Bài này có một số nhận xét về văn hóa xem kịch hai miền, cũng như tình trạng nói chung về sân khấu ở Việt Nam. Lưu ý, ý kiến của Đinh Bá Anh, người làm ở Viện Goethe là ý kiến của người trong cuộc, nhưng cũng vì thế mà có thể có những bias.
Trích một đoạn:
"
Thành tựu... nửa vời
Rốt cuộc, thật kỳ lạ, khán giả vẫn hiểu vở kịch này "ám chỉ" Việt Nam. Có lẽ vì bản thân câu chuyện đã có gì đó quá giống Việt Nam hôm nay (thì đấy chính là lý do người ta dựng vở kịch này!), thứ nữa là toàn bộ cảnh trí sân khấu và hai bài dân ca Việt Nam, bài "Bèo dạt mây trôi" và "Trống cơm" ở đầu và cuối vở kịch, là những tín hiệu không thể nhầm lẫn rằng vở kịch đang diễn ra ở Việt Nam. Điều này đã khiến cho nhiều khán giả thích thú. Song cũng có nhiều người khó chịu. Một nhà thơ kể với tôi rằng, khi xem vở diễn, vợ ông đã bức xúc: "Tại sao bọn Tây lại sang đây dựng kịch nói xấu Việt Nam mình như thế?" Nhà thơ đã phải an ủi vợ: "Không, kịch của nước nó đấy. Nó nói xấu nước nó chứ không phải nói xấu nước mình!" Xem thế đủ thấy, nếu vở kịch được chuyển tải hẳn vào khung cảnh Việt Nam như bản dịch của Phạm Thị Hoài, trong đó thay vì "Ghi-lần" là "Quy Lầy", thay vì "ông thị trưởng" là "đồng chí chủ tịch huyện", thay vì "cảnh sát trưởng" là "đồng chí trưởng phòng công an huyện"..., nó sẽ gây phản ứng khủng khiếp đến dường nào!
Nếu như các đêm diễn ở Hà Nội nhìn chung có thể coi là thành công và được số đông khán giả cổ vũ nồng nhiệt thì ba đêm diễn ở Sài Gòn tháng 12.2006 lại là một sự thất bại bẽ bàng. Cả ba buổi diễn, giờ giải lao khán giả bỏ về đến non nửa. Ngoài thực tế là âm thanh, ánh sáng ở Nhà hát Lớn Sài Gòn đều tồi hơn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, dẫn tới việc khó theo dõi lời thoại, có lẽ vẫn phải đi đến kết luận là gu xem kịch của hai miền khác nhau quá lớn. Có khán giả nói họ khó nghe giọng Bắc, nhất là lại nói nhanh và không dùng micro. Có người nói, họ không hiểu gu hài kiểu Bắc. Với khán giả Sài Gòn, diễn viên phải thể hiện tất cả ra giọng nói, nếu không phải làm điệu bộ cường điệu một chút khiến họ cười ngay lập tức. Cái gì nói xong phải nghĩ đến một giây mới hiểu thì không thể cười được. Thực tế đúng như vậy. Các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam đã trải qua ba đêm diễn như bị tra tấn, bởi họ không nhận được phản ứng nào của khán giả. Bên trên diễn viên cứ diễn, bên dưới khán giả ngồi yên lặng, như thể có một bức tường kính ngăn giữa hai bên. Và khi không nhận được phản ứng của khán giả, các diễn viên càng diễn càng tệ. Sau ba đêm ở Sài Gòn, một diễn viên "anh cả" của đoàn đã phải trấn tĩnh các đồng nghiệp: "Thôi quên đi, bọn nhà quê này có biết xem kịch đâu mà!". Dĩ nhiên, đó là một lời tự an ủi, bởi thất bại thì vẫn là thất bại, khán giả chẳng có lỗi gì cả.
Nhìn tổng thể, vở kịch Bà tỉ phú về thăm quê vẫn có thể coi là một sự kiện của sân khấu kịch Việt Nam, ít nhất là ở Hà Nội. Bởi người ta phải nhìn vào thực tế. Hà Nội không thực sự có một đời sống sân khấu. Thành phố chỉ có vài nhà hát có thể diễn kịch (so với 50 nhà hát ở Zürich!), trong đó trừ Nhà hát Lớn còn được coi là "đạt chuẩn", các nhà hát còn lại đều ở tình trạng xuống cấp. Các thanh trượt ở Rạp Công Nhân và Rạp Hồng Hà đều đã hoen rỉ, sân khấu thủng lỗ chỗ. Rạp Tuổi Trẻ nhìn có vẻ khang trang, nhưng cái gu thẩm mĩ trong trang trí nội thất ở đó thì thật khủng khiếp. Từ lâu Hà Nội đã không cho ra một vở kịch nào xem được. Ngự trị sân khấu kịch là các vở hài thô thiển, làm theo kiểu mì ăn liền. Tất cả các diễn viên, kể cả những người nổi tiếng nhất, đều không ai sống được bằng kịch. Mỗi diễn viên được nhận 15.000 - 30.000 đồng cho mỗi buổi tập. Ai nấy đều lo chạy sô truyền hình, đóng phim quảng cáo, lồng tiếng, chụp ảnh, làm PR để kiếm thêm thu nhập. Kịch, dù người ta có đam mê đến đâu, rốt cuộc lại chỉ là việc phụ."
2. Một phản ý kiến của một người xem (?) Sài Gòn, chê vở diện dựng dở, xơ cứng, không hợp với cách người Sài Gòn cảm nhận.
Một độc giả NôNêm
A: Có ai thấy X. đâu không? Tôi cần xin kịch bản cho các đạo diễn trẻ của tôi dựng lại.
B: Ai đóng?
A: Tôi chứ ai! Tôi đã thích kịch bản này cách đây gần hai mươi năm, đã định làm ở ngay Nhà hát Thành phố này nhưng không được duyệt. Chỉ người Sài Gòn mới thấm được câu này. “Ðời đã biến tôi thành con đĩ, tôi phải biến cái thế giới này thành cái động đĩ.”
C: Chị H. diễn không hay à?
A: Chị ấy rất hay trong những vở khác. Còn ở đây, đạo diễn đã vẽ ra một “cô giáo” cao đạo, lúc nào cũng muốn rao giảng triết lý phục thù sang trọng nhìn xuống dân hèn, viên chức lấp xấp dưới chân. Ông ta quên mất cái chất tinh ranh của bà tỉ phú lúc còn là con mén trong làng, lớp vỏ tỉ phú vẫn không che đậy được gốc gác văn hóa lùn của một quá khứ bị làm điếm rẻ tiền.
B: Tôi đi về đây. Chịu hết nổi rồi. Một kịch bản hot như vậy, sao lại được dựng lạnh lẽo, thiếu những ngọn lửa âm ỉ bên trong chỉ muốn bùng lên lần cuối của một thành phố trong cơn hấp hối.
C: Vài anh chị diễn viên ngoài Hà Nội gọi vào hỏi “Chúng mày đi xem ‘Những tảng nước đá về làng’ chưa? Nhớ mang theo áo ấm!”
D: Có lẽ những người thực hiện đã không cảm được cái chất “đĩ, điếm” của bọn nhà-giàu mới-vô-học đổ vào từ nhiều hướng, mà những người dân, đặc biệt những trí thức thanh bạch, trong đây phải hứng chịu.
A: Rồi mọi người coi! 2006, Sài Gòn sốt vé vì Người vợ ma của sân khấu Phú Nhuận, Con ma trong nhà hát của sân khấu Idecaf, sang năm 2007 sẽ sốt vé vì vở này do chúng tôi dựng lại theo cách cảm nhận của chúng tôi. Giờ thì không lo kiểm duyệt ngăn chặn nữa. Theo thông lệ, Hà Nội dựng trước rồi là mình làm được.
D: Tuỳ! Những con thú thủy tinh của Tennessee Williams do Ðoàn Khoa dựng trong đây bị cấm, trong lúc ở Hà Nội thì đạo diễn Mỹ dựng, rồi đem vô đây diễn, lại chẳng sao.
C: Nghe nói lý lịch người dịch có vấn đề.
E: Chớ không phải vở do đạo diễn nước ngoài thì dựng bằng đô, còn tụi mình thì làm bằng tiền của chính mình à?
B: Bàn những chuyện này, sao thấy ai cũng nhảy chồm chồm, người rừng rực lửa. Nhưng hết giờ giải lao, đành phải về thôi. Kiếp trước có làm ác cũng không nên phạt tôi vào kia ướp lạnh.
D: Chui vô xem lại, tôi chết ngay tại chỗ cho mấy người coi.
ý em rất đơn giản, cả hai miền thực chất đều nông cạn và ở mức độ phát triển thấp cả, những thứ "sâu sắc nho nhã thâm thúy" là những thứ ảo tưởng tự phong của các cụ, Việt Nam thì còn phải phấn đấu nhiều khó mong gì hơn. Nhưng cái làm em rất khó chịu, là có một miền luôn cho văn hóa của mình là nhất nhất, miền khác gu nghệ thuật kém kén chọn hơn, gu ăn uống kém thanh lịch hơn nên không thưởng thức được... trong khi về văn hóa ứng xử dịch vụ, phát triển kinh tế, độ chuyên nghiệp của các ngành nghề thì đều tụt hậu hơn...đến mình gốc gác từ đó ra mà còn không thể thương được cái thái độ đó hỏi làm sao dân các miền khác không nổi giận!
ReplyDeletetôi nghĩ khán giả Sài Gòn họ hết ưa cái kiểu cay cú của kịch Hà Nội. Với họ, những trò cay cú thâm hiểm không thuộc về thế giới của họ. Họ không cười dù họ biết rằng trên kia, những người diễn kịch đang cố mỉa mai, châm chích.
ReplyDeleteGọi đám khán giả không cười là nhà quê, nên kịch 'thị thành Hà Nội' vẫn không có khán giả mãi là thế.
Những vở ăn khách của Hà Nội, những vở hài kiểu Gặp nhau cuối tuần, xem hoài chẳng hiểu vì sao người Hà Nội cười thích thú, mình thì thấy vừa nhạt thếch, vừa rẻ tiền... Biết làm sao bây giờ, gu cười của hai miền chẳng hề đụng nhau. Mà có khi đụng nhau, nhưng Người Hà Nội Tràng An có thể cười ở nhà khi xem truyền hình (không ai thấy) nhưng phải tỏ vẻ 'tràng an văn minh' ở nơi công cộng, không dám cười ở nhà hát và cố cười ở nơi công cộng để tỏ vẻ mình, cũng như bao người có văn hoá khác, thuộc về tầng lớp trí thức văn hoá cao.
Người Sài Gòn dại dột, xem buồn cười thì cười, xem xúc động thì khóc, nên luôn bị mang tiếng 'rẻ tiền'
Nói về kịch, cũng nói thêm về phim. Tui đi đâu phỏng vấn về phim ảnh, ai cũng bảo 'Em chỉ thích xem phim Hà Nội làm thôi, chứ phim Sài Gòn làm toàn là mì ăn liền. Phim Hà Nội nghệ thuật hơn'... Chà, tôi hỏi 'Thế em thích phim Hà Nội nào'... 'dạ, em thích phim... em bé Hà Nội!' Định kiến phim Hà Nội nghệ thuật hơn phim Sài Gòn ăn sâu vào đầu óc của người ta, bật ra là nói mà chả cần xem qua, biết qua. Nếu nhìn lại điện ảnh VN trong nhiều năm gần đây, những phim có khách là phim Sài Gòn làm, khỏi bàn cãi (Gái nhảy, Trai nhảy, đàn ông có bầu, Đẻ mướn), nhưng những phim đoạt giải các LHP thì cũng có phải là phim Hà Nội đâu? Mùa len trâu, thời xa vắng, Mê thảo thời vang bóng là những phim của hãng phim Giải phóng, cũng là hãng phim Sài Gòn làm. Những phim Ký ức Điện Biên, Giải Phóng Sài Gòn, Cầu Ông Tượng tiêu tốn hàng chục tỷ đồng không ma nào xem mới là đặc trưng phim Hà Nội. hay phim mới đây là phim Khi nắng thu về của Bùi Trung Hải, tung hê 'phim làm theo phong cách mới, rất nghệ thuật v.v...' gì đó cũng bị báo chí đập cho tan nát. Nào đã hết, các giải thưởng 'gọi là vinh dang nghệ thuật' như Cánh Diều Vàng thực chất là của một nhúm người Hà Nội trao cho nhau, cũng viện lý do là phim Hà Nội có giá trị nghệ thuật hơn. Ai có xem qua cái phim Trò đùa thiên lôi mấy năm trước đoạt giải mới ngất xỉu, vì phim còn tởm lợm ẹ hơn điện ảnh chiều thứ bảy trên VTV (mà phim này gớm tới nổi trao giải ba năm mà vẫn chưa ra rạp vì không ai dám chiếu, nên anh Minh Tiệp tới nay vẫn tự hào khoe khoang phim anh nghệ thuật siêu cấp vô địch). Ngoài các giải tự trao đó, phim Hà Nội cũng không kiếm nổi các giải thưởng quốc tế. Trong Sài Gòn, đa phần người ta tự làm phim để sống, bằng tiền túi của họ, chứ có phải bằng tiền ngân sách đâu? Làm phim còn phải lo làm sao kiếm lại tiền, chứ có sướng như các anh em đạo diễn Hà Nội vung tiền bạc tỷ mà chả cần lo có ma nào ra rạp xem cả.
(Ngẫm lại, cái phim 39 độ yêu nổi đình nổi đám thực chất là phim Hà Nội chứ còn gì, hãng BHD trụ sở chính ở Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cũng là người Hà Nội, em Hồ Ngọc Hà và anh Bình Minh cũng dân miền Bắc cả, thôi thì gom vô Hà Nội cho tiện, mà người ta cũng bảo phim Bắc với phim Nam chứ không phân biệt Sài Gòn hay Hà Nội mà! 39 độ yêu đích thị phim Bắc đấy. Nghe bạn tôi bảo, phim ấy chiếu ngoài Hà Nội, cháy vé mấy ngày, vé chợ đen lên tới cả trăm ngàn!!! Cũng tương tự là phim Lấy vợ Sài Gòn ra Hà Nội cũng sốt vé. Thế nên, nhiều khi sự thật cũng phũ phàng lắm.
Ôi comment dài quá, tớ chưa đọc hết. Dạo này em cực kỳ ác cảm với "hài kịch" Hà nội. Lần trước được cho đôi vé, xem đến nửa buổi hai vợ chồng chả cười được, đứng dậy đi về. Nói chung Hà nội chưa có Công nghệ giải trí. Còn những thứ đội lốt "sâu sắc nho nhã thâm thuý Bắc Kỳ" thì dạo này chỉ dừng lại ở mức lá cải :P
ReplyDeleteBạn phanxine có vẻ bức xúc, hihi. Ý kiến trên cũng chỉ là 1 của một người Hà Nội và người này (Đinh Bá Anh) có thể bị bias vì anh ta là người viện Goethe tức là đơn vị tài trợ vở kịch này, nên việc vở kịch không được đón nhận nhiệt tình ở Sài Gòn có lẽ khiến anh ta cảm thấy khó chịu, và quy kết một phần nguyên nhân là do thị hiếu của người Sài Gòn khác người Hà Nội. Tớ cũng post thêm ý kiến của một người xem Sài Gòn về vở kịch này để có một cái nhìn khác.
ReplyDeleteMà ngay ở đoạn dưới thì chính ĐBA cũng đồng ý là hài kịch ở miền Bắc hiện nay rất tệ "Từ lâu Hà Nội đã không cho ra một vở kịch nào xem được. Ngự trị sân khấu kịch là các vở hài thô thiển, làm theo kiểu mì ăn liền."
"Lấy vợ Sài Gòn" ra Hà Nội sốt vé là đúng rồi bạn phanxine. Có phải phim đấy nói về kinh nghiệm lấy vợ Sài Gòn? Thế thì tớ mà ở HN, tớ cũng đi xem :D
Thật ra chỉ là sự khác biệt thôi. Người Bắc không thích cách hài của người Nam vì người Bắc vốn quen cái cách nói ý nhị; người Nam không cười được trước kiểu "thâm thuý" của người Bắc vì họ vốn khoáng đạt, bỗ bã... Nói như vậy đâu có nghĩa là vùng/miền này thấp hơn vùng miền khác về mặt văn hoá?
ReplyDeleteCòn về phim và kịch của Vn, thì miễn bàn luận. Mình có xem vài vở của sân khấu Indecaft, thấy cũng tàm tạm vì có sự sáng tạo nhất định, nhưng vì vốn vẫn ăn sâu cái cách cảm nhận của người Bắc (dù mình chỉ có 1/2 là dân bắc thôi) nên không thấy hợp gu.
Kịch bản của nước ngoài, đạo diễn cũng là người nước ngoài, vậy thì ko thể nói đây là kịch Bắc được rồi.
ReplyDeleteBa buổi biểu diễn thất bại ở SG chưa nói lên được điều gì. Lao động nghệ thuật nào cũng cần sự đam mê và khổ công. Ba buổi diễn thất bại thì đã nhằm nhò gì?
Thực tế là nghệ thuật sân khấu và điện ảnh VN vẫn đang ở gần con số 0. Thứ nhất, ko có người viết kịch bản giỏi. Thỉnh thoảng vẫn phải vay mượn từ các truyện ngắn, nhưng ngay cả việc chuyển thể kịch bản cũng ko thành công nốt. Tiếp tục bàn sang đạo diễn, tôi có cảm giác các đạo diễn VN chưa có khả năng sáng tạo thực sự. Các ý tưởng của họ còn mang tính ước lệ khá chung chung. Chưa thực sự làm ra được sản phẩm có tính sinh động máu thịt. Tiếp theo bàn sang diễn xuất của diễn viên, có lẽ cũng không cần bàn nhiều vì đạo diễn có giỏi thì diễn viên mới diễn hay được.
Cuối cùng mới tới thị hiếu khán giả. Cái này thực ra ko có gì đáng bàn. Vì khán giả phải được trải nghiệm qua nhiều tác phẩm hay đã, khi đó cách họ phản ứng thế nào mới đáng quan tâm. Một môi trường nghệ thuật tẻ nhạt gần với con số 0 thì khán giả phản ứng ra sao đâu còn quan trọng nữa?
phần thừa mứa chỉ là phần DVD lậu thôi, thượng vàng hạ cám có đủ, không phải lúc nào cũng có phụ đề đàng hoàng mà xem, DVD vẫn thích hợp nhất với giới trẻ hơi rủng rỉnh :D
ReplyDeleteCòn các thể loại khác, cũng là các thể loại khó nhằn hơn như mỹ thuật, sân khấu, múa, nghệ thuật tạo hình nói chung thì cũng làm gì có gì mà tiếp cận, người trong ngành tự thân vận động biết cái gì hay cái nấy thôi chứ công chúng thì no clue ...
Cuối cùng mới tới thị hiếu khán giả. Cái này thực ra ko có gì đáng bàn. Vì khán giả phải được trải nghiệm qua nhiều tác phẩm hay đã, khi đó cách họ phản ứng thế nào mới đáng quan tâm. Một môi trường nghệ thuật tẻ nhạt gần với con số 0 thì khán giả phản ứng ra sao đâu còn quan trọng nữa? --> rất thích ý kiến này của bạn Le. Khán giả VN thiếu thốn quả nhiều. mà thật ra không có thiếu thốn, cũng có thể dư thừa nhưng lười biếng không xem. Chả biết nữa. Ở VN xem đồ lậu thoải mái, giờ thời đại Internet rồi, mún tìm gì lên mạng load về. Ở Mỹ, tui bị hù hoài nên chả dám down phim lậu. Nhưng vô thư viện xem cũng được, phim gì cũng có, sách gì cũng có, hehe
ReplyDelete