Saturday, January 26, 2008

Entry for January 26, 2008

Một vài cuốn sách về kinh tế bằng tiếng Việt có vẻ hay mà tôi thấy ở hiệu sách trong thời gian ở Việt Nam.
1. Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do của Kornai Janos, do Nguyễn Quang A dịch, nhà xuất bản Tri Thức phát hành. Kornai là kinh tế gia hàng đầu về kinh tế xã hội chủ nghĩa và là một trong những người đóng vai trò quan trọng nhất tới sự thay đổi tư duy kinh tế ở các nước Đông Âu thời kỳ chuyển đổi. Cuốn này viết vào giai đoạn 1989 về kinh tế Hungary nhưng có rất nhiều điều vẫn có giá trị ứng dụng với kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
2. Thế sự- một góc nhìn của TS Nguyễn Sĩ Dũng. Cuốn này tập hợp các bài báo từ năm 2000 trở lại đây của TS Nguyễn Sĩ Dũng, một gương mặt trí thức cấp tiến về các vấn đề của đời sống xã hội như luật pháp, kinh tế, giáo dục...Chưa đọc cuốn này nhưng đọc một số bài báo của ông Dũng trước đây thì thấy ông là một người viết có tư duy tiến bộ, mạch lạc, phong cách điềm đạm và văn phong sáng sủa, rõ ràng.
3. Chiến lược xung đột, dịch từ cuốn The Strategy of Conflict của Schelling, nhà kinh tế được giải Nobel nhờ các công trình về lý thuyết trò chơi (game theory). Cuốn này là tác phẩm kinh điển của Schelling giúp ông đoạt giải Nobel. Sách được hiệu đính bởi hai bạn tốt nghiệp TS Kinh tế ở ĐH Texas là Trần Vinh Dự (tức Dự Trần trên minhbien.org) và Nguyễn Quang Thắng. Tuy nhiên, theo tôi, hình như sách hơi đắt so với mặt bằng giá sách ở Việt Nam- có thể do tiền phí bản quyền cao?.
4. Kinh tế học hài hước- dịch từ cuốn best-selling nổi tiếng Freakonomics của
Stephen Dubner và Steven Levitt. Cái tên này gợi nhớ tới chùm sách Vật lý vui (hay Vật lý hài hước, tùy phiên bản phát hành), Toán học vui (hay Toán học hài hước) - các sách phổ biến khoa học thường thức dịch của Liên Xô trước kia và từng được ưa chuộng bởi nhiều độc giả trẻ Việt Nam. Tuy nhiên theo tôi cái tên này có phần hơi hạ thấp giá trị cuốn sách tạo cảm giác sách-cuốn này thực ra rất hay và rất đáng đọc.
5. Bản dịch tiếng Việt của Commanding Heights: The battle for the world economy mà tôi không nhớ tên chính xác. Cuốn này khá dày và nặng, tôi chưa kịp đọc nhưng lướt qua thấy có vẻ hay, có lẽ đáng đọc hơn cuốn về "thế giới phẳng" của Thomas Friedman.
6. Hai quyển về lý thuyết trò chơi trong kinh doanh hình như có tên là Lý thuyết trò chơi trong kinh doanh Tư duy chiến lược. Nếu căn cứ vào thống kê từ các dịch vụ bán sách trực tuyến thì hai cuốn này đều bán khá chạy.

Về tư duy kinh tế có hai cuốn rất hay mà hiện nay chưa được chính thức dịch và phát hành ở Việt Nam là The Road to Serfdom của Hayek (Nguyễn Quang A đã dịch ra tiếng Việt, đăng tải trên talawas) và Capitalism and Freedom của Milton Friedman (hình như chưa dịch ra tiếng Việt). Hai cuốn này được coi là kinh điển cho tư duy kinh tế của chủ nghĩa tự do mới (neo-liberal). Không phải luận điểm nào của hai cuốn này cũng đều thuyết phục và có thể ứng dụng được nhưng tôi nghĩ rằng tư duy cốt lõi của chúng- nhấn mạnh quyền tự do kinh tế của cá nhân- là đúng đắn. Hy vọng một ngày gần đây, hai cuốn này sẽ được dịch và chính thức phát hành ở Việt Nam. Liên quan tới chủ nghĩa tự do mới có một cuốn sách mỏng nghiên cứu có tên là Nhận diện chủ nghĩa tự do mới của Nguyễn Văn Thanh do NXB Chính trị- Quốc gia phát hành, có bà Nguyễn Thị Bình viết Lời giới thiệu. Cuốn sách giới thiệu về chủ nghĩa tự do mới và cho rằng phải "Nói không với chủ nghĩa tự do mới".

4 comments:

  1. Ồ, Chiến Lược Xung Đột là có bạn Thắng hiệu đính mà mình không biết (đọc không xong). Sách này BTV khóc thét vì stress quá. Thắng không biết giờ ra sao, ngày xưa thân thế. :-(

    ReplyDelete
  2. Phải công nhận là Luật xuất bản 2005 cũng như tư duy quản lý văn hóa hiện nay là khá cởi mở. Cách đây 20 năm thôi các cuốn trên đều có thể bị đốt hết.

    Các bác đừng ngạc nhiên nếu "The Road to Serfdom" và "Capitalism and Freedom" sẽ được in bởi NXB CAND hay NXB QĐND trong vài năm tới!

    ReplyDelete
  3. hờ hờ, quẻ bác F gieo có liên quan đến vụ quá tuổi về hiu của bác hồng vinh không nhể?

    ReplyDelete
  4. Cám ơn bạn đã review, mình phải đi nhà sách một chuyến đây.

    ReplyDelete