viet the thi se bi dong blog

    ReplyDelete
  2. Anh nhầm, ông Hoàng Nhuần Cầm thì nói "điêu": bồ câu vừa mới ra ràng đã bị cho vào nồi cháo tuốt luốt, chúng chết khi khi còn rất trẻ....

    ReplyDelete
  3. hah, bộ mặt của báo chí vẫn chưa có những thay đổi thực sự sau ngần ấy năm đổi mới, lề bên phải vẫn rất hẹp và kẻ canh chừng vẫn nhăm nhe soi mói.

    ReplyDelete
  4. "bác Osin cho rằng việc Chính quyền xử lý báo chí thời gian qua là một đòn phản tác dụng, vì thật ra chính tờ báo "cấp tiến" như Tuổi Trẻ mới thực là tờ có tư tưởng XHCN"

    Báo Tuổi trẻ là 1 tờ báo lớn và có sức ảnh hưởng, nhưng tuyệt nhiên ko phải là 1 tờ “CẤP TIẾN” theo đánh giá của mình. Chí ít là từ khi mình đọc nó.

    Có lẽ nguyên nhân chính vì sự “communist” thái quá ở những PV và quản lý như Nguyễn Văn Hải, Bùi Thanh…

    Cái sự “communist” quá mức này thể hiện rất rõ ở 2 vụ truyền thông hàng khủng mà Tuổi trẻ dựng nên:

    1 là vụ bơm thổi Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và lý tưởng “tuổi 20”.
    2 là và vụ bốc thơm “Cơ hội Thánh Gióng” của Vũ Minh Khương.

    2 điều này có tác dụng doping cho giới trẻ nhưng phản tác dụng. Chỉ mị dân được những thành giới trẻ (có thể nói) dân trí thấp, còn những người trẻ có trình cao và tư duy độc lập 1 chút, họ thấy phản cảm.

    Trên Tathy có 1 topic nổi tiếng mổ xẻ Vũ Minh Khương… là điển hình cho ví dụ này.

    Với mình, cấp tiến nhất hiện nay là tờ TuanVietNam, SGTT cũng tạm. VieTimes nếu làm khéo và bớt đi cực đoan thì cũng khá.

    ReplyDelete
  5. "Các xã hội chuyên chính không cần những người hùng dám nghĩ, dám làm một cách độc lập. Người hùng mà những xã hội này cần là những hình tượng như Lôi Phong, tự coi mình chỉ là một con ốc trong bánh xe vĩ đại của chế độ.". Cái câu này em ko biết là nên take it negative hay coi như là một lời khuyên mà sống anh nhỉ?

    Một lý do em cho rằng có thể giải thích cho việc này là những xã hội trên đây (Cuba, VN, TQ,... Nga) là collectivistic society. Chẳng phải hẳn vì là chế độ mà là xã hội, con người ở những nước này cũng đã ko cho những cá nhân độc lập một cách nhìn nhận đúng.
    Bản thân em cho rằng XHCN có thể tồn tại được ở VN, TQ những nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử vì tinh thần vùng dậy đấu tranh cho cái tôi ko cao, phần lớn vẫn là những người an phận.
    Hì, mỗi tội bây giờ vẫn còn hình thức của "Cách mạng văn hóa". Mình lên tiếng, nhiều người lên tiếng nhưng cuối cùng có kết quả gì ko nhỉ?

    ReplyDelete
  6. "về phòng quảng cáo làm nhân viên phát triển thị trường": tin này cũ rồi anh.
    Chính xác thì anh BT sẽ không "đi bán quảng cáo" như anh nói đâu! :D

    ReplyDelete
  7. Yup, chế độ toàn trị không cần những con người cách mạng, chỉ cần những công chức thừa hành. Che Guevara đi xuất khẩu cách mạng nên còn được làm liệt sĩ. Chứ ở lại trong nước mà cãi lại Castro là biết nhau ngay. Đối chiếu: Bành Đức Hoài dám phê bình chủ trương "đại nhảy vọt" của Mao Trạch Đông (dù "góp ý với tinh thần xây dựng") vẫn bị Mao đấu tố ngay vì nghi ngờ mưu toan chiếm quyền.

    @no9blue:
    Bạn có lý. Thực ra KHÔNG PHẢI NGẪU NHIÊN mà cách mạng xã hội chủ nghĩa không xảy ra ở những nước tư bản phát triển, mà lại thành công ở những nước tư bản mới chớm như Nga, thậm chí ở những nước phong kiến Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ. Chế độ chuyên chế phong kiến mà mảnh đất tốt cho chế độ toàn trị.

    ReplyDelete
  8. Đọc bài này thấy được an ủi phần nào. Trước giờ tôi cứ thấy nhục nhục, hèn hèn, hóa ra tại mình thôi

    ReplyDelete