Wednesday, June 11, 2008

Nói về ông Võ Văn Kiệt


img


Có lẽ ấn tượng đầu tiên tên ông Kiệt để lại cho tôi là hồi còn bé, tôi không nhớ chính xác hồi nào, chỉ nhớ là thời trước đổi mới, tôi được nghe câu truyền miệng mà cả người lớn và trẻ con đều nhắc tới: “Miền Nam có Kiệt mà không kiệt. Ngoài Bắc có Lương lại không lương”. Câu nói này phản ánh sự khác biệt về kinh tế giữa hai miền Nam Bắc lúc đó, khen ngợi và chê trách năng lực lãnh đạo của những người quản lý chính quyền ở hai miền lúc đó. Hai cái tên được nhắc tới đấy là ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Văn Lương, Bí thư Thành ủy Hà Nội trong những năm tiền Đổi mới.

Sau này được nghe nhắc tới tên ông nhiều hơn. Công cuộc Đổi mới được phát động, công đầu thuộc về ông Nguyễn Văn Linh, người từng làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trước ông Kiệt (trong thời gian ông Kiệt làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân). Nhưng ông Kiệt với vai trò là Phó Thủ tướng thường trực (lúc đó gọi là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng) là người trực tiếp chịu trách nhiệm phát triển kinh tế giai đoạn này. Chủ tịch HĐBT giai đoạn 1988-1991 là ông Đỗ Mười (hình như vẫn còn sống) nhưng ông Mười có vẻ không giỏi về kinh tế như ông Kiệt. Tôi nghĩ tôi cũng cần cảm ơn ông, vì có phần nào đó trong công sức của ông khiến cho những năm học cấp 3, tôi không còn phải ăn bột mỳ mốc thay cơm, không còn phải thèm thuồng chất thịt trong bữa ăn, cũng không phải chứng kiến cái cảnh gần như tất cả mọi người xung quanh đều mặc cùng một thứ màu nhờ nhờ đen đen, để cùng một kiểu tóc và đi xe đạp, như khi tôi còn nhỏ.

Từ năm 1991 tới 1997, ông Kiệt làm Thủ tướng và đây cũng là giai đoạn kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, năng động nhất. Tất nhiên không phải việc gì ông làm cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi (và có lẽ không phải việc nào ông làm cũng đúng). Tôi còn nhớ đề án đường dây 500 KV Bắc-Nam do ông khởi xướng đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều người, từ trong Đảng cho tới các chuyên gia World Bank…Đến nay, tôi cũng không rõ là công trình này có thực sự phát huy tác dụng hay không (người bảo có, người bảo không) nhưng hoàn toàn có thể cho rằng ông Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo có tài năng, có tầm nhìn, dũng cảm và dám chịu trách nhiệm- những phẩm chất luôn cần ở các nhà lãnh đạo, nhưng lại càng cần hơn hết trong giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn. Điều nổi bật nhất của ông, có lẽ là tầm nhìn, tôi nghĩ ông còn có tầm nhìn xa hơn hẳn những nhà lãnh đạo ViệtNam trẻ hơn ông 30 tuổi.

Ông cũng được biết đến như một người có đầu óc hòa giải, biết trọng dụng các nhân tài từ thời chế độ cũ: ông Nguyễn Xuân Oánh- từng làm quyền Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng VNCH và là tiến sĩ Kinh tế người Việt đầu tiên ở trường Harvard- từng làm cố vấn kinh tế cho ông Kiệt từ thời trước đổi mới. Mặc dù bản thân ông chịu nhiều mất mát và gian khổ trong chiến tranh chống Mỹ- khi mà cả người vợ đầu và hai người con của ông đều bị chết vì bom Mỹ- nhưng ông lại là một trong những người hiếm hoi trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Mỹ, khuyến khích mở cửa kinh tế và hòa giải với những người Việt Nam từng ở bên kia chiến tuyến, tôn trọng và đối thoại với những người bất đồng chính kiến. Câu nói nổi tiếng vào những năm cuối đời của ông giản dị nhưng cũng đầy ý nghĩa: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả" .

Đọc đoạn này trong một bài báo về ông, tôi không khỏi thấy cảm động. Có mấy người Việt Nam ở tuổi 85 còn chịu khó đọc bài trên mạng để cập nhật thông tin và kiến thức, và vẫn say sưa với công việc như thế.

“Một ngày trung tuần tháng 11 năm nay, nhớ về Nam Kỳ khởi nghĩa, tôi lại đến thăm đồng chí Sáu Dân tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi 85, trời vẫn cho ông sức khỏe cùng sự lanh lẹ. Ông than: Tôi phải bỏ chơi thể thao rồi! Tôi ngạc nhiên: - Sao vậy ông Sáu? Ông vẫn than: - Bây giờ có thời gian hơn, thông tin lại nhiều vô kể, trên sách báo, đài trong ngoài nước, trên mạng Internet… Chưa lúc nào tôi thấy thiếu thời giờ như lúc này. Quỹ thời gian của mình còn ít mà, phải lao vào nghiên cứu.

Tôi lại hỏi: - Ông Sáu đang nghiên cứu về vấn đề gì? – Tôi đang say sưa đọc, tìm hiểu hai vấn đề lớn là y tế và giáo dục. Vì hai lãnh vực này liên quan đến mọi người dân, đến hạnh phúc của đất nước. Không thể xây dựng đất nước lớn mạnh nếu hai lãnh vực này không được đặt biệt quan tâm.

Tôi liếc nhìn mặt bàn, thấy một chồng báo trong ngày: Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật…, một xấp tài liệu in. Ông Sáu cầm lên một xấp giấy khổ A4 và đưa cho tôi coi. Đó là thư của Tổng thống Cộng hòa Pháp Sarkozy gửi các nhà giáo, lấy từ trên mạng… đề ngày 4-9-2007. Ông nói: Vị tổng thống này qua
n tâm đến các công dân trẻ của nước mình lắm. Ở nước ta, nếu học phí tăng thì không ổn.”

(Theo Lê Phú Khải- Sài Gòn Giải Phóng).

Một số bạn thắc mắc tại sao ông không nói ra những phát biểu như “hòa giải dân tộc” "vì người nghèo "… khi đang còn tại nhiệm. Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là đánh giá những gì ông đã đóng góp cho đất nước, cả khi ông còn tại vị lẫn khi ông đã nghỉ hưu. Và việc sau khi ông đã nghỉ hưu, ông không chịu “mũ ni che tai, sự ai chẳng biết” (hình như theo phong tục Việt Nam thời cổ, các cụ thượng thọ sẽ được tặng một chiếc mũ để che tai để biểu tượng cho việc đã đến tuổi không cần quan tâm tới những việc ngoài thiên hạ) mà vẫn sôi nổi, nhiệt huyết, phát biểu theo quan điểm của mình lại càng xứng đáng được đánh giá cao, và càng chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo có bản lĩnh và một nhân cách, một người thực sự tin ở tiến bộ và tương lai.

Một cuộc đời như ông, đã nếm trải cả bất hạnh và thành công, trải qua hai cuộc chiến tranh và 30 năm hòa bình, với vị trí của người chiến sĩ, người lãnh đạo và người phản biện xã hội, ngẫm lại cũng thực đủ đầy.

Nhìn bức ảnh với nụ cười sảng khoái và cởi mở của ông, tôi liên tưởng tới câu thơ của thi hào Tagore.

“Rằng tôi tin ở con người. Đó là lời nói cuối cùng của tôi”. (Tagore)

10 comments:

  1. The criticizing/challenging/questioning side against the gov (which is already weak) just lost an imporatant voice. Sang nay biet tin ma thay buon ba ca ngay. Dau hon la dan nuoc ngoai con biet truoc dan minh. Chong em bao em biet chu dau :(

    ReplyDelete
  2. thank you for such an inspiring post about him

    ReplyDelete
  3. Thời bao cấp ông Kiệt, ông Lương và các vị lãnh đạo già Trinh ,Đồng ,Giáp ,Tôn

    ReplyDelete
  4. bài viết của bạn Linh đọc xúc động quá... :( thôi cho tui copy về blog nhé

    ReplyDelete
  5. Mình vẫn nhớ giọng nói Miền Nam của bác Võ Văn Kiệt trên đài và TV ngày xưa.

    ReplyDelete
  6. Mình thấy rằng, thời đương chức không thấy Ông Kiệt phát biểu gì vì Ông có điều kiện làm thật, không thích chỉ nói mà không làm. Còn khi đã nghỉ hưu, Ông không có điều kiện để làm nữa thì Ông phải nói để những người đi sau xem xét và làm. Theo mình, đó là phong cách sông hay, cần học tập Ông.

    ReplyDelete
  7. Một số chính sách của ông Kiệt đề ra (mà lúc đó tớ đủ lớn để nhớ :)) ): đường dây 500 KV Bắc - Nam như đã nói ở trên, cấm đốt pháo/sản xuất pháo, Nghị định 36/CP về giao thông (giờ vẫn đek biết nó có thành công hay không), dự án nhà cho đồng bào Đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ dựa trên thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Khi ông Thụ chết thì vẫn nợ ông Kiệt dự án này, giờ ông Kiệt cũng đi theo ông Thụ thì không biết bao giờ mới có thể thực thi dự án này.

    ReplyDelete
  8. Một nhân tài, một tấm gương của sự đổi mới. Nhưng không hiểu sao Báo chí Vn inpre vậy nhỉ?
    Nghe đồn bây giờ các thế lực xem ông như thành phần chống đối.

    ReplyDelete
  9. Mot vi lanh dao hiem hoi cua VN ma co ca ta^m, ca ta^`m, ca ta`i! Ong ra di dan chung thi vo cung thuong tiec nhung chac se co ke? ha he.

    ReplyDelete
  10. Em thich bai nay cua anh Linh.
    We (not only me) believe in people. :)

    ReplyDelete