Tuesday, August 5, 2008

Entry for August 05, 2008

Funny. Bài dài nhất, đầy đủ nhất (hơn 1000 từ) về Solzhenitsyn lại là bài đăng trên báo Nhân Dân điện tử, chứ không phải ở một tờ "có vẻ" cấp tiến nào. Bài này khá chính xác, tuy cũng có dùng một số thủ thuật nói tránh, nói giảm này nọ, nhưng vẫn hết lời ca ngợi Solzhenitsyn từ một người tù, một kẻ bị coi là phản bội giờ đây được nhà nước Nga coi như "người thầy thông thái của cả dân tộc và là lương tri của nước Nga". Có điều là bài này sau đó đã bị rút xuống, chỉ còn lưu ở đây.

Trên Tuổi Trẻ thấy có hai bài của Thụy Anh và Hồng Quang. Bài Hồng Quang sau đó cũng bị cắt xén, bỏ đi chi tiết ông này bị tù. Bài này sai ở chỗ thư ông này gửi nói xấu Stalin-không nói trực tiếp tên mà gọi là thằng cha để ria- là thư gửi cho bạn bị an ninh mở ra kiểm duyệt đọc được chứ không phải thư ngỏ. Bản gốc ở đây. Bài bị "tỉa" ở đây, nếu đọc bài bị tỉa này thì người ta sẽ chỉ biết Solzhenitsyn là nhà văn chứ thậm chí không biết ông bị buộc phải sống lưu vong dưới thời Xô Viết cũ. Bài Thụy Anh cũng không nhắc gì việc ông này bị ở tù cũng như quãng thời gian 20 năm lưu vong của ông này ngoài câu "
trở về sống tại nước Nga sau nhiều năm sống ở xứ người" (Nga kiều yêu nước?).

Trên các báo khác, tin Solzhenitsyn chết nếu có đăng thì cũng được đăng rất ngắn gọn, chủ yếu là dưới 100 từ. Muốn đọc đầy đủ chắc phải đọc từ các nguồn tin khác, ví dụ như bài này trên BBC hay bài này trên Nhịp Cầu Thế Giới.

Trong khi đó NY Times chạy một bài dài kỷ lục, hơn 9000 từ về cuộc đời Solzhenitsyn.

Trên Talawas nhân dịp này cũng khởi đăng cuốn Quần đảo ngục tù của ông này, cuốn sách nổi danh nhất của ông, từng được ví như đòn giáng mạnh vào nhà nước Xô Viết và làm lung lay sự ủng hộ của giới trí thức cánh tả phương Tây với nhà nước này. Thậm chí tờ Times còn gọi đây là cuốn sách phi hư cấu (non-fiction) hay nhất của thế kỷ 20.

Trích đoạn bài trên Nhân Dân. Khá ngạc nhiên là Nhân Dân có thể cho đăng bài này, dù sau đó đã rút xuống.

Nhà văn lớn của nước Nga Solzhenitsyn qua đời

"...Từng bị coi là người bất đồng chính kiến với chính quyền Soviet, thậm chí bị tước bỏ cả quyền công dân, nhưng ngày nay, nhà văn, nhà sử học, nhà thơ Solzhenitsyn được coi là “người thầy thông thái của cả dân tộc và là lương tri của nước Nga bởi vì ông không bao giờ viết những lời giả dối và không bao giờ sợ nói lên sự thật theo cách ông cảm nhận nó,” như lời Bộ trưởng Văn hóa Nga nói về ông.

Ông được đánh giá cao bởi những tác phẩm văn học mổ xẻ sâu sắc các đề tài chính trị và xã hội cũng như các tác phẩm về lịch sử nước Nga thế kỷ 19-20. Sáng tác của ông thường đề cập vấn đề cái thiện và cái ác, chủ nghĩa vật chất và sự cứu rỗi linh hồn.

Sinh năm 1918 ở TP miền nam nước Nga Kislovodsk, ông từng theo học đại học ngành vật lý và toán học cho đến khi phát-xít Đức tấn công LB Soviet năm 1941. Trong Chiến tranh vệ quốc, Solzhenitsyn là đại úy chỉ huy một đơn vị pháo binh ở tiền tuyến và đã hai lần được khen thưởng vì lòng dũng cảm.

Năm 1945, ông bị bắt vì dám chỉ trích Stalin trong bức thư gửi một người bạn và bị kết án tám tù năm ở trại lao động dành cho các tù nhân chính trị.

Chính những trải nghiệm trong trại lao động đã trở thành nền tảng cho những tác phẩm thành công nhất của ông sau này. Chẳng hạn, thời gian sống ba năm ở một trại lao động ở Kazakhstan đã giúp ông viết nên tác phẩm “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”. Đây cũng là tiểu thuyết duy nhất của ông được xuất bản ở nước Nga trước những năm 1990. “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” kể về một tù nhân ở trại lao động, người gần như đã quên mất tên mình mà chỉ còn nhớ số tù. Anh ta đã quá quen với sự khủng khiếp và sự nhục mạ ở trại lao động đến nỗi coi đó là những điều bình thường. Cuốn sách đã gây xúc động mạnh mẽ đối với người đọc cả ở trong nước và nước ngoài và khiến cho nhà văn khi đó 43 tuổi nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Các tác phẩm nổi tiếng khác của ông gồm có “The Gulag Archipelago” (Quần đảo Gulag) - ba tập; "Cancer Ward" (Phòng bệnh nhân ung thư), "The First Circle" (Vòng tròn đầu tiên), đều viết về đề tài trại lao động hoặc những ảnh hưởng của nó đến đời sống con người

Năm 1974, ông bị tước bỏ quyền công dân và bị trục xuất khỏi nướ
c Nga với tội danh phản bội Tổ quốc. Kể từ đó, ông sống ở CHLB Đức rồi Mỹ suốt 20 năm."


Lướt qua bản dịch của Ngọc Thứ Lang và Ngọc Tú cuốn "Quần đảo ngục tù" (tiếng Anh: Gulag Archipelago) ngay từ đầu đã cảm thấy có vấn đề.

"Thiên tiểu thuyết này viết xong đã lâu mà tôi vẫn ngần ngại chưa muốn xuất bản. Thà phụ lòng người chết còn hơn gây hại cho những người còn sống. Nhưng bản thảo bất ngờ lọt vào tay mật vụ thì tôi đành phải cho ra ngay, càng sớm càng tốt.

Xin lưu ý là trong Quần đảo ngục tù không có người bịa chuyện. Nhân danh, địa danh đều ghi rõ tên thực. Nếu có ghi tên tắt chỉ là bắt buộc cũng như nếu có thiếu sót chỉ vì người viết không nhớ nổi, nhớ hết. Vì tất cả trong Quần đảo ngục tù đều có thực, nghĩa là THẤY SAO VIẾT VẬY."

Không biết trong tiếng Nga thế nào nhưng trong bản tiếng Anh, không hề có chữ "thiên tiểu thuyết". Cuốn này là non-fiction nên không thể là tiểu thuyết được.



Update: Cuối cũng cũng có một tờ báo đăng một cách trang trọng về cái chết của Alexander Solzhenitsyn. Đó là tờ Tuần Việt Nam, có lẽ là tờ báo điện tử cấp tiến và mạnh mẽ nhất hiện nay. Tuần Việt Nam gọi nhà văn chống cộng, từng bị chính quyền Xô Viết kết tội phản quốc và buộc phải lưu vong ở nước ngoài Alexander Solzhenitsyn là "Lương tâm của nhân loại". Hy vọng bài này sẽ không bị bóc đi như bài trên báo Nhân dân, hay bị sửa đi như bài trên Tuổi Trẻ. Bài báo này cũng đề cập tới âm mưu đầu độc Solzhenitsyn thời Xô Viết, sau khi ông này nổi tiếng. Đáng tiếc là bài báo không đề cập tới việc ông này bị buộc phải lưu vong và tác phẩm lớn Quần đảo Gulag của ông, nhưng như thế này cũng là đáng kể rồi.

Alexander Solzhenitsyn: Lương tâm của nhân loại


+ Kể ra Tuanvietnam ca ngợi Solzhenitsyn là lương tâm của nhân loại cũng hơi quá lời. Nhiều quan điểm của ông này rất bảo thủ, nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa tới mức gần như là bảo hoàng. Có thể gọi ông là Lương tâm của nước Nga, như lời Bộ trưởng Văn hóa Nga nói (in trên Nhân Dân) thì sẽ chính xác hơn. Trên bài báo ở NY Times, tác giả thuật lại việc Susan Sontag và Joseph Brodsky nói chuyện về Solzhenitsyn: Cả hai người cười cợt Solzhenitsyn vì những quan điểm mà họ cho là ngớ ngẩn của ông này về nước Mỹ, về chủ nghĩa tư bản, về dân chủ... Nhưng cười một lúc rồi, Brodsky mới nói với Susan Sontag: Susan này, tất cả những gì ông ta nói về nước Mỹ đều sai. Nhưng tất cả những gì ông ta nói về nước Nga đều đúng. Đúng hoàn toàn.




12 comments:

  1. Bản tiếng Hung (được một NXB của Hung kiều ở Munchen dịch và in năm 1976, sau đó in lại ở Hung năm 1989) cũng chỉ đề là "cuốn sách này" thôi.
    Thực ra, cũng cần thông cảm cho các bản dịch của Solzhenitsyn (và văn học Nga nói chung) ở miền Nam trước 1975, vì cách dùng ngôn từ của dịch giả Sài Gòn thời ấy. Riêng trường hợp của Solzhenitsyn, dịch "kịp thời" được hàng loạt tác phẩm của ổng trong vòng 1-2 năm là điều đáng khích lệ rồi. Nhất là, cho dù có thể cách dùng ngôn từ chưa chỉnh lắm, thì đây đều là các bản dịch ko bị cắt xén, thêm thắt này nọ...
    Tất nhiên, bây giờ đã có các phiên bản đầy đủ, rất nên dịch lại và chú giải đầy đủ... nhưng chả biết đến bao giờ Việt Nam mới làm được điều đó.
    (Bên này, ví dụ "Một ngày trong đời của Ivan Denisovich", đã lâu nay được coi như sách bắt buộc trong tủ sách học sinh...)
    Nói thêm về chuyện dịch Solzhenitsyn, thực ra mình thấy đối với những ai có sự quan tâm và hiểu biết nhất định về lịch sử, văn hóa và xã hội Nga - Xô-viết đầu thế kỷ 20, dịch (và đọc) Gulag tương đối dễ. Vì đây là một cuốn thiên về "khoa học lịch sử", và xã hội học, hơn là văn học, cho dù Solzhenitsyn viết nhiều đoạn cũng hóm :)

    ReplyDelete
  2. Về chuyện Solzhenitsyn bị tù đày, đúng như Linh nhận xét, rất nhiều bài trên báo Việt Nam chỉ nói đơn thuần là do 1 lá thư ông viết mang tính đả kích Stalin, mà không hề bảo rõ, đấy là một trao đổi thư từ riêng với người bạn, bị mật vụ chính trị Liên Xô đọc trộm (vi phạm nguyên tắc bí mật thư tín của công dân, chính ra phải bị truy cứu hình sự ấy nhỉ? ;)).
    Thực ra thì, nếu chịu khó mở lại mấy cuốn sách cũ, nói về "văn hóa, văn nghệ nô dịch, thực dân kiểu mới" của Sài Gòn trước 1975, trong đó các tác giả mạt sát Solzhenitsyn như thế nào, thì việc bây giờ báo chí trong nước có bài khi ông mất, dù ngắn, ko đầy đủ, nhưng cũng trân trọng, là bước tiến vượt bậc rồi :)
    (À, mà coi Solzhenitsyn là "Nga kiều yêu nước" [hồi hương] cũng ko sai: ông này thời lưu vong cũng chỉ đóng cửa viết, có chơi bời giao lưu với ai đâu, với suy nghĩ là ổng có bổn phận phải cứu vãn nước Nga, dân Nga. Tư bổn đế quốc với Solzhenitsyn là xấu cả, và ổng ko bao giờ bắt tay những đại diện khác của phe đối lập Nga, nếu các vị này TỰ ĐỘNG di tản, chứ ko phải bị trục xuất, cưỡng bức rời Nga như ổng :))

    ReplyDelete
  3. Vừa đọc "Tuần Việt Nam" về Solzhenitsyn, thêm 1 ý nữa là, nguồn ảnh trong bài (được đề theo eVan, "Tuổi Trẻ"...), thực ra là của báo Tây tuốt chứ nhỉ? eVan, "Tuổi Trẻ" hay bất cứ báo Việt Nam nào khác thì lấy quái đâu ra được ảnh về Solzhenitsyn? ;) Cho nên, dù là khi đăng tải, mấy tờ kia có ko đề nguồn đi nữa, thì cũng ko thể bảo ảnh ấy là của họ được. Nếu ko rõ là nguồn "thật" ở đâu, có lẽ cứ nên đề chung chung là "báo chí ngoại quốc", hơn là đề tên mấy tờ báo ta :)

    ReplyDelete
  4. Tiếng Nga cũng không có ghi là thiên tiểu thuyết đâu. Họ thường ghi là cuốn sách, hoặc ấn phẩm, đôi chỗ có ghi là tiểu thuyết nửa tự truyện :D, mình đọc thấy vậy.
    Giọng văn của người dịch "Quần đảo ngục tù" đăng trên talawas mình cũng không thích, có lẽ rỗi rãi sẽ lôi cuốn sách về so. Ông này không dễ dịch chút nào. À mà cuốn này, tiếng Nga cũng là "Quần đảo Gulag" chứ không phải QĐNT.
    Ở NCTG của anh HL có bài viết đầy đủ đấy, bạn Linh xem TT với ND làm chi :P :D

    ReplyDelete
  5. Bạn Linh nghĩ sao về quan điểm của Solzhenitsyn về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam trong bài này:
    http://www.columbia.edu/cu/augustine/arch/solzhenitsyn/harvard1978.html

    "However, the most cruel mistake occurred with the failure to understand the Vietnam war. Some people sincerely wanted all wars to stop just as soon as possible; others believed that there should be room for national, or communist, self-determination in Vietnam, or in Cambodia, as we see today with particular clarity. But members of the U.S. anti-war movement wound up being involved in the betrayal of Far Eastern nations, in a genocide and in the suffering today imposed on 30 million people there. Do those convinced pacifists hear the moans coming from there? Do they understand their responsibility today? Or do they prefer not to hear? The American Intelligentsia lost its [nerve] and as a consequence thereof danger has come much closer to the United States. But there is no awareness of this. Your shortsighted politicians who signed the hasty Vietnam capitulation seemingly gave America a carefree breathing pause; however, a hundredfold Vietnam now looms over you. That small Vietnam had been a warning and an occasion to mobilize the nation's courage. But if a full-fledged America suffered a real defeat from a small communist half-country, how can the West hope to stand firm in the future?"



    "

    ReplyDelete
  6. Khi thăm Mỹ, Tổng thống Nga Putin đã nói "Tôi rất biết ơn nhữngf người đối lập".

    ReplyDelete
  7. ừm, non fiction là phi hư cấu mới đúg

    ReplyDelete
  8. @Remi: Tất nhiên tôi không đồng tình với Solzhenitsyn ở điểm này. Solzhenitsyn cũng thường xuyên mắng chửi nước Mỹ là hèn yếu, chủ nghĩa tư bản tồi tệ và phương Tây hèn nhát.
    Ngoài Solzhenitsyn, một nhà văn lớn (và cũng được giải Nobel) khác là Steinbeck cũng ủng hộ chiến tranh Mỹ ở Việt Nam.

    ReplyDelete
  9. Một điểm trùng hợp chắc cũng không phải vô tình khi hai nhà văn nổi tiếng ủng hộ chiến tranh Mỹ ở Việt Nam là Solzhenitsyn và Steinbeck đều là những người có tinh thần dân tộc rất cao. Solzhenitsyn sống lưu vong ở Mỹ nhưng vẫn coi mình là nhà văn Nga, ca tụng tinh thần Nga và dè bỉu nước Mỹ, đóng cửa nhà hàng chục năm, không hề giao tiếp với giới trí thức Mỹ, không nhập tịch Mỹ và thậm chí không thèm học tiếng Mỹ (khác hẳn với một nhà văn Nga lưu vong khác là Brodsky-cũng được giải Nobel- ông này sang Mỹ vài năm là đã viết thơ bằng tiếng Anh rồi, hay nhà văn Tiệp lưu vong Kundera viết sách bằng tiếng Pháp khi lưu vong ở Pháp).
    Steinbeck cũng được coi là nhà văn có tính Mỹ rất mạnh, thế giới quan của ông là thế giới quan của người Mỹ xuất thân từ giai cấp cần lao.
    Một điểm nữa khiến Solzhenitsyn ủng hộ chiến tranh VN của Mỹ có lẽ còn ở việc ông khinh miệt giới trí thức cánh tả phương Tây, những người phản đối chiến tranh VN, đồng thời cũng từng là những người ủng hộ nhiệt thành Stalin cách đó không lâu (Sartre chẳng hạn, từng ủng hộ Stalin và gọi Solzhenitsyn là một phần tử nguy hiểm).

    ReplyDelete
  10. Cái ý về "nguồn ảnh" anh Hoàng Linh nhận xét hay. Cái trò chú thích nguồn trên báo chí nước mình đến giờ vẫn ko có 1 quy chuẩn nhỉ.

    Nhưng, nếu chỉ để nguồn "báo chí ngoại quốc" thì cũng chưa chuẩn và chưa cụ thể lắm. Sang Evan thấy nguồn ảnh AP, AFP, em nghĩ chính xác nhất thì TuanVietNam nên để chú thích: Ảnh: Evan/AP, Evan/AFP.

    ReplyDelete
  11. Ở đây cũng có 1 bài tương đối dài về Solzhenitsyn:
    http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=39&categoryId=96&id=8834

    ReplyDelete
  12. cám ơn, em cũng đang tìm đọc tác phẩm này, nhưng trên talawas chỉ thấy có 2 chương thôi... không biết có đường link nào có đủ nguyên cả tác phẩm không nhỉ... Tội Ác cộng sản cần được phanh phui, người dân trong nước cần đọc để biết, để hiểu thêm...
    thanks

    ReplyDelete