Monday, June 4, 2007

The Man Without Qualities hay Chúng ta có hèn không?

Hôm nay sang Thăng Long thấy có topic này “Sinh viên đánh giảng viên” kể chuyện một bạn giảng viên đi trông thi tại chức vì trông chặt bị sinh viên đánh. Anh trai bạn ấy viết bài hỏi ý kiến các bạn trên diễn đàn. Nhiều ý kiến khác nhau, người thì khuyên nên làm tới nơi tới chốn, lên gặp công an; người thì kêu nên dĩ hòa vi quý, chỉ làm việc với nhà trường; người thì kêu không nên làm gì, không thì sợ mấy thằng kia trả thù hay là không nên làm to vì còn làm giáo viên mà cái tiếng giáo viên bị đánh là một thứ tiếng không hay ho, mà làm to chuyện cũng chẳng để làm gì, thôi thì âm thầm nín nhịn. Rồi lại có những ý kiến bảo bạn giảng viên bị đánh là cũng có lỗi vì đã trông thi chặt quá với sinh viên tại chức, bọn nó đã mất tiền để lấy bằng rồi thì còn bắt nó làm gì! Rồi lại có những ý kiến đổ lỗi cho xã hội, rằng xã hội Việt Nam giờ nó thế, cứ nhũn nhịn giữ mình là hơn cả.

Khoan nói chuyện cụ thể trong trường hợp này, bạn giáo viên bị đánh nên làm thế nào. Cái đáng nói hơn là đọc những bài viết của nhiều bạn, mà chắc đa phần là có học và nhiều người đã/đang học ở nước ngoài mới thấy những méo mó trong cách nghĩ và sự đánh dần mất lòng tự trọng bản thân bởi cái tư duy kiểu: xã hội giờ nó thế, mình không nên cứng nhắc mà nên uốn nắn sống như những người quanh mình, v.v.

Cách bao biện đó dần dần sẽ làm hèn người đi, khiến người ta mất dần lòng tự trọng và trở nên giả dối- giả dối vì một khi mất dần lòng tự trọng, vì xấu hổ, người ta sẽ tìm cách đổ lỗi cho người khác, hay cố gắng nhìn sự việc cho khác đi, méo mó đi, để lương tâm thêm thanh thản. Hèn nhát dẫn tới giả dối và giả dối giúp cho sự hèn nhát trở nên “dễ chịu” hơn. Và trong quá trình đó, sẽ không chỉ là sự thoái hóa đạo đức cá nhân mà còn là đạo đức xã hội. Một xã hội mà trong đó việc trò đánh thầy được nhiều người vẫn cho là nên nín nhịn thì hơn thì hẳn là có nền đạo đức đang xuống cấp.

Thôi, không nâng thành quan điểm nữa. Quay lại trường hợp bạn giáo viên bị đánh kia. Bạn nên làm gì? Thật đơn giản, bạn là nạn nhân của một vụ hành hung bất chấp pháp luật và đạo lý thì bạn nên đến công an, đến nhà trường đó để yêu cầu xử lý. Trước hết hãy đặt lòng tin vào pháp luật, và cho dù cái hệ thống pháp luật và nền giáo dục còn quá nhiều điều bất cập và bất công đi nữa thì bằng việc làm đúng như phận sự của một công dân trước một vụ vi phạm pháp luật, ít nhất bạn sẽ lấy được sự tự trọng của bản thân, sẽ không phải chịu cảm giác khó chịu và cay đắng của kẻ bị chà đạp mà không dám làm gì, nói gì, để rồi trở nên mất dần lòng tin vào lẽ phải.

Hồi ở Việt Nam, tôi cũng từng có lần bị đánh do vài kẻ côn đồ (cũng không có gì nặng, chỉ hơi sưng mặt mũi). Thế nhưng tôi vẫn tới công an phường để yêu cầu họ xử lý. Và sau đó dù chẳng được gì nhưng ít nhất thủ phạm cũng phải có lời xin lỗi và phải nộp phạt hành chính cho phường (có mất tiền thêm cho công an hay không thì tôi cũng không rõ). Có thể có bạn cho rằng việc đó là vô ích, mất thời giờ mà chẳng lợi lộc gì. Nhưng ít nhất, tôi cũng thấy rằng đó là một hành vi thể hiện sự tôn trọng pháp luật, và còn hơn là cứ phải nuốt nhịn những bất công ấy rồi lại chậc lưỡi rằng “cái xứ An Nam mình nó thế, mọi người đều hèn và giả dối cả”. Nhưng chính sự cynical, mất lòng tin vào tất cả những gì chung quanh mình: xã hội, luật pháp, giáo dục…, và viện nó ra để bào chữa cho những thứ lẽ ra thuộc trách nhiệm cá nhân về đạo đức của mình thì lại càng dễ làm người ta mất tự trọng hơn.

chủ đề này ở bên Thăng Long cũng hay, về thái độ của những người từng đi học ở nước ngòai về sống ở Việt Nam. Trích ý kiến của bác Saint “Các bạn quay về thường bị đánh giá là nhanh chóng thoái hóa và hòa mình với đám đông ở VN. Các bạn đã từng được giáo dục về lòng tự trọng, biết tuân thủ luật pháp và có trách nhiệm với cộng đồng.
Tại sao về VN các bạn lại thay đổi?

Đồng ý là nhiều bạn nếu cứ giữ nguyên cái thói ở Bển thế nào cũng bị mọi người xung quanh đánh giá là tinh tướng vớ vẩn, nhưng có những nguyên tắccủa xã hội văn minh mà nếu một số thiểu số nghiêm túc tuân thủ thì sẽ có đa số thuận theo. Các bạn luôn ỉ eo về một xã hội kém văn minh với dân trí thấp, thế các bạn đã làm gì để nâng cao dân trí?”.

Nói chung, chúng ta hãy tập thói quen có trách nhiệm cá nhân, đừng lấy xã hội ra làm cái thùng rác chứa những thứ mà chúng ta không muốn mình có nhưng lại ngầm chấp nhận nó.

Tự nhiên nghĩ tới một câu chuyện ngoài lề. Hồi học ở Việt Nam, tớ có một ông thầy người nước ngoài nhưng sống chừng 15 năm ở Việt Nam rồi, lấy vợ Việt. Chuyện này tớ không chứng kiến trực tiếp nhưng nghe một người bạn cùng lớp kể. Có lần bọn tớ đi field trip trong Nam, trên đường, ở trên xe, đồng chí Tây kia ăn cái gì đó xong thản nhiên vứt rác ra ngòai cửa sổ xe. Bạn kia bèn hỏi đồng chí thầy ấy sao lại vứt rác ra đường như thế. Đồng chí thản nhiên trả lời “Vietnamese do. I do”.

Cũng chẳng biết bình luận gì thêm cả.

18 comments:

  1. Làm mình nhớ câu trong Shrek 3: "Just because people treat you like a villian, or an ogre, or just some loser, it doesn't mean you are one. The thing that matters most is what you think of yourself. If there's something you really want, or someone you really want to be, then the only person who is standing in your way is you."

    ReplyDelete
  2. Chính ra em thấy ở gần Trung ương lại càng thối nát. Chuyện sinh viên nện thầy quả thật là chuyện ngay cả em lúc ở Việt Nam cũng không thể tưởng tượng ra. Tay giảng viên đấy nói thẳng ra là hèn đớn, và nhà trường nơi tay ấy công tác quá bệ rạc.

    Bác Xơ to cao thế mà vẫn bị chúng nó múc à? Em thế này nhưng ở VN chưa thấy ai múc, sang đây múc nhau hai lần và đều thắng lợi một cách tương đối vẻ vang dù thể hình em nhỏ con :D

    ReplyDelete
  3. Chuyện này quá thường xuyên, mang tính hệ thống rồi, nên bác Linh có "nâng quan điểm" cũng ko sao. Ngắn gọn chỉ có 2 chữ: hèn + giả dối. Mà đúng là 2 chữ này đã đi cùng nhau thì khó có lối thoát. Đã hèn, lại còn giả dối thì ko bao giờ tự nhận được điều đó, mà nếu có người khác nói ra sự thật đó thì cũng không tự thay đổi được. Nhiều khi cứ nghĩ, chẳng lẽ lại phải để bọn bên ngoài nó nhảy vào nó "cưỡng bức" thì mới tiến bộ được, như hồi thực dân đế quốc ngày xưa sao? Sad ...

    Đúng là kiểu gì cũng phải đi từ dân trí mà đi lên (evolution, not revolution, hihi), thôi thì lá lành đùm lá rách, ai biết nhiều thì "khai sáng" cho người biết ít, rồi giáo dục, rồi tự do tư tưởng, ... nhiều thứ quá :-D

    ReplyDelete
  4. Anh Linh viet ba`i na`y em do.c, la`m em tha^'y hoi xa^'u ho^?.

    Tks bro.

    ReplyDelete
  5. "Hèn nhát dẫn tới giả dối và giả dối giúp cho sự hèn nhát trở nên “dễ chịu” hơn." <-- Anh Linh viết câu này em thấy tâm đắc, cả trải nghiệm cảm giác của bản thân và nhìn ra xung quanh.

    ReplyDelete
  6. Mà em hỏi khí không phải nick anh L ở forum TL là gì ạ ^^

    ReplyDelete
  7. @KingSS: anh không post bài trên TL. Giờ càng già càng nhát, ngại chửi nhau với bị chửi lắm :D

    ReplyDelete
  8. Hình như các comments đang theo hướng giải thích chuyện xảy ra là vì sao, như thế này - why, how... - trong khi anh Linh hướng về sự lựa chọn của cá nhân: what is my choice/what I am going to do.

    Cảm ơn anh về câu chuyện bản thân xử lý với côn đồ (here, I admire your action). Cần phải phản ứng như thế nào để không bị mất hệ thống niềm tin, giá trị, quy chuẩn sống... Tất nhiên không dễ dàng và có rất nhiều trường hợp vẫn phải compromise!

    Một anh Tây cách đây 1 năm gặp tại 1 hội thảo, sau khi biết một chút thì nói với em thế này: "I know that Vietnamese people traveling and studying abroad have many conflicts and difficulties when returning to Vietnam. You must feel lonely"

    Em trả lời rằng: "Những thay đổi hay hành động của em không phải là hoàn toàn học được "ở bển". Tất nhiên việc sang bển giúp em dám đi theo các nguyên tắc và trách nhiệm cá nhân hơn, không nghĩ đến ảnh hưởng của đám đông. Và càng ngày thì càng tìm được nhiều bạn bè, nhiều người có chung quan điểm và lối sống. Are you my friend?"

    ReplyDelete
  9. Em cũng đọc từ đầu cái topic ấy. Nhưng sau đó chính nạn nhân xuất hiện và thông báo: người đánh mình đã có lời xin lỗi, không ồn ào thêm. Đọc tới đó thì chả buồn đọc nữa...

    ReplyDelete
  10. Cũng không hẳn, học võ vấn bị thằng không học gì đánh chết như thường. Giờ nghĩ lại em vẫn thấy sợ tại sao lúc nó chơi em em vẫn chơi lại :D

    ReplyDelete
  11. trách nhiệm cá nhân cao vời vợi anh ơi, đi đâu cũng ráng làm hết sức mình: vào toilet ở Galaxy sau khi hết film, đàng hòang nghiêm chỉnh đứng xếp hàng, đang xếp hàng thì 1 đàn ùa vào (nhìn cũng lịch sự lắm) và bủa vây lấy những cánh cửa toilet, coi em như là tàng hình ở đó...trong trường hợp này thì mang văn minh phương Tây ra thì em sẽ đứng đến sáng.

    một cánh én kg làm nên mùa xuân anh ơi

    ReplyDelete
  12. hôm nọ định viết về chuyện giống giống thế này (đặt gạch bài self-worth rồi đó chứ), mà mấy hôm nay bận quá, đọc bài này thấy thích ghê, hehe.
    tui thấy là ở VN, người ta mất dần lòng tự trong, mất luôn sự xem trọng bản thân, mất luôn tính cá thể, họ luôn dấu mặt trong đám đông, kiểu cả đám làm chuyện xấu thì mình dại gì làm chuyện tốt cho thiệt mình, dù sao thì bên ngoài cũng đánh giá cả đám chứ ko đánh giá mình mình.
    HÈN là từ rất đúng. Người ta ngày một HÈN đi vi cái gì người ta cũng sợ. Cái quyền lực độc tôn đã làm con người trở nên hèn. Sợ bị cái này, sợ bị cái kia, người ta phải hèn đi cho dễ sống.
    Nhưng khi mà nền giáo dục còn tệ hại, thì khó mà thay đổi được gì. Một chuyện căn bản của cuộc sống văn mình là đứng xếp hàng, người Việt Nam cũng mất dần điều đó (trừ khi đó là xếp hàng để nghe chửi khi ra hàng phở ăn ngoài Hà Nội)

    ReplyDelete
  13. Trời, anh bị đánh, tức quá chẳng làm gì được mới đi thưa các thầy cẩm chứ có gì mà admire hả em :D. Nếu học võ như Tuong Binh Minh thì chắc là cũng không phải đi gọi công an ;).
    Nói chung sống ở Việt Nam nhiều cái phức tạp, bản thân mình chắc nhiều lúc cũng bị hèn đi, viết thế này cũng là một cách tự cảnh giác mình thôi.


    ReplyDelete
  14. Em lên kế hoạch là có con gái, con trai - sau này cho chúng nó đi học võ hết :P Ít nhất là bảo vệ mình!

    Nhưng đúng như Tuong Binh Minh nói, không hẳn là biết võ là "chơi" lại thì xong (ngay từ hồi học cấp 3, em biết mấy trường hợp tử vì kiểu này rồi).

    Em bắt đầu đọc mấy trang của quyển Utopia mà chưa đọc tiếp được, để xem xã hội ước mơ của mình là gì ;)

    ReplyDelete
  15. Trong cuộc sống chắc chắn có nhiều thứ khiến người ta hoá hèn, chứ không riêng việc đánh đấm :D ( cái này ai cũng biết, hehe)

    Nhưng khi bị tấn công vô cớ và không đánh lại, vết thương tâm lý trong người sẽ ghê gớm hơn nhiều so với vết thương sứt đầu mẻ trán do ẩu đả gây ra. Có thể là nhiều năm sau bạn vẫn còn bị ám ảnh.

    Nhiều bạn nghĩ học võ là để tự vệ, để đánh lại. Đấy là suy nghĩ thông thường. Học võ quan trọng là để biết sức đối phương và không sợ hắn. Muốn đấm đá nhau, không phải 1 lúc mà ăn thịt ngay được, phải có thời gian, khoảng cách, và phải xuất chiêu :D . Đứng trước một đối thủ, thoáng qua là ta có thể ước lượng được hắn nguy hiểm tới mức nào. Đánh gục một người không dễ đâu :D Thứ nữa việc học võ cũng sẽ cho mình xác định tương quan lực lượng, chúng nó có đông không, có vũ khí gì không, khi cần chạy thì chạy theo ngả nào.

    Trường đại học nào cũng có lớp dạy võ, bác Xơ nên bỏ thời gian tuần 1-2 buổi tập cho khoẻ người :D.

    ReplyDelete
  16. Hello, I find your blog today, but unfortunately I do not understand its language.However have a nice blogging and always success for you.

    ReplyDelete