Tuesday, January 1, 2008

Entry for January 01, 2008

img

PR tiếp cho Suối nguồn

Bài này đã đăng trên Thể thao & Văn hóa 22/12/2007 của Nguyễn Trương Quý

“Suối Nguồn” - chiến thắng hả hê của sáng tạo

Sáng tạo là một từ quá hoa mỹ và có vẻ bị lạm dụng trong thế kỷ vừa qua, thế kỷ mà tất cả các giá trị nghệ thuật của vài ngàn năm trước bị đặt lên bàn cân và xét lại không thương tiếc. Tuy nhiên, người ta vẫn phải nói đến sáng tạo. Nó là một điều không thể phớt lờ hay có thể nói dối. Cho đến đầu thế kỷ mới này, sáng tạo không còn là mối bận tâm của riêng người nghệ sĩ, nó là ý thức về sự tồn tại của nhân loại. “Suối Nguồn” (The Fountainhead) của nữ văn sĩ Mỹ gốc Nga Ayn Rand xuất bản lần đầu năm 1943 đã vượt qua hình thức của một tiểu thuyết văn học ly kỳ gay cấn, trở thành một tác phẩm kinh điển chứa đựng những thông điệp cơ bản nhất về thiên chức của người nghệ sĩ, về tự do cá nhân trong quan hệ với cộng đồng, về cả những giá trị tinh thần vốn dĩ được các thiết chế xã hội đề cao. Song Ayn Rand với giọng văn sắc bén, với quan điểm thực tế mà bà gọi là “vị thân” - đề cao cái tôi sáng tạo trong hoàn cảnh đám đông a dua theo thời thượng, đã xô đổ những giáo điều sáo rỗng đầy độc hại núp bóng sau những lập luận bảo thủ và mị dân. Một bức tranh điển hình của một xã hội công nghiệp đang lên như diều gặp gió là mảnh đất màu mỡ cho câu chuyện đầy hấp dẫn của Ayn Rand. Trong 60 năm qua, “Suối Nguồn” đã bán được 6 triệu bản trên thế giới.

Sức hấp dẫn ấy có được là nhờ Rand đã dựng nên những nhân vật đầy ma lực của xã hội Mỹ khoảng ba chục năm đầu thế kỷ XX. Nhân vật chính là kiến trúc sư Roark Howard, một “kẻ lữ hành kỳ dị” - từ chối những danh vọng phù phiếm và những thành công nhất thời để đeo đuổi mục tiêu sáng tạo theo phong cách hiện đại của mình. Anh từ chối lối thiết kế những công trình mượn xác của hai nghìn năm kiến trúc Hy-La xưa cũ hay Rococo hào nhoáng với nhung gấm, vàng mạ và hoa văn trang trí mĩ miều bề ngoài để che phủ sự nghèo nàn của công năng. Đó lại là đường đi của Peter Keating, người nhanh chóng đáp ứng được thị hiếu của một xã hội thời thượng sẵn lòng dùng tiền để làm sống dậy quá khứ vàng son lòe loẹt của châu Âu phong kiến. Tiểu thuyết dày gần 1200 trang bản dịch còn là câu chuyện về E.Toohey, nhà phê bình nghệ thuật xu thời song thủ đoạn đến mức có khả năng hủy hoại bất cứ điều gì chệch hướng thẩm mỹ của xã hội mà ông ta đóng vai trò phát ngôn viên. Đối lập với ông ta là nhà tư bản Wynand, người gây ngạc nhiên nhất cho độc giả, từ chỗ chỉ tin vào giá trị của đồng tiền và bản thân mình, lại chia sẻ được những lý tưởng sáng tạo với Howard.

Nói “Suối Nguồn” sống động có lẽ chưa đủ, đây thực tế là một tiểu thuyết luận đề với những tuyên ngôn nghệ thuật đầy ấn tượng. Nhưng điều khiến cho “Suối Nguồn” vẫn còn được đón nhận ngày nay là sự mãnh liệt của niềm tin vào sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con người. Nhân vật táo bạo, thông minh, đầy ngạc nhiên và đậm đặc chất Mỹ là thứ khiến cho những ai muốn cắt nghĩa vì sao nước Mỹ phát triển như ngày nay phải bỏ công đọc một mạch cả ngàn trang như thế.

Nguyễn Trương Quý

* Suối Nguồn (The Fountainhead), tiểu thuyết của Ayn Rand. Nhóm dịch: Vũ Lan Anh, Đinh Quang Hiếu, Vũ Hoàng Linh, Nguyễn Kim Ngọc, Trần Thị Hà Thủy. Hiệu đính: Phan Việt. NXB Trẻ, 2007.

19 comments:

  1. Hehe chịu khó lăng xê sách của mình dịch ghê

    ReplyDelete
  2. Comment đến lần thứ 3 rồi mà không được, chán chả buồn comment lại nữa...

    ReplyDelete
  3. Hey, theo thông tin tớ vừa nhận được thì cuốn này vừa được tái bản - còn hơn cả Harry :))

    ReplyDelete
  4. Anh Linh chịu khó PR quá làm em phải đi mua sách đây. Sách dịch hoàng tráng thế mà sao không thấy tổ chức lễ giới thiệu và ký tặng sách nhỉ?

    ReplyDelete
  5. Remembered reading this book and had a weird feeling... She was describing the architects (both parties) in such a definitive way that it feels unreal. Not quite the architects' universe. It was much more ambiguous, even lost, this kind of creation.
    Then I said to myself, she may have been writing it with eyes looking back into history. It's much clearer looking back. And it may have been a time when things are much less ambiguous (compared to today). Amid a huge heritage, creating now is like walking in the fog.

    ReplyDelete
  6. Đọc cái này mới biết hóa ra mình xem phim rồi, và là một trong những phim mình thích.

    Bối cảnh tác giả sống cũng như bối cảnh câu chuyện diễn ra có lẽ ảnh hưởng nhiều tới tinh thần tác phẩm. Tác giả là người nhập cư, trong hoàn cảnh tâm lý muốn vươn lên khẳng định giá trị của mình, muốn kết nối, làm chủ, và đóng góp vào môi trường. Tất cả những ham muốn đó tích vào trong nhân vật. Bối cảnh phát triển nghệ thuật thì giai đoạn này đã đi vào cuối thời kỳ Hiện Đại, tức là ảnh hưởng của Khai Sáng đã mờ và sắp kết thúc ở châu Âu. Tuy nhiên ở Mỹ thì diễn ra chậm hơn. Vả lại tác giả đang trong hiện trạng tâm lý kia nên ảnh hưởng của Khai Sáng vẫn còn quyết liệt.

    ReplyDelete
  7. Trên khắp thế giới mà 60 năm mới bán được 6 triệu bản, tức là 10 năm = 1 triệu, 1 năm = 100.000? Những con số đã phản bác lại mọi PR. Có thể "Suối nguồn" cũng là sách đọc được, ở một khía cạnh nào đó, nhưng chưa thể là những lời có cánh của bạn Quý + bạn Linh
    @ Người hiệu đính (chứ không phải những người dịch?) tặng lại bạn đọc nhiều sạn quá.

    ReplyDelete
  8. anh Hieu chet ten Dinh Quang Hieu roi, hihi.

    ReplyDelete
  9. Em thích tư tưởng này trong SN: Khi yêu thích 1 điều gì đó, thật ko cần thiết phải chia sẻ với người khác. Vì có những kẻ ko đáng để yêu thích điều đó.
    Có 1 cô bạn bảo em, Rừng Na Uy có gì đâu. Kiểu như 1 vài comm ở đây. Em đành nói, thật là mừng vì mày cảm thấy ko thích.
    Thật là mừng vì Suối Nguồn ko được đón nhận tràn lan, không được đọc nhanh chóng. Dù rằng chắc có nhiều kẻ mua về để trên kệ sách cho an tâm.
    ...

    ReplyDelete
  10. @Đức Hạnh:
    1. Nếu bạn kể ra được số sách bán với doanh số trên 100.000 bản mỗi năm đều đặn trong vài thập kỷ qua, tôi e rằng cũng không nhiều. Bản thân điều đó đã thay cho sự PR nếu có.
    2. Mặt khác, sách bán chạy không hẳn có nghĩa là sách có giá trị, bản thân việc đó chỉ có nghĩa là sách có nhiều người đọc (hoặc mua về để trên giá sách).
    3. Tôi không nghĩ tôi đã có những lời nào có thể coi là "có cánh" khi nhắc tới cuốn này. Nếu có thì bạn chỉ giúp. Bài của bạn Quý như tôi nghĩ cũng không hề có gì có thể coi là "có cánh" cả, chỉ là nhận xét về nội dung và sức ảnh hưởng của cuốn sách. Nói thật, tôi không thực sự đánh giá cao cuốn sách này về khía cạnh văn học nhưng đánh giá cao về ý tưởng và sức ảnh hưởng tới tâm lý xã hội của nó.
    4. "Có thể "Suối nguồn" cũng là sách đọc được, ở một khía cạnh nào đó, nhưng chưa thể là những lời có cánh của bạn Quý + bạn Linh"
    Có đọc được hay không thì trước hết mong bạn hãy đọc đã rồi mới nhận xét là nó có tương xứng hay không tương xứng với những lời có cánh. Nếu bạn đã đọc rồi thì chữ "có thể" sẽ là hơi thừa. Còn nếu chưa đọc thì phán rằng nó có thể là cuốn sách đọc được, cũng đã là hơi hồ đồ rồi (nhỡ đâu cuốn sách đó quá tồi tệ, không thể đọc được thì sao?).

    ReplyDelete
  11. hôm nay ở Xuân Thu và Fahasa (SG) ko còn cuốn Suối nguồn nào, chờ tái bản.

    ReplyDelete
  12. So nhi! Dot dau in bao nhieu ban the?

    ReplyDelete
  13. Cảm ơn Linh đã post. Mời các bạn đọc một ý kiến của một người Mỹ về The Fountainhead, là anh Jason Gibbs, anh có vốn tiếng Việt rất tốt: http://blog.360.yahoo.com/blog-7xEfy6k5dKc7cWf0M5MfruHt6Y.B7w--?cq=1&p=151. Chắc sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về vai trò của cuốn này.

    ReplyDelete
  14. Tôi không dám nói đã đọc Suối Nguồn trước bạn Linh, nhưng chắc chắn không thể sau bạn, và tôi vẫn giữ hai chữ "có thể." Một vài năm sau (có thể)bạn Linh đọc được nhiều sách hơn (hôm nay), bạn sẽ tự nói thầm với mình rằng Đức Hạnh tưởng hồ đồ mà hóa ra nói đúng

    ReplyDelete
  15. thôi chết, dịch sai, đúng phải là: "Suối nguồn" là tác phẩm văn chương lớn đến mức không cần có tí văn chương nào nó vẫn cứ là tác phẩm lớn Reply

    @Bạn Linh đã đọc blast này của bạn Nhị Linh chưa? Hình như nó mới được treo lên
    @Tôi lại vừa đọc lướt lại bản tiếng Việt Suối Nguồn, (xin lỗi), nhiều sạn quá. Hay là số tôi đen, toàn lướt phải chỗ sạn. Chắc chắn đó không là những chỗ bạn Linh dịch

    ReplyDelete
  16. @Đức Hạnh: Tất nhiên là tôi đọc blast của bạn Nhị Linh rồi, và tôi vẫn luôn đánh giá cao các ý kiến của bạn Nhị Linh.
    Về sự hồ đồ hay đúng đắn thì bác Đức Hạnh hơi có lỗi về logic. Một người hồ đồ vẫn có thể có những ý tưởng đúng. Hồ đồ là thái độ và phương pháp trong cách tiếp cận vấn đề trong khi ý tưởng đúng là đặc điểm và sự phù hợp của ý tưởng. Tôi không nói việc bác chê Suối nguồn là sai. Suối nguồn rất có thể là một tác phẩm dở òm, như bạn Nhị Linh phát biểu, nhưng thái độ phán xét của bác thì có tính hồ đồ. Sự hồ đồ của bác thể hiện trong hầu hết các comment của bác, và cả trong những việc không liên quan tới tác phẩm. Ví dụ như bác nói những nhận xét của tôi hay bạn Quý là những lời có cánh, coi con số 100.000 doanh số bán một năm là phản lại mọi cách PR cho tác phẩm, hay cả nhận xét mới nhất với hàm ý về số sách mà tôi đọc chắc là không nhiều. Tức là những cơ sở cho các phán xét của bác hòan tòan dựa trên cảm tính và phỏng đoán (speculation) chứ không phải là khách quan dựa trên các fact và analysis.
    Còn về số sách mà tôi đọc mỗi năm mà có vẻ như bác cũng hơi có chút quan tâm, thì cũng nêu luôn một cái tạm gọi là fact để bác tham khảo, khỏi phải speculate, là tôi đọc không dưới 200 cuốn sách mỗi năm. Tất nhiên đọc nhiều hay ít cũng chả quan trọng. Nhiều người tôi kính trọng về tri thức còn chẳng đọc cuốn nào trong cả năm trời.
    Về các sạn trong bản tiếng Việt, chắc chắn là có rồi. Nếu bác có góp ý cụ thể, tôi sẽ chuyển lên mailing list của nhóm dịch để những người dịch có liên quan và người hiệu đính và biên tập tham khảo. Xin cảm ơn bác.

    ReplyDelete
  17. Trong lời giới thiệu của Ayn Rand nhân kỉ niệm 25 năm ngày xuất bản cuốn Suối nguốn, có một cụm bị lược bỏ trong bản dịch tiếng Việt: laissez-faire capitalism (chủ nghĩ tư bản tự do).

    Nguyên văn: "Since man acts among and deals with other men, I had to present the kind of social system that makes it possible for ideal men to exist and to function -- a free, productive, rational system which demands and rewards the best in every man, and which is, obviously, laissez-faire capitalism." (trang x)

    Bản tiếng Việt: "Vì con người hoạt động và giao tiếp với nhau, tôi phải vẽ ra hệ thống xã hội ở đó con người lý tưởng của tôi có thể tồn tại và hoạt động -- một hệ thống tự do, hiệu quả, hợp lý; một hệ thống đòi hỏi và tưởng thưởng cho những năng lực tốt đẹp nhất trong mỗi người." (trang ix)

    Tại sao lại lược đi cụm "chủ nghĩa tư bản tự do" trong cuốn sách sặc mùi tư bản này?

    ReplyDelete