Tuesday, August 26, 2008

Entry for August 26, 2008

Vietimes dạo này có truyền thống dịch từ sách báo Tàu các bài xét lại lịch sử, có bài có ý được, có bài không. Nhưng bài lật lại vụ Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nho này thì non quá.
Bài này không dẫn nguồn từ Sử ký hay nguồn nào khác, nêu vụ việc Tần Thủy Hoàng chôn "đạo sĩ":
Đốt sách chôn Nho: Tội đâu phải ở Tần Thủy Hoàng (Phần II)

"Tần Thủy Hoàng hạ lệnh, tất cả những đạo sĩ còn ở lại Hàm Dương và cả những đạo sĩ đã dời khỏi Hàm Dương đều bị tầm nã, bắt về quy án, tống giam vào một chỗ. Dưới sự đánh đập tra tấn, các đạo sĩ vì muốn tránh tội đã cáo giác, vu khống lẫn nhau. Sau khi tra xét, có hơn 460 người phạm tội, đều đem chôn sống ở Hàm Dương, làm gương cho thiên hạ.

Sự kiện đó, đời sau gắn với việc đốt sách hợp thành một câu “đốt sách, chôn Nho”. Nhưng nghiên cứu nguồn gốc của nó, có thể nói việc chôn Nho thực chất chỉ là một lần thanh lý toàn thể đối với đội ngũ đạo sĩ mà thôi. Hơn 460 người bị chôn sống này đều là những đạo sĩ chuyên xem sao đoán sô, luyện đan dược, hoàn toàn không phải là học trò hay Nho sĩ. Tư Mã Thiên trong thiên Nho lâm liệt truyện của Sử ký có nói rõ rằng: “Đến cuối đời Tần, đốt Thi Thư, chôn đạo sĩ”. Có thể thấy, về căn bản không có việc chôn Nho sinh."

Lạ là bài này trích dẫn từ thiên Nho lâm liệt truyện của Sử ký nhưng lại bỏ qua Tần Thủy Hoàng Bản ký trong Sử ký, trong đó nhắc chính xác tới sự kiện "chôn Nho sĩ". Trừ khi hoặc Phan Ngọc bịa ra trong bản tiếng Việt, hoặc tác giả bài viết chứng minh được là Tư Mã Thiên bịa ra "chôn nho" trong khi thực ra là "chôn đạo sĩ", còn thì rõ ràng là bài này áp đặt, tác giả thậm chí còn không nêu nguồn cho luận cứ "chôn đạo sĩ" của mình.

Sử ký, bản dịch của Phan Ngọc

"Hai người [Hầu Sinh, Lư Sinh] bèn bỏ trốn. Thủy Hoàng nghe nói họ bỏ trốn thì nổi giận nói:
- Trước đây ta thu các sách trong thiên hạ, sách nào không dùng được thì bỏ đi, sai triệu tập tất cả những người có văn học và những phương sĩ, thuật sĩ rất đông, muốn làm cho thiên hạ thái bình. Ta triệu tập bọn thuật sĩ là muón họ tìm thuốc lạ, nay nghe nói bọn Hàn bỏ đi không báo với ta, bọn Từ Phúc làm ta tốn kém hàng ức vạn, nhưng cuối cùng vẫn không đuợc thuốc, ngày ngày chỉ nghe chúng nói với nhau về việc tham lợi riêng của chúng. Bọn Lư Sinh được ta tôn quý, thửong cho rất nhiều nhưng lại phỉ báng ta để làm nặng điều sai lầm của ta, bọn nhà Nho ở Hàm Dương được ta sai người hỏi thì có kẻ đặt ra những lời nói nhảm để làm loạn bọn "đầu đen".

Bèn sai ngự sử xét tất cả các nhà Nho. Các nhà Nho tố giác lẫn nhau, có hơn 460 người phạm điều đã cấm. Thủy Hoàng sai chôn sống tất cả ở Hàm Dương, báo cho thiên hạ biết điều đó để làm răn. Sau đó lại sai đày ra biên giới nhiều người bị tội để đi thú."

Đoạn trên của Sử ký cũng có lời tâu của Lý Tư (được Tần Thủy Hoàng chấp nhận): "Trừ những người làm chức bác sĩ, ai cất giấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà thì đều đem đến các quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thi, Kinh Thư thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ."

Như vậy hẳn không ít nhà Nho đã bị chém vì lệnh cấm này. Cũng chú ý là chữ "chôn Nho" thực ra mang tính hình tượng để chỉ việc giết Nho sĩ của Tần Thủy Hoàng. Trong Sử ký ghi lại hơn 460 người bị chôn sống, nhưng số bị giết hại (chém giữa chợ, giết cả họ) do vi phạm lệnh cấm theo pháp lệnh của Lý Tư (từng là đệ tử của bậc đại nho Tuân Tử!) hẳn còn hơn thế nhiều.

22 comments:

  1. Mình nghĩ là cũng nên xem nguồn tài liệu dịch đáng tin cậy ở mức độ nào. Không phải cứ là tiếng Tàu thì nói cái gì về Tàu cũng đúng, cũng là chân lý. Các tài liệu dịch thường dùng trong biên khảo để so sánh đối chiếu với các nguồn khác, chứ chỉ dựa vào một nguồn thì dễ xảy ra ngộ nhận hoặc võ đoán.

    ReplyDelete
  2. Với xì-tai này, em nghĩ là nên giới thiệu những bạn đang học Analytical Writing của GRE vào đọc blog anh Linh cho tư duy phản biện thêm phần "đậm đà" nhỉ ;). Cheers.

    ReplyDelete
  3. Tôi là người dịch bài viết này. Ngẫu nhiên đọc được ý kiến của bạn nên muốn trao đổi một chút.
    1. Trong nguyên tác Sử ký của Tư Mã Thiên chỉ dùng chữ "chư sinh" chỉ những kẻ học trò chứ không ghi là nhà Nho hay Nho sĩ.Chuyện chuyển thành hai chữ nhà Nho là do cụ Phan Ngọc cụ ấy bịa ra mà thôi.
    2.Chư sinh dù với nghĩa là học trò thì ở đây cũng không có nghĩa là Nho sĩ.Bởi vì nếu hiểu là Nho sĩ thì nó không ăn nhập gì với đoạn trên. Khi Tần Thủy Hoàng đang rất phẫn nộ với những Từ Phúc, Lư Sinh, Hầu Sinh... là những đạo sĩ đang giúp ông ta tìm thần dược trường sinh thì chẳng có lý gì ông ta lại với vào các nhà Nho cả. Chư sinh ở đây, do đó chỉ hàm ý chỉ những đạo sĩ đang tụ tập ở Hàm Dương để lừa tiền Tần Thủy Hoàng mà thôi.
    3. Một điểm nữa để khẳng định "học trò" ở đây không phải là Nho sĩ mà là đạo sĩ là vì trước khi sự kiện này diễn ra, thì đã xảy ra việc đốt sách.Bạn cũng đọc rất rõ trong lệnh đốt sách thì Kinh Thi, Kinh Thư và sách của chư tử đều bị đốt chỉ còn lại sách về phương thuật, y dược(về mặt quan phương). Như vậy những "kẻ học trò" ở đây có học cũng không phải học Nho mà là học các sách phương thuật. Việc Tần Thủy Hoàng gọi các đạo sĩ khi đó đang tụ tập ở Hàm Dương hiến kế tìm thuốc trường sinh là "chư sinh" (bọn học trò) hoàn toàn không có nghĩa là bọn nhà Nho.
    4. Nếu nói chôn Nho tại sao Tần Thủy Hoàng chỉ chôn 460 người. Vậy thì ít quá. Sao lại có chuyện "các nhà Nho cáo giác lẫn nhau". Bạn đã bao giờ tự hỏi các nhà Nho các giác lẫn nhau là các giác tội gì chưa? Xin thưa, rất rõ ràng là họ cáo giác nhau về việc đã lừa phỉnh Tần Thủy Hoàng như thế nào về chuyện tiên dược, là đã tung tin phê phán Tần Thủy Hoàng về nền chính trị của ông ta ra sao.460 người ở đây là 460 người có liên quan đến bọn Từ Phúc, Lư Sinh, Hầu Sinh tức là 460 đạo sĩ. Như vậy làm sao nói Tần Thủy Hoàng chôn nho sĩ được.
    Trao đổi với bạn vậy nhé! Sắp tới tôi sẽ dịch một bài chứng minh rằng Tần Thủy Hoàng không những không phải bạo chúa mà là ông vua sáng nhất trong lịch sử TQ. Bạn ủng hộ nhé!

    ReplyDelete
  4. Lạnh đốt sách sưởi thì được. Đừng chôn nho chứ, nho còn xanh lắm, để cho chín.

    ReplyDelete
  5. Cái kẻ làm vương mà còn tự xưng hoàng đế thì cũng nhiều nỗi cô độc. Chắc Tiểu Vũ cũng xem phim "Anh hùng" nên thấu thêm chút tư tưởng Tàu của việc "thống nhất thiên hạ" phỏng ạ?
    Xưa nay, khi đụng tới đại sự mà xem lại thì người ta hay mang việc khu sử giữa người với người ra để tham chiếu.
    Chuyện còn dài

    ReplyDelete
  6. @Tiểu Vũ: mình không đồng lắm với bài dịch này của bạn nhưng lại khá hứng thú với bài dịch sắp tới của bạn. :))

    ReplyDelete
  7. Em có vài ý, không bắt các bác đọc dài, trích ra đã dài rồi, bác nào có hứng đọc đầy đủ, thêm ý có thể vào đây: http://tnxm.net/showthread.php?t=6814&page=21

    1. Có thể tóm tắt thứ năng lực chính nghĩa, nhân đạo đáng ca ngợi nhất là:

    + Không mong muốn chiến tranh
    + Dám xả thân bảo vệ người khác
    + Tìm mọi cách để giảm thiểu thương vong
    + Tìm mọi cách để sớm chấm dứt chiến tranh
    + Vì biết chiến tranh khổng lồ, năng lực chống lại nó của cá nhân là nhỏ bé nên trong cái "tìm mọi cách ấy", chắc chắn phải có việc trở thành những con người ở dạng thứ 2 nêu trên. Hoặc nếu là người phải trực tiếp chiến đấu thì phải có mong muốn liên kết với những con người ở dạng thứ 2 đó ở khắp mọi nơi.
    + Và bằng những cái thiện tâm, năng lực bản thân và đặc biệt là mong muốn liên kết kia, họ sẽ tiếp tục phát huy chúng để quần chúng sướng hơn trong thời bình. Quần chúng không ai bắt, xui cũng sẽ ca ngợi đó là chính nghĩa, thiện tâm vì làm lợi cho họ trông thấy (dù nhân vật được ca ngợi có khoái được ca ngợi hay không).

    Tất nhiên là bên cạnh chính nghĩa, nhân đạo thì có vô số năng lực cá nhân khác đáng hâm mộ: Năng lực nghệ thuật, năng lực kinh doanh, năng lực bốc phét, năng lực tình dục...

    Thấy các bác đem các vip trên thế giới ra so sánh em muốn đưa ra 1 số gợi ý như trên để các bác có những hệ quy chiếu, thước đo cụ thể.

    Các bác có thể khen vip này đánh nhau giỏi, nướng quân siêu, tướng mạo ngon, có hệ thống truyền thông mạnh xung quanh, diệt được nhiều trí thức nhất...

    Còn khi ca ngợi vip nào là cao cả, nhân văn, tầm vóc tư tưởng thì các bác hãy tick vào các dấu + ở post trên và kê tỷ mỷ xem vip được ca ngợi thực hiện cái tiêu chí đó ở level bao nhiêu.

    Đấy là việc của tính khách quan và chính xác.

    ReplyDelete
  8. 2. ...quá khứ rất nhằng nhịt và tam sao thất bản, nhất là ở những chỗ không có hệ thống lưu trữ tốt, trung thực.

    Nếu để học thuật cho ra học thuật thì có khi 1 câu tài liệu lấy từ quá khứ phải có cả nghìn chú thích cho việc nó chính xác đến đâu, xác suất chính xác của nó là bao nhiêu; và quan trọng nhất, nó nằm trong bối/ngữ/văn/hoàn cảnh nào Việc này không hợp với những người viết sách giật gân và sự nghiệp đọc của người chỉ ưa cái giật gân. Cái này gọi là 2 đứa tác giả và độc giả tự sướng với nhau, làm thành chuỗi cung cầu khoái lạc trọn vẹn, đếch có tri thức hay nhu cầu chân lí gì sất.

    Không phải cứ làm sáng tỏ được quá khứ (có khi không bao giờ sáng tỏ được, luôn đầy oan khuất) thì mới sống tốt hay nhận thức được nhiều mảng của hiện tại.

    Nhưng vẫn nên làm sáng tỏ quá khứ vì 3 lẽ:

    + Cớ gì không thử sức tiếp cận 1 thực tế khó.
    + Làm dịu những nỗi oan (dù không tiếp cận khéo lại làm rộ lên những nỗi oan khác)
    + Có thể nhận thức được nhiều mảng của hiện tại mà không cần biết quá khứ. Nhưng nếu biết, sẽ nhận thức được mảng to hơn, hiểu hơn nhiều điều để phát triển hiện tại.

    Nhưng đừng để nó tạo ra thêm hận thù hay rối loạn, trói buộc. Ví dụ như một thanh niên Trung Quốc chỉ dùng hàng nội, hãnh diện vì truyền hình nước mình Hán hóa hết các tên cầu thủ giải Ngoại hạng Anh và tự hào ông cha mình đô hộ Việt Nam một ngày đẹp trời bỗng hoảng loạn vì phát hiện người cụ tổ mình lấy làm hãnh diện vì tài thư pháp là con của một người Việt. Người Việt đó đã bị một cô gái Trung Quốc tài sắc nổi tiếng đương thời cưỡng bức. Cô gái Trung Hoa (@ Sỹ Luân - Lương Bích Hữu) chấp nhận bị gia đình ruồng bỏ vẫn tiếp tục chạy theo cưỡng bức người trai Việt vì anh ta có một con chim họa mi vặn dây cót ra bài "We will rock you" của Mỹ. Đây là một câu chuyện có thật: "Chim họa mi" (An đéc xen)

    Em nghĩ, thuốc cho người thanh niên này, và cho những người thanh niên điên cuồng vì lịch sử (mà bản thân không hề tạo ra) là làm quen với vô số khái niệm hiện sinh.

    ReplyDelete
  9. @Tiểu Vũ: Tôi không biết tiếng Hán lẫn tiếng Hoa nên chịu không thể check được rằng có phải Phan Ngọc dịch sai Sử ký không. Nếu quả vậy thì đó là một vấn đề rất đáng bàn vì Phan Ngọc được coi là cây cổ thủ trong ngành ngôn ngữ-văn hóa học.
    Những luận điểm của bạn và của tác giả bài viết vẫn thuần túy là suy diễn, trong bài viết tôi không thấy nêu rõ nguồn tin.
    Bạn có thể dịch lại đoạn trong Sử ký bàn về việc 460 "Chư sinh" bị giết không (nếu bạn biết cả chữ Hán)?
    Cũng nói thêm, tôi nghĩ khái niệm "Nho sinh" thời Tần khác so với sau này. "Nho sinh" thời Tần đơn giản là học trò, có thể đọc rộng nhiều sách cả Mặc, Lão, Trang, Dương, Liệt, Huệ, Trâu... chứ không chỉ giới hạn trong sách Khổng-Mạnh-Tuân-Tử Tư. Nhưng giữa đạo sĩ tìm thuốc thần tiên và học trò là hai phạm trù khá khác nhau. Hơn nữa, trong số học trò thì rõ ràng những người theo Nho giáo bị nghi kỵ nhất, như trong lời tâu của Lý Tư với những kẻ đọc sách, chứa sách Thi Thư và lấy Thi Thư ra để gièm pha chính sự.

    ReplyDelete
  10. Các bạn Tàu mấy năm lại đây có xu hướng ca ngợi các bạo chúa, thậm chí còn chứng minh họ là minh quân. Đó là tâm thức của nước Tàu, giết 1 triệu hay 10 triệu hay 100 triệu mạng cũng không là vấn đề gì, nghĩa là đạt được mục đích to tát, hoặc chí ít cũng làm được cái gì đó. Các bạn Việt nên cẩn thận với trò này của các bạn Tàu.

    ReplyDelete
  11. Dùi ui, vừa hay có phóng viên của Vietimes ở đây, bác cho em góp ý mấy nhời.

    Thứ nhất, cụm từ 焚書坑儒(phần thư khanh nho) đã thành điển cố trong lịch sử. Bác có thể google xem bao nhiêu trang của Tàu nhắc đến vấn đề này. Wikipedia tiếng Trung có đoạn: Năm 212 trước CN, Tần Thủy Hoàng giết hơn 460 danh nho và phương sĩ ở Hàm Dương, sử gọi là "khanh nho". Như vậy có thể khẳng định là Phan Ngọc dịch không sai. Có chăng người đọc (trong đó có bác) hiểu sai khái niệm nho mà thôi. Từ điển giải nghĩa chữ Nho như sau:

    1. (Danh) Thuật sĩ ngày xưa, chỉ chung những người có kĩ năng hoặc kiến thức đặc thù.
    2. (Danh) Học giả, người có học thức.
    3. (Danh) Đạo Nho, tức học phái do Khổng Tử khai sáng.

    Như vậy có thể thấy nho (hay nhà nho, hay nho sinh) không nhất thiết phải là người theo Nho giáo, điều này lại đặc biệt đúng khi đặt vào bối cảnh bách gia tranh minh thời tiền Hán. Em chẳng phản đối chuyện trường giang sóng sau xô sóng trước, bác có thể chỉ ra cái sai của tiền nhân em rất hoan nghênh. Có điều muốn đốt đền thì cũng nên tìm hiểu cho kỹ lưỡng, và nhất là tự lượng sức mình, kẻo người ta cười là kiến thức đã hẹp hòi lại còn hỗn láo.

    Thứ hai, em nghĩ nghề báo trước hết là viết chứ không phải dịch. Những tờ báo hàng đầu thế giới đều có đội ngũ viết hùng mạnh, em chửa thấy tờ nào có đội ngũ dịch hùng mạnh cả. Trong bụng anh chẳng có gì ra hồn để mà nói thì mới phải đi dịch của thiên hạ. Nếu Vietimes muốn dương danh giang hồ thì nên tự mình viết cái gì đó hay ho (sử Việt Nam thiếu gì cái đáng bàn?) chứ đừng vì thiếu bài mà sang đào mỏ tận bên Tàu. Tất nhiên trong bối cảnh khan hiếm thông tin và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế của độc giả nước nhà thì dịch cũng quý, em không dám nói là không. Nhưng dù có dịch thì cũng cần đầu óc thẩm định. Chứ dựa vào những gì quý báo đã đào thì em thấy cát nhiều mà vàng ít đấy. Điển hình như bài về Triệu Vân hôm nay. Chuyện Triệu Vân là đàn bà, vừa phá vây vừa cho A Đẩu bú nên cháu nó không khóc, em nghĩ là mang tán nhảm ngoài quán bia thì được, chứ đem lên một tờ đức cao vọng trọng như Vietimes thì hình như là không hợp lắm bác ạ.

    ReplyDelete
  12. Tôi nghĩ cugnx cần có một góp ý nữa với Vietimes là các bạn cần ghi rõ nguồn các bạn dịch, ví dụ nếu dịch từ một bài nào đó của tác giả nào đó trên China.com thì ghi rõ ra chứ ghi như thế này (Hy Văn (Vietimes) dịch từ China.com) thì ai biết đâu mà lần? Còn nếu tổng hợp từ nhiều bài thì ghi là tổng hợp.

    ReplyDelete
  13. Trao đổi từng người một nhé:D.
    @Linh:
    Đây là nguyên văn về đoạn chôn 460 thuật sĩ trong thiên Tần Thủy Hoàng bản kỷ:

    始皇闻亡,乃大怒曰:“吾前收天下书不中用者尽去之。悉召文学 方术士甚觽,欲以兴太平,方士欲练以求奇药。今闻韩觽去不报,徐市等费以巨万 计,终不得药,徒奸利相告日闻。卢生等吾尊赐之甚厚,今乃诽谤我,以重吾不德也。 诸生在咸阳者,吾使人廉问,或为訞言以乱黔首。”于是使御史悉案问诸生,诸生传相 告引,乃自除犯禁者四百六十余人,皆坑之咸阳,使天下知之,以惩后。益发谪徙边。

    Tôi xin dịch như sau:

    Thủy Hoàng nghe nói họ bỏ trốn thì nổi giận nói: “Trước đây ta thu các sách trong thiên hạ, sách nào không dùng được thì bỏ đi. Sai triệu tập tất cả những người có văn học và những phương sĩ, thuật sĩ rất đông, muốn làm cho thiên hạ thái bình. Ta triệu tập bọn thuật sĩ là muốn họ tìm thuốc lạ, nay nghe nói bọn Hàn bỏ đi không báo với ta, bọn Từ Phúc làm ta tốn kém hàng ức vạn, nhưng cuối cùng vẫn không đuợc thuốc, ngày ngày chỉ nghe chúng nói với nhau về việc tham lợi riêng của chúng. Bọn Lư Sinh được ta tôn quý, thưởng cho rất nhiều nhưng lại phỉ báng ta, làm nặng điều sai lầm của ta.
    Bọn nhà học trò ở Hàm Dương được ta sai người hỏi thì có kẻ đặt ra những lời nói nhảm để làm loạn bá tánh.
    Bèn sai ngự sử xét hỏi tất cả bọn học trò. Bọn học trò này tố giác lẫn nhau, có hơn 460 người phạm điều cấm, chôn sống ở Hàm Dương, báo cho thiên hạ biết để làm răn về sau. Những người liên quan bị đày ra biên giới.

    -Nếu đối chiếu với phần bạn trích trong bản dịch sử ký của Tư Mã Thiên của Phan Ngọc. Có thể thấy là cụ Phan Ngọc đã chuyển hai chữ "chư sinh" trong nguyên văn thành “nhà Nho”. Như thế rõ ràng là sai. Vì “chư sinh” (học trò) không thể đồng nghĩa với nhà Nho được. Linh cũng nói rằng, thời đó học trò không chỉ là học mỗi Nho giáo phải không.
    Tôi cũng biết cụ Phan Ngọc là cây cổ thụ. Nhưng cây cổ thụ thì không có nghĩa là không có những lá sâu lá thối, cành khô cành mọt. Cụ Phan Ngọc rất uyên bác. Điều này ai cũng công nhận cả. Có những công trình mà cho đến nay ở Việt Nam chỉ mình cụ dám dịch và dịch được. Nhưng điều đó không có nghĩa cụ là thánh thần, cái gì cũng đúng. Cũng có rất nhiều chỗ cụ làm chưa tốt, còn cực đoan và sai lầm.
    Ở đây Phan Ngọc dịch hai chữ “chư sinh” trong nguyên tác thành hai chữ “nhà Nho” có lẽ cũng là do nhận định “phần thư khanh Nho” đốt sách chôn Nho đã trở thành một điển tích rất phổ biến. Cụ cứ thế dịch cho nó thuận mà thôi.
    -Việc nguồn trích thì chỉ bài nào tôi dịch tôi cũng có ghi rất rõ là bài này được trích từ cuốn sách nào của tác giả nào, xuất bản tháng mấy, năm bao nhiêu, nhà xuất bản nào. Những bài mà không được trích từ sách thì tôi chỉ có thể ghi tên các website. Nhưng chuyện đó không có nghĩa gì là mù mờ về thông tin cả. Vì biên tập ở VT bao giờ cũng check nguồn trước khi sử dụng bài. Chuyện này bạn có thể yên tâm. Hơn nữa, nếu có ghi rõ là tổng hợp, hay ghi tên tuổi tác giả bài viết và tác phẩm của ông ta (rất nhiều bài tôi đã làm như vậy), thì nói thật, bạn cũng chẳng biết lần đường nào cả đâu.

    ReplyDelete
  14. @Nghe chửa
    Trước khi trao đổi với bạn tôi xin đính chính một số điều sau:
    1.Tôi không phải phóng viên Vietimes.
    2.Tôi không nghĩ Vietimes là một tờ báo “đức cao trọng vọng” như bạn nói.
    3.Tôi không phải là tác giả của bài viết mà chỉ là người dịch bài viết đó mà thôi. Mặc dù tôi không phủ nhân là tôi đồng tình với tác giả bài viết ở nhiều điểm và tôi tranh luận với Linh cũng trên quan điểm đó.
    Bây giờ tôi sẽ trao đổi với bạn:
    -Bạn Nghe chửa (cái tên chửa nghe bao giờ:D) nói cũng rất đúng. Từ “nho” không chỉ có nghĩa là chỉ những người theo Nho giáo. Nhưng trong nguyên tác của Tư Mã Thiên (bạn biết tiếng Trung có thể tự đọc) có nhắc đến chữ “nho” nào đâu. Do vậy ở đây chẳng có ai (ngoài bạn) hiểu sai khái niệm nho ở đây cả.
    Nếu xem đoạn dịch phía trên của tô, bạn có thể thấy cụ Phan Ngọc không những bịa ra chữ nhà nho mà còn viết hoa chữ Nho. Chữ "nhà Nho" của cụ Phan Ngọc có ai đọc mà không hiểu là những người theo Nho giáo. Không lẽ lại phải cầm một cuốn từ điển chữ Hán theo để chú thích rằng: tao dùng Nho ở đây là chỉ thuật sĩ và những kẻ học trò đấy nhé. Không phải là những người theo Nho giáo đâu? Như thế chẳng nực cười lắm sao?!
    Cũng khuyên bạn nên cẩn trọng khi khuyên người khác kẻo người ta lại cười cho là ngu dốt mà không biết thế nào là dựa cột.
    -Bây giờ sẽ tôi sẽ bàn đến nghề báo (Tôi phải nhắc lại tôi không phải là phóng viên Vietimes). Khi tôi dịch bài cho VT, có hai yêu cầu đối với việc chọn bài. Một là thông tin phải mới. Hai là thông tin không cần quá nặng về học thuật. Ba là có nguồn chính thống (để tránh những vấn đề chính trị). VT không phải là một trang báo học thuật. Đó là điều chắc chắn. Nhiệm vụ của bất cứ tờ báo nào là cập nhật thông tin và đưa ra vấn đề. Do đó những bài viết thuộc loại này chỉ có nhiệm vụ đưa ra thông tin rằng: Ở Trung Quốc người ta đang bàn về vấn đề này và họ bàn như thế này đây. Bạn nói rất đúng rằng những quan điểm trong số bài viết này cũng vàng thau lẫn lộn. Nhưng điều đó không hề ảnh hưởng gì đến VT cả. Chuyện đúng sai, phải quấy ra sao, đó là quyền của người đọc. Nhiệm vụ của VT, một tờ báo là đưa thông tin, nêu vấn đề. Tôi nghĩ rằng theo góc nhìn đó, VT đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
    Bạn có vẻ xem thường việc dịch. Tôi xin nói thẳng với bạn là tôi hoàn toàn có thể làm một thao tác rất đơn giản là đọc bài viết đó từ trang web của Trung Quốc và viết lại theo cách của tôi dựa trên những ý tưởng của họ. Nhưng nói thật là tôi chúa ghét mấy bố làm khoa học ở VN, tóm được một cuốn sách hay của anh Tây hay anh Tàu rồi dịch ra và đề tên mình là tác giả. Hơn nữa việc dịch như tôi đã nói là phục vụ cho mục đích cập nhật thông tin mà VT đưa ra. Nếu tôi có viết những bài loại này, chưa chắc họ đã sử dụng bài của tôi.
    Cũng xin nói rõ là tất cả những bài tôi dịch đều được đảm bảo là nguồn tin chính thống: Trên các website đã được cấp phép hoặc bài được trích từ các sách đã được xuất bản. Tôi đã nói đây cũng là một nguyên tắc của VT. Cho nên dù nó có giống một cuộc bàn luận ở quán bia như bạn nói, nhưng có thông tin mới tôi nghĩ là vẫn có thể dịch được. Bởi vì xin nhắc lại là nhiệm vụ của một tờ báo như VT là cập nhật thông tin. Vậy thôi.
    Bạn nói trong lịch sử VN còn rất nhiều vấn đề đáng phải bàn bạc phải không? Nếu bạn có hứng thú và không đến mức thuộc loại “bụng dạ chẳng có gì ra hồn” thì bạn có thể viết. Tôi sẽ cho bạn địa chỉ của ban biên tập VT để gửi bài. Vừa có tiếng nói vừa có xu tiêu. Phỏng?

    ReplyDelete
  15. He he bác cứ làm khó em, khiến em cũng phải chơi trò trích sách. Trước tiên em phải cảm ơn bác đã trích đoạn trên, để đến lượt em google nó thật là đại tiện. Nếu bác chịu khó đọc Thủy Hoàng bản kỷ thì có mấy đoạn thế này (em để âm Hán Việt cho các bác tiện đọc):

    1. Kim bệ hạ sáng đại nghiệp, kiến vạn thế chi công, cố phi NGU NHO sở tri. Thả Việt ngôn nãi tam đại chi sự, hà túc pháp dã? (em lược 2 câu không liên quan cho đỡ rườm). Kim CHƯ SINH bất sư kim nhi học cổ, dĩ phi đương thế, hoặc loạn kiềm thủ... Đây là lời tâu của Lý Tư.

    Cụ Phan dịch: Nay bệ hạ lần đầu tiên làm nên nghiệp lớn,dựng lên cái công vạn đời, đó không phải là điều bọn nhà Nho ngu ngốc biết được. Vả chăng, điều Thuần Vu Việt nói là những việc của thời Tam Đại, làm sao có thể đủ cho ta bắt chước?... Nay các Nho sinh không theo thời nay mà học thời xưa để chê bai thời nay làm cho bọn “đầu đen” rối loạn...

    2. Thủy Hoàng trưởng tử Phù Tô gián viết "Thiên hạ sơ định, viễn phương kiềm thủ vị tập, CHƯ SINH giai tụng pháp Khổng Tử, kim thượng giai trọng pháp thằng chi, thần khủng thiên hạ bất an, duy thượng sát chi."

    Cụ Phan dịch: Con cả của Thủy Hoàng là Phù Tô can rằng "Thiên hạ mới được bình định. Những kẻ “đầu đen” ở phương xa vẫn chưa theo ta. Các nho sinh đều học theo Khổng Tử, nay bệ hạ dùng theo pháp luật nặng để trói buộc họ thì thần sợ thiên hạ không yên, xin bệ hạ nghĩ đến điều đó."

    Từ đoạn 1, có thể thấy trong lời tâu của Lý Tư, "ngu nho" và "chư sinh" kỳ thực là một, và Thuần Vu Việt chính là nhân vật đại biểu của ngu nho/chư sinh bị Lý Tư công kích. Nếu bác giở lại Sử ký sẽ thấy cụ Phan còn chú trước đó vài đoạn rằng: "Câu này chứng tỏ Thuần Vu Việt đã theo đạo nho."

    Từ đoạn 2, có thể thấy "chư sinh" mắc vào vụ án khanh nho là những người "học theo Khổng Tử." Đã là người học theo Khổng Tử thì gọi là nho sinh hay nhà nho, viết hoa hay viết thường, tưởng cũng không sai lắm nhỉ?

    Đây là một đoạn rất trọng yếu trong Thủy Hoàng bản kỷ, tuy ngắn, nhưng bố cục rất có hệ thống, các đoạn liên hệ chặt chẽ với nhau. Bác em đọc một câu mà đã vội vàng khẳng định trong Sử ký không có chữ nho nào, rằng cụ Phan dịch sai, em thấy có phần hơi vội. Chỉ trích thì dễ, chỉ trích sao cho kín võ mới khó. Cười người thì ai cũng cười được, quan trọng là ai cười được cuối cùng thôi bác ạ.

    Nói sang chuyện báo và dịch. Thứ nhất em xin khẳng định em không coi thường nghề dịch, ngược lại là đằng khác. Vì em cũng là thằng dịch. Em không hề đánh giá thấp công sức dịch thuật của bác. Nhưng em coi thường cái chính sách bài vở này của Vietimes. Báo chí đại chúng phải hoạt động bằng nội lực, bằng cái tự mình viết ra. Nếu không viết được gì nên hồn, phải đi vay mượn bên ngoài để làm sang cho mình, thì cho dù có chép lại cái hay đến đâu cũng chỉ là tờ báo tồi. Đằng này có những cái còn chẳng ra gì. Nếu VNN là tạp chí chuyên ngành thì lại hoàn toàn khác, tư liệu dịch không những cần thiết mà còn đặc biệt quan trọng. Chỉ tiếc rằng không phải. Một tờ báo đại chúng có đông độc giả như VNN, một chuyên mục được ưu ái như Vietimes, lẽ ra phải nói những cái đáng nói hơn (với người Việt). Chẳng hạn như đánh giá lại vai trò của nhà Mạc, nhà Nguyễn. Những chủ đề như thế xứng đáng có vị trí trên báo chí VN hơn là mấy chuyện Ngụy Diên phản chủ, Thủy Hoàng chôn nho.

    Em xin hết ạ.

    ReplyDelete
  16. 1.Tôi cũng phải cảm ơn Nghe chưa vì đã in rất to những chữ cần thiết để tôi có thể đại tiện:D.

    2.Tôi không nói trong toàn bộ Sử ký không dùng chữ nho nào. Nói thế thì rõ ràng là ngu ngốc. Câu của tôi ở trên chỉ có ý là trong đoạn tôi trích dẫn đó không có chữ nho nào mà cụ Phan Ngọc lại dịch thành hai chữ nhà Nho.

    3.Mặc dù phần trích của bạn gọi là "một đoạn" nhưng lại phải đánh số 1-2.Thật ra đây không phải là một đoạn. Sử ký là một cuốn sử và phần bản kỷ này được viết theo lối biên niên. Tần Thủy Hoàng bản kỷ cũng không ngoại lệ.Do vậy ở đây không có bố cục gì đặc biệt hệ thống và chặt chẽ ngoài những sự việc được viết theo lối biên niên.Hai đoạn bạn trích, một đoạn là lời tâu của Lý Tư là thuộc năm 34 Thủy Hoàng. Còn đoạn thứ hai là sự việc của cuối năm 35 Thủy Hoàng. Bạn cũng rõ là hai đoạn này không phải liền nhau (mặc dù về số năm là như vậy) mà ở giữa vẫn còn một đoạn khá dài nói về việc xây dựng cung A Phòng và đắp núi Ly Sơn. Tiếp đó lại đến một đoạn Lư Sinh lừa bịp Tần Thủy Hoàng có ma quỷ ngăn trở việc cầu tiên dược.Như thế đây là hai sự việc khác nhau và do đó không thể đánh đồng theo kiểu "bố cục hệ thống và các đoạn liên kết chặt chẽ với nhau" như cách của bạn được.

    4.Ngay cả khi chấp nhận sự "liên kết chặt chẽ" theo cách bạn nói thì "ngu nho" và "chư sinh" cũng không đồng nghĩa với những người theo Nho giáo hay bạn gọi là "nhà Nho" và "Nho sinh" được.Lý do là: Thứ nhất, theo cách giải thích từ nho mà bạn dẫn ra trước đó, "nho" hoàn toàn không chỉ mang nghĩa là nho giáo. Nếu vội quy kết hai chữ "ngu nho" ở đây có nghĩa là những "người học theo Khổng Tử" thì không chỉ cụ Phan vội vàng mà bạn cũng quá hấp tấp rồi. Ở thời đó, "nho" có nghĩa là những người đi học, những người có học.Nghĩa Nho giáo là nghĩa phái sinh sau này. Còn học gì? Thì tôi đồng ý rằng không chỉ là học Khổng Tử.Do vậy "ngu nho" mà dịch là "bọn nhà Nho ngu ngốc" là không hẳn. Hơn nữa, tư tưởng của Khổng Tử thời tiền Hán chưa thể phổ biến quá sâu rộng được.Lý thuyết của cụ Khổng vào thời đó không thể nói là chiếm ưu thế so với tư tưởng của chư tử. Vì vậy, càng không thể nói người học trò, những người có học ở đây là "những người học theo Khổng Tử được".Thứ hai, "chư sinh" nghĩa chính xác phải là "những kẻ học trò". Như thế rõ ràng là ở đây cụ Phan bịa ra hai chữ "nhà Nho".

    5.Luận điểm chắc chắn nhất của bạn có vẻ là lời can gián của thái tử Phù Tô: "Bọn học trò đều học theo Khổng Tử".Nhưng ở đây chữ "chư sinh" không phải để chỉ những người bị chôn ở trên mà chỉ chung những kẻ học trò. Bởi vì chỉ cần biết rằng, chế độ chính trị mà Tần Thủy Hoàng đang xây dựng là theo tư tưởng của Pháp gia, cai trị dựa trên hình pháp, điều này ngược lại với tư tưởng đức trị, văn trị, nhân trị của tư tưởng Khổng Tử. Cho nên mới có câu:"Những kẻ học trò đều đọc theo Khổng Tử, nay bệ hạ lại dùng pháp luật nặng nề để trói buộc họ, thần sợ thiên hạ không yên".Việc khuyên can của thái tử Phù Tô tôi nghĩ tuyệt không phải là ngăn cản việc "chôn chư sinh". Bởi vì lời khuyên này được ghi lại sau khi mọi việc đã kết thúc: "...460 người, đều chôn sống ở Hàm Dương, thông cáo cho thiên hạ để làm răn về sau. Những người liên quan bì đày ra biên giới". Nên nhớ Tư Mã Thiên đang viết sử biên niên.Như thế, lời khuyên can của Phù Tô là lời khuyên can về chính sách cai trị tổng thể của Tần Thủy Hoàng chứ không phải can gián chuyện "khanh" bọn chư sinh.Do đó không có chuyện "chư sinh" trong vụ án "khanh nho"chính là những người học theo Khổng Tử.

    6.Phải nói thật với bạn là khi hai thằng cãi nhau thì thằng nào chẳng nghĩ là mình cười cuối cùng. Trả lại cho bạn câu "Chỉ trích thì dễ...".

    ReplyDelete
  17. 7. Nói sang chuyện báo và dịch. Không biết tôi phải nói thế nào bạn mới hiểu. Thứ nhất, tôi xin nhắc lại, tôi không phải phóng viên VT, càng không phải là người chịu trách nhiệm về nội dung của VT. Nên nó có nói những điều đáng nói không, có phải là tờ báo tồi hay không, tôi nói thẳng, tôi không quan tâm và có muốn quan tâm cũng không ai cho:D.Còn nếu bạn quan tâm, bạn có thể liên hệ với VNN hay VT để góp ý. Thứ hai, tôi cũng xin nhắc lại, nhiệm vụ của một tờ báo như VT là đưa ra thông tin, là nêu ra vấn đề. Vấn đề nó đưa ra là: Bọn Tàu nó đang bàn luận những vấn đề này, bàn luận như thế này này. Còn chuyện nó bàn ra sao, có ra gì hay không là chuyện của nó. Phần phán quyết đó không thuộc phạm vi của VT, nó thuộc phạm vi của người đọc. Nghe chửa? Thứ ba, tôi cũng đã nói rồi. Nếu bạn thấy có những vấn đề đáng bàn về nhà Mạc, nhà Nguyễn và bạn thấy mình đủ sức viết, bạn có thể thử. Tôi đảm bảo là khi lựa chọn một bài đánh giá lại vai trò của nhà Nguyễn và một bài về đốt sách chôn nho, VT chắc chắn sẽ chọn bài thứ nhất. Không chỉ là VT, nếu như có một ngày đẹp trời bạn hứng thú với nhà Mạc, nhà Nguyễn, tôi rất mong mình được mở rộng tầm mắt.

    ReplyDelete
  18. Cái số 7 thì bác Tiểu Võ hơi nhạy cảm rồi. Bác Nghe Chửa bác ấy viết đoạn cuối chỉ tâm sự cho bác nghe thôi (một phần có trút giận Vietimes thiệt :D). Chứ ai chả biết bác chả phải người của Vietimes. Ai mà chả biết có cung có cầu, Vietimes cần bài dịch về thời Tần-Hán-Tam Quốc, bác có bài dịch ==> thế là đăng lên cho người đọc xem. Làm gì phải phản ứng ghê thế?

    ReplyDelete
  19. @siriusstar
    He he... Bạn thông cảm nhé!Viết hết cái số 6 thì thằng con nó ỉa đùn, vợ lại hét ầm lên giục đi ngủ nên mình cũng có một phần "trút giận". Lúc đó thực chỉ mơ có được sự "cô độc" mà bác Tõm bác ấy nói.Tuyệt không có ý xấu.

    ReplyDelete
  20. @TIểu Vũ: Khi ghi từ các website tôi nghĩ bạn cũng nên ghi rõ tác giả là gì, bởi mình là người dịch thì rõ ràng phải nêu ra người được mình dịch là ai chứ. Còn việc tôi hay ai quan tâm nếu có biết nguồn thì "chẳng biết lần đường nào cả đâu" lại là một việc khác, không liên quan. Tất nhiên tôi không biết đường mà lần vì tôi không biết tiếng TQ và chữ Hán nhưng có thể có những người khác nếu quan tâm có cơ sở để tìm hiểu kỹ hơn từ nguyên bản. Hơn nữa, tôi nghĩ đó là một vấn đề có tính nguyên tắc, nếu dịch từ 1 bài nào đó thì nhất thiết phải nêu tác giả được mình dịch là ai, bài được dịch ấy tên là gì, đăng ở đâu. Còn nếu tổng hợp từ một số bài thì có thể không cần ghi tên tác giả nhưng vẫn cần ghi rõ nguồn từ đó mình tổng hợp.

    ReplyDelete
  21. @Linh: Nguyên tắc mà bạn nói thì tôi biết. Không phải bây giờ tôi mới dịch.Nhưng tôi cũng đã nói rồi.Những bài được các website trích từ sách đã được xuất bản tôi đều ghi rất rõ. Còn những bài chỉ ghi tên website thì nghĩa là trong bài gốc nó cũng không có tên tác giả.Vì thế tôi chỉ có thể ghi tên website nơi bài viết được đăng mà thôi chứ tôi không giấu tên tác giả làm gì. Bởi vì tôi cũng hiểu rõ ràng nếu có tên tác giả cụ thể thì bài viết sẽ được đảm bảo về độ tin cậy của nguồn tin.

    Trong số các bài của tôi, chưa có bài nào tổng hợp cả. Vì nguyên tắc của tôi là chỉ dịch chứ không viết cho VT.Còn nếu có bài tổng hợp, tôi nghĩ VT cũng sẽ ghi là tổng hợp thôi.

    Còn chuyện tên bài được dịch, có lẽ là do bạn không sử dụng tiếng Trung nên bạn không biết. Các nhiều website TQ,đặc biệt là các website mang tính giải trí, nó đặt title bài(mà theo tư duy của người Việt) rất là dài dòng và ngớ ngẩn.Nên việc đưa tên bài dịch là gì thì không phải là tôi không làm được hay sợ không dám làm mà VT họ không cần. Họ chỉ cần khi tôi gửi bài, tôi gửi kèm link bài gốc để họ check lại.Ok họ sẽ sử dụng.Còn trình bày ra sao thì họ có một bộ phận riêng.

    ReplyDelete
  22. He he hôm nay em cũng hơi túi bụi, giờ mới vào đọc được. Em xin phép giả nhời bác như sau:

    1. Chép sử theo lối biên niên là phương pháp phổ biến, và Tư Mã Thiên cũng không là ngoại lệ. Nhưng bỏ gì, chép gì và chép như thế nào thì lại là lựa chọn của mỗi sử gia. Cái nhìn của Tử Trường nếu không hơn đời thì Sử ký sao có thể được đánh giá cao đến thế. Những phần bản kỷ cũng là chỗ thể hiện cái nhãn quan bất phàm ấy. Không phải ngẫu nhiên mà ông chép Lữ hậu bản kỷ, Hạng Vũ bản kỷ – coi họ là vua, trong khi Huệ đế lại không có bản kỷ.

    Cơn thịnh nộ của Thủy Hoàng một phần bắt nguồn từ thất bại trong việc cầu tiên dược, cho nên việc Lư sinh lừa dối ông ta không thể nói là không liên quan, còn rất liên quan là khác. Hay như một câu chép trong đoạn xây cung A Phòng: "làm đường phức đạo từ cung A Phòng vượt qua sông Vị đi mãi đến Hàm Dương để bắt chước con đường của sao Thiên Cực." Ý nghĩa của việc này là Thủy Hoàng có tham vọng bắt chước thần tiên. Tư Mã Thiên chép thế là có dụng ý rõ ràng. Bác nói ở đây không có gì hệ thống và chặt chẽ ngoài việc chép theo lối biên niên, nhìn nhận thế em e rằng hơi hời hợt.

    2. Chữ "ngu nho" mà Lý Tư nói, là nhằm đả kích Thuần Vu Việt (và những người về phe ông ta). Bác thử đọc lại lời tâu của ông ta xem tư tưởng ấy có rất đặc thù Nho gia không – em xin lưu ý bác Khổng Tử từng nói "Lễ nghi nhà Chu rực rỡ thay. Ta theo nhà Chu." Tiếp đó Lý Tư nói "Ai cất dấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà đều đem đến quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thư, Kinh Thi thì chém giữa chợ." Có thể thấy ở đây bách gia là phụ mà Thi Thư là chính. Mà học Thi Thư, bàn Thi Thư là ai, nếu không phải là người theo Nho gia? Lý Tư chủ trương pháp trị, cho nên đối tượng ông ta tập trung chống đối chính là những người theo hệ phái của Khổng tử, chủ trương lễ trị. Vì thế "ngu nho" và "chư sinh" trong lời tâu của Lý Tư, chính là nhắm vào nhà Nho vậy. Việc Nho gia thời Tần phổ biến đến đâu, em không dám bàn bừa, nhưng em tin rằng nó phổ biến hơn rất nhiều so với thời Khổng Tử bôn ba thiên hạ. Nếu không thì Lý Tư đã không coi Nho gia là mối uy hiếp lớn đến mức xui Thủy Hoàng đốt sách. Căn cứ vào câu của Phù Tô "những kẻ học trò đều đọc theo Khổng Tử" thì thậm chí có thể phỏng đoán rằng đến thời điểm này Nho gia đã lấn át Bách gia một cách tương đối rồi.

    3. Về đoạn của Phù Tô, dĩ nhiên ông ta can gián sau khi đã xảy ra vụ chôn sống kia. Nhưng nếu bác lấy lý do sử chép theo lối biên niên để tách sự kiện này ra riêng, em e là quá khiên cưỡng. Một ngày đẹp giời, ông con tự nhiên nổi hứng nói mấy câu để rồi bị đuổi ra biên giới, em nghĩ chẳng ai ngu thế. "Chư sinh đều học theo Khổng Tử" trong lời Phù Tô là một tập lớn mà những người bị chôn kia là tập con mang tính đại biểu; ông ta vì lo ngại trước sự kiện ấy mà dâng lời can gián. Nếu 460 người kia không phải học trò Khổng Tử mà là đạo sĩ thì em thấy hơi buồn cười. Khác gì ông bố giết con gà vì nó không gáy sáng mà thằng con lại ra bảo đừng giết con chó để nó trông nhà?

    ReplyDelete