Tuesday, December 2, 2008

Entry for December 02, 2008


Bài này cũng hơi cũ và đã đăng báo. Nói thêm là ông Krugman này thường xuyên chửi chính quyền Mỹ trên blog, phát biểu đủ mọi chuyện về kinh tế, chính trị...nước Mỹ trên blog của mình, cố tình đưa ra những thông tin mà tuy ông ta cho là đúng đắn nhưng chắc hẳn chính quyền Bush cho là "không chính xác" về hệ thống chính trị, nhà nước và đảng Cộng hòa. Nếu theo quy định sắp ra của Việt Nam mà chuyên gia bảo mật, hiệp sĩ (!) Công nghệ thông tin Nguyễn Tử Quảng coi là hoàn toàn thích hợp (perfectly suitable) thì ông ta đáng bị 12 năm tù.


Giải Nobel Kinh tế 2008: Giáo sư, nhà báo, blogger Paul Krugman

Ngày 13/10/2008, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển tuyên bố trao giải Nobel Kinh tế cho giáo sư người Mỹ Paul Krugman tại trường Đại học Princeton, Mỹ. Đây quả là một tin bất ngờ đối với những người quan tâm tới giải này. Trước đó, trong các cuộc cá cược của các nhà kinh tế học do một số giáo viên và nghiên cứu sinh đại học Harvard tổ chức thì tên Paul Krugman không được nhắc tới như ứng cử viên tiềm năng. Những ứng cử viên tiềm năng nhất là giáo sư Rober Barro ở trường Đại học Harvard chuyên về kinh tế vĩ mô hay ba nhà kinh tế lượng Hansens, Sargens và Sims. Mặc dù luôn được coi là một ứng cử viên tiềm năng cho giải Nobel nhưng ít người dự đoán Paul Krugman sẽ được giải. Lý do ít liên quan tới học thuật vì Paul Krugman luôn được đánh giá là ngôi sao sáng trong giới học thuật. Người ta cho rằng ông khó được giải Nobel vì ông là một gương mặt gây nhiều tranh cãi về chính trị, thường phê phán kịch liệt phe hữu trong một đất nước có sự chia rẽ giữa hai phe tả- hữu, bảo thủ- cấp tiến, Dân chủ- Cộng hòa rất nặng nề.

Nhưng trái với hầu hết dự đoán, Paul Krugman nhận được giải Nobel năm nay. Hơn thế nữa, một mình ông nhận được giải thưởng có trị giá tương đương 1,6 triệu đô-la này. Đây là trường hợp khá hiếm, bởi ít khi những người nhận giải Nobel Kinh tế được trao giải một mình. Từ năm 2000 tới nay mới chỉ giáo sư Edmund Phelps nhận được giải này một mình vào năm 2006. Theo thông cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, Paul Krugman được trao giải cho “sự phân tích của ông về các hình mẫu thương mại và vị trí của hoạt động kinh tế”. Cụ thể hơn, giải thưởng được trao cho những đóng góp của Paul Krugman trong hai lĩnh vực thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.

Paul Krugman sinh năm 1953, tốt nghiệp đại học Yale năm 1974 và hoàn thành luận án Tiến sĩ về tài chính quốc tế tại Đại học danh tiếng MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts) chỉ 3 năm sau đấy, ở tuổi 24. Ông là tác giả của 20 cuốn sách và hơn 200 bài báo chuyên ngành. Trong ngành kinh tế học, Paul Krugman nổi tiếng hơn cả với tư cách người sáng lập chủ chốt của “lý thuyết thương mại mới”, lý thuyết chủ chốt về thương mại quốc tế hiện nay. Năm 1991, ông được trao giải thưởng John Bates Clark cho những công trình của ông về thương mại quốc tế. Giải thưởng này do Hiệp hội Kinh tế Mỹ trao tặng hai năm một lần cho những nhà kinh tế xuất sắc dưới 40 tuổi và có những đóng góp lớn cho kinh tế học. Giải này được coi là một giải tiền Nobel bởi rất nhiều nhà kinh tế nhận giải John Bates Clark sau này tiếp tục nhận được giải Nobel.

Lý thuyết thương mại mới và bài báo ở tuổi 26

Lý thuyết thương mại mới của Paul Krugman được coi là một cuộc cách mạng trong tư duy thương mại quốc tế. Trong một thời gian dài từ đầu thế kỷ 19 cho tới những năm 1970, lý thuyết thương mại quốc tế được xây dựng dựa trên ý tưởng của nhà kinh tế học người Anh David Ricardo về lợi thế so sánh. Theo Ricardo, các quốc gia sở dĩ trao đổi mua bán hàng hóa vì họ có những lợi thế so sánh khác nhau và thương mại quốc tế diễn ra trên cơ sở sự khác biệt về lợi thế so sánh này.

Sang thế kỷ 20, vào những năm 1920-1930, lý thuyết của Ricardo được mở rộng và mô hình hóa bởi hai nhà kinh tế học người Thụy Điển Eli Heckscher và Bertil Ohlin. Mô hình Heckscher-Ohlin cho rằng thương mại quốc tế diễn ra trên cơ sở điều kiện khác biệt giữa các quốc gia về nhân tố sản xuất: một số nước dư thừa lao động nhưng lại thiếu vốn, trong khi một số nước khác lại nhiều vốn nhưng thiếu lao động. Kết quả là những nước sẽ chuyên môn hóa vào sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng mà nước đó có lợi thế tương đối và nhập khẩu những mặt hàng kém lợi thế. Chẳng hạn, Việt Nam có nhiều lao động nhưng thiếu vốn và công nghệ nên có lợi thế tương đối trong sản xuất các mặt hàng cần nhiều lao động như quần áo, giầy dép, nông sản, trong khi Mỹ có lợi thế tương đối trong sản xuất các mặt hàng công nghệ cao và cần nhiều vốn như máy tính, Ipod, phim Holywood… Và quan hệ thương mại diễn ra trên cơ sở này, Việt Nam xuất khẩu quần áo, giầy dép, nông sản sang Mỹ và nhập khẩu máy tính, Ipod, phim Holywood… từ Mỹ.

Mô hình Heckscher-Ohlin ngự trị tư duy kinh tế quốc tế trong suốt nửa thế kỷ, và giải thích được hầu hết các mối quan hệ thương mại quốc tế. Thế nhưng càng ngày, người ta càng thấy có những đặc điểm trong thương mại quốc tế mà mô hình này không thể giải thích. Một trong những đặc điểm đó là quan hệ thương mại trong ngành (intra-industry trade).Ví dụ, Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Mỹ nhưng cũng nhập khẩu một số nông sản từ Mỹ. Mỹ xuất khẩu xe hơi sang Nhật và châu Âu nhưng cũng nhập khẩu xe hơi từ Nhật và châu Âu.

Theo lý thuyết lợi thế so sánh thì trao đổi thương mại trong ngành này không thể xảy ra vì với một mặt hàng, chỉ có một chiều thương mại từ nơi có lợi thế sang nơi không có lợi thế sản xuất mặt hàng đó, như nước chỉ chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp mà thôi. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Lý thuyết lợi thế so sánh cũng không giải thích được tại sao một số quốc gia như Đài Loan và Hàn Quốc lại thành công trong việc chuyển từ xuất khẩu quần áo, giầy dép những năm 1960 đến nay lại có thể xuất khẩu máy tính, ô tô sang Mỹ và châu Âu.

Việc này gây nhiều bối rối cho các nhà kinh tế học và đã có một số mô hình ra đời nhằm giải thích cho quan hệ thương mại này. Trong số các tên tuổi có thể kể đến hai nhà kinh tế người Mỹ gốc Ấn Độ Jagdish Bhagwati và Avinash Dixit, nhà kinh tế người Israel Helpman và một số người khác. Và tất nhiên, có Paul Krugman, người khởi đầu cuộc cách mạng trong tư duy thương mại quốc
tế.

Năm 1976, trong một lần dự giảng Robert Solow, một nhà kinh tế từng được giải Nobel, Paul Krugman được biết tới khái niệm cạnh tranh độc quyền- là sự cạnh tranh xảy ra khi những nhà sản xuất có được vị thế độc quyền với những nhãn hiệu hay sản phẩm nhất định. Ý tưởng vận dụng khái niệm cạnh tranh độc quyền trong thương mại quốc tế chợt nảy ra trong đầu Paul Krugman. Sau này ông kể lại “Chỉ trong vài giờ sau đấy, tôi biết ngay tôi đã có chìa khóa để cầm trong tay cả sự nghiệp của mình. Tôi còn nhớ rõ tôi thức cả đêm trong phấn khích”.

Thế nhưng ý tưởng của ông không dễ dàng được chấp nhận, bài viết của ông bị nhiều tạp chí chuyên ngành có uy tín từ chối và vấp phải sự thờ ơ của đồng nghiệp. Mãi tới năm 1979, Krugman mới có thể đăng bài viết của mình trên Tạp chí Kinh tế Quốc tế. Bài viết ngắn, chỉ 10 trang nhưng ngay lập tức gây được sự chú ý đặc biệt trong ngành và Paul Krugman trở thành người mở đầu trường phái “Lý thuyết thương mại mới” khi mới 26 tuổi.

Trong bài báo này, Krugman đưa ra một lý thuyết hoàn toàn mới về thương mại quốc tế. Lý thuyết này giải thích quan hệ thương mại trong ngành dựa trên giả định về lợi thế nhờ quy mô, theo đó việc sản xuất trên quy mô lớn làm giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh lợi thế quy mô sản xuất, lý thuyết Krugman còn dựa trên giả định người tiêu dung quan tâm tới tính đa dạng sản phẩm. Do hai đặc tính này- lợi thế quy mô của nhà sản xuất và sự ưa thích đa dạng nhãn hiệu của người tiêu dung- mà người sản xuất sẽ dần dần trở thành độc quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của mình, kể cả khi phải chịu sự cạnh tranh giữa các nhãn hiệu khác. Mô hình của Paul Krugman giải thích tại sao thương mại quốc tế vẫn có thể diễn ra giữa những nước có lợi thế tương đối về công nghệ và nhân tố sản xuất tương tự nhau. Ví dụ Mỹ và châu Âu cùng có lợi thế tương đối về vốn và công nghệ nhưng Mỹ vẫn xuất khẩu xe Ford và nhập xe BMW từ châu Âu. Sở dĩ điều này xảy ra vì sự ưa thích tính đa dạng nhãn hiệu của người tiêu dung cho phép cả hai hãng Ford và BMW có lợi thế tương đối trong sản xuất những nhãn hiệu của mình.

Bài viết 10 trang của Paul Krugman đã mở đường cho một hướng nghiên cứu mới về kinh tế thương mại quốc tế. Cho tới ngày nay, lý thuyết Thương mại mới của Paul Krugman (cùng với sự đóng góp lớn của Bhagwati, Dixit, Helpman, Norman…) đã trở thành lý thuyết chính trong ngành thương mại quốc tế, bổ sung cho lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo và Heckscher-Ohlin. Những nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại quốc tế hơn 30 năm qua hầu hết đều dựa trên những nền tảng của lý thuyết này.


Lý thuyết địa lý kinh tế mới: Tập trung hay phân tán?

Bên cạnh việc là người khai sáng cho lý thuyết Thương mại mới, Paul Krugman còn là người tiên phong trong ngành địa lý kinh tế. Ông áp dụng lý thuyết thương mại quốc tế của ông trong phân tích các vấn đề về địa lý, tạo ra sự nối kết giữa hai mảng nghiên cứu này. Paul Krugman là người đề xuất ra lý thuyết sau này được gọi tên là “địa lý kinh tế mới”. Trong một bài báo trên tờ Tạp chí Kinh tế Chính trị năm 1991, Krugman phát triển lý thuyết về sự lựa chọn địa điểm của lao động và hãng kinh doanh.

Theo Paul Krugman, các hãng có xu hướng xác định vị trí sản xuất của mình ở những nơi “trung tâm” đông đúc dân cư và vốn, vì tận dụng được lợi thế nhờ quy mô. Nhưng việc này sẽ dẫn tới dân cư- vừa là người cung cấp lao động vừa là người tiêu dùng -sẽ càng di chuyển tới những “trung tâm” này vì ở đó có tính lợi thế quy mô cao hơn, cũng có nghĩa là giá cả hàng hóa rẻ hơn và sản phẩm đa dạng hơn. Điều này giải thích quá trình đô thị hóa và di cư ở trong lòng các quốc gia, từ những nơi thưa thớt dân cư tới những nơi đông dân hơn. Tuy nhiên, tập trung hóa vốn và lao động không phải là khả năng duy nhất. Sự hạn chế tập trung hóa chính là ở chi phí vận chuyển. Chi phí vận chuyển tới người tiêu dùng sẽ cao nếu như các hãng tập trung hóa ở một khu vực nhất định trong quốc gia. Do đó, quyết định lựa chọn địa điểm sản xuất của các hãng phụ thuộc vào tương quan giữa việc tận dụng lợi thế quy mô và việc tiết kiệm chi phí vận chuyển. Giảm chi phí vận chuyển sẽ dẫn tới quá trình tập trung hóa và đô thị hóa. Theo mô hình này, sự giảm sút nhanh chóng chi phí vận chuyển nhờ các tiến bộ công nghệ trong thế kỷ 20 đã giải thích phần lớn cho quá trình đô thị hóa và sản xuất tập trung ở các nước trên thế giới.


Một gương mặt trí thức công chúng

Những công trình trên hai mảng nghiên cứu thương mại quốc tế và địa lý kinh tế của Paul Krugman là cơ sở chính để ông nhận được giải Nobel Kinh tế. Nhưng các mối quan tâm của Paul Krugman không dừng lại ở đó. Trong chừng 10 năm gần đây, ông quan tâm nhiều tới các vấn đề kinh tế vĩ mô và kinh tế quốc tế như khủng hoảng tài chính, lạm phát- giảm phát…Trước khủng hoảng tài chính châu Á, trong khi hầu hết các nhà kinh tế đều ca ngợi các “con rồng” châu Á như là những thành công kinh tế vững chắc thì Krugman là một trong những người đầu tiên nhận ra những điểm yếu của các nền kinh tế này- cụ thể là sự phát triển dựa chủ yếu vào vốn và lao động, thay vì vào năng suất. Cuối thập niên 1990, ông có một loạt các bài viết về kinh tế Nhật Bản, giải thích sự suy thoái của kinh tế nước này bằng hiện tượng “cái bẫy thanh khoản” (liquidity trap), khiến cho chính sách tiền tệ nước này trở nên vô hiệu do lạm phát danh nghĩa quá thấp. Gần đây nhất, Krugman có nhiều bài viết về khủng hoảng tài chính Mỹ.

Không chỉ là nhà kinh tế xuất sắc, Krugman còn có khả năng diễn giải những vấn đề phức tạp nhất một cách hết sức giản dị và chính xác. Chỉ bằng những câu rất ngắn gọn, vài hình minh họa hay vài công thức, ông có thể chỉ ra những nguyên nhân then chốt nhất dẫn tới khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, suy thoái kinh tế Nhật Bản thập niên 1990 hay khủng hoảng tài chính Mỹ 2008.

Bên cạnh các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, Paul Krugman còn là tác giả của nhiều cuốn giáo trình và sách phổ thông về kinh tế cho những Ä‘á»™c giả bình thường. Giáo trình Kinh tế Quốc tế của Paul Krugman là má»™t trong những giáo trình phổ biến nhất đối vá»›i sinh viên bậc đại học. Là má»™t nhà khoa học xuất sắc nhÆ°ng Paul Krugman cÅ©ng là má»™t trí thức công chúng (public intellectual) có sá
»©c ảnh hưởng rá»™ng rãi. Năm 2005, tạp chí Prospect đã bình chọn 100 gÆ°Æ¡ng mặt trí thức công chúng hàng đầu trên thế giá»›i- những người có sức ảnh hưởng lá»›n nhất trong công chúng. Nhà kinh tế Paul Krugman được lá»±a chọn ở vị trí thứ sáu, cÅ©ng là vị trí cao nhất của má»™t nhà kinh tế ở trong danh sách.

Ngoài công việc giảng dạy tại đại học Princeton, Paul Krugman còn là người viết chuyên mục (columnist) về kinh tế và chính trị thường xuyên trên tờ báo New York Times. Paul Krguman còn là một blogger nổi tiếng. Blog của ông có tên là “Lương tâm một người tự do” (The Conscience of a Liberal) là một trong những blog viết về kinh tế- chính trị có nhiều độc giả nhất. Trên blog của mình, Paul Krugman phê phán nặng nề chính sách của Tổng thống Bush nói riêng và của đảng Cộng hòa nói chung, coi đó là điển hình của sự ngu dốt và tư lợi. Đối với đa số người Mỹ, người ta biết đến Paul Krugman, một cây bút sắc sảo, mạnh mẽ và có lập trường thiên tả trên blog và trên tờ New York Times nhiều hơn là biết đến một giáo sư Paul Krugman ở đại học Princeton. Chỉ vài giờ sau khi biết tin Paul Krugman nhận được giải Nobel, blog của ông đã nhận được gần 2000 lời bình từ khắp nơi trên thế giời, chúc mừng ông nhận được giải Nobel.


8 comments:

  1. Bài viết hay và rất nhiều thông tin. Thanks a Linh. Lời tựa ở đầu bài viết của a rất thâm thuý đấy.he he...

    ReplyDelete
  2. Bài viết này hay quá. Thanks for info!

    ReplyDelete
  3. Lẽ ra nên trao cho cả Bhagwati và Dixit, chứ một triệu sáu mình Krugman xài sao cho hết ngoài lương giáo sư (hờ) ở Princeton, mục bình luận (thời tiết) trên NY Times và tiền bán sách (chống phá chính quyền).

    ;))

    ReplyDelete
  4. không theo dõi lắm về các lí thuyết , học thuyết mới 1 .nhưng đúng là Krugman là một tên khá phổ biến trong các reference book về economist .Hình như nhớ là học ở phần về japan , và các rồng Châu Á ..... hehe , lâu quá không dc học , đọc lại lý thuyết Econ, Macro , buồn quá.

    Bạn rảnh có thể tóm tắt 1 số học thuyết hay và phương trình ,mô hình đơn giản mới cho mọi người tham khảo với . Thanks trước ,keke :D hay công cấp 1 số link hay hay chút :D mình thích đọc sâu hơn về chuỵên môn hơn là general discussion ~~

    ReplyDelete
  5. Xin mạo muội mấy lời mong chủ nhà không cho là vô duyên. Không dám bàn về P. Krugman mà chỉ xin mấy lời về Hiệp sĩ Nguyễn Tử Quảng nói ở đầu bài. Là một người chắc là học nhiều, có quyền lực do chính quyền cho phép để hành hiệp trên giang hồ ảo, Hiệp sĩ sẽ cứu khốn phò nguy ra sao để có được sự trung trinh một lòng vì chân lý. Tôi nghĩ rằng khó lắm thay nếu đọc vào những gì Hiệp sĩ đã “đe” trước giới giang hồ mạng. Và chợt nghĩ, Hiệp sĩ cũng là một người trẻ thì bỗng thấy con đường “bừng lớn” của nước Việt ta hình như vẫn còn dài lắm.

    ReplyDelete
  6. Krugman is my favorite economist. I have something like 4-5 of his books.

    ReplyDelete
  7. Krugman is my favorite economist. I have something like 4-5 of his books.

    ReplyDelete