Thursday, June 14, 2007

Sự tầm thường của cái Ác (phần cuối).

Bài đăng trên Vietimes


Cuốn sách của Hannah Arendt khi ra đời gây một cú sốc lớn trong dư luận thời đó. Một số học giả lên tiếng phản đối Arendt, cho là bà bào chữa cho những tên tội phạm Quốc xã (làm sao cái bọn ghê tởm đó lại có thể giống người bình thường được!), thậm chí còn kết tội bà kỳ thị người Do Thái ở Đông Âu- những nạn nhân chính của Eichmann. Nhưng ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý với quan điểm của Hannah Arendt. Một khi đánh mất ý thức trách nhiệm cá nhân, những người bình thường nhất cũng có thể trở thành đồng lõa với cái ác. Đã có nhiều bằng chứng trong lịch sử về điều này

.

Adolf Eichmann- Viên chức mẫn cán hay tên đồ tể Quốc xã



Dưới thời Đức phát xít đã không chỉ có một Eichmann mà hẳn còn rất nhiều Eichmann khác mà chúng ta không biết tên. Ở một phạm vi rộng hơn, những tội ác thời Quốc xã còn có sự tán đồng hay bàng quan của rất nhiều người dân bình thường trong xã hội. Trong cuốn “Những đao phủ tự nguyện của Hitler” (Hitler’s Willing Executioners) xuất bản năm 1996, nhà chính trị học Daniel Jonah Goldhagen cho rằng người dân Đức bình thường không những biết mà còn ủng hộ việc thanh toán người Do Thái. Luận điểm này nhận được những phản ứng khác nhau từ dư luận nhưng không phải không có lý khi chúng ta biết rằng trong thời Hitler nắm quyền và khủng bố người Do Thái, hầu như không có một hoạt động kháng cự hay bảo vệ người Do Thái một cách có tổ chức nào ở nước Đức. Trong một cuốn sách khác có tên là “Những người bình thường: Tiểu đoàn cảnh sát trù bị 101 và Giải pháp cuối cùng ở Ba Lan”, nhà sử học Christopher Browning nghiên cứu một đơn vị cảnh sát đóng ở các trại tập trung Ba Lan vào năm 1941. Những người lính trong đơn vị này hoàn toàn không phải là các tín đồ Quốc xã mà hầu hết đều là những người dân bình thường ở độ tuổi trung niên bị bắt lính nhưng không đủ sức khỏe nên được chuyển sang công việc coi trại tập trung. Thế nhưng chính những người bình thường này, chứ không phải lực lượng cảnh sát SS nổi tiếng tàn bạo, đã bắt, nhốt và thủ tiêu người Do Thái. Điều đáng nói là khi viên sĩ quan chỉ huy đơn vị này cho phép những người lính có thể chọn không làm nhiệm vụ nếu họ cảm thấy việc giết chóc là quá nặng nề thì hầu hết vẫn chọn lựa tiếp tục công việc này. Tác giả Christopher Browning cho rằng những người lính trong đơn vị 101 phạm tội ác không phải vì hằn thù hay ý thức hệ mà chỉ đơn giản là thi hành mệnh lệnh cấp trên và để không bị gạt ra ngoài rìa.

Khi quân Đồng minh chiếm được nước Đức năm 1945, họ ngạc nhiên trước việc có rất nhiều người Đức tự nhận mình là không ủng hộ chế độ, nhưng đều không làm gì cả và bỏ mặc cho những tội ác diễn ra. Những người Đức đó được người Mỹ gọi một cách mỉa mai là “Những người Đức tốt” (Good Germans). Một bài báo trên tờ New York Times tháng 5/1945 viết về họ như sau: “Trong quân đội của chúng ta, binh lính bảo nhau là chẳng có một tên Quốc xã thực thụ nào ở Đức cả. Chỉ có “những người Đức tốt” thôi. Tất cả những tội ác chống lại loài người mà nước Đức phạm phải đều do một ai khác làm”.

Đó là trong thời Quốc xã, dưới một chế độ phân biệt chủng tộc, khủng bố, chà đạp quyền con người và đòi hỏi người dân phải tuân thủ những luật lệ khắc nghiệt của nó. Trong các điều kiện ít khốc liệt hơn, liệu những luận điểm của Hannah Arendt về “sự tầm thường của cái ác” có còn thuyết phục? Tiếc thay, một số thí nghiệm của các nhà khoa học dường như lại khẳng định điều này. Tháng Bảy năm 1961, ba tháng sau phiên tòa xử Eichmann ở Jerusalem và loạt bài chấn động dư luận của Hannah Arendt trên tờ New Yorker, nhà tâm lý học Stanley Milgram ở trường Đại học Yale bắt đầu thực hiện một loạt thí nghiệm được gọi tên là “Thí nghiệm Milgram” nhằm đo lường mức độ cá nhân sẵn sàng tuân thủ những mệnh lệnh trái với lương tâm mình.

Thí nghiệm Milgram gồm một người đóng vai giáo viên và một người đóng vai học sinh. Người ta nói với người tình nguyện tham gia thí nghiệm và một người khác (cũng đóng vai tình nguyện tham gia thí nghiệm nhưng thật ra là người của Milgram) là họ sẽ tham gia thí nghiểm kiểm tra tác động của hình phạt tới việc tiếp thu kiến thức. Người tình nguyện thực sự sẽ đóng vai giáo viên. Hai người sẽ được cách ly để không thể nhìn thấy nhau. “Giáo viên” được trao một dụng cụ có thể tạo ra sốc điện cho nạn nhân. “Giáo viên” sẽ đưa ra lần lượt một bảng câu hỏi (đã được chuẩn bị) cho “học sinh”. Nếu “học sinh” trả lời sai, “giáo viên” sẽ tăng điện áp như là một hình phạt với học sinh. Trong suốt cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học làm cho “giáo viên” tin rằng “học sinh” thực sự đang bị trừng phạt bằng điện giật nhưng thực ra họ sẽ gắn một băng ghi âm ghi các lời rên la của “học sinh” khi điện áp đạt tới mức nào đó. Trong băng ghi âm, tới một mức điện áp nào đó, “học sinh” sẽ kêu lên rằng mình có bệnh tim và xin được ngừng thí nghiệm. Lúc này các “giáo viên” đều hỏi người tổ chức thí nghiệm có nên dừng không. Nhưng khi được trấn an là họ sẽ không phải chịu trách nhiệm gì nếu có bất trắc xảy ra thì hầu hết trong số họ đều lựa chọn tiếp tục tăng điện áp. Trong quá trình làm thí nghiệm, khi các “giáo viên” muốn dừng thí nghiệm, người phụ trách sẽ yêu cầu họ tiếp tục. Chỉ sau 5 lần được yêu cầu liên tục thì người phụ trách mới cho dừng (tất nhiên, các “giáo viên”
không được biết điều này). Bằng không, thí nghiệm sẽ được tiếp tục tới tận cùng, khi mức điện áp đạt mức tối đa 450 Volt.

The experimenter (V) orders the subject (L) to give what the subject believes are painful electric shocks to another subject (S), who is actually an actor. The subjects believed that for each wrong answer, the learner was receiving actual shocks, but in reality there were no shocks. After the confederate (S) was separated from the subject, the confederate set up a tape recorder integrated with the electro-shock generator, which played pre-recorded sounds for each shock level.

Thí nghiệm Milgram: (V) người tổ chức thí nghiệm, (L) đối tượng được thí nghiệm, đóng vai “giáo viên”; (S) đối tượng khác đóng vai “học sinh” nhưng thực ra là người của các nhà tổ chức thí nghiệm.




Kết quả thí nghiệm của Milgram là có tới 65% số người tình nguyện tham dự tiếp tục tăng điện áp cho tới mức tối đa 450 Volt, dù đa số đều cảm thấy khó chịu và một số sẵn sàng trả lại tiền để ngừng thí nghiệm. Một loạt các thí nghiệm sau đó của Milgram và của các tác giả khác cũng cho kết quả tương tự- khoảng 2/3 số người tình nguyện “tuân thủ” mệnh lệnh tăng điện áp tới mức tối đa, bất chấp các bứt dứt hay e ngại có thể. Thí nghiệm Milgram cho thấy dưới áp lực của mệnh lệnh và khi không phải chịu trách nhiệm cá nhân, rất nhiều người bình thường sẽ thực hiện những việc làm có thể đưa lại hậu quả tai hại tới sức khỏe và tính mạng người khác.

Một thí nghiệm tâm lý nổi tiếng khác là thí nghiệm “Nhà tù Stanford” (Stanford prison experiment) của Philip Zimbardo và các đồng sự ở trường Đại học Standford. Thí nghiệm này chia các sinh viên tham gia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên, trong đó một nhóm đóng vai tù nhân và nhóm kia đóng vai cai ngục. Các điều kiện của thí nghiệm được tạo ra mô phỏng với nhà tù thực. Các cai ngục mặc đồng phục, có gậy gỗ, đeo kính đen và làm việc theo ca. Trong khi đó, tù nhân mặc đồng phục tù bằng vải sơ không có đồ lót, được gọi bằng số thay vì tên (nhằm làm mất tính cá nhân của đối tượng). Tù nhân mặc áo có gắn số hiệu và phải đeo một cái xích nhỏ quanh cổ chân để khiến họ luôn nhớ rằng họ đang ở trong tù. Ngoại trừ việc không được xâm phạm về thân thể với tù nhân, các cai ngục được phép làm bất cứ những gì cần thiết để duy trì trật tự của nhà tù.

Kết quả thí nghiệm Stanford cho thấy diễn biến tâm lý phức tạp của hai nhóm và sự xuống cấp về đạo đức. Trong quá trình thí nghiệm, xảy ra đụng độ giữa tù nhân và cai ngục, cai ngục tấn công tù nhân bằng bình chữa cháy, trừng phạt những người cứng đầu bằng cách giam cách ly…. Khoảng 1/3 số người đóng vai “cai ngục” có dấu hiệu trở nên khoái trá với việc làm hại người khác (sadistic) trong khi rất nhiều “tù nhân” bị khủng hoảng tinh thần. Tình trạng khủng hoảng và biến đổi về nhân cách này khiến thí nghiệm phải dừng lại sớm hơn dự định, chỉ sau 6 ngày so với thời gian dự tính là 2 tuần.

Hai thí nghiệm của Milgram và Zimbardo gợi ra những điểm đáng sợ về khả năng một người bình thường có thể trở nên tàn nhẫn và phạm điều ác trong nhiều trường hợp: khi họ không phải chịu trách nhiệm cá nhân, khi cái tôi của họ và của nạn nhân bị mờ đi, khi họ không phải trực tiếp chứng kiến sự chịu đựng của nạn nhân, và khi một thứ quyền lực nào đó ở trên họ ra lệnh hay dung túng cho họ làm điều đó…Đã có một số bộ phim được xây dựng trên các thí nghiệm này, ví dụ như phim Thí nghiệm (Das Experiment) của Đức năm 2001 mô phỏng thí nghiêm Nhà tù Stanford.

Nhưng đáng sợ hơn cả là những gì xảy ra trên thực tế. Khi vụ scandal ở nhà tù Abu Ghraib xảy ra tháng Ba năm 2004, nhiều người đã sốc khi chứng kiến sự tương đồng kỳ lạ giữa thí nghiệm Stanford và những gì thực tế xảy ra ở nhà tù Abu Ghraib ở Iraq. Dù một số người cho rằng sự kiện này chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng các nghiên cứu kỹ lưỡng về tâm lý các cai tù Abu Ghraib và về điều kiện ở nhà tù này cho thấy hoàn toàn không phải vậy. Những cai ngục như Charles Graner, như Lynndie England trước đó đều không có vấn đề gì về tâm lý và đều được gia đình, bạn bè, hàng xóm đánh giá như những công dân tốt, thân thiện. Để bào chữa cho mình, cả Lynndie England lẫn Charles Graner đều cho rằng họ chỉ là những người lính và họ chỉ biết tuân thủ lệnh trên. Không những thế, cả gia đình, bạn bè họ cũng bào chữa cho họ. Mẹ của England, nữ cai ngục tai tiếng với bức ảnh thòng dây vào cổ một tù nhân để kéo như với súc vật, phát biểu “Bọn chúng chỉ làm những trò trẻ con ngốc nghếch thôi. Chỉ là mấy trò nghịch ngợm”. Sự kiện nhà tù Abu Ghraib là hiện thực hóa những gì từng xảy ra trong thí nghiệm Stanford và cho thấy sự tha hóa tiềm ẩn của con người[1].

Image:Abu-ghraib-leash.jpg

"Trò nghịch ngợm" của Lyndie England




Trái với Mạnh Tử khi cho rằng con người mang thiện tính từ lúc mới lọt lòng mẹ, Tuân Tử nói: con người sinh ra, tính vốn ác. Từ xưa tới nay, cả các nhà triết học lẫn các nhà khoa học vẫn loay hoay tìm hiểu đâu là bản chất con người nhưng đều không có một câu trả lời nào thỏa đáng. Hannah Arendt không tìm cách trả lời đâu là bản chất con người. Cái mà bà muốn tìm hiểu là bản chất của cái ác? Theo bà, cái ác thật tầm thường- vì lẽ nó ở trong mỗi con người bình thường và bất cứ khi nào nó cũng có thể quẫy đầu đứng dậy.

Như thế có phải Arendt bi quan, mất lòng tin vào con người không? Liệu có phải hầu hết mọi người bình thường đều có thể trở thành một Eichmann, đều có thể phạm những tội ác kinh tởm nếu có động cơ phù hợp? Không phải vậy. Arendt vẫn tin vào khả năng lựa chọn đạo đức của con người trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi người lựa chọn hoàn toàn bất lực về chính trị. Bà viết: “Dưới những điều kiện kinh khủng, hầu hết mọi người sẽ chọn tuân thủ nhưng vẫn có một số sẽ bất tuân thủ”. Bà lấy ví dụ trường hợp Đan Mạch, khi người dân nước này từ chối không giao người Do Thái cho Hitler dù rằng Đan Mạch lúc đó đang bị quân Đức chiếm đóng. Khi Hitler định trực tiếp bắt người Do Thái ở Đan Mạch, y nhận ra rằng ngay cả các viên chức Quốc xã ở Đan Mạch cũng đã nhiễm tinh thần nhân đạo ở nơi này và không thể xuống tay với mức độ nhẫn tâm như những kẻ đồng sự ở nhiều nơi khác tại châu Âu.

Người ta vẫn luôn có thể chọn cách nói không với cái Ác, thay vì việc chấp nhận biến mình thành một công cụ của nó, hoặc trở thành một kẻ ngoài cuộc “mũ ni che tai” mặc cho nó hoành hành. Và những câu chuyện về những anh hùng như doanh nhân Oskar Shindler (nguyên mẫu phim Bản danh sách Schildler), như nhà quản lý khách sạn Paul Rusesabagina (nguyên mẫu phim Khách sạn Rwanda) sẽ luôn là những khích lệ đối với chúng ta. Nếu những kẻ như Eichmann trước khi thành hung thần cũng là những người bình thường thì những Shindler, Rusesabagina cũng không khác gì với đa số những người quanh họ trước khi có những hành động anh hùng cứu sống hàng trăm, hàng ngàn người. Con người luôn có thể lựa chọn giữa Thiện và Ác dù hoàn cảnh thế nào. Và Hannah Arendt vẫn luôn tin như vậy.






[1] Tác giả của thí nghiệm Stanford là Zimbardo đã viết một cuốn sách có tên “Hiệu ứng Lucifer: Để hiểu tại sao người tốt lại trở thành kẻ ác” (The Lucifer Effect: Understanding How Good People Turn Evil) so sánh sự kiện nhà tù Abu Ghraib với thí nghiệm Stanford.

19 comments:

  1. Hôm nay mới có thời gian đọc bài này của bạn, rất bổ ích!
    Mình cũng thấy dùng từ "tầm thường" thích hợp hơn.

    ReplyDelete
  2. Có người nhờ nhắn là "sự tầm phào" thì đúng ý hơn là "sự tầm thường". Trừ khi trong triết học có những thuật ngữ cố định thì không biết.

    ReplyDelete
  3. Tớ cũng băn khoăn giữa hai từ "tầm thường" và "tầm phào". Từ "tầm phào" biểu cảm hơn nhưng dùng nó, tớ sợ nó sẽ gây tác dụng tư từ một cách không cần thiết tới người đọc, tạo cho khái niệm ấy một sắc thái hơi khác. Từ "tầm thường" tầm thường hơn nhưng sẽ không làm ý nghĩa khái niệm bị thay đổi.
    Để tớ nghĩ lại xem nên dùng từ nào.

    ReplyDelete
  4. Từ "tầm thường" có vẻ hợp lý hơn. Nó phản ánh sự tiếp cận dễ dàng của con người với cái ác. ("tầm phào" là một từ mang sắc thái tình cảm, không hợp lắm với một chủ đề nghiêm túc thế này.)

    Đọc entry này nhớ đến câu Lưu Bị dặn con trước lúc lâm chung:"Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm."

    Sau khi đọc entry xong em ngồi ngẫm nghĩ, đối chiếu lý thuyết này với thực tế mình nghe - đọc - thấy và rùng mình vì sự phù hợp của nó. Khoa học ngày càng lột trần được con người rồi.

    Nhưng vấn đề tiếp theo là "Does this discovery bring any help?"

    ReplyDelete
  5. Tiếp tục commment tử tế, hihi không nhố nhăng vào blog của a Linh. (viết có dấu hẳn hoi nhé)

    1. Em thiên về chữ "tầm thường" hơn là tầm phào.

    2. Em thú nhận là em thích xem phim hay đọc sách về các tội ác diệt chủng. Và mỗi lần xem, hay đọc xong về đề tài này thì em càng khẳng định quan điểm cá nhân của em là : con người nói chung là tầm thường: tầm thường ở chỗ dễ bị cuốn theo ý chí của một số cá nhân đặc biệt và hành động theo ý chí của những cá nhân này. Ngoài ra nếu đa số chúng ta không tầm thường thì sẽ không có mức chuẩn so sánh để những người như Oskar Shindler và Paul Rusesabagina trở thành anh hùng. Lập luận như vậy nghe có vẻ củ chuối nhỉ. Ý em ở đây chỉ đơn giản là việc “ being tầm thường” thật ra là rất bình thường, là rất người. “Anh hùng” có lẽ được xếp vào loại người đặc biệt. Bản chất của việc thừa nhận Oskar Shindler và Paul Rusesabagina là anh hùng cũng là một bằng chứng cho việc chúng ta đã tự xếp loại chúng ta vào mức tầm thường, là loại người bình người không phải loại người đặc biệt.

    3. Nói như vậy phải chăng là em tán thành Hannah Arendt về bản chất của cái ác? “Cái ác thật tầm thường- vì lẽ nó ở trong mỗi con người bình thường và bất cứ khi nào nó cũng có thể quẫy đầu đứng dậy.” …. Em nghĩ loài người là loài có khả năng đấu tranh sinh tồn mạnh mẽ. Chính vì thế loài người hiện là loài thống trị trái đất (hehe nói nôm na là vậy). Để tồn tại chúng ta cần thức ăn, quần áo để mặc, nhà của để ở. Để tồn tại một cách hoành tráng, chúng ta cần thăng quan tiến chức, cần giàu có, cần có quyền lực v..v. ..Mọi động thái của chúng ta phải chăng luôn xoay quanh “sự sinh tồn” đấy. Cá nhân em cho là cái “ thiện” và cái “ác” đều vốn sẵn có trong mỗi người bình thường,…..và trong tùy điều kiện hoàn cảnh mà cái ‘ác” hay cái “thiện” đều có thể quẫy đầu đứng dậy….trong đa số các trường hợp chúng vẫn xoay quanh ý thức ‘sinh tồn” mạnh mẽ của con người. Eichmann chẳng qua cũng hành động cho sự tồn tại của ông ta.

    4. “Nếu những kẻ như Eichmann trước khi thành hung thần cũng là những người bình thường thì những Shindler, Rusesabagina cũng không khác gì với đa số những người quanh họ trước khi có những hành động anh hùng cứu sống hàng trăm, hàng ngàn người “. Em cho là Shindler, Rusesabagina có giống với đa số những người quanh họ ở chỗ là cũng có cái thiện vốn sẵn tiềm ẩn trong họ…nhưng khác ở chỗ cái thiện đứng dậy bất kể tính an toàn của sự sinh tồn. Bởi vậy chúng ta xếp họ vào hàng anh hùng.

    5. “Hai thí nghiệm của Milgram và Zimbardo gợi ra những điểm đáng sợ về khả năng một người bình thường có thể trở nên tàn nhẫn và phạm điều ác trong nhiều trường hợp: khi họ không phải chịu trách nhiệm cá nhân, khi cái tôi của họ và của nạn nhân bị mờ đi, khi họ không phải trực tiếp chứng kiến sự chịu đựng của nạn nhân, và khi một thứ quyền lực nào đó ở trên họ ra lệnh hay dung túng cho họ làm điều đó….”…. Kết quả thí nghiệm Stanford cho thấy diễn biến tâm lý phức tạp của hai nhóm và sự xuống cấp về đạo đức. Trong quá trình thí nghiệm, xảy ra đụng độ giữa tù nhân và cai ngục, cai ngục tấn công tù nhân bằng bình chữa cháy, trừng phạt những người cứng đầu bằng cách giam cách ly…. Khoảng 1/3 số người đóng vai “cai ngục” có dấu hiệu trở nên khoái trá với việc làm hại người khác….Em có bị lung lay về quan điểm trước giờ của em là tính “ác” vốn tiềm ẩn trong mỗi người và sẵn sàng nổi dậy khi cần thiết cho sự sinh tồn: do công việc phải làm, do muốn thăng quan tiến chức, do không muốn bị gạt ra khỏi đám đông xung quanh v.v.….Dường như ở những thí nghiệm này, đặc biệt TN Stanford cho thấy…tính “ác” có thể nổi lên không chỉ bởi ý thức sinh tồn.

    6. Trở lại vấn đề số 1: chúng ta tầm thường ở chỗ dễ bị cuốn theo ý chí của một số cá nhân đặc biệt…. Trong sự ý thức về hành động của cá nhân và trách nhiệm đạo đức, Eichmann rất khác với nhân vật Rashonikov của Dostoevsky. Dù động cơ lệch lạc, nhưng Rashonikov vẫn có được tự do ý chí. Eichmann thì không, y để kẻ khác chọn lựa cho y và mù quáng đi theo sự lựa chọn có sẵn đó…..Chiếu theo

    ReplyDelete
  6. 6. Trở lại vấn đề số 1: chúng ta tầm thường ở chỗ dễ bị cuốn theo ý chí của một số cá nhân đặc biệt…. Trong sự ý thức về hành động của cá nhân và trách nhiệm đạo đức, Eichmann rất khác với nhân vật Rashonikov của Dostoevsky. Dù động cơ lệch lạc, nhưng Rashonikov vẫn có được tự do ý chí. Eichmann thì không, y để kẻ khác chọn lựa cho y và mù quáng đi theo sự lựa chọn có sẵn đó…..Chiếu theo quan điểm cá nhân em thì Eichmann cũng chỉ là người bình thường, tầm thường dù có phạm phải tội ác kinh khủng. Cũng là quan điểm cá nhân thì những người như Hitler, người có khả năng buộc nhiều người khác hành động theo ý chí của mình, và cũng như Rashonikov tội ác của Hitler thực hiện khi vẫn có được tự do ý chí. Như vậy em cho rằng đây là loại người không tầm thường thứ 2 bên cạnh lọai người “anh hùng”. Tính ác của họ cũng không phải loại cái ác tầm thường vốn sẵn có khi mới sinh ra.

    7. Cũng Dostoevsky có một câu trả lời khác cho câu hỏi này qua lời nhân vật Alyosha trong Anh em nhà Kazamazov. Khi được hỏi Alyosha có sẵn sàng đổi lấy việc một đứa trẻ bị tra tấn tới chết lấy hạnh phúc của nhân loại hay không, câu trả lời của Alyosha là không…..Cái này là đề tài hay…Nếu mà anh khai thác thì có thể viết tiếp 1 entry nghiêm túc khác….Trong rất nhiều trường hợp em cho là hành động ác biến thành chấp nhận được và khóac lên mình bỏ vọc :”chính nghĩa” ….Có thể sẽ lại phải định nghĩa lại về cái thiện và cái ác….

    ReplyDelete
  7. Bận quá, hôm nay mới đọc kỹ entry này của L, định comment mà thấy phần viết của Anaconda đã kỹ càng và hoàn chỉnh rồi. Nên chỉ comt ở đây để L biết là tớ luôn đọc kỹ những bài viết kiểu này của bạn.

    Học hỏi được rất nhiều điều. Tks.

    À, tớ cũng nghĩ các luận điểm của Anaconda là đúng. Nhất là điểm 3 và 6. "Nhân tri sơ tính bổ thiện" hay là "nhân tri sơ tính bổn ác"? Thật ra cái thiện và cái ác luôn tồn tại song hành trong bản chất của con người. Giống như hai mặt đối lập vậy. Linh có nhận thấy trong tất cả chùa chiền Phật giáo đều có thờ cả "Ông Thiện" và "Ông ác" không? Ngày nhỏ mình băn khoăn về việc đó lắm, sau này mới hiểu rõ cái triết lý sâu xa mà dung dị của Phật học.

    ReplyDelete
  8. Người ta thường lên án cái ác và muốn tống khứ cái ác ra khỏi nền văn minh. Nhưng mình nghĩ cái ác, cũng như cái thiện, nói chung sẽ tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội. Đôi khi có những vấn đề thuộc về phạm trù đạo đức... con người được răn dạy về chuyện thế nào là thiện, thế nào là ác..., nên đa số sẽ hướng theo "cái Thiện" - trong phạm trù đạo đức của một giai đoạn phát triển lịch sử xã hội.
    Nên mới có những vấn đề kiểu như: trong chiến tranh, kẻ chém giết được nhiều đối phương được coi là Anh Hùng đối với phía này mà là kẻ thù đối với phía kia.

    Hoặc giả một vấn đề giản dị hơn nữa, sự đấu tranh sinh tồn khiến con người trở thành loài động vật (ở đây cụm từ này được dùng hoàn toàn theo ý nghĩa sinh vật học thuần tuý) tàn sát sinh linh nhiều nhất. Giết một con gà/ một con kiến/hái một bông hoa khỏi cành... là thiện hay là ác?

    Mọi thứ đều chỉ là tương đối mà thôi.

    ReplyDelete
  9. Bài viết xác đáng và rất có tính khoa học. Nhân chi sơ tính bản ác và thiện : con người đúng là phức tạp và khó hiểu

    ReplyDelete
  10. Đây là một bài viết quan trọng và đáng lẽ những tờ báo lớn phải đăng nó, để có nhiều người đọc.
    Nhưng muốn nhận ra sự quan trọng đó biên tập phải a) có trình độ và phải b) tin vào trình độ người xem báo nữa.

    ReplyDelete
  11. Cảm ơn chị 2 4 6. Tờ báo đăng bài đó giờ đang chết, mà chết trước khi em kịp nhận được nhuận bút của nó mới đau chứ.

    ReplyDelete
  12. Báo đó sao lại "đang chết" hả anh? 2 cái entry về chủ đề này hay quá. Em xin phép anh copy về để dùng trong dạy học. Dạy học ở trường như làm từ thiện, nên em không có nhuận bút trả :D Khi nào mà dạy thêm ở đâu được tiền em sẽ nhớ!

    ReplyDelete
  13. Cái ngã cá nhân bị hy sinh cho cái ngã của cộng đồng, cái này ít xảy ra ở phưong đông. CHỉ thấy có nc Nhật có cai tuong tu nhu o Duc.

    O phuong dong nguoi ta giai thich cai nay khac nhieu ..

    ReplyDelete
  14. CHi co o phuong tay moi thay cai goi la "giet chung "

    ReplyDelete
  15. Từ ý kiến của bạn Anaconda thì đi đến kết luận là người anh hung (như kiểu Shindler) hay là người ác (như kiểu Eichmann) đều không phải là người tầm thường (như chúng ta) - tức là họ mạnh mẽ hơn và muốn bộc lộ khả năng nổi bật và này nọ ;-D….Và nếu họ không phải là người tầm thường thì cái việc họ thể hiện (là cái ác đấy) lại gọi là tầm thường thì không biết có mâu thuẫn không nhỉ?

    KL của em là những người như kiểu Shindler hay như kiểu Eichmann không muốn trở thành người tầm thường - tức là ý thức về cá nhân phải cao hơn người khác chứ nhỉ???

    ReplyDelete
  16. Kinh khủng . Anh viết hay quá . Những điều trên đây tôi cũng đều học qua , đọc qua , cũng suy nghĩ nhưng anh đã viết ra tất cả . Cám ơn anh . Có câu : khi người ta sống trong xã hội mà cái ác , cái xấu là phổ biến thì anh làm một việc tốt , việc đó trở thành lạ kì . Sâu xa hơn , có lẽ tôi cũng hiểu được suy nghĩ , dụng ý của anh . Tôi nghĩ về đất nước VN mình . Cám ơn anh lần nữa

    ReplyDelete
  17. Linh viết hay quá. Mong có nhiều bài viết như thế này. Lâu nay đọc báo không thấy có bài nào ra hồn cả. Dang tự hỏi họ (ngưoiừ viết hay )biến đi đâu hết? Xin phép Copy.

    ReplyDelete
  18. Hey,rất ngưỡng mộ!Xin phép đưa về blog nhé!Mong bạn sẽ tiếp tục thinking và sản xuất thêm nhiều bài viết trí tuệ và nhân văn như thế này.Thanks!

    ReplyDelete