Tuesday, June 12, 2007

Lời nói dối cuối cùng

The image “http://ec1.images-amazon.com/images/I/51AKXM8Y1JL._SS500_.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.


Copy cái này từ blog GT, một bài của Grass từ thủa xưa xưa lắm. Cũng là nhân dịp thấy trên mạng có một bản dịch mới của cuốn này do Hoàng Ngọc Tuấn dịch ở đây.

Bản dịch cũ có tên là Cuốn Vở Lớn, không nhớ là ai dịch của Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản là một bản dịch hay. Chưa đọc bản của Hoàng Ngọc Tuấn (lấy tên là Cuốn Sổ Lớn) nhưng cũng hơi ngại tiếng Việt của một người ở xa Việt Nam lâu năm. Câu chuyện kể về những đứa trẻ (hay là được những đứa trẻ kể) xảy ra ở một nước không có tên, ở trong và sau một cuộc chiến tranh cũng không tên. Nhưng cũng có thể biết rằng tác giả - một di dân Hungary chạy sang phương Tây trong sự biến 1956- viết về nước Hungary trong và sau thế chiến thứ Hai. Cuốn này tương đối ngắn, dễ đọc và rất hay. Một tác phẩm chống chiến tranh và cường quyền- có thể so sánh với Remarque, Hemingway hay gần hơn, Bảo Ninh. Nhưng trong khi các tác phẩm trên nhìn trực diện chiến tranh với cái nhìn của những người lính, những người dự phần vào đó thì cuốn sách này là cái nhìn của những đứa trẻ- những tâm hồn ngây thơ bị đầu độc bởi chiến tranh (và cả những thứ không phải là chiến tranh). Sau "Lời nói dối thứ ba" sẽ là gì? Liệu có tồn tại một lời nói dối cuối cùng không?


"Hì, có quyển sách cách đây 2 năm bạn dúi vào tay bắt đọc, không đọc không được, đọc vậy. Trong 2 năm sau đấy, tớ đã dúi vào tay bắt nhiều người khác đọc, hi hi. Bây giờ viết nhăng nhăng, coi như dúi vào tay mọi người, ai đọc thì đọc nhá. Mượn lại cái topic Remarque này nhá. Không phải Remarque, nhưng vẫn phảng phất cái hơi thở ấy.

3 quyển sách mỏng mỏng. Nhìn bìa trông giống sách trẻ con. Tên cũng giống như sách thiếu nhi. Cuốn vở lớn ;Chứng cứ ;Lời nói dối thứ ba

Và một tác giả trước đấy chưa từng nghe tên: Agota Kristof (nghe giống cái bà viết truyện trinh thám Agatha Christie quá!)

Giở sách ra, bị thu hút bởi Cuốn vở lớn, hoang mang với Chứng cứ, và mọi thứ chấm dứt với Lời nói dối thứ 3. Gập sách lại, tất cả trở nên hỗn mang: Ai là ai đấy? Ai làm gì đấy? Và đâu là sự thật?

Bộ ba kỳ lạ, xoay quanh 2 anh em sinh đôi. Hay đúng hơn, Agota sáng tạo ra 2 anh em, và đến lượt chúng, chúng sáng tạo ra 3 quyển sách. Cả 3 quyển đều viết dưới dạng bản thảo của 2 anh em Lucas và Claus. Người này viết về người kia, người kia viết cho người này, và cuối cùng, đâu là Claus, đâu là Lucas? Nó dễ khiến người ta nghĩ tới Remarque và Bảo Ninh, dù các nhân vật không hề tham gia chiến tranh. Giản dị vì chiến tranh không phải chỉ có ngoài mặt trận. Chiến tranh là ở mọi nơi, và sự tàn phá lớn nhất của nó, ấy là tàn phá những tâm hồn người.

Quyển sách là những thử nghiệm các thái độ đối với cuộc sống trong chiến tranh và trong xã hội cực quyền. Và mọi thử nghiệm đều không có lối thoát. Dẫu bằng thái độ phản kháng lấy tàn bạo trả lại tàn bạo. Dẫu bằng tình yêu và lòng kiêu hãnh. Dẫu bằng buông xuôi và phó mặc. Tất cả đều thất bại.

Cuốn vở lớn là bản thảo đầu tiên, viết về thời thơ ấu. Như thể một nhật ký, như thể những màn kịch ngắn, bình thản, không thái quá, không xúc cảm đến mức cay đắng, 2 đứa trẻ chép lại trong cuốn vở những thành tích và những trọng tội của chúng trong cuộc đấu tranh với cuộc sống. Không còn đạo đức hay tình yêu, chỉ có sự đoàn kết kiểu nguyên thuỷ, chúng đã học dối trá và tàn bạo để sinh tồn.

Chứng cứ, là Lucas viết cho Claus, hay Claus viết về Lucas? Chứng cứ, ấy là chứng cứ về nỗi cô đơn, về cuộc đời tự tàn phá mình để sinh tồn, về tình yêu không lối thoát. Nó là chứng cứ rằng mọi cuộc đời trong chiến tranh, dưới chế độ cực quyền đều là yếu đuối, và nếu như ai đấy tưởng rằng những người yếu đuối có thể dựa vào nhau mà sống, thì người đó đã nhầm.


Và Lời nói dối thứ 3:
-Em đã luôn sống một mình.- Tại sao vậy? - Em không biết. Có lẽ bởi chưa có ai từng dạy em yêu.

và với Lời nói dối thứ 3, người ta chợt nhận thấy Cuốn vở lớn là một lời nói dối. Chứng cứ cũng là một chứng cứ dối trá. Và Lời nói dối thứ 3, cũng lại là một lời nói dối. Tất cả đều là những lời nói dối đầy cay đắng. Tại sao? Bởi vì sự thật còn đắng cay hơn thế nữa. Và những lời nói dối kia dẫu cay đắng, vẫn muôn vàn lần tốt hơn sự thật. Sự thật của chiến tranh, của chuyên chế độc đoán. Và không phải chỉ chiến tranh. "


Grass

4 comments:

  1. Thay mặt bạn G đề nghị các bạn đăng tải lại các tác phẩm tuổi xanh của bạn G trả tiền phần trăm bản quyền và chuyển về cho bạn HA.

    ReplyDelete
  2. troi oi moi thang 6 ma ban G nhac kheo qua :P

    ReplyDelete
  3. để bạn HA bù thêm tiền mua cho bạn G các thứ phù phiếm làm nên tuổi không còn xanh của bạn G :-D

    ReplyDelete
  4. Bạn ơi mình rất thích bộ này và tìm mua nhưng k có, bạn có thể cho mình photo bộ này, mình sẽ gởi tiền cho bạn. Tks

    ReplyDelete