Wednesday, June 11, 2008

Entry for June 11, 2008

Một bài viết hay, rất chi tiết của TS. Vũ Minh Khương trên Tuanvietnam.

Nền móng phát triển và mệnh lệnh cải cách


TS. Khương so sánh quá trình tăng trưởng kinh tế sau cải cách của Việt Nam với TQ và rút ra những nhược điểm của mô hình Việt Nam.

- Sự phình ra của khu vực Nhà nước. Thực sự điều này khiến tôi ngạc nhiên, vì không hề biết rằng cho dù có những nỗ lực cổ phần hóa, khu vực Nhà nước vẫn phình ra chứ không thu hẹp từ năm 1995 tới nay. Đáng chú ý là từ năm 2000-2005, khu vực Nhà nước phình ra tới 10% về số lượng lao động. Về mức độ chiếm dụng vốn của khu vực Nhà nước thì có thể đọc trong báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội. Sự phình ra của khu vực Nhà nước vừa thể hiện sự sai lầm trong định hướng chính sách (Kinh tế NN giữ vai trò chủ đạo) vừa là sự co cụm hình thành các nhóm quyền lực, thao túng nền kinh tế, giành lấy các đặc quyền đặc lợi. Trong khi ở TQ thì khu vực Nhà nước giảm khá mạnh.
- Cổ phần hóa chậm chạp: Vốn cổ phần hóa Nhà nước thu được trong 15 năm từ 1990-2005 chỉ bằng 1% GDP của năm 2000!
- Sự can thiệp của chính trị do sợ "mất định hướng XHCN". Điển hình là việc năm 1999, Việt Nam từ chối ký Hiệp định Thương mại Việt Mỹ để rồi 7 năm sau đó mới ký được.
- Sử dụng năng lượng lãng phí trong điều kiện giá năng lượng ngày càng cao. Sử dụng nhiều công nghệ lạc hậu, hao tổn năng lượng, ô nhiễm môi trường.
- Bỏ rơi khu vực nông nghiệp, để năng suất khu vực này rất thấp.

TS Khương cho rằng trước những khó khăn kinh tế hiện nay, cần có sự dũng cảm chọn lựa cải cách hệ thống (?) để nâng sự phát triển lên tầm cao mới. Với đà phát triển như hiện nay thì theo ông Khương, phải 35 năm nữa Việt Nam mới bằng mức Thái Lan hiện nay. Còn nếu cải cách triệt để hơn, thì 35 năm nữa, Việt Nam có thể vượt mức 10.000 USD/người (so sánh Đài Loan hiện nay chừng 15.000, Ba Lan 11.000, Hàn Quốc 19.000).

Cải cách hệ thống như thế nào thì TS. Khương không làm rõ. Nhưng có lẽ ý ông là cần có một thể chế chính trị dám cam kết mạnh mẽ với cải cách hơn.

Đoạn này của TS. Khương cũng đáng suy nghĩ:

"
Theo nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam coi nhẹ việc gia cường, thậm chí làm suy yếu nền móng phát triển vốn còn rất thấp của mình. Thay vì quyết liệt tinh giản và nâng cấp bộ máy quản lý, chúng ta để khu vực nhà nước phình ra với hiệu năng ngày một thấp.

Thay vì ráo riết cải cách doanh nghiệp nhà nước, tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, chúng ta lập ra các tập đoàn kinh tế với não trạng bao cấp và lợi ích cục bộ, làm thị trường càng thêm méo mó và thiếu minh bạch.

Thay vì đầu tư nâng cấp hiện đại hóa hệ thống giáo dục, y tế, và văn hóa đáp ứng đòi hỏi của thời đại, chúng ta để các lĩnh vực này xuống cấp nghiêm trọng trong sự hoành hành của tham nhũng, gian dối, và tệ nạn xã hội.

Thay vì khích lệ người dân cần kiệm đầu tư với tầm nhìn dài hạn và trách nhiệm với tương lai, chúng ta tạo nên cơ chế để mọi người ảo tưởng với những cơ hội chụp giật ngắn hạn, hoang phí trong tiêu dùng, phô trương trong hình thức với những lễ hội và tượng đài được tổ chức và xây dựng tràn lan."


Nếu hội nghị TW7 lần này mà bỏ chữ "kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo" thì sẽ thật là một điều mừng cho đất nước. Nhưng để làm được điều đó cần có một sự "đổi mới tư duy" lần hai trong Đảng.

+ Tôi thấy khá nhiều bài trước đó của anh Khương có vấn đề, có ý đúng, có ý chưa đúng nhưng những cái anh nhấn mạnh lại là những cái chưa thực sự cần hay không thực sự quan trọng, và hơi nặng tính hô hào. Nhưng bài này của anh Khương thì rất hay, rất đúng, tổng hợp đầy đủ, chi tiết, phân tích sắc sảo, rành mạch những nhược điểm của kinh tế Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm qua. Chỉ tiếc là các biểu đồ trên trang báo bé quá, phải vừa đọc vừa hình dung. Những vấn đề anh nói không hẳn là mới nhưng tổng hợp được và phân tích chúng một cách cách sắc sảo trong một bài viết như thế lại là rất đáng kể- thể hiện đúng tầm Harvard.

Bài viết này của anh Khương nên được phổ biến rộng rãi hơn. Giá như các báo viết như báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên cũng đăng chứ không chỉ là một tờ báo mạng (tuy có chất lượng tốt nhưng phạm vi bạn đọc không nhiều) như tờ Tuần Việt Nam.

Btw, tờ Tuần Việt Nam gần đây rất khá. Một tờ báo mạng gần đây cũng khá hay là tờ Vneconomy, thông tin cập nhật, phong phú, nhiều bài viết "nóng".

Trong khi các tờ báo có truyền thống mạnh mẽ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên càng ngày càng chán, giờ hiếm khi vào các tờ này mỗi ngày mà dừng lại đọc bài nhiều hơn 10 phút- chủ yếu chỉ lướt qua xem có tin tức gì mới không.

6 comments:

  1. VMK viết nhiều, nhưng nội dung cốt lõi vẫn là khuyến cáo cải tổ chính trị. Nhưng điều này rất khó, vì kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chỉ khi lâm vào bước đường cùng thì may ra những đường lối có tính chất nền tảng của VN mới thay đổi.

    Nhớ lại cách đây một số năm, trước khủng hoảng lý luận, cựu TBT Đỗ Mười đã viết bài giải thích cụm từ "định hướng XHCN", tức là Đảng vẫn sẽ nắm trọn các lĩnh vực kinh tế quan trọng, lấy kinh tế quốc doanh làm thành phần chủ đạo, và qua đó cũng biện hộ cho những thua lỗ của khối kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, các tổng công tay và sau đó là các tập đoàn vẫn tiếp tục thua lỗ. Tớ nghĩ đó là điểm mấu chốt nếu không rũ bỏ được thì Việt Nam chỉ sẽ phát triển làng nhàng, tiếp tục bị Thái Lan bỏ xa và thậm chí trong tương lai sẽ còn kém cả Lào lẫn Campuchia. Có sự trì trệ rất lớn trong khối kinh tế nhà nước, rõ ràng là tính chất sở hữu có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu năng, một khi đã là của chung thì mọi người cứ vô tư đi :D :D

    ReplyDelete
  2. TuanVietNam đang trở thành tờ báo điện tử đáng đọc hàng đầu tại VN.

    ReplyDelete
  3. "Nếu tôi được làm Thủ tướng Việt nam, tôi sẽ đưa Việt nam lên ngang tầm Singapore ". Vũ Minh Khương phát biểu

    ReplyDelete
  4. Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết bài của ông Khương, nhưng cái đoạn trích màu xanh ở trên thì người ta biết lâu rồi. Chỉ là 1 chút trau chuốt về ngôn từ, 1 chút ra vẻ hàn lâm, không hơn.

    Rất đồng ý với Minh Minh ở trên, chính các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là tội đồ chính của tình trạng kinh tế hiện nay. Nhưng không chỉ có thế, hàng chục ngàn các doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ khác cũng tham gia tích cực vào việc làm yếu đi nền kinh tế đất nước.

    "Thay vì ráo riết cải cách doanh nghiệp nhà nước...".

    Có thể cải cách doanh nghiệp nhà nước sao? Tôi không tin. Nếu ai làm được điều này tôi nghĩ họ xứng đáng để nhận 10 cái Nobel kinh tế đấy.

    Ông Khương dạy đại học bên Singapore? Ông nói như một thày giáo.

    ReplyDelete
  5. @Minh MInh: Chính xác thì theo các báo cáo, các tổng công ty và tập đoàn xét toàn thể không thua lỗ, mức tăng lợi nhuận của họ cũng không nhỏ (chi tiết có thể đọc trong báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội). Có thể đặt vấn đề về các con số này có chính xác hay chưa, nhưng tôi không nghĩ là nó sai lệch quá mức.
    Tuy các DNNN nói chung không thua lỗ, nhưng họ rất kém hiệu quả, nếu so với các doanh nghiệp tư nhân, họ nhận được vốn vay lãi suất thấp, nguồn vốn dồi dào, nhưng sản lượng làm ra thấp.

    @Thang D: Tôi không hiểu việc ông Khương nói như một thầy giáo thì có gì đáng nói? Một tỷ lệ rất lớn các trí thức trên thế giới đều là các thầy giáo. Đúng là ông Khương đang dạy Trường quản lý công cộng bên Sing.

    ReplyDelete
  6. Xin lỗi đã để "thầy giáo" không đúng chỗ ở đây. Tôi chỉ muốn nói bài viết của ông Khương không đáng để đựơc bác ca ngợi khi chính bác hoàn toàn có thể viết được y như vậy.

    ReplyDelete