Wednesday, June 11, 2008

Entry for June 11, 2008


Đọc bài này mình chịu, không hiểu ý Thủ tướng "thi đua chống lạm phát" thể hiện thế nào? Không phải là kêu gọi đảng viên chi bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ khi đi chợ mua rau nhớ mặc cả thật quyết liệt để giảm tốc độ tăng giá chứ? Với lại thi đua thì phải có mục tiêu, có so sánh kết quả, có phần thưởng. Ngày trước có phòng trào thi đua giết chuột phá hoại sản xuất, người ta cũng phải đếm đuôi chuột để phát phần thưởng.Không hiểu thi đua "kiềm chế lạm phát" thì lấy gì làm đích, lấy gì làm thưởng đây? Ai mua được giá rẻ hơn à?

Thay vào việc phát động nhân dân thi đua "kiềm chế lạm phát" hay kêu gọi nhân dân cùng chia sẻ khó khăn, Thủ tướng và Chính phủ nên làm sao tạo được lòng tin của nhân dân vào các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ. Việc này bản thân có hai khía cạnh: thứ nhất là làm sao cho các chính sách ấy khả tín và hiệu quả. Thứ hai là tuyên truyền, giải thích, làm rõ những tác động chính sách để người dân hiểu hơn về những gì Nhà nước đang và định làm.

Thật ra vẫn biết Thủ tướng và Chính phủ đang phải xử lý rất nhiều công việc trong tình hình kinh tế đầy khó khăn. Và tôi cũng nghĩ những biện pháp của Chính phủ đưa ra trong khoảng 2 tháng gần đây nói chung là đúng hướng. Bản thân Thủ tướng cũng có những việc làm đáng được đánh giá cao như báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội rất chi tiết và rành mạch. Hay trao đổi của Thủ tướng với kinh tế trưởng của JPMorgans khá thẳng thắn và rõ ràng thể hiện quan điểm của Chính phủ - dù tôi cho rằng việc Thủ tướng hứa hẹn không phá giá là dại, cùng lắm là để bác Giàu nói câu này chứ Thủ tướng không nên nói, nhỡ không thực hiện được thì sao?. Bác Nguyễn Sinh Hùng, bác Vũ Văn Ninh từng đứng ra đảm bảo cho thị trường chứng khoán thất bại, bác Nguyễn Đồng Tiến đánh cược lạm phát năm 2007 dưới một con số thành thua cuộc, giờ Thủ tướng việc gì lại phải đứng ra đảm bảo cho cái chưa chắc (và không nhất thiết cần) được đảm bảo.

Trong hoàn cảnh bận rộn như thế, lẽ ra Thủ tướng nên tập trung vào các chương trình kinh tế xã hội, thay vì làm những việc vô bổ như phát động phong trào thi đua- những việc đó để các anh thi đua chuyên trách như anh Võ Văn Thưởng làm là đủ rồi. Cụ Hồ từng phát động phong trào thi đua cách đây 60 năm nhưng thời điểm đó là một thời điểm rất khác, dân trí khác, hoàn cảnh đất nước khác.

Thủ tướng phát động thi đua kiềm chế lạm phát

"Hôm nay, tròn 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động đợt thi đua đổi mới xây dựng và phát triển đất nước, với nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng nhấn mạnh đất nước đang đứng trước khó khăn, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, đặc biệt tình hình lạm phát và giá cả tiêu dùng tăng cao đang tác động tiêu cực đến sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân. "Tình hình đó đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực quyết liệt hơn, quyết tâm cao hơn để vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững", ông Dũng nói..."

4 comments:

  1. Thi đua thì phải tổ chức thi đua, mà tổ chức thi đua thì cần phải có tiền. Làm cái gì cũng cần có tiền mới làm được. Thế là phải tốn tiền ngân sách cho các hoạt động vô thưởng vô phạt này, và qua đó cũng góp phần bé nhỏ vào công cuộc nâng cao lạm phát.

    ReplyDelete
  2. Làm em hình dung đến cảnh các nam thanh nữ tú chạy các thể loại xe mô màu sắc đầy đường rộn rã vui tươi mang khẩu hiệu thi đua chống lạm phát =))
    Nhân dân thì chả phải bảo, gớm, tiền có mấy đồng mà giá tăng thế không ngậm mồm ngậm miệng mới là lạ. Cần là cần VPTT không chỉ sáng nào mà ngày nào cũng nên tắt máy lạnh cơ :))

    ReplyDelete
  3. theo tui điển hình cho công tác thi đua chống lạm phát đó là Ngưng tổ chức cuộc thi như Vietnam idol, với lý do không phù hợp bối cảnh kinh tế đất nước. Từ đó suy ra thi đua kiềm chế lạm phát là không nên vui chơi, không nên tổ chức và tham gia các gameshow, nếu có tổ chức thì nên ăn cắp bản quyền (như Sao mai điểm hẹn) chứ không nên mua bản quyền truyền hình đàng hoàng lại phải đổ tiền cho tư bản, nên nằm nhà uống trà cho giảm chi tiêu, nên tắt điện khi không đọc sách báo giấy in (vì nếu xem TV hay xài máy tính là đã đủ ánh sáng phá ra từ màn hình) v.v...

    Bạn Linh hiểu chưa?

    ReplyDelete
  4. Cơn bão lớn quá - Chim chịu không nổi.....

    ReplyDelete