Monday, May 7, 2007

Về Orwell

Nghệ thuật và cuộc sống- bài của bạn Đông A.

Nghệ thuật và cuộc sống

Bakhtin nói rằng: "Ba mặt văn hóa của con người - khoa học, nghệ thuật và cuộc sống chỉ tìm được sự thống nhất trong nhân cách, cái đưa chúng tới sự thống nhất của mình." Ông viết tiếp: "Khi con người ở trong nghệ thuật, anh ta không ở trong cuộc sống, và ngược lại. Giữa chúng không có sự thống nhất và tương hỗ lẫn nhau nội tại trong sự thống nhất của nhân cách. Vậy cái gì đảm bảo mối quan hệ nội tại giữa các yếu tố của nhân cách? Chỉ có sự thống nhất của trách nhiệm. Vì những gì tôi trải nghiệm và thấu hiểu trong nghệ thuật, tôi phải trả lời bằng chính cuộc sống của mình, để tất cả những trải nghiệm và thấu hiểu không còn là bất tác trong cuộc sống."

Tôi nghĩ rằng nghệ thuật và cuộc sống phải thống nhất trong một nhân cách. Và cuộc sống ở đây phải là cuộc sống của chính bản thân anh ở nơi anh, không của ai khác, không ở ngoài kia. Tách rời nghệ thuật ra khỏi cuộc sống của tác giả khiến tác phẩm nghệ thuật khô cứng, máy móc, nhạt nhẽo, không có sinh lực của cuộc đời. Do đó thẩm mỹ một tác phẩm nghệ thuật không phải chỉ thẩm mỹ riêng tác phẩm đó, trần trụi, tách bạch với cuộc sống của tác giả, mà phải thẩm mỹ tác phẩm đó trong sự thống nhất của nhân cách giữa tác phẩm và cuộc sống của tác giả. Nhiều người đề cao các tác phẩm Orwell, nhưng tôi lại cảm thấy những Trại súc vật, 1984 hết sức khô cứng, chán ngắt. Orwell đã "
rút gọn một cách khắt khe một thực tại vào trong phương diện chính trị của thực tại ấy và rút gọn chính cái phương diện chính trị ấy vào trong những gì tiêu cực nhất của nó... Cuốn tiểu thuyết của Orwell, bất chấp ý định của nó, chính nó lại tham gia vào tinh thần toàn trị, tinh thần tuyên truyền", như Kundera nhận định. Tôi đặt câu hỏi tại sao các tác phẩm của Orwell lại đến nông nỗi vậy? Câu trả lời mãi tận gần đây tôi mới nhận ra khi các tài liệu mật về Orwell được giải mật: chính bản thân Orwell theo dõi và tố giác cuộc sống riêng tư của các nhà hoạt động văn hóa. Ông đã làm chính cái việc mà ông đã nỗ lực "rút gọn một cách khắt khe" trong các tác phẩm của mình. Do không có sự thống nhất giữa nghệ thuật và cuộc sống trong nhân cách của ông, nên các tác phẩm nghệ thuật của ông tẻ nhạt. Cao Bá Quát là ví dụ khác về sự thống nhất trong nhân cách của nghệ thuật và cuộc sống.

Có thể có ai đó sẽ cho rằng đây chỉ là một cách khác nói khác của
Sainte-Beuve, mà Proust đã phê phán. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Sainte-Bueve chỉ xét tới tiểu sử của tác giả, và không hề biết tới sự thống nhất của nhân cách.

Comment của tớ (sửa 1 chút khi post ở đây)


Trại súc vật thì bình thường nhưng tôi không nghĩ 1984 là một tác phẩm khô cứng và chán ngắt. Trái lại, tôi thấy đó là một tác phẩm không chỉ xuất sắc về nội dung với những tiên đoán tài tình về cuộc sống trong các xã hội toàn trị mà còn rất có chất thơ trong cái vẻ ảm đạm khắc khổ u ám của nó. Kundera là một nhà văn và nhà tiểu luận rất đặc sắc và thú vị nhưng không phải nhận xét nào của ông cũng xác đáng.

Hơn nữa, tôi nghĩ các chi tiết tiểu sử tác giả chỉ có ý nghĩa khi mình muốn tìm hiểu sâu hơn về tác giả, nếu để nó ảnh hưởng nhiều tới cách nhìn nhận tác phẩm lại thành một điều không hay. Cũng nói thêm là các cáo buộc về Orwell chưa hoàn toàn có cơ sở và ngay cả khi có thật thì những người mà Orwell chỉ điểm là những người cộng sản Stalinist là thứ chủ nghĩa mà Orwell căm ghét (Orwell là người xã hội (Socialist) hơi có khuynh hướng thiên về vô chính phủ). Tức là kể cả việc chỉ điểm có thực thì nó cũng phù hợp với niềm tin và lý tưởng của Orwell và không vì thế mà hạ thấp nhân phẩm của ông. Ngay cả những phán quyết về nhân cách con người cũng là một việc không dễ dàng. Sartre ngày xưa chẳng được tán tụng lên mây khi ông đứng về phía những người khởi nghĩa Angiêri và chế độ Stalin (Tại sao những kẻ như Sartre lại luôn đứng ở phía bên kia- lời trong phim Battle of Alger). Trong khi đó, Camus thì lại bị giới trí thức Pháp chê cười vì thái độ trung dung của ông trong chiến tranh Anger và việc ông phản đối chế độ Stalin. Nhưng ngày nay người ta lại coi Sartre là ngớ ngẩn, cơ hội hay mù quáng trong việc đó, trong khi Camus lại được coi như là một biểu tượng của lương tâm trí thức.

Về con người và văn chương của Orwell, có bài lời nói đầu của một bác nào đó trong cuốn Homage to Catalonia là có vẻ xác đáng nhất. Tôi không nhớ chính xác nhưng đại ý là nói Orwell vĩ đại trong sự bình thường của ông, ông không phải là thiên tài theo nghĩa được trời phú mà ông đạt tới sự gần như hoàn thiện từ sự cần cù, nguyên tắc, trung thực và dấn thân của mình.

3 comments:

  1. Bác Đông A chê Orwell khô cứng, đọc Coetzee sẽ thấy sao nhỉ?

    Tình cảm, và tình yêu, trong 1984 được tả thật tuyệt vời. Không biết ông ấy làm thế nào, mà cảm giác rất thật, rất nghèn nghẹn, đọc xong bao nhiêu năm vẫn còn nhớ và vẫn còn thấy có cái gì vướng trong ngực, trong cổ họng.

    Chắc bác Đông A quên mất là nhân vật chính trong 1984 sống cùng với Big Brother. Ông ấy hiểu rằng tình cảm là thứ nguy hiểm, hiểu rằng nó là kẻ thù nên phải học cách liều lượng nó thế nào đó. Văn đã toát ra được sự trấn áp đó, ở mức gần hoàn hảo. Orwell là một nhà văn lớn.

    Còn các cuốn biographies? Người ta nghĩ rằng đọc tiểu sử sẽ hiểu văn thêm. Có thể đúng, nhưng cũng có thể ngược lại, nhất là khi các cuốn này bị opinionated, thông tin được gạn lọc theo thành kiến của người viết.

    Các nhà phê bình, các tác giả sách biography, thường dùng phương pháp (có vẻ) khoa học, nên sách của họ dễ được tin hơn sách của nhà văn. Nhà văn nhận ngay từ đầu rằng mình kể những câu chuyện hư cấu. (Còn sự thật của nhà văn, nếu tìm được, nó lại thuộc về sự thật của người đọc vì người ta hiểu nó bằng kinh nghiệm của mình.)

    Nếu sau khi đọc một cuốn biography và thấy có sự chênh lệch giữa văn và người, người đọc có thể đọc lại tác phẩm. Nếu không tìm thấy sự giả dối trong văn, thì có thể sự giả dối nằm trong cuốn sách viết về người.

    ReplyDelete
  2. Chị Phượng viết về cảm giác khi đọc Orwell thật đúng với những gì em cảm thấy. Đến giờ em không nhớ nội dung của cuốn đó lắm nhưng vẫn nhớ cái cảm giác ấy, một cuốn sách khiến cho mình thực sự bước chân vào một thế giới khác, đồng cảm với nhân vật tới nao lòng, cảm thấy lo sợ, hồi hộp và buồn đau cùng với nhân vật và trên hết là một cảm giác dấn thân tuyệt vọng, biết là tuyệt vọng nhưng vẫn dấn thân và vẫn hy vọng, đó là những cảm xúc quá đẹp, những thứ mà có thể khiến con người ta sống tốt hơn, sống người hơn. Orwell tạo ra được tất cả những thứ đó, những khắc nghiệt của cuộc sống trong một trại tập trung khổng lồ, những khắc khỏai của con người trong cái bộ máy vô tri và có tính hủy diệt đó, bằng một thứ văn thật từ tốn, giản dị, không né tránh mà cũng không cố tính mắm muối gia vị để điều khiển cảm xúc người đọc. Những câu văn của ông giản dị nhưng rất có chất thơ- những cái mà em cũng thấy trong văn chị Phượng. Nếu một người thích những thứ văn bóng bẩy, trang sức hay nghịch ngợm thì có thể không thích 1984 và Orwell. Nhưng vì thế mà nói tác phẩm của ông là khô cứng, chán ngắt hay tẻ nhạt thì hơi bị võ đoán (tất nhiên mỗi người đọc sẽ có kinh nghiệm cảm nhận riêng). Nhưng cho tới nay hình như người ta vẫn coi văn viết của Orwell là một mẫu mực trong cách viết văn tiếng Anh.

    ReplyDelete
  3. Còn Animal Farm thì là truyện ngụ ngôn (allegory). Mỗi nhân (con) vật không phải là nó mà đại diện cho cả một loại người, nên phải bỏ cái riêng để lấy cái chung.

    Trong truyện Tàu, khi một nhân vật đã đi vào điển tích, thì nhân vật đó đã trở nên một thứ tính từ (Tào Tháo = gian hùng). Các tuồng hát bội có thể kể chuyện Tào Tháo làm gì, chứ không cần đi vào tâm tư Tào Tháo, vì mọi người khi xem đều đã đồng ý Tào Tháo là người thế nào rồi. (Vì vậy nên khi đọc thơ Tào Tháo, rất nhiều người ngạc nhiên, xưa nay vẫn chỉ biết Tào Tháo đa nghi, gian hùng).

    Truyện ngụ ngôn không quan sát, không nội tâm. Các nhân vật thường chỉ là những tính từ về đạo đức hay châm biếm. Khám phá ra ý nghĩa tác giả dẫn mình đến có thể làm cho việc đọc được thỏa mãn, chứ cái đẹp trong mỗi khoảnh khắc không phả là mục đích của truyện ngụ ngôn.

    ReplyDelete