Sunday, July 15, 2007

Entry for July 15, 2007

1. Tiếp tục về Thủy Hử (định là comment nhưng dài nên để riêng ra để câu post)

Thực ra tớ vẫn đánh giá cao Thủy Hử, dù không phải là thích nó nhiều như với Tam Quốc hay Đông Chu. Lần đầu đọc Thủy Hử, mình còn thấy nó "thường" và xa lạ nhưng những lần sau đọc lại thì lại thấy thích hơn. Đọc Thủy Hử biết được nhiều điều về văn hóa Trung Quốc, về hình tượng các “hảo hán” trong dân gian và cả cuộc sống thời Minh- Thanh ở Trung Quốc, nhất là đời sống đô thị sinh động với các tửu điếm, thanh lâu, hiệu cầm đồ…

Nếu đọc bài trên của Bill Jenner, mọi người sẽ dễ có ấn tượng là chuyện bình thường, chỉ là một ông Tây bàn về văn học Tàu với một cái assumption là bọn Tây không thể hiểu được sách Tàu do cái gốc văn hóa nó khác. Cái này cũng đúng phần nào, một bạn Tây từ nhỏ đã đọc, đã nghe về hình tượng anh hùng lục lâm thảo khấu như Robin Hood, cướp của người giàu cho dân nghèo sẽ khó chấp nhận các anh hùng lục lâm như Lý Quỳ giết người bất kể đàn bà trẻ con (và còn ăn thịt người) hay Tống Giang lẩm cà lẩm cẩm, cơ hội và nhát chết. Nhưng cũng nên lưu ý là bài này của bác Jenner không phải là đánh giá toàn diện về Thủy Hử mà chỉ muốn đề cập tới khía cạnh tư tưởng của Thủy Hử và coi việc nó phổ biến và được ưa chuộng như thế như là một trạng thái tinh thần tâm lý không lành mạnh của xã hội Trung Quốc- một trạng thái mà tớ nghĩ có thể tóm gọn bằng mấy chữ “khoái trá với bạo lực”.

Jenner cũng phần nào ám chỉ việc Mao Trạch Đông ca ngợi Lý Quỳ như một người có phẩm chất cách mạng và cách diễn giải Thủy Hử như một tác phẩm về khởi nghĩa nông dân của những người cộng sản như là một nguyên nhân chính khiến tác phẩm này được phổ biến trong thế kỷ 20. Jenner bác bỏ cách diễn giải đó bằng cách chứng minh là Lý Quỳ chỉ hành động mù quáng và bạo lực vô hạn độ (ở đây dễ liên tưởng tới các tiểu Lý Quỳ được phát động trong Cách mạng Văn hóa), và cuộc khởi nghĩa của Lương Sơn Bạc có rất ít yếu tố nông dân. Thực ra những nhận định này của Jenner không mới và hẳn là nhiều học giả Trung Quốc cũng đã nói tới (và hẳn đã bị dìm đi do khác với tư tưởng chính thống đương thời) nhưng việc đây là ý kiến của một nhà nghiên cứu nước ngoài hẳn cho phép ý kiến này được in báo một cách an toàn hơn.

Nhân nói về nhận định chính thống về tư tưởng của Thủy Hử, tớ nhớ là đọc Lời giới thiệu cuốn này ngày xưa của các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng copy y như các bạn Tàu: cũng Thi Nại Am ca ngợi khởi nghĩa nông dân, cũng Lý Quỳ là hình tượng người nông dân có khí tiết cách mạng nhất, trung thành cách mạng tới cùng, căm ghét vua quan, cường hào ác bá….Tình hình cũng tương tự ở các cuốn văn học cổ điển Trung Quốc khác, hết thảy đều được áp dụng cách diễn giải Mac-xít. Trong bản dịch cuốn Tây Du Ký hồi xưa tớ đọc còn in lại nguyên văn phần giới thiệu của nhà xuất bản Trung Quốc trong một bản in từ thời cách mạng văn hóa trong đó ví von hành trình đi Tây Trúc như hành trình tới cách mạng và đả phá các quan điểm khác như của Hồ Thích hết lời- làm hồi đó mình cũng tò mò không biết Hồ Thích là nhân vật nào mà lại được ưu ái thế (đến giờ cũng vẫn chưa biết).

2. Trong bài Châm ngôn mới đây, bạn Nhị Linh có viết về thói bắt chước nhau một cách rởm đời trên các forum Việt Nam (càng ngày càng đánh giá cao bạn này) thể hiện qua ví dụ của các thành viên khi liệt kê các cuốn sách yêu thích thì hết thảy đều là các cuốn sách giống nhau được đọc khi còn nhỏ (mà hầu hết là sách thiếu nhi Liên Xô). Và khi các bạn kể tên các cuốn sách giống nhau (hay ôn nghèo kể khổ có nhiều cái giống nhau) thì nhiều bạn tay bắt mặt mừng như thể tìm được tri âm, tri kỷ. Trong sự nostalgia đượm màu sang trọng đó, các bạn còn tiếc nuối cho một thời gian lao mà ân tình và than vãn (một cách có phong trào) là trẻ con ngày nay không mấy đứa còn đọc sách, hay nếu đọc thì cũng chỉ đọc truyện tranh. Nhớ bạn today20 từng nói đại ý là thế hệ chúng ta (có lẽ là 7x và đầu 8x) đọc các cuốn sách giống nhau, thích các cuốn sách giống nhau và bàn tán về các cuốn sách giống nhau và sở dĩ thế là vì hồi xưa cũng chẳng có gì để giải trí tinh thần ngoài những cuốn sách ít ỏi. Thế nên cái sự nostalgia về những “Mít đặc và các bạn” hay “Ruồi trâu” (“Thép đã tôi thế đấy” thì giờ là political incorrect rồi, hết hợp thời để nostalgia) trở thành ngớ ngẩn. Tất nhiên sự nostalgia không bao giờ là ngớ ngẩn nếu nó thực sự là cái gì đó nostalgia – một sự hoài tiếc, hoài nhớ từ kinh nghiệm bản thân- nhưng các tình cảm nostalgia về quá khứ mà thỉnh thoảng đọc thấy trên các forum hầu hết được xây dựng trên một thứ tình cảm vờ vĩnh, giả tạo và một thứ mong muốn được hòa đồng và chấp nhận, được “mặc chung một bộ đồng phục”. Lạ là nhiều người tỏ ra dị ứng khi người ta dùng các từ như thế hệ 7x, thế hệ 8x… nhưng trên thực tế lại sẵn sàng mặc những đồng phục cho các thế hệ đã được may sẵn, chỉ việc xỏ vào người (nhưng đôi khi cũng phải uốn mình hơi nhiều thì mới vừa, nhưng ăn thua gì, cô gì trong truyện cổ tích- không nhớ là Cám hay em gái Lọ Lem- còn đẽo chân đi cho vừa giầy mà).


15 comments:

  1. Nhân tiện anh Linh nói về thói quen và cách dùng từ của các đồng chí trên forum (7x và 8x), em cũng xin có tí ý kiến về cách viết blog của anh Linh, được không ạ???!!!

    Ấy là, em không được khoái lắm khi đang đọc blog của anh Linh mà lại gặp phải những từ đệm vào đâu đó tiếng nước ngoài (cụ thể là tiếng Anh). Mặc dù vẫn tự nhủ rằng những người đi học/cư trú ở nước ngoài lâu năm dễ mắc lỗi này do phải thường xuyên tiếp xúc với tài liệu và con người của họ, nhưng em vẫn cứ thấy sao đó, như là cảm giác đang ăn cơm mà nhai phải sạn ấy T_T Em cũng thấy bẩu các giáo sư tiến sĩ bây giờ cũng ưa thích cách dùng từ này, không hiểu vì sao???
    Phải chăng ngôn ngữ Việt Nam nghèo nàn không đủ từ ngữ để diễn đạt ý???

    Vẫn biết blog là tài sản cá nhân và vào blog phải tôn trọng chủ kiến của chủ nhân blog, nhưng em vẫn xin mạo muội có tí ý kiến thế thôi ^^

    ReplyDelete
  2. Hichic, thực ra trong các post vớ vẩn thì anh mới hay chêm vài chữ vài câu tiếng Anh một cách không cần thiết chứ các post nghiêm chỉnh thì ít, chỉ vài từ mà anh thấy dùng tiếng Anh chuẩn và hợp với ý hơn.
    Ví dụ ở post trên ngòai từ post, comment nhiều người dùng không vấn đề gì thì có các từ sau:
    Assumption: từ này đúng là không cần thiết phải tiếng Anh. Anh trót dùng vì quen nghĩ tới chữ assumption hơn là giả định.
    Copy: từ này để tiếng Anh không sao, ai dùng máy tính đều biết cả.
    Nostalgia: từ này khó dịch ra tiếng Việt, có thể dịch là hoài niệm, nhưng nghe như thế hơi “kêu” quá.
    Political incorrect: từ này dịch ra tiếng Việt cũng hơi trúc trắc và không đúng nghĩa lắm.
    Nhưng lần sau trong các post nghiêm túc anh sẽ không dùng các từ tiếng Anh nữa, hoặc có dùng thì cũng kèm theo nghĩa tiếng Việt giải thích. Thanks. À quên, cảm ơn em :D.

    ReplyDelete
  3. :p :p don't spoil your fans (he he, or readers) in that "celebrity" way :p I (and some others, I guess) have absolutely not any problem with your blog language ;)) so feel free to write it as you like it to be :p

    ReplyDelete
  4. Em hoàn toàn đồng ý với today20, không ngờ anh Linh "mong manh" thế! :P
    A nice week! À quên, tuần tươi đẹp! hihi :D

    ReplyDelete
  5. Ruồi trâu = the original sockpuppet
    http://en.wikipedia.org/wiki/Sockpuppet_%28Internet%29

    ReplyDelete
  6. thuỷ hử có bao giờ là cũ đâu, nói bao nhiêu mà chẳng đủ

    ReplyDelete
  7. 1. Cu dem ca tieng Phap tieng Hoa tieng Han v..v.. vao cung duoc...Nghiem tuc thi da cha la blog ...Ah neu minh dich cai tu blog sang tieng Viet la gi nhi???? Ma anh cung khong can kem tu tieng Viet giai thich dau...Lam the lai the nao cung co nguoi noi la kenh kieu to ve day doi..haha

    2. Lon len hoan toan tai mot ngoi nha cuc ki rieng biet...Khong he co ban be hang xom nhung Mit Dac van la mot phan cua tuoi tho...((: Thi cung chi doc truyen Lien Xo ma

    3. Chưa bao giờ đọc thử bất cứ một Forum nào nên không biết thế nào. Nhưng mà đoạn này :..... " nhưng các tình cảm nostalgia về quá khứ mà thỉnh thoảng đọc thấy trên các forum hầu hết được xây dựng trên một thứ tình cảm vờ vĩnh, giả tạo và một thứ mong muốn được hòa đồng và chấp nhận, được “mặc chung một bộ đồng phục” " ...hơi bị thắc mắc..Cái này là assumption của cá nhân anh a? Nếu đúng thế thì việc bắt chước nhau đấy vì sao lại bị cho là rởm đời? Việc vờ vĩnh để được hòa đồng thì có vấn đề nguy hại đến sự phát triển xã hội không ?

    ReplyDelete
  8. Theo em thì bác dùng mấy từ "mà" rất không chuẩn trong cái entry này :))

    ReplyDelete
  9. Anh Linh cứ dạy đời em không sao đâu, em thích được dạy vì như thế mở mang kiến thức được thêm nhiều ^^

    Dù sao thì như đã nói ở trên, anh Linh cứ làm những gì mình thích vì thực ra.. em cũng vậy :">

    ReplyDelete
  10. lạc đề chút, vì thấy bạn King$$ nhận xét làm tui hơi ngứa tay. Đâu chỉ có du học sinh mới hay đệm tiếng Anh vào trong bài viết, nếu chịu khó đọc báo Hoa Học Trò, Mực Tím thì thấy tràn ngập tiếng Anh, tiếng bồi, đó là báo chí chính thống ở VN chứ không phải là blog cá nhân. Ngay cả bạn King$$ khi nhận xét phê phán thì bạn cũng không dịch chữ blog thành nhật ký trực tuyến, chữ forum thành diễn đàn v.v... Tiếng Việt của ta phong phú, nhưng tiếng Anh có những từ ngữ nghĩa của nó` không thể dịch ra cho đúng nghĩa của nó (mà Linh cũng có giải thích bên dưới). Tui thấy dọc blog của bạn Linh, dù bạn có xài tiếng đệm vào đó cũng không thấy khó chịu dù tui cũng ghét mấy cái vụ đệm tiếng Anh vào.
    * Chữ nostalgia dịch là luyến tiếc, thương nhớ cũng lãng mạn mà, hehehe

    ReplyDelete
  11. vô đề lại: hoàn toàn đồng ý về vụ cái đám thời cùng thế hệ mỗi khi tụ tập hay ôn lại phim xưa, như phim Maika cô gái từ trên trời rơi xuống, cậu bé Chét tơ mi biết bay, rồi sau đó cứ thở dài về truyền hình ngày nay. tương tự là về sách truyện. Có điều mỗi thời một khác nên cũng khó nói...
    Riêng tui thì tui vẫn thích nhớ cảm giác những phim hồi xưa (hơn là xem lại nó)...

    ReplyDelete
  12. Hồ Thích là một ông nhà văn Tàu đi du học Mỹ giống bác. Là người dẫn đầu phong trào văn mới của Tàu đầu thế kỷ XX.

    ReplyDelete
  13. @KingSS: Em nói quá lời rồi, anh đâu dám "dạy đời" ai, hichic.
    @Phanxine: nostalgia dịch là luyến tiếc hay thương nhớ cũng chưa chuẩn lắm. Nostalgia có hai nghĩa chính: có thể là nhớ quê hương, có thể là nhớ những gì đã qua. Ở đây, thì là nghĩa thứ hai.
    @Tan Nguyet: Tớ cũng biết đại khái thế nhưng không biết rõ hơn về ông này. Hình như vị trí ông này từng ngang hàng Lỗ Tấn trong vài thập kỷ đầu thế kỷ 20 trên phương diện tư tưởng văn hóa nhưng sau ĐCS Trung Quốc thẳng tay bài trừ tư tưởng Hồ Thích trong khi vẫn coi Lỗ Tấn là ngọn cờ đầu. Đợt về VN thây có quyển gì về triết sử Trung Quốc của Hồ Thích nhưng thấy đắt quá nên tớ cũng không mua.

    ReplyDelete
  14. Anh Linh nhạy cảm quá, ý em chỉ để trả lời cho mấy cái cmt đao to búa lớn ở trên thôi, chứ em cũng vào blog cũng khá lâu rồi, em cũng hiểu anh ít nhiều mà ^^

    @Các anh chị: Rất vui vì nhận được lời góp ý của các anh chị, tuy nhiên nếu muốn nói thêm chút về ngôn ngữ thì em cũng xin có vài ý.
    1. Em đã nói rất rõ ở trên là ý kiến mang tính chất cá nhân và cũng chỉ có ý với cá nhân anh Linh thôi, ko có ý định làm hỏng bài viết của anh Linh vì cái cmt đấy, cũng chỉ là tiện thể ^^
    2. Em nói rõ ở trên là "khi đọc 1 bài viết gặp từ đệm" chứ ko phải là cmt. Em nghĩ cmt ở đây là văn nói, không phải là văn viết nên quan trọng nhất là chúng ta nói sao để hiểu nhau thì thôi, có lẽ mọi người ko cần thiết ngồi bắt giò cái cmt của em :-"
    3. Tiếng Việt (hiện nay) vốn nhiều từ mượn (Hán Việt, Pháp Việt, Anh Việt..) và được sử dụng nhiều thành thông lệ, ví như cái ghi-đông, cái gác-ba-ga.. có ai có ý định ngồi giải nghĩa nó ra không nhỉ :-?
    4. Một số từ mới mà ngay khi ta tiếp xúc với nó thì nó đã là tiếng nước ngoài (tiếng gì thì phụ thuộc vào yếu tố từ đấy có phổ thông ko và người nước nào nghĩ ra từ đó) và (coi như) mặc định được dùng như vậy, em ko nghĩ là mọi người khi dùng những từ như internet sẽ có (mảy may) ý nghĩ là mình nên gọi nó là "mạng truyền thông quốc tế" hay "mạng truyền thông toàn cầu"???
    5. Có lẽ mọi người chỉ nghĩ rằng "mình đọc hiểu là đủ, mình ko thấy khó chịu" nhưng quên mất blog anh Linh rất được nhiều người quan tâm theo dõi, và không phải ai cũng như mình. Phải chăng chúng ta nên vì cái "chung" hơn một chút???

    P.S: Em xin nhấn mạnh lại là em cũng không có ý định thu hút sự chú ý của mọi người đâu, và cũng yêu mến anh Linh như mọi người thôi. Chẳng qua là vì em không muốn bị hiểu nhầm nên có tí trình bày, mong mọi người thông cảm ^^

    ReplyDelete
  15. Em ko dám nói về từ ngũ, chỉ xin nhận xét về nội dung sau khi đã đọc và ngần ngại mãi không muốn viết.

    Tại sao nhớ tiếc những cái ngày xưa lại là xấu, là rởm đời, là a dua? Có ai đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ với sách của nhà xuất bản cầu vông, với khu tập thể cấp bốn, với lũ trẻ con trong ngõ có đủ can đảm để nói rằng nó là một thứ không tốt. Giờ đây nhìn lại có thể thấy nó ngây ngô, nó ấu trĩ nhưng khi đã thành quá khứ nó sẽ trở nên thơ mộng, đáng nhớ. Em cũng có từng qua những diễn đàn, những topic kiểu như thế. Có thể ngôn ngữ của họ không hay, không bay bướm, không văn thơ được bằng một số người (xin lỗi) để miêu tả các cảm nhận của mình một cách khác biệt và nổi bật. Có thể vì thế họ phải vay mượn những từ ngữ đã sáo mòn, những kiểu viết đã bị dùng đi dùng lại nhiều lần, nhưng trải nghiệm của họ là thật, những tình cảm từng có của họ là thật. Nếu bảo là vờ vĩnh, giả tạo xin hãy nói có sách mách cho chứng, trích ra một đoạn để xem thế nào? Hay là họ lại phải tỏ ra là mình có những cách nhìn khác để không "mặc đồng phục" trong đám đông?

    Anh Linh (và một số ng khác) có thể coi Ruồi Trâu là quá khứ, Ông Già Khốt-ta-bít là truyện cười, Thép đã tôi thế đấy là sai lầm. Em không phản đối, lịch sử đã đánh giá lại nhiều thứ. Nhưng em vẫn còn nhớ mình đã khóc khi đọc Ruồi Trâu (em đọc lại cả hai lần và cả hai lần đều khóc), vui buồn với ông già Khốt-ta-bít, thấy hừng hực lửa khi đọc Thép và Paven. Em có thể cười bản thân mình lúc đó nhưng em vẫn trân trọng những cảm xúc đã qua. Có rất nhiều người cũng đã từng kể lại những suy nghĩ như em, vậy bọn em có phải là a dua hay không, là xây dựng "một thứ tình cảm vờ vĩnh, giả tạo và một thứ mong muốn được hòa đồng và chấp nhận" hay không? Em thì thấy đồng cảm với họ, thấy hợp và có thể nói chuyện với họ vì mình đã từng có cái gì đó chung, như một sợi chỉ xuyên suốt vượt qua những rào cản của sự khác biệt nhiều khi là quá lớn.

    Em cũng không đồng ý với những ng gian lao kể khổ mà chê bai thế hệ ngày nay. Nhưng chẳng phải thất vọng về thế hệ đi sau là một khuynh hướng thường thấy. Hãy cứ để họ nói còn ra sao thì thời gian sẽ chứng minh. Các anh chị 7x chẳng phải đã từng bị nhận xét tiêu cực về nhiều thứ khác?

    P.S: có thể mọi người sẽ cho em là bồng bột, suy luận ko logic và...hay ho nhất là vờ vĩnh và giả dối, em chỉ cảm thấy dễ chịu khi nói ra được những suy nghĩ của mình.

    ReplyDelete