Sunday, July 8, 2007

Entry for July 08, 2007

Chiều chủ nhật, nằm khểnh ở Stockholm đọc mấy vở bi kịch của Euripides.


A statue of Euripides.

Tư tưởng dân chủ dựa trên tầng lớp trung lưu như là xương sống của nền dân chủ đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Đọc thử đoạn trích này trong vở kịch The Suppliant Women của Euripides- lời của Theseus, vua thành Athens:

"Citizens are of three orders. First, the rich; they are useless and insatiable for more wealth. Next, the very poor, the starving; these are dangerous; their chief motive is envy- they shoot their malice at those better off, swallowing the vicious lies of so-called champions. The middle order is the city's life and health; they guard the frame and system which the state ordains"

(Euripides- The Suppliant Women).


Euripides có lẽ là kịch tác gia hiện đại nhất trong 3 kịch tác gia nổi tiếng thời Hy Lạp cổ. Kịch của ông phức tạp về tình tiết và tâm lý nhân vật, và thường ám chỉ đời sống và các vấn đề xã hội thời ông đang sống. Đọc Euripides không cảm thấy tính tiên quyết và bi kịch đậm đặc như trong Sophocles, cũng ít có tính trữ tình và chất thơ như trong Sophocles nhưng lại có gì đó hiện đại, witty và ironic. Tính hiện đại của Euripides còn thể hiện ở chỗ có thể diễn giải ông theo nhiều hướng khác nhau, nhiều hơn Sophocles chẳng hạn (Aechylus thì thuộc về một thời đại khác, khá đơn giản về mặt tư duy). Nếu so sánh giữa Euripides và Sophocles thì Sophocles giống một nhà thơ viết kịch (có lẽ là kẻ thừa kế xuất sắc nhất của Homer trong thời Hy Lạp cổ) còn Euripides giống như một nhà tiểu thuyết viết kịch. Mỗi thời một khác, Sophocles là sản phẩm của Athens hùng cường và tự tin cả vào sức mạnh và sự siêu việt đạo đức của mình sau chiến thắng chống xâm lược Ba Tư hùng mạnh, trong khi Euripides là của thời nội chiến của Hy Lạp, của một thành Athens đã suy yếu và hoang mang, cả về sức mạnh lẫn về ưu thế đạo đức của mình. Không trách là trong giai đoạn về sau, người
Athens chuộng Euripides hơn là Sophocles. Dù vậy nhưng có lẽ Sophocles cũng đã linh cảm được sự đi xuống của Athens- số phận thành bang này hình như cũng được mường tượng giống nhân vật Oedipus của ông, mạnh mẽ, tự tin, tràn đầy lý trí và sự tự tin về chính nghĩa và sức mạnh đạo đức nhưng đằng sau cái vỏ ngoài có sự mục ruỗng về đạo đức (loạn luân, sát phụ) ở bên trong. Và hành trình để tìm ra sự thực và chứng minh mình vô tội của Oedipus cũng là hành trình đi từ hào nhoáng tới suy tàn, giống như Athens trong cuộc nội chiến toàn Hy Lạp (Peloponnesian War).

Trong văn học Hy Lạp cổ, có lẽ ngoài thần thoại Hy Lạp và Homer ra thì bi kịch của Sophocles và Euripides là vĩ đại hơn cả (mình vẫn prefer Sophocles hơn). La Mã thì có gì nhỉ, không rõ nhưng chắc chỉ bằng một góc nhỏ của Hy Lạp. Một quốc gia quá thực dụng, chỉ nghĩ tới làm đường và xây cầu chứ không phải văn học và triết học.

Hình như Euripides là tác giả cổ Hy Lạp yêu thích nhất của Murakami. Trong cuốn Rừng Na-uy, nhân vật Toru khi trông bố Midari trong bệnh viện cũng đọc Euripides và nói rằng đây là tác giả cổ Hy Lạp mà anh ta thích nhất. Tính hoài nghi trong tác phẩm, sự phức tạp về tâm lý nhân vật, tâm trạng hoang mang của nhân vật, các nhân vật nữ cá tính mạnh mẽ, và sự buông xuôi của tác giả trong việc giải quyết số phận nhân vật là những gì có thể khiến Murakami cảm thấy gần gũi với Euripides chăng. Tâm trạng nước Nhật thất bại thời hậu chiến và tâm trạng rời rã vì thất bại của Athens trong cuộc chiến tranh dài dằng dặc hẳn là có sự tương đồng. Nhưng mà suy luận thế này thì e cũng là phỏng đoán quá mức.

1 comment: