Wednesday, May 16, 2007

Đọc “The Curtain” của Kundera

Tiếp tục phong trào nghiêm túc và anti-sếnism, chuyển sang bình luận của bình luận văn học.

Đọc “The Curtain” của Kundera.

img



Milan Kundera là một tác giả không hoàn toàn xa lạ với người đọc Việt Nam. Có thể nói, ông là một trong số hiếm hoi các nhà văn hiện đại thế giới được giới thiệu khá đầy đủ và bài bản ở Việt Nam. Các tiểu thuyết của ông được dịch ra tiếng Việt gồm có Sự bất tử, Bản nguyên, Chậm rãi – cả ba được Ngân Xuyên dịch và in chung trong một cuốn, Điệu Vanx giã từ và Cuộc sống không ở đây do Cao Việt Dũng dịch. Tiểu thuyết thành công nhất và được cả giới phê bình và người đọc đánh giá cao nhất của Kundera là Nhẹ kiếp khôn kham (The Unbearable Lightness of Being) cũng được Trịnh Y Thư dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở hải ngoại. Tiểu thuyết này cũng đã được chuyển thể thành phim và bộ phim này cũng tương đối thành công (bonus: phim có nhiều cảnh hot, đáng xem, hình ảnh đẹp, dù tinh thần hơi khác với truyện- đúng ra là đơn giản hơn so với truyện). Không chỉ thành công trong lĩnh vực tiểu thuyết, Kundera còn là nhà viết tiểu luận đặc sắc. Các tiểu luận của ông đề cập tới nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hóa, nghệ thuật nhưng trên hết là về tiểu thuyết. Kundera vinh danh tiểu thuyết, ông coi tiểu thuyết là thứ nghệ thuật vĩ đại nhất về nhân sinh. Tiểu thuyết đi trước Freud trong phân tâm học, đi trước Marx trong phân tích đấu tranh giai cấp, đi trước Heidegger trong chủ nghĩa hiện sinh. Hai cuốn tiểu luận về tiểu thuyết của Kundera là Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc được phản bội cũng đã được Nguyên Ngọc dịch ra tiếng Việt. Có thể đọc hai cuốn này trên trang web talawas. Có vẻ như giới liên quan tới văn học-nghệ thuật ở Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ lý thuyết tiểu thuyết của Kundera. Xem thêm bài này của tôi.

Cuốn tiểu luận mới nhất của Kundera có tên “Bức màn- tiểu luận gồm bảy phần” (tiếng Anh: The Curtain- An Essay in Seven Parts) viết bằng tiếng Pháp. Giống như hai cuốn tiểu luận phê bình trước đó, cuốn này được cấu trúc lỏng lẻo, với tính chất là các bình luận của Kundera về các vấn đề trong văn học và nghệ thuật tiểu thuyết. Ý tưởng cơ bản nối kết các phần trong cuốn sách với nhau (và là lý do ông đặt tên là tiểu luận gồm bảy phần chứu không phải là bảy tiểu luận) là sứ mệnh mà ông gắn cho tiểu thuyết, đó là việc vén lên tấm màn che phủ cuộc sống, khiến người ta nhận ra những gì trong cuộc sống- những thứ không thể được đề cập tới trong bất kỳ loại hình nghệ thuật khác. Nói cách khác, tiểu thuyết đó là cuộc sống. Kundera đưa ra ví dụ trong sử thi của Homer, Achilles chinh chiến bao trận đánh mà không sợ bị mất răng, trong khi với các nhân vật của Cervantez thì đau răng là một bi kịch. Kundera còn đưa quan niệm tiểu thuyết tới mức cực đoan khi khẳng định sứ mệnh của người viết tiểu thuyết là hé lộ những tình thế mới của cuộc sống mà trước đó chưa biết, và người viết tiểu thuyết nào không làm được điều này thì đều đáng bị coi là vô đạo đức. Xã hội có thể có những thợ sửa nước tầm tầm- theo Kundera- nhưng không được phép có các tiểu thuyết gia tầm tầm, bởi lẽ “sách thì dài mà đời thì ngắn”.

Điểm thú vị khi đọc tiểu luận phê bình của Kundera là những quan sát tinh tế của ông. Ông cũng có những câu viết rất ấn tượng, rất provocative và memorable, dù rằng tính đúng đắn của nó trong nhiều trường hợp còn là điều đáng bàn cãi. Một điểm đặc biệt nữa là khác với các phê bình mang tính học thuật của các chuyên gia phê bình thường dài dòng, khó đọc, khó hiểu (ví dụ như bài của Susan Sontag mà một lần tôi từng post), có thể do xuất thân từ một người viết tiểu thuyết mà văn phong phê bình của Kundera cũng rất hấp dẫn, sắc sảo, cá tính, và tương đối dễ đọc. Nhất là cuốn tiểu luận mới nhất này được viết với thứ văn phong gần với văn phong báo chí nên rất dễ đọc chỉ cần người đọc có một chút background nhất định về văn học. Hai cuốn tiểu luận trước của Kundera khó đọc hơn và cũng đòi hỏi người đọc có một background tốt hơn, nhất là background về chính tiểu thuyết của Kundera. Lý do vì chúng được sử dụng để phân tích về các tiểu thuyết của chính Kundera và cách Kundera hiểu về các tác giả mà ông yêu thích (cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết thật ra có lẽ nên gọi Nghệ thuật tiểu thuyết của Kundera và những người ông yêu thích). Nhưng nhìn chung các tiểu luận của Kundera đều dễ đọc, thậm chí có thể đọc khi đi tàu xe (tôi đọc 2 cuốn trước của Kundera khi đi xe bus và đọc The Curtain trong hai buổi tối). Nhưng có thể chính việc cuốn The Curtain dễ đọc và giản dị lại sẽ làm một số người đọc mang tinh thần academic cảm thấy không ưa?

Hơi dông dài, vậy so với hai tiểu luận trước thì The Curtain có gì mới? Thực tế là không có nhiều, cái main theme thì vẫn thế. Có điều trong The Curtain, Kundera làm rõ hơn các nhận định của ông và bố cục chúng nhất quán hơn. Một số điểm mới được làm rõ hơn như việc ông so sánh nhà phê bình và nhà thơ, ông phản đối thi ca trữ tình (lyrical poetry) coi đó là một thứ kitsch nhưng lại đánh giá cao tính thơ trong tiểu thuyết. Và theo ông, tính thơ ấy có thể có được từ những sự việc bình thường, từ các nhân vật nhàm chán nhất. Một điểm nữa đáng chú ý là ông nhấn mạnh tính kế tục xuyên thời gian và xuyên không gian (từ khái niệm văn học thế giới của Goethe) của tiểu thuyết. Trong thế giới văn học của Kundera, sư phụ nào cũng có đệ tử chân truyền. Dostoievsky là đệ tử của Balzac cũng giống như Tolstoy là học trò của Flaubert. Kafka cũng có thể coi là học trò của Flaubert và hẳn là thầy của
Marquez.

Còn Kundera? Thầy của ông rõ ràng là các vị tổ sư trong thế kỷ 20 ở Trung Âu: Kafka, Musin, Broch, Gombrowich, có lẽ rõ nhất là ở Broch- người mà ông thừa kế cả sự căm ghét cái kitsch. Và tất nhiên với quan niệm tiểu thuyết như ông thì những tác phẩm của Hugo và có thể phần nào cả Dicken ít nhiều đều có thể coi là kitsch và nhiều nhất theo Kundera, thì là sản phẩm của một thời xưa cũ và không có ý nghĩa gì với đời sống văn học hiện đại. Một cách gián tiếp, Kundera công kích Hugo khi bày tỏ sự ngạc nhiên (một cách khó chịu) trước việc giới trí thức Pháp bình bầu Những người khốn khổ là tác phẩm văn học Pháp xuất sắc nhất. Ông cũng lấy ví dụ từ cuốn Chín mươi ba của Hugo để chứng tỏ thời của các nhân vật bi kịch, luôn trung thành với một thứ lý tưởng hay suy nghĩ là thời đã qua. Ở đây, có lẽ Kundera hơi phiến diện khi không hề nhắc tới bi kịch của Shakespeare, các nhân vật của Shakespeare không phải là các nhân vật bi kịch theo cách hiểu của Kundera, thậm chí có thể gọi bi kịch của Shakespeare gần gũi với khái niệm tiểu thuyết của Kundera. Hamlet trước khi chết có sẵn sàng cho cái chết không, hay cũng như Anna Karenina, người đọc không biết cái chết của chàng là một tai nạn, hay là một sự việc được biết trước và được lựa chọn (đoạn phân tích của Kundera về cái chết của Anna Karenina rất thú vị)?.

Quan niệm tiểu thuyết của Kundera có âm hưởng hiện sinh. Ông khẳng định ngay từ tác phẩm tiểu thuyết Don Quixote, bản thân cuộc sống đã là “một sự thất bại. Tất cả những gì chúng ta có thể làm khi đối mặt với sự thất bại không thế tránh được mang tên cuộc sống ấy là cố gắng hiểu nó. Và đó chính là lý do tồn tại của nghệ thuật tiểu thuyết)”. Khỏi phải nói Kundera yêu quý Don Quixote thế nào, với ông tác phẩm này bản thân nó là sự định nghĩa tiểu thuyết và là hiện thân của những giá trị bản thân của tiểu thuyết. Nhân vật trong Don Quixote là nhân vật vừa là hero, vừa là anti-hero đầu tiên trong lịch sử văn học.

Để tóm gọn, đây là một cuốn sách rất thú vị, thông minh, sắc sảo, đôi chỗ hóm hỉnh, khơi gợi suy nghĩ người đọc, dù không có những quan điểm có tính đột phá như trong những gì Kundera viết cách đây 20 năm. Những ý tưởng và lập luận của Kundera có những chỗ chưa hợp lý- ví dụ theo ông, ngày nay chúng ta không cần tới một Banzac, nhưng chẳng phải bộ Tấn trò đời của Banzac là một khám phá siêu việt tới chân dung cuộc sống hàng ngày với sự trớ trêu và tính thơ của nó sao? Và tiểu thuyết không chỉ là để khám phá mà còn cần để khơi gợi cảm xúc của người đọc, mà thực ra khơi được cảm xúc cũng là một thứ khám phá. Đoạn (gần) kết bi kịch trong tiểu thuyết Nhẹ kiếp nhân sinh của Kundera với cái chết của hai nhân vật chính, nếu hiểu chặt chẽ theo quan điểm tiểu thuyết Kundera, có phải là một cái kết theo chủ nghĩa tình cảm và rất cũ không? Nhưng đó lại là cái kết hợp lý, rất đẹp và nhiều tính thơ, khiến tác phẩm này của ông trở nên tròn trĩnh và hoàn thiện hơn cả.

(Bản có sửa chữa đã đăng trên talawas).

6 comments:

  1. "Có lẽ Kundera hơi phiến diện khi không hề nhắc tới bi kịch của Shakespeare"

    Bi kịch trong văn học của Hugo có vai trò nền móng để xây dựng một thứ tư tưởng duy mĩ kiên cố. Công lực của cụ thuần dương, lấy cứng chọi cứng.

    Bi kịch trong văn của Shakespeare có vai trò hoàn toàn khác. Gợi ra vốn chỉ để mà bàn những hành trình dài xa lắc tận đâu đâu. Công phu của Shakespeare thuộc dạng âm nhu, cứng mềm không ai biết. Đương nhiên không dễ mà chọc vào rồi ^^

    ReplyDelete
  2. Nhẹ kiếp khôn kham thì tớ đọc rồi Linh ạ, nhưng Kundera viết tiểu luận thì đọc các entry của cậu tớ mới biết. Nên thường không dám comment cái gì cả. Hic

    ReplyDelete
  3. Xã hội có thể có những thợ sửa nước tầm tầm- theo Kundera- nhưng không được phép có các tiểu thuyết gia tầm tầm, bởi lẽ “sách thì dài mà đời thì ngắn”.

    ----------

    Em không cho là Kundera đã kịp extreme đến mức đấy :D Đoạn này trong The Curtain, theo em, ý tác giả là sách thì nhiều mà đời thì ngắn, vậy nên ở vị trí độc giả, các bạn (của ông) nên có những lựa chọn khôn ngoan.

    Bởi nghĩ cho cùng, một tiểu thuyết gia dù vĩ đại đến mấy kiểu gì cũng phải trải qua giai đoạn của một "tiểu thuyết gia tầm tầm". Cái này cũng giống như một quá trình tiệm ngộ, hoặc một khoảng biến đổi unavoidable từ "immaturity to maturity" theo cách nói của ông. Nhìn theo góc độ đấy, Kundera cũng không hẳn đã bày tỏ thái độ 'phản đối' cái gọi là lyrical poetry. Ý ông, những tiểu thuyết gia xứng đáng được coi như novelist thực thụ phải là những người đã escape được ra khỏi cái lyrical world (mà đa phần là unavoidable ấy) của mình.

    ReplyDelete
  4. @Le: Hugo là một nhà lãng mạn, có lẽ là là nhà văn lãng mạn cuối cùng. Bi kịch trong tiểu thuyết của Hugo mang tính chất bi kịch Hy Lạp, các nhân vật đều có cá tính và mục đích sống rõ ràng, và không bao giờ nhân nhượng, lung lay trong bất kỳ hoàn cảnh.
    Shakespeare lấy việc tìm hiểu con người làm nội dung trong các tác phẩm của mình. Có thể nói là từ khi có Shakespeare, văn học mới bắt đầu nhìn vào đời sống con người như nó vốn có chứ không phải như người ta mong muốn hay là như nó phải có.
    @Cup: Có hai cuốn tiểu luận đã được dịch ra tiếng Việt do Đông Tây xuất bản, ở Hà Nội tớ nghĩ là có thể vẫn còn. Hay cậu có thể mượn ai đó, à mà quên trên trang web talawas cũng có, cậu có thể vào đó mà đọc (qua một proxy nào đó).
    @Hoàng: Kundera luôn có những quan điểm cực đoan, và cũng hay nói quá để gây ấn tượng mạnh. Ở đây, ông ta coi sứ mệnh của tiểu thuyết là làm hé lộ ra những cái mới, dù là rất nhỏ đi nữa, trong cuộc sống. Một nhà văn tầm tầm theo ông ta là người không làm được điều đó. Tức là nếu viết có hay ho, trôi chảy đến mấy nhưng toàn nói những cái người khác đã nói, viết rồi thì là "vô đạo đức" có lẽ nên hiểu theo nghĩa đạo đức nghề nghiệp.
    Kundera phản đối lyrical poetry vì coi thời của nó đã qua (là thời Romantic ở châu Âu thế kỷ 19). Bản thân từ kitsch, trong nghĩa ban đầu do Broch dùng, là chỉ những sản phẩm quá độ rơi rớt từ thời này. Trong khi đó ông ta đánh giá cao những người có thể tạo ra chất thơ từ prose of life. Có điều Kundera không nói ra được là vậy thay cho lyrical poetry thì poetry cần có gì?

    ReplyDelete
  5. vừa đọc bài này của bác trên tala

    ReplyDelete
  6. Ông (hay bà) Linh và một số vị thích xài tiếng nước ngoài nhẩy! Cho ra vẻ academy (hêhê) chăng? May mà tớ có tự điển Babylon tra ngay chứ không thì chẳng hiểu đếch gì cả. Gì là background, là main theme, là kítsch... thật là kitsch, hêhê!!!

    ReplyDelete