Tuesday, April 24, 2007

Entry for April 24, 2007

Lâu rồi không viết gì về phim ảnh. Thôi thì cập nhật tình hình xem phim gần đây vậy.

Các phim xem trong vòng chừng 1 tuần (chủ yếu xem vào hôm thứ 7 và chủ nhật vừa rồi):

  1. Tin Drum (Germany): Có thể gọi là masterpiece. Một phim như thế hẳn sẽ rất khó được sản xuất ở Mỹ. Nghe nói bang Utah ở Mỹ từng cấm phim này vì có hình ảnh child pornography. Nếu lúc nào rảnh thì sẽ thử review phim này. Nhưng thấy hơi khó.
  2. Brother (Japan) của Takeshi Kitano. Phim lấy bối cảnh nước Mỹ, kể về việc một tay Yakuza già Nhật Bản sang Mỹ lập nghiệp. Phim vẫn có cái chất rất riêng của Kitano, pha trộn giữa cái không khí u ám, chậm rãi với những pha bạo lực dữ dội bùng phát. Các băng đảng Yakuza trong phim là hiện thân của các Samurai thời hiện đại, những kiếm sĩ từng tung hoành ngang dọc một thời giờ trở thành những kẻ bị ngoài lề, sa sút vào một cuộc sống trong bóng tối, sống bằng bạo lực. Nhưng ở họ vẫn có một tinh thần Samurai không phai: trung thành, xả thân, tự hy sinh và tình bằng hữu. Xem phim của Kitano còn có một điểm riêng: cái tâm trạng chung của phim là u hoài, buồn bã (nhưng đôi lúc lại có những khoảnh khắc rất đẹp, chứa chan màu sắc và cảm xúc vụt lên trong đó ví dụ như trong phim Hanabi). Cuối phim thường là cái chết của nhân vật chính trong phim, như là một điều được biết trước và không thể khác được, nhưng người xem vẫn cảm thấy ấm lòng bởi cái nhìn mang tính nhân văn của tác giả. Phim của Kitano dù có chất nihilist (tự hủy?) nhưng bên trong vẫn chứa đựng một tình yêu với cuộc sống và con người. Cùng với Hayao Miyazaki, có lẽ ông là một trong vài đạo diễn còn sống của Nhật đáng xem nhất hiện nay? Kế hoạch sắp tới sẽ xem tiếp một số phim của ông này.
  3. Ba phim của Johnny To: Election, Election 2Run out of Time. (Từ list phim này có thể thấy là tớ đang hứng thú với các phim bạo lực và băng đảng châu Á). Hay nhất là Election, phim này khiến mình tò mò mới tìm xem tiếp các phim gangster khác của Johnny To. Bộ đôi Election rất thú vị, liên quan tới cuộc bầu cử Chủ tịch của một tổ chức Tam Hoàng (trong phim hình như gọi là Hồng hội- không biết có phải là Hồng Hoa Hội?). Chức Chủ tịch này có nhiệm kỳ 2 năm một lần và nội dung phim liên quan tới các cuộc lobby và thanh toán lẫn nhau xung quanh kỳ bầu cử. Ngày xưa, ở Việt Nam có một truyện khá nổi tiếng là “Âm mưu Hội Tam Hoàng” của một nhà báo Nga viết, đọc rất hấp dẫn. Điều đặc biệt ở các tổ chức Triad này là tính dân chủ của nó (qua việc bầu cử thủ lĩnh) và việc tôn trọng truyền thống lâu đời hàng trăm năm trong các cộng đồng Minh Hương. Buồn cười là đoạn thề bồi trong phim còn lặp y nguyên lời thề của Hội Tam Hoàng khi mới lập là đánh đuổi Mãn Thanh, thề trung thành với Hoàng đế Minh, mặc dù đã là những năm 2000. Xem phim này còn thấy tính khốc liệt, bất chấp thủ đoạn, lừa lọc lẫn nhau, thậm chí có thể cực kỳ man rợ trong các tập đoàn tội ác người Hoa, khác với tính chất gia đình của Mafia Ý hay sự trung thành với thủ lĩnh tương tự samurai với lãnh chúa của Yakuza Nhật Bản. Ngoài hai phim Election (Run Out of Time thì bình thường), Johnny To còn có một phim nữa rất đáng xem là Running of the Karma, một phim vừa bi vừa hài về vòng luân hồi của cuộc đời.
  4. Wedding Crashers: Sau khi xem một số phim giết chóc, máu me thì quyết định xem một phim hài của Mỹ để giải tỏa đầu óc. Wedding Crashers là một phim khá funny, nội dung cũng không có gì đặc biệt, vẫn motif một (ở đây là hai) anh playboy đi chơi bời chán, xong rồi (không) may yêu phải một (hai) cô. Và yêu thì cưới. Nhưng lời thoại và tình tiết trong phim khá funny. Một phim hài khá hay, đôi chỗ hơi thô thô nhưng mà phim hài mà hơi thô thô mới đúng là kiểu hài của Mỹ- hơi giống với 40-year old virgin.

16 comments:

  1. Hehe - em lại thích Election 2 hơn là 1. Bởi xem 2 bất ngờ quá. Lòng dạ con người thay đổi chóng cả mặt, không biết đằng nào mà lần. Ngoài ra, quay phim trong "Election 2" cũng hết sức xuất sắc. Anh Linh tìm thử "Exiled" xem - cũng Đỗ Kỳ Phong, cũng xã hội đen nhưng làm theo một phong cách khác hẳn (cao bồi viễn Tây).

    P/S: Anh tìm thêm cả phim Shunji Iwai nữa. Em cũng thích cả Hana-bi lẫn Brothers :P Hehe

    ReplyDelete
  2. Election 2 cũng hay nhưng đoạn tay thanh niên Jimmy kia vươn lên Bố già thì hơi giống Michael Corleone trong The Godfather, cũng thủ đoạn tàn độc, rồi ban đầu muốn lương thiện về sau không thể như thế, thành ra những cái đó cũng không bất ngờ lắm. Election 1 có đoạn tay Kwok vác cả hòn đá đập chết Big D đến mỏi nhừ tay ngay trước mắt con trai mình mới thực gọi là bất ngờ và xử sự rất Tàu. Chỉ đoạn đó là biểu thị tính tráo trở, hành động quả quyết, bất chấp thủ đoạn miễn đạt được mục đích của bọn xã hội đen Hongkong.
    Anh sẽ tìm thêm các phim em nói. Hóa ra Johnny To tên tiếng Hán là Đỗ Kỳ Phong à.
    Tính bất ngờ cũng là một đặc điểm của phim Kitano, đúng hơn là trong hầu hết các phim Nhật mà anh xem, khác với (đa số) phim Tàu hay phim Mỹ, người xem rất khó đoán nhân vật trong các phim Nhật sẽ hành động thế nào. Chính điều đó khiến việc xem phim Nhật trở nên thú vị. Như phim của Kitano, tình tiết rất chậm chạp nhưng người xem vẫn không cảm thấy chán vì tự nhiên đùng một cái, một nhân vật quan trọng mà người xem đang thích lăn ra chết :D.

    ReplyDelete
  3. trong cac fim hanh dong da xem cho den gio van thich nhat doan cuoi trong fim brother, khi bac Aniki vao cai nha hang binh thuong "dinner" day, an tuong voi canh cua, voi tieng piano chim` chi`m nho nho trong tieng sung roi lai bat ra, luc bac nam song soai lai khien nho den hinh xam tren lung bac i, roi cach quay len fia tren, may xe o to nho dan ra xa...fim brother la 1 trong nhung fim minh xem di xem lai ko chan :) nhat la doan bac bi tach ay...

    ReplyDelete
  4. Đoạn bác ấy trước khi chết cũng cool, đứng dậy trả tiền cho chủ quán, bảo là đây là tiền đền bù thiệt hại, sau đó rút súng lục ra ngòai cửa để chọi lại băng mafia Ý với dàn súng máy, rồi chỉ có cảnh quay bức tường chiu chíu đạn.

    ReplyDelete
  5. Em cũng thấy hơi hụt hẫng ở đoạn kết Tin Drum vì cứ tưởng chuyện phim vẫn còn dài, nhưng vẫn phải thừa nhận nó thuộc số rất ít các phim làm từ truyện thành công. Dừng ở đó cũng được một câu chuyện hoàn chỉnh rồi.

    ReplyDelete
  6. À, Hisashi cho anh hỏi, phim gangster châu Á còn phim nào hay nữa, nhất là phim Hàn Quốc, anh chưa xem phim gangster Hàn nào ngoài "My wife is a gangster" 1 và 2 (funny, anh cũng thích :D).

    ReplyDelete
  7. Em mới chỉ xem mỗi mục 4, nghĩa là cả 2 film anh nêu tên. Cả hai phim này đều chán bỏ xừ ra :P

    ReplyDelete
  8. Mình xem The Tin Drum thấy không tâm đắc lắm, có lẽ vì bị ảnh hưởng từ truyện nhiều quá. Một chi tiết nổi bật trong truyện là những nét giai điệu biến thiên vạn trạng của cái trống thì phim không thể tái hiện lại được, chưa kể phim lại cắt đi một đoạn có khá nhiều tình tiết đắt giá trong truyện đó là quãng đời của Oskar sau thế chiến thứ II. Cấm phim này vì có child pornography thì hơi khó hiểu, mình thấy có đến nỗi trắng trợn lắm đâu, hay tại cái bang Utah nó dở hơi thế :D

    ReplyDelete
  9. Thực ra em cảm thấy phim Tin Drum nó có dụng ý khác với truyện. Chính vì thế mà họ cắt ngắn đi so với truyện. Cái trống thiếc của Oskar trong phim là biểu tượng của Ba Lan đã mất, nên họ để cho anh ta chôn luôn cùng với người cha. Người ta bỏ đi cái phần Oskar bỗng nhiên lớn lên, mà chỉ đưa ra một sự hứa hẹn, em thấy như vậy chất thơ của câu chuyện tăng mạnh hơn.

    Nhưng thực ra, ai đọc Cái trống thiếc rồi, thì rất dễ cảm thấy thất vọng đi xem phim, vì phim chỉ còn lại một nửa so với truyện.

    ReplyDelete
  10. @HA: Anh chưa đọc truyện (giờ đang bắt đầu đọc) nhưng xem phim thì không thấy hẫng gì, thấy phim như thế là gọn gàng, hoàn chỉnh.

    @Hai: Child Pornography vì có đoạn chú bé kia (khi đóng là 11 tuổi) quay với cô kia naked và hôn hít cô ấy, còn úp cả mặt vào chỗ kín của cô ta. Theo luật của Mỹ thì không cho phép trẻ con đóng các cảnh như thế. Vừa rồi phim The Birth có Nicole Kidman đóng còn bị tẩy chay ở một số nước vì có cảnh nụ hôn giữa Nicole với một cậu bé vị thành niên.

    @Moony: Anh nghĩ cái trống thiếc của Oscar có thể chứa nhiều ý nghĩa, mà lại không phải chỉ có 1 ý nghĩa cụ thể nào. Nhưng anh không nghĩ nó là biểu tượng của Ba Lan đã mất mà theo anh, nó là biểu tượng của sự từ chối , của việc đứng ngòai lề xã hội loài người. Khi Oscar quyết định không lớn lên, từ chối trở thành người lớn thì cũng là lúc cậu ta không rời cái trống thiếc. Cái trống thiếc như là dấu ấn riêng của cá thể cậu ta, cậu ta giữ nó khư khư như là một sự phản kháng xu thế của thời đại, khi con người cá nhân bị giết chết, bị hòa tan trong dòng thác của các tư tưởng quốc xã, cộng sản, của thời đại mà radio thay thế cho piano và hình Hitler được treo thay cho hình Beethoven, và khắp nơi vang lên tiếng trống duyệt binh, diễu hành (chính vì thế mà trong phim có một nhân vật phụ Oscar rất đồng cảm, đó là người thổi kèn Trompet ở gác 2, Oscar đồng cảm vì sự cô đơn, một mình của người đó).

    Cuộc đời của Oscar trôi đi, qua nhiều biến chuyển của thời đại, cũng là lúc bản thân Oscar thay đổi. Ban đầu, cậu chọn đứng ngoài, nhìn xã hội loài người một cách vừa khinh bỉ, vừa chế nhạo. Sau khi gặp người lùn tên là gì đó, thì cậu gia nhập gánh xiếc của ông ta, vẫn đi dạo thế giới như một kẻ đứng ngoài, vẫn khinh bỉ và giễu cợt. Nhưng dần dần thì cậu càng không thể đứng ngòai được, vì cho dù cậu đã lựa chọn không lớn lên nhưng cậu vẫn cứ là người lớn trong cảm xúc và dục vọng, dù cậu ta chọn đứng ngòai xã hội loài người thì cậu ta vẫn là con người, cũng yêu thương, thèm muốn, căm ghét như những con người khác. Hơn nữa, cậu ta còn có một đứa con (ít ra là cậu tự coi là thế), là sợi dây khiến cậu ta gắn với xã hội loài người.

    Và sau cái chết của ông bố Đức phần nào do cậu ta gây ra thì cậu ta thấy mình không thể nào đứng ngòai, và quyết định lớn lên, nói cách khác, quyết định chấp nhận số phận của một con người, với những sự phù phiếm, ngớ ngẩn, tội lội và trách nhiệm của một con người.

    ReplyDelete
  11. Ah chuyện dài gấp đôi phim, còn cả đoạn Oscar lớn lên, cũng là hình ảnh nước Đức sau thế chiến. Em đồng ý với Moony là dừng ở đấy có nhiều chất thơ và hy vọng hơn.
    Chủ đề mà anh Linh nói đến thì có tính phổ quát nhưng cũng chung chung quá.Em được biết analogy phổ biến của Tin Drum chính là mô tả mentality của người Đức từ vết nhơ lớn là 2 cuộc thế chiến cho đến thời kỳ phục hồi (lớn lên) quặt quẹo sau này. Mặc dù Grass từ chối đã áp đặt các tầng ý nghĩa một cách có dụng ý lên tác phẩm của ông (nghệ sĩ nào chả nói thế , hehe) thì Tin Drum vẫn ngồn ngộn các ám chỉ, biểu tượng mang tính lịch sử (thực sự là Tin Drum highly symbolic) và open for interpretation. Ở mức cực đoan Tin Drum còn được nhìn nhận như một nỗ lực bênh vực cho dân tộc "lỡ" (? :)) vướng vào facism, và Grass đôi khi bị phê phán là vì thế.
    Trong luồng phân tích này thì cái trống biểu tượng cho nước Ba Lan có lý của nó, lại thêm dữ kiện về nguồn gốc của Grass + nỗi đau ngấm ngầm mất nhiều phần lãnh thổ của bọn Đức :D.
    Em thiên về hướng mô tả German mentality. Biết được niềm tự hào của dân Đức mạnh như thế nào và đã bị tổn hại nặng nề qua lịch sử bi thảm của thế kỷ vừa rồi, hiểu được bóng đen của vết nhơ này bao trùm mấy chục năm phát triển sau này của nước Đức sẽ thấy vì sao Tin Drum như một nỗ lực phân trần quá khứ lại quan trọng đối với văn học Đức và văn học thế giới như vậy.
    Interpretation ở mức dộ con người chung chung như anh Linh nói luôn possible, nhưng với Tin Drum thì việc gắn nó với các sự kiện lớn của lịch sự thế giới và với lịch sử của một dân tộc quan trọng cho thấy sự sâu sắc vượt hơn hẳn một bậc về nghệ thuật viết, như về planning cấu trúc, planning biểu tượng và control nói chung.

    *: post lên tự nhiên mất một đoạn, em post lại và nhờ anh Linh xóa comment ở trên.

    ReplyDelete
  12. Em vừa đi Tam Đảo về - thú thực là gangster Hàn Quốc em thấy không đặc sắc lắm. Cứ dở dở ương ương thế nào ấy. Trước giờ, em thích mỗi hai cái là "Guns & Talks" và "A Bittersweet Life". Hôm nọ mới mua được "Cruel Winter Blues" mà chưa xem được - nghe cốt truyện cũng lạ... Để tối xem thử xem sao...

    ReplyDelete
  13. "Người cha là dân tộc Đức trong chiến tranh. Oscar là thế hệ thanh niên lớn lên sau chiến tranh, luôn đứng trước hai lựa chọn: chấp nhận nỗi ủ ê hay bác bỏ, coi nó không liên quan tới mình."
    -> Theo em, mentality của nước Đức thể hiện rõ nhất qua Oscar, cả trước và sau cái chết của người cha, Oscar vẫn là nước Đức, là đứa trẻ dị biệt, trải qua một thời hỗn loạn như thế nào, phản kháng và chống đối, tham gia và phần nào thỏa hiệp, rồi chấp nhận tội lỗi để lớn lên như thế nào.
    Có nhiều phân tích từ nhiều góc nhìn, chắc không có cái nào là complete và tác giả cũng từ chối một analogy cụ thể. Nhiều người thích nhìn từ góc độ phân tích sự trưởng thành của một cá thể (1st angle của anh Linh?), và chắc rằng có rất nhiều theme phụ xoay quanh. Cũng có thể nói ta kết hợp 2 góc nhìn cho chắc nhưng bản thân em không thích kiểu phân tích lập lờ như vậy nên em tách ra ở đây.
    Cảm xúc cá nhân của em (cá nhân thôi): câu chuyện của đứa bé học cách lớn lên, hòa nhập xã hội (nói nôm na vậy) tuy ring true nhưng cảm giác đọng lại khá bình thường, như là một câu chuyện của một cá nhân được kể lắt léo và hay ho. Còn câu chuyện nước Đức dưới hình ảnh một đứa trẻ méo mó mới nghe có vẻ đơn giản hóa hình tượng nhưng qua hàng loạt hình ảnh được mô tả (chắc là phải có chủ ý) lại là một biểu tượng thuyết phục, xác thực và mang tính tự trào cao độ. Nước Đức to lớn và hùng mạnh như thế, di sản văn hóa và khoa học rực rỡ như thế (really true) và Oscar ngây ngô, méo mó, dị dạng, tội lỗi sao có thể là một? But think about it :)... Từ câu chuyện đứa trẻ, có thể bình luận về toàn xã hội theo khía cạnh giáo dục nhân cách, bản chất con người trong các bối cảnh, từ câu chuyện nước Đức, cũng có thể mỉa mai cả nhân loại, đối với em cái thứ hai artistic hơn.

    Hết phần cảm xúc cá nhân. Tiếp theo, về theme, chuyện Grass đi từ ý tưởng bao quát kiểu như muốn mô tả sự trưởng thành của cá thể trong một vũ trụ hay từ một ý tưởng đơn giản như kể chuyện lịch sử Đức qua biểu tượng (nghe có vẻ không hoành tráng lắm) thì không thể biết được nhưng về mặt process thì em đoán Tin Drum primarily được inspired và constructed từ lịch sử rất kịch tích của thế kỷ vừa rồi và đương nhiên dưới ngòi bút Đức, sẽ là một mối liên hệ rất chặt chẽ với nước Đức.
    Kinh nghiệm quan sát là các theme phổ quát thường do các nhà phê bình phóng lên qua trò chơi ngôn ngữ, còn sáng tạo của các nghệ sĩ thường xuất phát từ các điểm nhỏ hơn, gần gũi với cá nhân họ. Không ai khởi đầu từ cái chung chung mà có thể đạt được 1 cấu trúc hiệu quả, đó là lý do em tin rằng Grass bắt đầu từ câu chuyện nước Đức của ông hơn là bắt đầu từ câu chuyện của một đứa bé tình cờ là dân Đức lai Ba Lan. Nhưng bởi vũ trụ bao la vốn có các liên hệ chồng chéo, xoắn xuýt lẫn nhau (intertwined, interwoven?) nên trong một lát cắt bé nhỏ vẫn luôn luôn thấy hình ảnh của cái lớn lao phổ quát hơn.

    ReplyDelete
  14. @hoaianh: Anh nghĩ Tin Drum có thể có nhiều cách lý giải. Ví dụ
    1. Cái trống thiếc là biểu hiện cho sự ngây thơ trong một thế giới đã đánh mất sự ngây thơ. Cũng có thể diễn giải cách khác là cái trống thiếc còn là tính cá nhân và sự tự do tư tưởng, đối lập với cái tập thể ồn ào và các tư tưởng được sản xuất hàng loạt và nhồi nhét cho dân chúng.

    2. Giã bỏ cái trống thiếc là từ giã vị trí của kẽ đứng ngòai để chấp nhận cuộc đời và trách nhiệm. Ý này thì hơi giống với các tác giả hiện sinh.

    3. Cũng gần như thế, giã từ cái trống thiếc là chấp nhận cái tội lỗi tập thể của dân tộc Đức và những trách nhiệm của dân tộc này trước thảm họa phát xít. Oscar tìm cách chối bỏ (ôm khư khư trống thiếc) tìm cách đứng ngòai nhưng vẫn không thể nào đứng hẳn ngoài được và do đó cuối cùng quyết định chịu trách nhiệm. Chú ý là Oscar vẫn tự nhận là mình gây ra cái chết của người mẹ và người cha Ba Lan Jan nhưng thực ra đó chỉ là việc nhận vu vơ. NHưng chính cậu ta đã ấn cái huy hiệu phát xít vào tay người cha Đức, như là một sự dứt khoát với quá khứ, chấp nhận cái tội lỗi của dân tộc mình và trách nhiệm đi kèm, và chỉ nhờ đó thì cậu ta mới dứt bỏ được cái trống thiếc. Còn cái German mentality có lẽ thể hiện ở cả người cha và Oscar. Người cha là dân tộc Đức trong chiến tranh. Oscar là thế hệ thanh niên lớn lên sau chiến tranh, luôn đứng trước hai lựa chọn: chấp nhận nỗi ủ ê hay bác bỏ, coi nó không liên quan tới mình.

    Anh chưa đọc truyện nhưng thấy tất cả các thông điệp này (và còn nhiều ẩn ý khác) đều có thể thấy được khi xem phim. Nói chung một phim chuyển thể như thế là quá thành công rồi. Có một số đoạn trong phim xem rất ấn tượng và thú vị như đoạn Oscar làm cho đám trống kèn định chơi quân hành trở thành chơi điệu Waltz hay đoạn dùng đầu ngựa để bắt lươn.

    @Hisashi: Cám ơn em!

    ReplyDelete
  15. Anh cũng nghĩ như hoaianh là khi nhà văn viết, họ không nhằm mục đích là viết theo một cái theme nào đó, trừ một số ít trường hợp như Sartre chẳng hạn, có thể đã có sẵn ý đồ sẽ triển khai khi viết văn. Nhưng trong một tác phẩm, tác giả có thể lồng ghép nhiều theme khác nhau. Hơn nữa, những tác phẩm lớn thường có khả năng gợi mở những cảm xúc, và các cách diễn giải khác nhau từ đó. Trường hợp Grass ở đây, anh nghĩ xuất phát điểm của ông là muốn lý giải tại sao người Đức lại như thế, diễn giải tâm lý của họ cả trước, trong và sau chiến tranh. Nhưng ở đây anh nghĩ cái trực tiếp dẫn tới tác phẩm này là tâm lý nước Đức thời hậu chiến, đó là lý giải tại sao chủ nghĩa phát xít lại tồn tại và hoành hành ở nước Đức, nó có liên quan gì tới mentality của dân tộc Đức hay không, và nước Đức nên đối xử thế nào với cái di sản này của nó.

    Nhân vật người cha, theo ý anh là tiêu biểu cho cách ứng xử của người Đức trong chiến tranh ở đây, chính là ở cái thái độ hợp tác thụ động, bị mê hoặc tập thể của dân Đức trong thời phát xít nắm quyền nhưng lại nhanh chóng chối bỏ trách nhiệm khi thất bại. Nhưng đó chỉ là một nhân vật thụ động, còn ở Oscar mới là chỗ để tác giả đặt ra câu hỏi và câu trả lời về các vấn đề trên.

    Một điểm nữa là cả Grass và Oscar đều sinh ra và lớn lên ở thành phố Danzig, một thành phố bị tranh chấp giữa Đức và Ba Lan. Bản thân Oscar cũng không biết cha mình là ai, là người Đức hay người Ba Lan, và coi cả hai là cha mình (nhưng không gọi ai là cha bao giờ, và về mặt tình cảm nghiêng về anh chàng Ba Lan). Chính xuất thân đặc biệt đó cho phép Oscar nhìn vào lịch sử vừa như kẻ đứng ngoài vừa như kẻ ở trong, và chính điều này làm câu chuyện càng sinh động và biến hóa. Nhưng ở đây, còn một ý khác. Liệu tác giả có ẩn ý là nước Đức cũng là một phần của châu Âu, dân tộc Đức dù muốn dù không vẫn kế thừa cái di sản đó, và vì thế thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan chẳng phải là hão huyền sao? Có phải mỉa mai không khi nhân vật được coi là tiêu biểu cho mentality của người Đức lại là cậu bé Đức lai Ba Lan, hay thậm chí có thể là 100% người Ba Lan?

    Anyway,với một tác phẩm lớn thì chúng ta diễn giải cách này cách khác cũng chỉ là tán cho vui thôi, chứ thực ra chưa chắc khi viết, tác giả đã nghĩ tới những vấn đề đó một cách có ý thức.

    ReplyDelete
  16. À mà hồi ở nhà thấy cuốn này vừa dầy vừa nặng quá nên không mua, giờ đang đọc bản tiếng Anh thấy hơi bị oải vì văn ông này không phải dễ đọc, chẳng biết có đọc xong được không, biết thế đọc bản dịch của Dương Tường có phải hơn không? :(

    ReplyDelete