Thursday, April 12, 2007

Phim TV

Hôm nay đọc linh tinh chương "Taiping Rebellion" trong cuốn "A Military History of China", nhớ tới phim Thái Bình Thiên Quốc xem hồi trước. Lại nhớ tiếp là trong các phim truyền hình mình xem (cũng không phải nhiều lắm), thì mình vẫn thích phim truyền hình Trung Quốc nhất. Trong đó ba bộ phim thích nhất là Hồng Lâu Mộng (đời sống, tình yêu), Thái Bình Thiên Quốc (chiến tranh) và Vương triều Ung Chính (chính trị). Ba phim này về các mặt khác nhau trong xã hội Trung Quốc và đều được thực hiện rất khéo léo, cao thâm. Xem Vương triều Ung Chính thì mới thấy chính trị Trung Quốc sophisticated thế nào, tưởng thấy cả những lắt léo trong Đông Chu- Tam Quốc cô đọng dồn nén lại, cộng thêm cả cái bi kịch của người cải cách (giống như Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh). Phim dựa theo tiểu thuyết, lúc nào về Việt Nam mà có thời gian có khi cũng thử đọc bộ sách này xem sao. Mà nhớ tiếp là trong các tiểu thuyết của Dumas thì bộ mình thích nhất không phải là Ba người lính ngự lâm (OK, funny nhưng hơi điệu đà quá), cũng không phải Bá tước Monte Christo (hồi nhỏ, mới đọc thì thích nhưng sau này nghĩ lại thấy không đáng lắm, mặc dù vẫn thấy hay) mà là Hoàng hậu Margo (đủ cả: âm mưu chính trị lắt léo, bí hiểm phù thủy, yêu đương lãng mạn, hiệp sĩ giang hồ, chiến tranh và ám sát).

Thái Bình Thiên Quốc thì là phim sử thi bi tráng mà mình thì vẫn ưa thích những thứ đó. Các cảnh chiến trận trong đó cũng rất tốt (như mình nhớ). Xem phim này được cái có thể hiểu thêm các phong trào chính trị khởi phát từ nông dân ở Trung Quốc (OK, Hồng Tú Toàn không phải là nông dân nhưng các phong trào nông dân ở TQ hay do các trí thức thất chí hay các giang hồ lãnh đạo và nhuốm màu sắc tôn giáo. Ref: Hoàng Sào vừa trí thức thất trí vừa tay giang hồ. Xem thêm vai trò của Đạo Ba đấu gạo, Bạch Liên giáo, Minh giáo etc giáo). Nhớ hồi xem phim xong tới các phần cuối không khỏi ngậm ngùi về thất bại của cuộc khởi nghĩa này- tất nhiên phim của CHND Trung Hoa thì sẽ có xu hướng lãng mạn hóa các anh hùng khởi nghĩa. Nhưng một số nhân vật “phía bên kia” trong phim cũng rất hay. Như một cảnh trong phim mà tự nhiên mình nhớ là cảnh Tăng Quốc Phiên lẳng lặng, chẳng nói câu nào, lao đầu bịch xuống sông để tử tự sau khi thất trận.

Hồng Lâu Mộng thì kinh điển rồi, chẳng cần phải nói thêm. Các nàng Lâm Đại Ngọc yếu đuối (mà cũng là mạnh mẽ) có đôi mắt và nụ cười không thể "Đại Ngọc" hơn được (nàng lại mới đi tu, âu cũng là cái nghiệp đi theo anh Bảo Ngọc), nàng Phượng “ớt” tai quái và đàn bà, nàng Bảo Thoa khôn ngoan và bí hiểm (chẳng ai hiểu nàng nghĩ gì trong đầu, nhân vật bí hiểm nhất Hồng Lâu Mộng). Hồi xưa từng nghĩ xem nếu mình là Bảo Ngọc thì biết chọn ai trong hai nàng Đại Ngọc và Bảo Thoa nhỉ, chị hay là em đây?

Toàn là các phim xem từ lâu lắm, sau đó thì tới thời mình không xem phim truyền hình và cũng rất ít khi xem TV, nên cũng không biết có phim nào hay nữa không. Mà nói chung giờ mình không hứng thú với các loại phim truyền hình, series này nọ, dù Mỹ, Tàu hay Hàn, dù đôi khi vẫn nghe nhiều bạn khen series này, series kia. Chắc vẫn chưa hiện đại hóa lắm.

9 comments:

  1. Ối ối anh ơi, Vương Triều Ung Chính có tiều thuyết à? Tên là gì anh? Em xem bộ phim ấy từ hồi lớp 7, bây giờ vẫn còn ấn tượng mãi. *_*

    ReplyDelete
  2. Lớp 7 đã xem phim về chính trị rồi, em Diệu chính ra có máu chính trị phết. :P. Anh không nhớ tên bộ sách ấy lắm, hồi xưa có thấy bán thôi, nhưng dầy quá, hình như 3-4 tập gì đó nên lười không mua (xót tiền nữa).

    ReplyDelete
  3. *_*, lúc đấy có chính trị chính em gi đâu. Nhà em xem thì em cũng xem thôi, có điều em thích cái hùng ca, sự đau khổ rất con người và tâm huyết của Ung Chính (sự tàn bạo của ông thì em hơi le lưỡi ^^). Em chỉ nhớ là có thấy quyển Vương Triều Khang Hi thôi. Ông này cũng hay phết, vừa có công vừa có tội, công cải cách, tội đóng cửa TQ với thế giới. Ông cũng lắm chuyện tình ái nhiều khê.

    ReplyDelete
  4. Ông nào lắm chuyện tình ái nhiêu khê cơ?
    Ung Chính đâu có nhỉ. Nhân vật Ung Chính đến nay đánh giá cũng mâu thuẫn, nhưng có điều chắc chắn là ông bị ghét nhiều hơn ưa thích. Ung Chính có gì đó hơi giống Minh Mạng ở VN, là một vị vua có tài, làm việc chăm chỉ cần cù, rất có ý chí nhưng cũng sắt máu, không nề hà thủ đoạn gì để đạt được mục đích. Dân Tàu hình như rất ghét Ung Chính, có lẽ vì so với thời Khang Hy và Càn Long thì thời Ung Chính chế độ hà khắc hơn mà lại không có cái vinh quang chói lọi như thời Khang Càn. Thế nên trong Thanh Cung 13 triều mới bịa truyện Ung Chính bị một cô gái Hán ám sát chết, chặt đầu long lốc lốc khiến người ta không tìm thấy đầu ông đâu còn Càn Long thì là con của một người Hán (nên mới lập được nhiều chiến tích thế). Chán các anh Tàu AQ thật.

    ReplyDelete
  5. "Hồi xưa từng nghĩ xem nếu mình là Bảo Ngọc thì biết chọn ai trong hai nàng Đại Ngọc và Bảo Thoa nhỉ, chị hay là em đây" - hihi, chắc chắn là không chọn ai cả rùi, hoặc nếu được thì chọn cả hai.

    Dieu nói về Khang Hi đấy chứ.

    ReplyDelete
  6. Bây giờ ở trên VTV3 buổi trưa có chiếu phim " Mối hận Kim Bình" chuyển thể từ Kim Bình Mai ấy, xem cũng được .
    Phim trên TV bây giờ lúc nào cũng có thể xem được,đâm ra chẳng còn cái háo hức chờ đến giờ phim như trước kia nữa, chưa kể bây giờ toàn phim mình xem chẳng thấy hợp gì, được một vài tập là thôi !

    ReplyDelete
  7. Cam ơn a_cup, đúng là Diệu đang nói về Khang Hi, Ung Chình làm vua không đuợc lâu, khi lên ngôi tuổi cũng đã cao, cộng thêm chắc không muốn cảnh huynh đệ tương tàn lúc mình kế nhiệm xảy ra nên thê thiếp không nhiều. Ngoài ra ông thuộc loại ng ham mê công việc, nghiêm khắc chặt chẽ chứ không phóng khoáng cởi mở như cả Khang Hi lẫn Càn Long. Loại ng như ông chắc cũng chẳng có được nhiều ng yêu đâu mà chọn.

    Lịch sử thường miêu tả hơi phiến diện về Ung Chính phần nhiều là do những cải cách không được lòng số đông của ông. Tuy thế, chính sự thắt lưng buộc bụng đã làm trong sạch, cải tổ bộ máy to lớn, có nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều khuyết điểm của thời Khang Hi để đặt nền móng cho cái hào quang sau này của Càn Long. Theo quan điểm của em thì thời Càn Long chẳng có điều gì đáng khen ngợi, chỉ là hưởng lợi từ những chính sách phát triển của KH và kỉ luật của Ung Chính. Hưởng lợi lớn mà không biết đến khó khăn, tiêu xài hoang phí, không lo lắng cho tương lai vì hiện tại đã quá tốt đẹp. Thời Càn Long tuy huy hoàng nhưng là cái ánh sáng chói lọi trước lúc suy vi, nếu vào tay một ng cẩn trọng nghiêm mật thì có lẽ đã kéo dài được lâu hơn.

    ReplyDelete
  8. Em Diệu còn bé mà hiểu biết nhiều nhỉ :P.
    Khang Hy thì anh không rõ lắm vì không đọc/xem nhiều về ông ta, chỉ nhớ mỗi chuyện cậu bé Khang Hy khôn lỏi trong Lộc Đỉnh Ký. Nhưng nếu đọc về Khang Hy thì thấy thời Khang Hy là thời cực trị của TQ và Khang Hy là một vị vua tài năng thực sự hiếm có.
    Anh không hiểu em bảo Khang Hy đóng cửa phương Tây là thế nào. Thời Khang Hy khá cởi mở với phương Tây, trong triều đình ông còn có một số người phương Tây làm quan coi lịch số, thiên văn... Bản thân Khang Hy cũng tỏ ra quan tâm với khoa học phương Tây. Còn việc không mở cửa thông thương thì thực ra chưa phải vấn đề của Khang Hy, thậm chí tới thời Càn Long sau này, đó vẫn chưa phải vấn đề (nước Nhật chỉ mở cửa thông thương tới cả 100 năm sau Khang Hy cơ mà).

    Vai trò Càn Long nhận xét như em cũng đúng nhưng chưa đủ. Đúng là thời Càn Long để lại cái hại nhiều cho con cháu nhưng về lâu dài lại đặt nền móng cho sự bành trướng của đế quốc Trung Quốc. Trước Càn Long, Trung Quốc chưa bao giờ giải quyết được dứt điểm vấn đề biên giới và thường xuyên bị đe dọa bởi các bộ tộc du mục ở Mông Cổ, Tây Tạng, Tân Cương. Càn Long thực hiện nhiều chiến dịch chinh phạt thắng có, bại có, tiêu tốn tiền của nhân lực ghê gớm nhưng cũng là lần đầu tiên thành công trong việc biến các bộ tộc du mục và bán du mục thành lệ thuộc, chấm dứt hoàn toàn cái lo âu biên giới phía Bắc của các vị hoàng đế Trung Quốc trong mấy nghìn năm trước đó. Lãnh thổ TQ ngày nay về cơ bản được định hình từ thời Càn Long. Thế nên cả hai mặt lợi và hại đều có cả.

    Thịnh quá thì tất suy, sau thời Càn Long là nhà Thanh xuống dốc không phanh. Nói chung thì cùng tắc biến, tình trạng này cũng tương tự như thời Hán Vũ đế dẹp Hung Nô, thu Nam Việt, tuy dẹp được hẳn cái họa Hung Nô trong 300 năm, đẩy người Hung Nô vào sa mạc, nhưng cũng từ đó mà nhà Hán suy vi. Hoặc cũng như sau thời Đường Thái Tông đánh Đột Quyết, Cao Ly thì nhà Đường cũng suy vi.

    Kể ra nếu cuối đời Càn Long ngừng các chiến dịch chinh phạt vô vị, không có ích gì ngoài phô phang (vì không phải là mối đe dọa tới biên giới và nội trị) mà lại hao người tốn của như đánh Miến Điện, đánh Việt Nam mà tập trung vào tiết kiệm, xây dựng nước giàu dân mạnh thì nhà Thanh chắc không đến nỗi thế. Nhưng biết làm sao được, một khi người ta đã ở đỉnh cao rồi thì khó bảo họ xuống ngồi ở chỗ thấp hơn lắm. Cũng lại giống với Đường Minh Hoàng, thời trẻ hào hùng thế nào thì tới già trở nên tồi tệ, sa hoa thế đấy (à mà phim Đường Minh Hoàng cũng là phim truyền hình hay).
    Vai trò của Ung Chính thì đúng như em nói, nhờ ông ta nghiêm cẩn, tiết kiệm, chịu khó làm việc (tới kiệt sức mà chết), tàn nhẫn thanh trừng các đối thủ nên tới đời Càn Long mới mặc sức thi thố.

    ReplyDelete
  9. Ngày trước em đọc trên báo thấy có nói đến chi tiết mộ Ung Chính khi khai quật lên thì không có đầu. Việc này chẳng biết thực hư thế nào. Phim Ung Chính hay là do tài năng đạo diễn và giàn diễn viên. Ko nên đọc truyện, phí công. Đại khái như thế mà khác nhau 1 trời một vực.

    Ưu và nhược điểm của chế độ phong kiến tập quyền là một đề tài hay nhưng rắc rối. Nhưng sự hưng thịnh của quốc gia đúng là một phần lớn phụ thuộc vào vai trò của vị vua trị vì. Khi bối cảnh ổn định thì không sao, khi xuất hiện yếu tố khác thì sẽ thấy rõ hơn vai trò của ông vua.

    ReplyDelete