Friday, June 15, 2007

Trần trụi với Văn chương

http://a4.vox.com/6a00b8ea067508dece00cd9707f6ac4cd5-500pi




Trịnh Lữ dịch "New York Trilogy" của Paul Auster là "Trần trụi với văn chương". Nghe thế nào mà mình lại liên tưởng thành "Trần trụi với bầy sói". Cái tên
“New York Trilogy” nghe vừa đơn giản, vừa lạ, vừa gợi tò mò và bí ẩn thế vào tay Trịnh Lữ thì quả là thành “trần trụi”.



Đây là lời người dịch của Trịnh Lữ:

"Lạ thay, đúng lúc ấy thì tôi nhận được email của biên tập, nói liệu có nên dịch cái đầu đề New York TrilogyBộ ba truyện New York hay không? Có thể đại đa số bạn đọc Việt Nam sẽ hiểu Bộ ba truyện New York là ba câu chuyện gì đó về thành phố hoặc tiểu bang New York ở bên Mỹ. Mà hiểu nhầm như vậy thì rất thiệt cho độc giả. Sau khi thảo luận tới 9 phương án khác nhau, chúng tôi mới quyết định đặt tên cho bản dịch tiếng Việt này của New York TrilogyTrần trụi với văn chương. Chúng tôi tin rằng đây là tên gọi gần gụi nhất với tấn kịch bi tráng mà Paul Auster đã mô tả rất lạ lùng trong 3 câu chuyện hoàn toàn độc lập mà lại quan hệ chặt chẽ với nhau."

Sợ bạn đọc hiểu lầm nên dịch tên sách khác hẳn? Thà không dịch như Cao Việt Dũng dịch cuốn gì gần 1000 trang ấy còn hơn. Thời nào mà
cứ thích cầm tay bạn đọc như thế. Chưa kể cái tên “Trần trụi với văn chương” nghe vừa thô, vừa điệu (giỏi thật làm sao kết hợp được giữa thô và điệu), vừa nhét bút vào miệng tác giả thì việc cầm tay bạn đọc, sợ bạn đọc hiểu lầm phí của ấy lại như mâu thuẫn với đoạn dưới:

Trần trụi với văn chương là một văn bản mở. Với một văn bản như thế này, bạn đọc nên coi mình cũng là tác giả, và nếu tác giả đã viết nó ý tứ và thận trọng như thế nào thì ta cũng nên đọc nó ý tứ và thận trọng như vậy, rồi sẽ ngộ được cái khoái cảm đặc biệt mà loại văn chương này mang lại”.

Ở đây, mới chỉ thấy dịch giả tự coi mình cũng là tác giả thôi. Thôi, trời nóng thế này thì cứ “trần trụi” với văn chương hay với gì đi nữa thì có khi cũng ngộ ra khoái cảm.

Trong đoạn giới thiệu trích dẫn này còn một từ rất lố là "bi tráng". Paul Auster là một tác giả quan trọng của văn chương hậu hiện đại mà trong văn chương hậu hiện đại thì "bi kịch đã chết". Bi tráng là sản phẩm của thời người ta tin vào thần Zeus, vào Chúa, vào văn minh, vào con người, vào vô thần, vào CNCS, vào hư vô...- trong thời hậu hiện đại, các niềm tin kiểu đó chết hết rồi.

Nói chung mình không thích bác Trịnh Lữ này được, già rồi mà vẫn hay điệu vãi linh hồn. Nhưng văn của Auster bị “điệu hóa”, "Trịnh Lữ hóa" thì e rằng sẽ khác hơi nhiều với tinh thần tác giả.

"Naked with Literature", nghe cứ như cái cô văn sĩ gì chụp ảnh nude rồi tự xưng là Kafka Trung Quốc ấy nhỉ. Ừ thì cũng hũ nút, cũng tối đen, cũng bí ẩn, cũng đi mãi không tới bến như Kafka còn gì.

19 comments:


  1. Em chưa biết tác phẩm này nhưng em thấy NEW YORK TRILOGY mà dịch là "Trần trụi với Văn chương" thì quả là khó mà chấp nhận nổi. Em nghĩ thực ra để dịch ra được cái title đó của Paul Auster nhằm thể hiện đúng ý tưởng (muốn gửi gắm) thì cũng khó lắm, nên ông Trịnh lữ dịch theo chủ quan mà thôi.

    Nhưng em đọc trên evan, thấy TLữ có phát biểu như thế này: "Dạo hè vừa rồi tôi có dịch cuốn Tham vọng bá quyền, bàn về tình hình thế giới sau sự kiện 11/9 - tức là sau khi tòa tháp đôi vĩ đại ở New York bị khủng bố phá sập. Hôm nọ lại đọc tin bên Dubai đang xây dựng một tòa tháp lớn nhất thế giới cao đến gần một cây số, bèn liên tưởng đến tòa tháp Babel huyền thoại, rồi ngẫm đến lịch sử loài người, rồi bỗng nhận ra rằng cái hệ lụy bi thảm trong ngôn ngữ và văn chương của tham vọng loài người cũng lại là một chủ đề của New York Trilogy." , ở đây em định draw anh Linh's attention to cái đoạn cuối cuối ấy, có lẽ vì thế mà ông ấy bê hẳn tác phẩm của tác giả nằm dưới cái tít "thô và điệu" (chữ dùng của anh Linh). Một kiểu trăn trở (Chẳng lẽ lại là giống như Hộ của Nam Cao :D anh có nghĩ thế ko?

    "Thế rồi tôi chợt nhận ra rằng cả ba cái chủ đề trong New York Trilogy thực ra chỉ là triển khai của một ý niệm cơ bản duy nhất, ấy là tấn kịch bi tráng của giấc mộng và sự nghiệp văn chương khi người cầm bút phải loại bỏ mọi giả hình để trực giao trần trụi với bản thân và thế giới trên con đường đi tìm ngôn ngữ đích thực để diễn ngôn sự thực. Cái giá phải trả cho văn chương thật là ghê gớm!"

    Còn cái từ "bi tráng", em nghĩ theo chủ quan là ông này thích dùng từ hoành tráng và đặc tả. Em tra từ điển thì từ Trilogy có ý nghĩa giống như bi kịch bi tráng (thời Hy Lạp), nên ông ấy quên mất là Paul Auster là nhà văn hậu hiện đại.

    Nói chung là cũng khá khó chịu ! :)


    ReplyDelete
  2. Bác Lữ nổi tiếng về khoản đề từ và đề tựa còn hơn cả ở khoản dịch sách ấy chứ. Thực tình là càng ngày càng bựa, cứ như thể bác ấy nghĩ lời của mình như lời sấm, (ngu) ý của mình thì gần gần ý Chúa nên cứ mặc tình nhào nặn đứa con tinh thần của người thành thứ quái thai của bác ấy.
    Tham khảo cái này nữa:
    "Tôi luôn luôn bị thu hút bởi sách dịch của Trịnh Lữ, vì sự lựa chọn, vì chính bản dịch và vì cả lời đề tựa của người dịch. Trịnh Lữ viết lời đề tựa cho sách dịch của mình theo một cách rất lạ. Nó giản dị, trúng đích; nó gợi mở, dẫn dắt, mà lại dường như chỉ là một lời cảm thán, hay vài dòng tâm sự tản mạn của một người đọc trầm lắng. Đối với người đọc Việt, hay chí ít là với tôi và nhiều người khác, các tác phẩm do Trịnh Lữ dịch dường như sẽ thiếu một cái gì đó nếu như không có những “Lời người dịch” ấy của ông. Chưa ai khác viết lời tựa cho tác phẩm dịch của mình như thế - nó làm cho người đọc cảm được cái hồn, cái giá trị cao nhã mà thiết thực của tác phẩm thông qua những suy ngẫm và xúc cảm trung thực đầy trân trọng của người dịch. Tôi chỉ không hiểu tại sao, khi mở cuốn Biển, phần “Lời người dịch” của ông, rõ ràng là một lời tựa chứ không phải lời bạt, lại để in vào cuối sách. "
    Đấy, chính cái kiểu "dẫn dắt" tùy tiện ấy mà làm cho cả 1 số (khá đông) người đọc há mồm chờ sung vốn đã hỏng lại càng hỏng thêm. Đúng là vãi linh hồn thật.

    ReplyDelete
  3. Em chưa đọc cuốn này nhưng thiết nghĩ chuyện phải adapt khi dịch tựa sách, phim ảnh là rất thường xuyên và cần thiết. Lý do chính là sự khác biệt văn hóa và những đặc thù của độc giả từng quốc gia. Độc giả Việt Nam có cách cảm thụ không giống hoàn toàn với độc giả phương Tây. Tư duy của người Việt khá thực dụng, đơn giản, ít cầu kỳ và không nhạy cảm lắm với các loại hình thức ẩn dụ nghệ thuật. Văn hóa đọc nhìn chung chưa cao đến mức có thể đọc bất kỳ cuốn sách nào, nhất là đối với loại sách ngâm cứu, khảo cứu kiểu này. Bởi thế, việc đặt một tựa sách như thế nào khá khó, phải hội đủ nhiều yếu tố, vừa đảm bảo tính chuyên môn (dịch đúng - bám sát nguyên tác), vừa đảm bảo yếu tố thị trường (dịch trúng - phù hợp với độc giả tiềm năng).
    Ở đây, em không nghĩ rằng Trịnh Lữ đã dịch tùy tiện theo cảm hứng chủ quan của ông. Cái tựa "Trần trụi với văn chương" có lẽ gợi mở và khái quát tốt hơn nội dung cuốn sách so với nguyên tác "New York Trilogy". Một cái tựa như thế sẽ phù hợp hơn với tư duy và văn hóa đọc của người Việt. Dù rằng phải công nhận là "Trần trụi với văn chương" nghe có vẻ rất giật gân và câu khách rẻ tiền, rất hợp với trào lưu văn chương "cởi mở" hiện giờ của Việt Nam. Công nhận là "điệu", nhưng "thô" thì chưa đến nỗi lắm, nếu so với ngôn ngữ của nhiều nhà văn trẻ bây giờ :).
    Có lẽ phải đọc cuốn này để hiểu rõ thêm vì sao Trịnh Lữ đã lựa chọn cái tựa sách đó. Dù sao, một cuốn sách dịch cũng là đứa con tinh thần của dịch giả, đòi hỏi phải bỏ nhiều tâm huyết, trăn trở. Em nghĩ rằng ở đây Trịnh Lữ không áp đặt quá nhiều cái tôi của ông, lại càng không đóng vai trò là đồng tác giả qua một cái tựa sách. Ông chỉ muốn giúp độc giả cảm thụ tốt hơn, chính xác hơn nội dung cuốn sách ngay từ cái tựa mà thôi.
    Còn về từ "bi tráng", em thấy thời hiện đại hay hậu hiện đại thì cũng đều có thể "bi tráng" được chứ. Chẳng lẽ cứ phải tin vào thần Zeus, Chúa, CNCS, văn minh ... thì mới "bi tráng" được à ? Bi tráng là một tính từ. Bi tráng là bi kịch + hoành tráng :D. Thời nào mà chả có bi kịch, và bi kịch nào mà chả hoành tráng. Đời thường của chúng ta cũng có rất nhiều thứ "bi tráng" đấy chứ :p.

    ReplyDelete
  4. Nói thêm một chút. Dù chưa đọc cuốn sách nhưng em cảm nhận qua cái tựa "Trần trụi với văn chương" mối đồng cảm sâu sắc của Trịnh Lữ với tác giả cuốn sách. Cái tựa đó phơi bày và nhấn mạnh thực tế nghiệt ngã của sáng tác văn chương tốt hơn so với tựa nguyên bản "New York Trilogy", theo những gì ông đã viết trong phần lời dịch giả : "Sau khi thảo luận tới 9 phương án khác nhau, chúng tôi mới quyết định đặt tên cho bản dịch tiếng Việt này của New York Trilogy là Trần trụi với văn chương. Chúng tôi tin rằng đây là tên gọi gần gụi nhất với tấn kịch bi tráng mà Paul Auster đã mô tả rất lạ lùng trong 3 câu chuyện hoàn toàn độc lập mà lại quan hệ chặt chẽ với nhau."

    ReplyDelete
  5. Dù sao cũng mới chỉ là những cảm nhận ban đầu. Phải đọc cuốn này đã rồi mới biết được :)

    ReplyDelete
  6. Ối, từ hồi đọc "Rừng Nauy" thì chào tạm biệt bác Trịnh Lữ luôn. Bác ấy hình như sống ở thời khác, dùng một thứ tiếng Việt ở thời khác. Mà không nhất thiết phù hợp với bối cảnh truyện. Với lại bác dịch sai ngay từ cái đầu đề truyện. Bài hát "Norwegian Wood" của The Beatles được ông người Nhật kia lấy làm đầu đề rõ ràng là nói đến "Gỗ Nauy" chứ chẳng có rừng nào hết. Bó chiếu bác Trịnh Lữ.


    ReplyDelete
  7. Lua chon so mot la doc nguyen ban
    Lua chon thu 2 la doc sach dich, ban dich hay
    KHong co thi danh doc ban dich chua hay
    Ban dich chua hay thi van prefer cai su "dieu chay nuoc" cua Trinh Lu trong cai dong sach dich ngoai thi truong..Vi ong gia nen moi dieu...

    Du sao van thay Trinh Lu vao hang OK tren market

    ReplyDelete
  8. @Anaconda: Chính ra anh vẫn thích đọc sách bằng tiếng Việt nếu là bản dịch hay hơn là đọc nguyên bản. Một là vì đọc nhanh hơn, hai là đọc tiếng Việt vẫn dễ cảm thụ được vẻ đẹp văn chương hơn vì dù gì cũng là tiếng mẹ đẻ, khi đọc mình không bị phân tán như khi đọc tiếng nước ngoài.

    Sách dịch của Trịnh Lữ tớ mới đọc có "Con nhân mã ở trong vườn" nên cũng không dám bàn sâu. NHưng đúng là ông hay dùng từ hơi cũ và hơi điệu. Dù sao chắc so với phần đông các dịch giả hiện nay thì bản dịch của Trịnh Lữ vẫn là đáng tin cậy. Ở đây tớ chỉ nêu ý kiến về cách dịch một tựa đề. Tớ nghĩ cái tôn trọng với tác giả nhất chính là việc dịch tựa đề, càng bám sát bản gốc thì càng tốt. Tất nhiên đó không phải là nguyên tắc bất di bất dịch. Bọn Pháp dịch tên truyện "Norwegian Wood" thành "La Ballade de l'impossible". Nhưng nhìn chung nên tránh đặt ra một cái tên khác hẳn, vì cho rằng mình hiểu điều tác giả muốn nói mà thực ra chủ yếu để nhằm vào thị trường.

    Trước cuốn Utopia của Trịnh Lữ dịch do Nhã Nam xuất bản cũng từng bị Cao Xuân Hạo phê là dịch sai với bìa câu khách rẻ tiền (nhưng Trịnh Lữ bảo sai là do Nhã Nam chứ không phải do Trịnh Lữ).
    Một cái nữa có thể thấy là Trịnh Lữ rất thích dùng những từ kêu nổ người "bi tráng", "hệ lụy". Ngay trong đoạn của Izumi trích đã thấy xủng xoẻng các từ Hán Việt đầy sắc thái biểu cảm : hệ lụy, bi thảm, trực giao, diễn ngôn, giả hình....Ấy thế mà ở trên ông vừa khen Đường Kách Mệnh của ông cụ là giản dị, sáng sủa.
    Nói chung đọc bài trên của Trịnh Lữ thì vấn đề không chỉ ở cái tên sách mà còn ở những mâu thuẫn trong cách nhìn nhận vấn đề của chính Trịnh Lữ.

    ReplyDelete
  9. Nhân tiện tớ cũng thấy trên Vnthuquan có bản dịch "Những bóng ma" là một trong ba truyện của tập "New York Trilogy" này do Hải Ngọc dịch, đăng trên Tiền Vệ.
    http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n2n4nvn3n31n343tq83a3q3m3237nvn

    ReplyDelete
  10. Không phải "tựa đề", bác. "Con nhân mã ở trong vườn" cũng đã là một cái nhan đề dịch hỏng. Cái nhan này là một câu hoàn chỉnh, trong khi tên gốc nó là một cụm danh từ. Những trường hợp quá mức dễ như thế thì giữ nguyên cấu trúc ngữ pháp là việc nên làm.

    Bản dịch của đồng chí Hải Ngọc hơi bị được.

    ReplyDelete
  11. Không phải "tựa đề" thì chắc là "tiêu đề", hehe, thanks bạn Nhị Linh.
    Công nhận tiếng Việt của mình cũng lỗ chỗ.
    Thế ý kiến bạn Nhị Linh về tên sách và toàn bộ bản dịch của bác Trịnh Lữ với cuốn "New York Trilogy" như thế nào?

    ReplyDelete
  12. Chưa đọc chưa biết. Không biết là có đọc hay không nữa. Đọc cái "Lời tựa" (hehehe) để test khả năng chịu đựng mấy cái banana và đu đủ xanh thôi. Tên mà dịch thế là léo có được rồi. Đúng nó là ba cái chuyện gì đó về/liên quan đến New York chứ còn có thể là cái gì. Bác này cần học về lôgic hình thức (câu này là có điển tích, nhưng thôi không nói ở đây được). "New York" ở trong tên sách là đặc biệt quan trọng, Auster được coi là nhà văn của New York, nhà văn về New York (Brooklyn, Central Park, Columbia University). Nó cũng đặt "The New York Trilogy" vào đống tiểu thuyết về các thành phố. Đó là một dòng sách rất lớn: Julien Green, Italo Calvino, Friedrich Duerrenmatt, Philippe Sollers etc. Một dạng siêu hình học về bản thân cái đối tượng thành phố. "Trần trụi với văn chương" là kiểu tên của essay. Mà trần trụi với văn chương thì tức là đọc sách trong khi làm vệ sinh thân thể. Như thế là hơi bị bẩn. Không được, vấn đề vệ sinh là đặc biệt quan trọng hehe. Dịch tên sách khác với nguyên bản thì phải đòi hỏi có yếu tố thông minh trong đó. "Norwegian Wood" sang thành "La Ballade de l'Impossible" là hơi bị được, vì cùng mức độ sến :)) và cùng mức độ oánh đố người ta :)) lại còn không bị cụt lủn gỗ với ghiếc. Một phát nữa chứng tỏ bác kia chã biết gì về Auster là ở chỗ Auster xuất hiện đầu tiên với tư cách tác giả thriller. Tên sách lúc nào cũng có tính chất kỳ bí (cái này còn cộng thêm việc đồng chí chồng của chị Siri Hustvedt này rất mê kiểu oánh đố của mấy anh Oulipo, đặc biệt là Auster rất mê Raymond Queneau). Cho nên tóm lại là đúng là léo có được.

    ReplyDelete
  13. "Utopia" cực kỳ lý thú của nó đấy. Bác kia dịch nó ra mà viết giới thiệu chã có gì liên quan đến việc tại sao một quyển sách thật ra không hay ho mấy lại có vai trò quan trọng đến thế trong lịch sử văn chương và tư tưởng phương Tây. Cái tít phụ bác ấy đề nghị còn tởm hơn nhiều: "Nhân gian ảo mộng". Nhìn chung khả năng sến hóa của đồng chí là vô biên. Sau rồi vì không được dùng cái tít phụ đó mà xui nguyên giục bị cứ gọi là nung tung cả lên.

    ReplyDelete
  14. Thêm nốt cái nữa cho nó tiêu tan cái đìu hiu chiều Chủ nhật không bia: ghét nhất trên đời là các anh giai văn nhân viết xong mấy cái bẩn bẩn rồi ký rất kinh ở dưới theo kiểu "Hà Nội, mùa thu năm...", "Hải Dương, đêm giao thời Nhâm Tuất" hay là "Biệt thự Thu Trang, tháng Tám năm 2006" :)))

    Liếc qua đoạn trích trên evan (sách để đâu mất rồi lười tìm) thấy có đoạn Quinn nói chuyện điện thoại mà gọi thằng ở đầu dây bên kia là "quí vị" mới sợ chứ.

    ReplyDelete
  15. "Trần trụi với văn chương" là kiểu tên của essay" (Nhi Linh )
    la mot nguoi doc binh thuong, minh cung dang doc cuon nay. Mac du doc va bo do nhung luc dau doc da rat khoai. Trinh Lu co mot so cuon dich hap dan khach: cuoc doi cua Pi ( neu doc cuon nay thi doc Con nhan ma khong khoai nua), Utopia...Khoai cai kieu "gia trinh tham", gia tu thuat cua Auster. Minh ko doc duoc ban tieng Anh nhung neu co the se doc not va viet chut ve no . Nhung cung rat tks( anh, chi ) Linh ( :>) , vi minh chang bao gio de y cu the ve tieu su cua nguoi, du noi tieng:) bai viet khien minh nghi them ve van de: canh giac voi van chuong. Canh giac tuot luot voi nhung tieu thuyet hap dan.

    ReplyDelete
  16. @bac Marcuscello: Rung Nauy nghe hay hon go Nauy. Go Nauy nghe do et. Dich hay nhu the con che. May ai dich duoc cuon Rung Nauy hay nhu the? Rung hay Go thi co gi ma quan trong? Ngay ca trong bai hat cua the Beatles cai Norwegian wood day cung co an khop voi noi dung cua bai hat dau, chi vut vao random the thoi. Chang le lai noi la Trinh Lu khong nghe Beatles nen dich sai?
    Tu tieng Viet dung nghe cu~? Norwegain Wood cung noi ve mot thoi da cu~ roi`. KHong biet da doc chua ma cu dai` mom` ra che. Nghe choi khong chiu duoc.
    Quai, da dich duoc cai gi cho ra hon tieng Viet chua ma bao nguoi ta la quai thai voi ca ngu y the nhi. Judge nguoi khac khong biet ngai mom.

    ReplyDelete
  17. em đã đọc cuốn này nhưng ko đọc lời giới thiệu. Hầu như em ko bao giờ đọc lời giới thiệu cho 1 tác phẩm nào đó vì ko thích bị người khác ảnh hưởng tới mình khi đọc. Nhưng đọc TTVVC khá thích, nó sử dụng nhiều ẩn dụ ngôn ngữ và nhiều suy nghĩ về nghề viết

    ReplyDelete
  18. Ẩn dụ ngôn ngữ thì đâu chả có :)) Nếu em zim thích các thể loại suy nghĩ về nghề viết thì Auster có cái tập trung cao độ hơn rất nhiều: "Leviathan". Hoặc chính ra cái đầu tay cũng cực kỳ hay, tên gốc hình như là "The Invention of the Lonliness" không nhớ chính xác: cả truyện chỉ là lắp ghép các trích dẫn. Chị gái Vacher dịch quyển này sang tiếng Pháp cho Actes Sud phải nhờ chuyên gia đi dò tìm các bản dịch tiếng Pháp có authority để nhét vào bản dịch (bắt tay chị gái này rồi nên khoe phát). Cái kiểu viết về cái viết đó là mở rộng của trò mà dân nghiệp dư gọi là "mise-en-abyme", mốc khởi đầu vẫn hay được coi là "Bọn làm bạc giả" của Gide. Nhưng khái niệm này khá loosing, vì gần như quyển nào mà có nhân vật là nhà văn đều có thể xếp vào luôn. Đồng chí TL có bao giờ viết lời giới thiệu cho tác phẩm đâu, tuyền là phát biểu cảm nghĩ đấy chứ.

    ReplyDelete
  19. Nhân nói đến chuyện đặt tên/nhan đề sách, chợt nhớ ra một cuốn mới đây của chị nhà văn Y Ban "I am đàn bà". Ối giời ơi, sao mà quê mùa, kệch cỡm nực cười. Nghe tên sách đã không muốn đọc rồi. Hình như in xong thì bị thu hồi, cũng phải thôi. Hôm nọ tình cờ đọc lướt trên mạng một trích đoạn trong quả "I am đàn bà" ấy, không thể duyệt được. Đúng kiểu văn chương của một chị gái già sồn sồn hết thời cố tìm cách níu kéo bằng những thứ quá sức rẻ tiền. Đọc thêm quả "Đàn bà xấu thì không có quà" của chị mà thấy rõ là ... đàn bà viết văn. Ngòi bút chả nâng lên quá được cái gấu váy. Các tác phẩm khác của chị chắc cũng dấm dớ chả hơn gì. Chán chị ghê lên được.

    ReplyDelete