Monday, December 15, 2008

Entry for December 15, 2008

Ông GS Nhật này cho rằng Hồ Chí Minh là người theo tinh thần Cộng hòa Pháp. Tôi không nghĩ như vậy. Dù sống ở Pháp khá lâu (ít nhất từ 1911 tới 1923) nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng của Hồ Chí Minh bởi văn hóa Pháp và tinh thần Cộng hòa Pháp không nhiều, nó có nhưng chỉ là bề ngoài. Lý tưởng "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của cách mạng Pháp không phải là cái đích Hồ Chí Minh hướng đến.

Tôi nghĩ về cơ bản Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc mang đặc điểm Á châu, một mô hình nhà nước hơi giống Tôn Trung Sơn hay Nehru mong muốn theo đuổi: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế khẩu hiệu tam dân của Tôn Trung Sơn mới có mặt trên mọi văn bản của nhà nước CHXHCN Việt Nam: độc lập, tự do, hạnh phúc. Độc lập là trước hết, trên hết, sau đó mới tới tự do hay (mưu cầu) hạnh phúc. Tuy nhiên, phải hiểu chữ "tự do" ở đây theo một cách hiểu khác phương Tây, và khác chữ "tự do" trong khẩu hiểu cách mạng Pháp. Tự do theo Hồ Chí Minh (và có lẽ Tôn Trung Sơn) trước hết là tự do của dân tộc chứ không phải là tự do của cá nhân. Nói cách khác, nó là quyền tự quyết, không bị lệ thuộc, và gần gũi với chữ "độc lập". Tôi nghĩ tự do cá nhân chưa bao giờ là điểm thu hút Hồ Chí Minh, một người được đào tạo theo tinh thần Nho giáo, ở một xứ tuy hay học nhưng lại là bảo thủ nhất Việt Nam.

Đúng là chữ "bình đẳng" có sức hấp dẫn với Hồ Chí Minh, và có thể là một nguyên nhân quan trọng đưa ông tới với CNCS. Tất nhiên, "bình đẳng" không phải là phạm trù riêng của CNCS mà còn có một sức hấp dẫn lớn với những người cánh tả nói chung. Khác với những nhà cách mạng cùng thời và trước đấy, Hồ Chí Minh coi "bình đẳng" là một điều kiện quan trọng của nhà nước tương lai. Với các nhà nho hay cả lớp trí thức tiểu tư sản đương thời, nhiều người hẳn khó hình dung được sự bình đẳng giữa một ông cử nhân Tây học với một anh kéo xe thất học và khúm núm. Ngay cả tới thế kỷ 21 mà cả một lớp trí thức Tây học, Mỹ học nhiều đời bên Thái Lan còn nhất quyết không cho người dân nông thôn có quyền bầu cử tương đương với người thành thị, lấy lý do là họ kém hiểu biết, thất học hơn, thì việc hình dung "quyền bình đẳng" hẳn là xa xôi với các nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20. So với Phan Bội Châu chẳng hạn thì ý thức về quyền bình đẳng của Hồ Chí Minh cao hơn hẳn.

Còn "bác ái"? Tôi nghĩ đây là khái niệm thật xa vời với những nhà cách mạng VN, không riêng gì Hồ Chí Minh. Riêng với Hồ Chí Minh thì lại càng không có khái niệm này bởi vì "bác ái" là một thứ tình cảm xuyên dân tộc, xuyên giai cấp, theo kiểu tình yêu của Mặc Tử. Nhưng có lẽ ở đây là do cách dịch: chữ fraternité trong "Liberté, égalité, fraternité" theo tôi hiểu chỉ là tình bằng hữu, đồng chí, không hiểu thế nào khi dịch sang tiếng Việt lại thành "bác ái". Nếu chỉ là "fratenité" thì nó lại rất thích hợp cho lý tưởng CNCS mà HCM chọn sau này, bởi lẽ những người cách mạng theo CNCS thường sinh hoạt một cách hết sức chặt chẽ, có kỷ luật, dựa trên lòng trung thành với nhau và với tổ chức.

Nói cách khác, nếu như Hồ Chí Minh ảnh hưởng của tư tưởng "tự do, bình đẳng, bác ái" như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt như ông GS Nhật kia nói thì thực ra, "tự do, bình đẳng, bác ái" đó phải được nhìn nhận qua lăng kính người châu Á bị đô hộ, chứ nó đã chệch so với khái niệm nguyên thủy đưa ra bởi cách mạng Pháp. Và nền cộng hòa Pháp, như quan sát của HCM, hoàn toàn không phù hợp với khẩu hiệu này. Trong khi đó, CNCS là một sự lựa chọn lý tưởng. Xét một cách thực tế, nó hứa hẹn một giải pháp thần kỳ mang lại độc lập và tự do cho dân tộc (với những ưu thế vượt trội cả về kỷ luật, kinh nghiệm và sự trợ giúp có tính quốc tế). Tham gia các đoàn thể Cộng sản trong những giai đoạn đầu còn là nơi hun đúc tinh thần "bình đẳng" và "bằng hữu". Còn về lâu dài, CNCS cũng hứa hẹn một xã hội có được tự do tuyệt đối cả về kinh tế lẫn phát triển con người, sự bình đẳng và tình hữu ái giữa những công dân đó. Nói cách khác, nó thỏa mãn cả mong ước ngắn hạn, sôi sục trong lòng người cách mạng HCM và cả mơ mộng xa xôi về một xã hội không có cảnh người bóc lột người.

Như vậy, hoàn toàn không có mâu thuẫn trong việc HCM vẫn kính trọng tinh thần "tự do, bình đẳng, bác ái" của Cách mạng Pháp, hay "tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của cách mạng Mỹ với việc ông là người trung thành với lý tưởng Cộng sản cho dù từng đích thân chứng kiến cuộc Đại Thanh trừng khủng khiếp của Stalin (trong đó sếp của Hồ Chí Minh ở Quốc tế cộng sản là các lãnh tụ Zinoviev và Radek cũng bị giết). Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa Stalin (và Stalin cũng nghĩ thế nên từ chối mọi sự giúp đỡ Hồ Chí Minh cho tới khoảng 1950). Trong mắt Stalin, Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa quốc gia, chỉ mượn danh cộng sản. Nhưng dẫu không phải người theo chủ nghĩa Stalin, Hồ Chí Minh vẫn cho rằng CNCS là cái đích cần đến, là lý tưởng của loài người, và nó không hề mâu thuẫn với tinh thần tự do, bình đẳng của cách mạng Pháp cả. Ngược lại, nó còn là phương tiện để thực hiện điều đó. (Và trong lúc chờ đến cái đích bình đẳng đó thì các cháu cứ gọi Bác là Bác).

Vậy Hồ Chí Minh là một người cộng sản hay một người cộng hòa? một người dân tộc chủ nghĩa hay một người quốc tế chủ nghĩa? Có lẽ là tất cả. Cũng như người Việt Nam có thể trộn cả đạo Phật, đạo Lão và đạo thờ Tổ tiên để vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh, vừa thờ Ma ở nhiều nơi, thì Hồ Chí Minh cũng có thể kết hợp cả chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, tư tưởng Tôn Trung Sơn, lý tưởng cách mạng Pháp-Mỹ, thậm chí cả Khổng Tử hay tín ngưỡng dân gian* mà không cảm thấy mâu thuẫn. Sự mềm dẻo ấy là ưu thế khiến Hồ Chí Minh có thể thành công trong bao nhiêu năm, trước những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nó cũng khiến cho người ta có những đánh giá khác nhau về ông, từ việc ông là quốc gia hay c
ộng sản cho tới việc ông thân Nga, thân Tàu, thân Pháp hay thân Mỹ? Nhưng mặt khác, nó cũng là nhược điểm khiến người ta không hiểu ông là ai, tư tưởng Hồ Chí Minh (một môn học mà sinh viên Đại học nào ở Việt Nam cũng phải học) rốt cục là gì? Hơn nữa, nó có thể là biểu hiện của sự thiếu nguyên tắc, khi một người đứng đầu cũng không rõ định hướng đất nước là gì? Điều này khác xa so với Lê Duẩn chẳng hạn, hay Mao, hay Stalin, hay thậm chí cả Gorbachev- họ đều có những kế hoạch, đường hường chỉ đạo rất rõ ràng về một mô hình xã hội mà họ muốn có, hay tạo ra (còn thành hay bại lại là chuyện khác).

Nếu nói về một nhà cách mạng có tư tưởng cộng hòa Pháp thì người triệt để nhất phải là Phan Chu Trinh (cho dù ông không hẳn là nhà cách mạng, và dù sống chục năm ở Pháp, ông cũng không biết tiếng Pháp- theo Duiker).

Đáng nói hơn, là dù thế hệ kế cận Hồ Chí Minh đa phần đều Tây học nhưng hầu hết các vị này đều học ở Việt Nam chứ không du học, và ít hay không chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng hòa Pháp. Những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả của tư tưởng này là lớp trí thức trong Nội các thời Trần Trọng Kim và Chính phủ Hồ Chí Minh 1945-1946, và những đại biểu Quốc hội khóa 1946. Chính họ đã cho ra đời bản Hiến pháp 1946, chứa đựng tinh thần Dân chủ-Cộng hòa rõ rệt nhất, và cho tới nay vẫn là Hiến pháp tự do nhất, là văn bản nhà nước tôn trọng quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền con người nhất trong lịch sử hơn 2000 năm của đất nước. Nó tự do và khoan dung hơn Hiến pháp VNCH khi xưa từng đưa nguyên tắc chống cộng vào Hiến pháp, cũng như Hiến pháp CHXHCN Việt Nam hiện nay đặt Đảng Cộng sản vào vị trí lãnh đạo chính quyền. Nhưng rồi những hạt giống của một nhà nước dân chủ-cộng hòa nhanh chóng bị giày xéo bởi cả ngoại bang lẫn những người từng hứa hẹn gieo trồng. Ngẫm cho kỹ thì đó là kết quả tất yếu, bởi một đảng cộng sản được xây dựng theo mô hình đảng Lê-nin-nít thì sẽ luôn phải gắng giành độc quyền lãnh đạo, như bất kỳ các đảng Lê-nin-nít nào khác. Và việc Hồ Chí Minh từ bỏ đảng Xã hội Pháp (theo tinh thần Quốc tế 2) để tham gia sáng lập đảng Cộng sản Pháp (theo Quốc tế 3 và chủ thuyết Leninism) cũng có nghĩa là cái viễn cảnh dân chủ-cộng hòa thực sự sẽ mâu thuẫn triệt để với tinh thần cộng sản. Trong hai giấc mơ của Hồ Chí Minh, ông chỉ có quyền chọn một.

Năm 1945, ông vẫn còn băn khoăn giữa hai giấc mơ này: dân chủ-cộng hòa hay cộng sản. Rất có thể, tới thời điểm này ông đã nhận thức được rằng hai giấc mơ này không thể nào đồng thời thực hiện. Nhưng những người đồng chí của ông thì dứt khoát đi theo con đường cộng sản.

Tới năm 1950 thì ông có muốn lựa chọn cũng không còn quyền lựa chọn nữa. Và nhà nước VNDCCH trở thành một nhà nước cộng sản điển hình, do một đảng Cộng sản Leninist (có pha trộn Stalinist và Maoist) độc quyền lãnh đạo.

50 năm sau, người ta tiếp tục tranh luận ông Hồ là cộng sản hay cộng hòa. Và liệu có (tới) bao giờ Việt Nam trở thành một nước dân chủ- cộng hòa? 50 năm sau nữa?


* Ví dụ chuyện ông tự viết sách lấy tên Trần Dân Tiên, tôi cho rằng nó giống chuyện Nguyễn Trãi bôi mật cho kiến cắn thành chữ "Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm quan" hay Lý Thường Kiệt cho người giả thần đọc sấm trên sông Như Nguyệt.

40 comments:

  1. Một bài viết có ý kiến khá hay, độc lập và sáng tạo.

    ReplyDelete
  2. Có vẻ như người Mỹ không đánh giá đúng HCM vì có lẽ những sĩ quan trực tiếp giúp đỡ làm buổi phát biểu Tuyên Ngôn Độc Lập đã tận mắt thấy được nhiều bất cập do những người dưới quyền ông Hồ gây ra. Và họ đã có báo cáo lại với cấp trên để rồi Mỹ quyết định không ủng hộ Việt Minh. Một lý do khác nữa là Mỹ khó ủng hộ Việt Minh do VM chống Pháp (về nguyên tắc là đồng minh của Mỹ). Người Pháp thì lại ưa Bảo Đại hơn vì ông này có tiếng tăm (cựu hoàng) trong nhân dân và có tính chính danh hơn. Người Pháp, người Mỹ không chịu ủng hộ ông Hồ thì theo thế ông phải theo người Nga hay người Trung Quốc. Em nghĩ là Cách Mạng của Đảng CS TQ thành công năm 1949 có tính chất quyết định đối với việc ông Hồ lựa chọn là ngả sang hẳn phe CS thay vì cố giằng co đi nước đôi như trước 1949. Việc những người dưới quyền như Lê Duẩn, Trường Chinh cũng có tác động rất lớn lên quyết định của ông Hồ.

    ReplyDelete
  3. hok dám bàn đến vấn đề to lớn của những chủ nghĩa này, chỉ thấy buồn cười nhất việc, 1 người đc ng khác xưng tụng là khiêm nhường giản dị lại đi lấy 1 bút danh khác để viết bài ca ngợi chính mình. Vậy thì khiêm nhường giản dị ở chỗ nào ????

    ReplyDelete
  4. bài viết của ông người Nhật đó, tôi đồng ý đoạn sau, còn đoạn phân tích chính kiến theo Cộng Sản hay Cộng Hoà, tôi không chắc, nói thẳng ra không đủ tư liệu để đi đến kết luận nào rõ rệt.

    ReplyDelete
  5. Bài viết hay.

    Theo tôi hiểu thì fraternité chính là nghĩa "bác ái". Tư tưởng này hiện vẫn còn ảnh hưởng nhiều trong xã hội Pháp, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Nó cũng tác động đến chính sách đối ngoại của Pháp.

    Chi tiết HCM có phải là TDT hay không thì tôi không rõ. Nếu điều này có thật thì theo tôi, không thể giống như chuyện chuyện Lý Thường Kiệt cho người giả thần đọc sấm trên sông Như Nguyệt bởi LTK hành động vì lợi ích dân tộc.

    Cá nhân tôi vẫn nghĩ HCM có công với dân tộc Việt, ít nhất là trong thời gian giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp. Không có Bác thì có lẽ VN mình giống như mấy thuộc địa châu Phi của Pháp mất.

    ReplyDelete
  6. "Lý tưởng "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của cách mạng Pháp không phải là cái đích Hồ Chí Minh hướng đến".
    Câu này nếu được phổ biến rộng rãi hẳn sẽ làm các học sinh hiện nay lúng túng rất nhiều khi viết về Bác đấy!

    ReplyDelete
  7. Chuyện Nguyễn Trãi và Lý Thường Kiệt tôi không biết đó chỉ là truyền thuyết hay thật sự đã xảy ra .
    Nhưng có cái gì xây dựng trên sự dối trá mà bền vững và thực sự tốt đẹp không ?
    Và điều quan trọng đó là : Một khi chấp nhận có thể dối lừa nhân danh đủ điều hay đẹp thì làm sao ta biết rằng đến đâu là giới hạn sự dối lừa của họ ?
    Xin trích dẫn blast của pskhanh ( một nhân viên nhà nước ):"Tôi cũng bị bắt nói dối để lừa dân như thế này"-
    và cm : "Cơ quan tôi, và cụ thể là tôi bị bắt phải nói làm sao cho nghe tốt thật tốt, cho dù rằng những kết quả khảo sát cho thấy tình hình rất chi là bi đát rồi. Nói khác khuôn mẫu là bị kỷ luật nặng liền, nên ai cũng phải nói dối dù biết rằng như thế lại càng làm cho tình hình xấu hơn."
    http://blog.360.yahoo.com/blog-LUgKWPQ9brD_2e_c6eCYmQ--?cq=1&p=847

    ReplyDelete
  8. Chuyện này có thể đem so sánh với bí ẩn của điệp viên Phạm Xuân Ấn, perfect spy. Ông Ấn đích thực phục tùng cho phe nào?

    Điều chắc chắn rằng, ông Hồ không theo đường lối cộng sản cực đoan, như các "hậu duệ" của ông về sau này, như bác đã nói ông Hồ không đi theo tư tưởng Stalin.

    Theo Breaking thấy, dù cộng sản hay cộng hòa, nó không quan trọng, quan trọng nhất là mục đích của ông Hồ muốn đưa VN đến đâu và theo con đường nào, ngừng tại "Tự do dân tộc" hay đi tiếp tới "tự do cá nhân" (theo như bản tuyên ngôn độc lập của ông soạn và đọc vào 1945. Trong bản tuyên ngôn đó, phải nói rằng nó mang hình thái cộng hòa, hoàn toàn không có cộng sản)

    Mỹ đáng lẽ nên nhận lời giúp ông Hồ khi ông ta có thư gửi cho Truman 1946 nhằm hợp tác, vì ông Hồ tuy có chút cộng sản, nhưng ông ta không đến nỗi điên cuồng cực đoan. Chỉ tại vì tình thế thời chiến khhiến ông ấy đành phải lèo lái theo con đường khác, và làm nhiều người hiểu lầm ông ta.
    Thật là đáng tội nghiệp cho người dân Việt.

    Nếu bức di chúc viết tay của ông Hồ có thật, thì ông Hồ cũng là 1 người đáng thương, có công và tội.

    Hy vọng sau này lịch sử sẽ minh bạch mọi việc.

    ReplyDelete
  9. Fraternité có gốc từ frère (anh em) trong tiếng Pháp. Nôm na nó là tình anh em, thân hữu.
    Bác ái: bác = rộng khắp (như trong: uyên bác, bác học...), ái = yêu. Bác ái = yêu mến hết thảy mọi người.
    Em thấy dịch vậy cũng là tương đồng rồi.

    ReplyDelete
  10. Vấn đề rất là to lớn, hông biết nên hông lạm bàn, tuy nhiên mình vẫn yêu mến Bác Hồ, rất yêu mến

    ReplyDelete
  11. 1.Tôn Trung Sơn nói như sau: "Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc". Hai chữ "tự do" là chỉ người dân có quyền tự do (tự do cái gì thì chưa rõ). Nhưng theo tôi chữ "tự do" của Tôn gắn với dân (cá nhân), chứ không phải dân tộc (cộng đồng).
    Ý bác Linh là hai chữ "tự do" trong câu của Bác Hồ gần với hai chữ "độc lập", nghĩa là liên quan đến dân tộc chứ không phải cá nhân. Đó cũng là một cách nghĩ. Nhưng xuất phát từ bối cảnh kiểm duyệt lúc bấy giờ ở Thuộc địa, cái Bác đề xuất đòi hỏi, chính là sự tự do phát biểu ý kiến của cá nhân. Nên tôi nghiêng về suy nghĩ cho rằng chữ "tự do" ở đây gắn với tự do cá nhân.
    Mỉa mai là, quyền tự do phát biểu ý kiến cá nhân hiện nay (dưới chế độ xã hội chủ nghĩa quang vinh) còn ít hơn thời Pháp thuộc.
    2. Đồng ý với bác Linh là việc HCM dùng tên Trần Dân Tiên viết sách (giả sử điều này có thật), với việc Nguyễn Trãi đục lá, Lý Thường Kiệt giả thần... đều có một điểm giống nhau: là "thần thánh hóa" sự việc.
    Những bạn khác cho rằng khác nhau, vì Trần Dân Tiên thổi phồng Bác (thần thánh hóa Bác), Nguyễn Trãi hạ thấp mình (thần thánh hóa Lê Lợi), còn Lý Thường Kiệt không liên quan đến cá nhân cụ thể (thần thánh hóa cuộc chiến vệ quốc).

    ReplyDelete
  12. Đúng là tất yếu lịch sử, bây giờ chỉ có thể nói là đáng tiếc mà thôi. Vào thời điểm đó HCM cũng không thể có lựa chọn nào khác, nhưng những thế hệ lãnh đạo về sau (như hiện nay) mà vẫn khư khư không chịu thay đổi thì thực là vô dụng.

    ReplyDelete
  13. Ở Việt nam trong thời kỳ từ 1900 đến 1945, ai là người đau đáu về tổ quốc, về dân tọc?. Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh. Và những người sẵn sàng hy sinh trong tù ngục như Trần Phú, Lê Hồng Phong cũng đáng cảm phục chứ. Bạn Linh chắc đã nhìn thấy nhà tù Côn đảo chưa. Nếu ở đấy 1 tháng mà vẫn giữ vững lý tưởng của mình thì bạn cũng đáng khâm phục dù bạn là cộng hòa hay cộng sản.

    ReplyDelete
  14. - Đồng ý với bác Linh về chuyện Trần Dân Tiên (bác Linh đồng ý với bác Hồ). Tôi nghĩ nó cũng là một kiểu tự truyện chính trị - các bác ra hiệu sách liếc qua là thấy có bao nhiêu cuốn như thế rồi. Thời bình đã nhiều, chưa nói đến thời chiến, khi mà tuyên truyền có ảnh hưởng cực mạnh. Người Việt thời đó bị bó buộc trong khung Khổng giáo không được tự nói về cá nhân, nên Hồ Chí Minh phải tìm đường vòng thôi.
    - Về chữ "Tự do" trong Tam dân của Tôn Trung Sơn: như bác đ.c.v. nói, đấy là "dân quyền tự do", về cơ bản là gắn với quyền của cá nhân hoặc gia đình (gia đình nhé: để ý là đến năm 1944 Pháp mới có phổ thông đầu phiếu cho phụ nữ). Tôi nghĩ quan điểm của Hồ Chí Minh về tự do thiên về hướng "tự do phát triển" hơn là "tự do chính trị", tức là nhấn mạnh vào các quyền cá nhân được học hành, chữa bệnh, có ruộng đất để sinh sống (dẫn đến cải cách ruộng đất, một sai lầm vẫn mang lại không ít ích lợi) vv. Trong thế kỷ 21, sau tất cả các loại "Black Book" thì nói đến tự do người ta nghĩ ngay đến tự do chính trị - nhưng trước Thế chiến II tôi nghĩ vấn đề tự do phát triển được để ý nhiều hơn.

    Có điều, như bác Linh chỉ ra, là Độc lập đứng trước Tự do, nên khi cần thì lợi ích Nhà nước được đặt trên lợi ích cá nhân.

    - NẾU không có can thiệp nước ngoài (một chữ NẾU rất lớn), tôi nghĩ Việt Nam năm 1946 không hình thành ngay một nhà nước dân chủ đến mức như Hiến pháp 1946 thể hiện (vốn chỉ là de jure), và cũng không xảy ra một cuộc cách mạng triệt để kiểu Lê-nin. Chắc sẽ là con đường ở giữa giữa, bình đẳng, bảo hộ, đóng cửa, giống như Ấn Độ trong suốt 4-5 thập niên. Nhưng trong trường hợp không có chiến tranh Việt Nam, mấy nước xung quanh như Thái, Philippines, Hàn Quốc vv. cũng không phát triển quá nhanh được.

    ReplyDelete
  15. Em thì cho rằng ông Hồ là người thực dụng, với mục tiêu tối thượng là giải phóng dân tộc và giành lại nền độc lập cho Tổ quốc từ tay thực dân Pháp.

    Ông Hồ trở thành người Marxist-Leninist bởi vì ông tìm thấy ở Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin, những giải pháp hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu tối thượng của mình.

    Tuy nhiên, ông Hồ không phải là người Marxist-Leninist chính thống. Trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của ĐCS Đông Dương, ông Hồ đã đưa ra sách lược phát triển dân tộc, trong đó ưu tiên giải phóng dân tộc, rồi sau đó mới là đấu tranh giai cấp. Vì điều này mà ông đã bị Hà Huy Tập, Trần Phú..., những người Marxist-Leninist chính thống phê phán gay gắt. Và ông Hồ kiên định với sách lược này cho đến khi giành độc lập cho đất nước thành công vào năm 1945.

    Rõ ràng ở đây có thể nhận thấy đặc tính cộng sản (đấu tranh giai cấp) của ĐCSVN đã không phát huy hiệu quả trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên đặc tính kỷ luật, chủ trương bạo lực cách mạng, cùng những hứa hẹn về công bằng xã hội (theo kiểu cào bằng) đã tỏ ra phù hợp với dân trí VN lúc đó và cuốn hút được các tầng lớp nhân dân đi theo ĐCSVN. Ông Hồ sử dụng chủ nghĩa CS và ĐCSVN như là một phương tiện để thực hiện mục tiêu của mình, hơn là coi CNCS như 1 thứ lý tưởng.

    Vai trò lãnh tụ tối cao của ông Hồ trước 1945 rõ rệt bao nhiêu thì điều ấy lại mờ nhạt bấy nhiêu sau 1945. ĐCSVN từ phương tiện của ông Hồ, bây giờ như chiếc Boomerang quay ngược lại, biến ông Hồ thành phương tiện giúp nó duy trì quyền lực. Ông Hồ không còn được là một con người bình thường, mà là một con người mang tính Đảng. Có thể lý tưởng sâu xa của ông Hồ đúng là những giá trị của nền cộng hoà-dân chủ kiểu Pháp-Mỹ, nhưng hành vi của ông thì phải thể hiện tính Đảng. Nếu không thể hiện như vậy, ông Hồ sẽ bị loại bỏ, nhưng rõ ràng ĐCSVN không dễ dàng gì để thực hiện sự loại bỏ ấy bởi vai trò tinh thần quá lớn của ông Hồ trong nhân dân. Nhưng ông Hồ thì lại không thể dùng sức mạnh quần chúng ấy để chuyển hoá thành quyền lực chính trị tối cao, đơn giản bởi vì thể chế chính trị VN lúc đó không phải là dân chủ mà là tập trung dân chủ vào Đảng. Do vậy, đã có thể có một sự thoả hiệp [ngầm] giữa ông Hồ và ĐCSVN. Những điều này có thể đọc rải rác trong lời kể của ông Hoàng Tùng, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên...

    Một lý giải nữa cho việc ông Hồ không còn là lãnh tụ tối cao của ĐCSVN sau 1945 là ông Hồ không có năng khiếu tranh chấp quyền lực và không có khả năng độc đoán, độc tài như Stalin hay Mao. Cần chú ý là nếu như những năm 1930, cac lãnh tụ trẻ của ĐCS Đông Dương như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập... không lần lượt bị sát hại thì vai trò của Hồ Chí Minh giai đoạn sau này chưa chắc đã lớn như vậy.

    ReplyDelete
  16. Cảm ơn bác, bài viết nhiều điểm thú vị. Em thích phần bác viết về sự mềm dẻo, linh hoạt trong đường lối và tư tưởng của HCM, mà theo bác nghĩ vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu. Em thì cho rằng đây là một trong những điểm thông minh và đáng để học nhất ở HCM, và nếu Mr.Minh còn sống đến giờ ông sẽ là người rất thành công, em tin thế, trong một xã hội đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay.

    ReplyDelete
  17. Bài viết rất hay, tôi thích nhất ý này, rất original:

    "Hơn nữa, nó có thể là biểu hiện của sự thiếu nguyên tắc, khi một người đứng đầu cũng không rõ định hướng đất nước là gì?"

    Tôi cũng cho rằng Hồ Chí Minh không có viễn kiến về tương lai của dân tộc, tất cả những gì ông làm cho đến năm 1950 đều chỉ nhằm giành độc lập mà thôi. Về mặt này đúng là HCM kém Phan Chu Trinh, nhất là khi HCM đã đi qua nhiều nước và chứng kiến nhiều chế độ xã hội khác nhau như vậy.

    ReplyDelete
  18. ca bai viet va comment deu rat gia tri!

    ReplyDelete
  19. @Breaking News: Láo toét! Chả là cái thá gì mà dám nói "Nếu bức di chúc viết tay của ông Hồ có thật, thì ông Hồ cũng là 1 người đáng thương, có công và tội"

    ReplyDelete
  20. Trên đời này có nhan nhản những kẻ bất tài vô dụng, chỉ biết nhìn một phía rồi khoa môi múa lưỡi như ta đây biết cả đất trời. Chẳng hạn như một số kẻ comment nhặng xị ở trên!

    ReplyDelete
  21. Bài này đọc rất thú vị bác ạ! Tuy nhiên em không đồng ý với bác ở đoạn nhận định "nó có thể là biểu hiện của sự thiếu nguyên tắc, khi một người đứng đầu cũng không rõ định hướng đất nước là gì".

    Theo em rất khó để HCM (hoặc bất cứ ai) định hình được thể chế xã hội trong hoàn cảnh lịch sử phức tạp ở VN sau 45. HCM gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài phải thực hiện mục tiêu gần là giải phóng dân tộc. Em công nhận HCM cực kỳ linh hoạt trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng sự linh hoạt đó dù có hình thức thế nào thì cũng chỉ phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chính vì thế không thể coi đó là sự "thiếu nguyên tắc" được. HCM đã từng nói (hoặc dẫn) một câu rất hay "dĩ bất biến ứng vạn biến". Điều "bất biến" đó sẽ là gì nếu không phải là nguyên tắc của HCM?

    Em nghĩ cũng không thể so sánh HCM với Lê Duẩn, hay Mao, hay Stalin vì nếu so sánh với những người này, sự khác biệt trong đường hướng chỉ đạo của HCM lại hóa ra là một điều hay (đối với quyền lợi của người dân), vì thời điểm những người đó có được đường hướng chỉ đạo cũng là lúc nhiệm vụ giải phóng của họ đã thành công, hoặc nhìn thấy được thời điểm thành công, hoặc ít nhất cũng có được một tương quan có lợi, điều này HCM không hề có. Và những đường hướng của những người này đều có xu hướng phục vụ quyền lợi cá nhân và tổ chức chính trị của họ (cụ thể là ĐCS) chứ ít vì quyền lợi của người dân. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc (nhiều hơn CNCS) như HCM, chắc chắn không thể có những đường hướng như vậy được. Hoàn cảnh lịch sử chỉ cho HCM một đường hướng duy nhất đó là giải phóng dân tộc mà thôi.

    ReplyDelete
  22. Nice entry :)

    Không biết em nói điều này có làm ai tức giận không :D, vì em biết tới bây giờ vẫn có nhiều người ngưỡng mộ HCM ghê lắm. Nhưng mà bức xúc lắm nên tạm "xả" ở đây vậy, haha.

    Cá nhân em chưa bao giờ ngưỡng mộ HCM. Đơn giản vì em không được nuôi dạy để răm rắp nghe theo những điều người khác rót vào tai. Lòng chỉ tin những gì mắt thấy. Sự khâm phục của nhiều người đối với HCM, theo em cũng chỉ là hệ quả của chính sách tuyên truyền ngợi ca, thần thánh hoá của nhà nước mà thôi. Độc lập, tự do là gì khi cho tới tận bây giờ người dân vẫn không được tự do phát biểu mọi ý kiến, không được "thực sự" làm chủ. Thắng được Mỹ nhưng không biết bao nhiêu người phải mất mạng, để rồi con cháu họ về sau cũng chẳng được tự do hoàn toàn theo đúng nghĩa. Cái giá đó quá đắt.

    Những người trẻ tuổi như em sống trong thế kỷ 21 đã hiện đại như thế này rồi mà vẫn phải nghe và giả vờ tin những điều viễn tưởng, hão huyền rồi thì bắt buộc phải học những bộ môn kiểu như tư tưởng HCM, thật quá chán ngán.

    ReplyDelete
  23. Mà a biết j không. Lớp e có một đứa có papa làm quan to lắm. Có 1 lần, e và nó nói chuyện, không biết nói chuyện gì mà cuối cùng em bảo: thực ra tao k có hâm mộ bác Hồ. Nó ngạc nhiên lắm ấy, hôm sau nó đi nói khắp cả lớp là: T nó nói với tao là nó k hâm mộ bác Hồ. :)) Cứ như hâm mộ HCM là một điều tất yếu, đương nhiên vậy đó, ghê hông. :))

    ReplyDelete
  24. @L: * Ví dụ chuyện ông tự viết sách lấy tên Trần Dân Tiên, tôi cho rằng nó giống chuyện Nguyễn Trãi bôi mật cho kiến cắn thành chữ "Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm quan" hay Lý Thường Kiệt cho người giả thần đọc sấm trên sông Như Nguyệt.
    Ba sự kiện trên tưởng như giống nhau nhưng thật ra rất khác nhau Linh ạ. Nhưng thôi, nói nữa thêm buồn.

    ReplyDelete
  25. Cụ Hồ hồi trẻ ra đi tìm đàng cứu nước một lần rồi. Nhưng tình hình Việt Nam như hiện nay thì nước ta cần được cứu thêm lần nữa.

    ReplyDelete
  26. Chuyện ông Hồ rắc rối quá

    Nhưng không thế chối bỏ đc công và tội của ông. BH thấy ông mang những nhận thức mang sắc CH, cách hầnh thức đấu tranh lại mang bản sắc cộng sản Mác xít.

    Tội lớn hay công lớn, cái đó cần phải để toàn dân quyết định.
    Nhưng lăng bác Hồ hic chắc cũng nên khép lại, làm đúng nguyện vọng của ông.

    ReplyDelete
  27. la hậu thế, lấy tư cách gì phán xét người đã đem lại tư do cho đát nước Việt Nam.

    ReplyDelete
  28. Hồ Chủ tịch sinh ra trong cái nôi nho giáo nhưng cũng được đào tạo tại trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba rồi trường Quốc học Huế, sau đó lại có những năm tháng lặn lội ở nước ngoài. Tư tưởng của ông là một tư tưởng vượt gộp. Người sinh ra "ở một xứ tuy hay học nhưng lại là bảo thủ nhất Việt Nam" nhưng cũng là một xứ cực kỳ thực dụng, thực tế và khi cần thay đổi lại thay đổi rất triệt để. Ông là người theo chủ nghĩa Mác nhưng áp dụng chủ nghĩa Mác theo thực tế Việt Nam từ việc kiên định giải phóng dân tộc mới đến đấu tranh giai cấp đến việc ra các Quốc lệnh ví như Quốc lệnh 26/1/46 thưởng phạt nghiêm minh.
    Hồ chủ tịch cũng là người cực kỳ mềm dẻo:
    “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Chúa Giêsu có ưu điểm là lòng bác ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách “Tam Dân” thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Các vị ấy đều mưu cầu hạnh phúc chung cho xã hội... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
    Người ta đặt ra câu hỏi ông là người cộng sản hay cộng hoà vì người ta gán mác tự do chính trị cho cộng hoà, gán mác tập trung quyền lực cho cộng sản nhưng Hồ Chủ tịch chủ trương xây dựng một nhà nước tương lai với đầy đủ nghĩa "tự do, bình đẳng, bác ái" của Pháp, "nhân quyền" của Mỹ được nhắc trong tuyên ngôn độc lập và thể hiện trong hiến pháp năm 46 và về cơ bản ông là người cộng sản cũng như Mác coi trọng sức mạnh của quần chúng. Từ năm 46 có cuộc tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu đầu tiên,ban bố Pháp lệnh, cải cách ruộng đất sau này cũng không nằm ngoài mấy chữ đó. Việc một Đảng lãnh đạo được xem như một cách thức đảm bảo sự tồn tại của chính thể và nguyên nhân không thực hiện tốt dân chủ (?)có thể nằm ở đây or có thể vì không thực hiện tốt?

    ReplyDelete
  29. Những gì Hồ Chí Minh đúc rút là từ những năm tháng sống, hoạt động thực sự, còn những quan điểm giờ của thanh niên lại từ phân tích và suy nghĩ rặt trên sách vở, internet. Đúng là phải cứu một lần nữa. Có lẽ phải sống thực thời bây giờ của đất nước, tốt hơn nữa là sống thực ở nước ngoài, cũng phải thử một lần xem những vết tích còn lại của thời trước để thử một lần đặt vào cảm giác lựa chọn của người trước về độc lập, tự do, hạnh phúc để đưa ra những đánh giá của mình.

    ReplyDelete
  30. Có 1 thời mình cũng nghĩ như bạn TN...thở dài ngao ngán.. :))

    ReplyDelete
  31. HSTS truoc day cung tham gia qua cac cuoc thi ve " tham nhuon tu tuong Ho Chi Minh " nhung khong ai nhac den tu tuong Cong Hoa cua Bac Ho ca!

    ReplyDelete
  32. thật ra cái thứ CNCS là con đẻ trong lòng CNTB, và nó là đứa con tinh thần được đẻ ra trong chính bối cảnh của các nước Tư bản.

    Chính do trong lòng chủ nghĩa tư bản mới đẻ ra chủ nghĩa CS của Marx, vì vậy nó chỉ có thể được dùng cho những nước đã là tư bản. Còn những nước nghèo cùng, kém phát triển, lạc hậu như VN và một số nước khác thiệt là tai hại.

    Cái này cũng là một sai lầm quá lớn của ông Marx. Lý ra trong các tác phẩm của mình, ông phải đề thêm là: chống chỉ định sử dụng học thuyết của tôi tại các nước chưa phải là tư bản. Nếu ghi rõ ràng như thế thì có lẽ ông Marx sẽ ko bị lịch sử phán xét rồi.

    Còn chuyện ông GS Nhật nói ông Hồ là công hoà, cũng chỉ là chủ trương của đảng cả thôi. Tung ra lúc này là để hợp thức hoá chuyện kinh tế thị trường, được tự do kinh doanh, đảng viên được tự do trở thành nhà tư bản. Không lẽ cứ ôm khư khư rằng :"Bác là người đã mang ánh sáng Mác Lê về VN" ư, rõ ràng là có chủ trương cả đấy bà con, đứng có mơ hồ quá lắm ^ ^. Dù sao, cuộc ông Hồ chỉ là tấm bia đở đạn, bàn tán mần chi cho mệt nhỉ.

    ReplyDelete
  33. độc lặp hay không đôc lập ? thật khó mà biết được đường nào hay hơn ...

    nhờ bì pháp đô hộ mà mình mới có chữ quốc ngữ theo mẫu tự latin, nếu không thì giờ này còn vẽ giun ngoằn ngoèo rồi ... nam hàn vãn là nô lệ cho mỹ nên bây giờ trở thành biểu tượng về văh hớa (phim, điện tủ, thơì trang) và xã hội (kinh tế,lấy chồng) cho 1 phần rất lớn dân VN, băc hàn độc lặp và theo cộng sản bây giờ là 1 trong những nuớc kiệt quệ nhất thế giới ... VN là con rồng châu á, hòn ngọc viễn đông khi còn là nô lệ cho mỹ, VN độc lặp cần 50 năm để đuổi kịp indonesia, hơn trăm năm để theo kịp singpore ...v.v..

    CNCS là chủ nghĩa không tưởng (utopique), mà còn đâm đầu theo thi quả là thiếu hiểu biết về "con ng và quyền lực", vậy mã cũng dám làm chính trị .. còn nếu chỉ biết đầm đâù vào giành dộc lặp mà không định hướng được sau nè sẽ ra sao thì đúng là 1 con thiêu thân ngu ngốc .

    công hay tôi, tùy theo cách nhìn cuả từng người

    ReplyDelete
  34. Ban đầu, ông Hồ đi tìm đường cứu bản thân mà.

    Đa phần các bạn cũng vậy đấy .

    ReplyDelete
  35. Nhưng nói chung bạn Lê Tất Thành hay Trần Tất Thành nào muốn ra ngoài cứu nước như Nguyễn Tất Thành chắc là không dễ, sang phía Tây bên Lào thì dễ thật chứ sang tây bên Pháp chẳng hạn, chắc khó, visa, giấy tờ, phiền lắm.

    ReplyDelete
  36. Hồ Chí Minh lúc sống tiết kiệm bao nhiêu, chết rồi, Lăng bác lãng phí không biết gấp bao nhiêu lần. Không biết do ai

    ReplyDelete
  37. Nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh quả là thú vị. Tranh luận về Ông chắc sẽ còn dài dài.
    Btw, tôi yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng. Trong ví lúc nào cũng phải cất mấy hình của Bác được in sạch sẽ đẹp đẽ trên giấy polyme. Không có, là thấy thiếu thốn lắm.

    ReplyDelete
  38. Thích ý kiến cuả Người Cố Quận, hehe, có lẽ mấy ông cộng sản quên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, bây giờ người ta hay nói là “ uống lộn thuốc”

    ReplyDelete
  39. Để lãnh đạo dân tộc, mà là dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ (và có thể là cả bây giờ) thì em cho là người lãnh đạo thể nào cũng độc đoán và cần thế.
    Hồi xưa hay chiếu phim tài liệu mỗi lần sinh nhật Bác. Em nhớ bố mẹ em vẫn rất yêu mến Bác Hồ vì hình ảnh Bác cầm cành cây khô treo quần áo trên đấy đi với bà con. Cá nhân em yêu quý Bác vì Bác yêu thương đồng bào và hành động vì điều đấy.

    ReplyDelete
  40. Nhiều bạn chưa hiểu rõ kỹ thuật chính trị cộng sản nên lầm tưởng ông Hồ là người cộng hòa. Người cộng sản có một kỹ thuật chính trị gọi là ngụy trang. Cái này cộng sản VN học của Lenin. Tùy thời điểm nếu thấy công khai bản chất, mục tiêu cộng sản không có lợi thì họ sẽ ngụy trang thành người dân chủ, cộng hòa, dân tộc chủ nghĩa ... Trong thời điểm 1945 Hồ chưa công khai những tư tưởng cộng sản của mình đơn giản vì lúc đó làm như vậy không có lợi. Lúc đó muốn có sự ủng hộ của đồng minh dĩ nhiên phải trưng ra những khẩu hiệu cộng hòa. Sau này trong cuộc chiến 1954 -1975 người cộng sản cũng không công khai mục tiêu nhuộm đỏ miền Nam của họ. Họ ngụy trang bằng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN với cương lĩnh chẳng có chút gì là cộng sản cả. Sau năm 1975 họ mới công khai tuyên bố mục tiêu cộng sản của họ. Trong thời điểm cộng sản chưa nắm trọn chính quyền, nếu biết trước mục tiêu của người cộng sản là xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách đánh tư sản, quốc hữu hóa ruộng đất, lùa nông dân vào hợp tác xã ... thì ai dám theo cộng ? Cộng sản khôn lắm chứ không thật thà như các bạn.

    Nói túm lại ông Hồ là chính trị gia thành thạo kỹ thuật chính trị Leninist chứ chẳng phải ông ấy có lý tưởng cộng hòa. Muốn nghiên cứu kỹ thuật chính trị Leninist cứ đọc Lenin toàn tập. Hehehêh ....

    ReplyDelete