John Banville
Nhẹ mà nặng
Võ Tấn Phong dịch
Đọc lại, sau 20 năm, cuốn sách được coi là một tác phẩm cổ điển của thời hiện đại, tôi đã bị sốc bởi tôi còn nhớ lại rất ít. Khi bắt đầu đọc lại Đời nhẹ khôn kham, cuốn tiểu thuyết của Milan Kundera về tình yêu và chính trị ở nước Tiệp Khắc cộng sản giữa năm 1968 và đầu thập kỷ 1980, tôi đã nhận ra rằng, đúng như đầu đề của nó, cuốn sách đã lơ lửng trôi ra khỏi tâm trí tôi như khinh khí cầu lênh đênh trôi khỏi những sợi dây ràng buộc nó. Tôi đã gắng tìm lại một vài mảng nhỏ - người đàn bà khỏa thân đội mũ dạ tròn mà tất cả chúng ta đều nhớ, cái chết của một con chó cưng, một cái bàn cầu được so sánh với một bông huệ trắng vươn lên từ phòng tắm, và sự kiện tên tuổi của Nietzsche xuất hiện ở hàng đầu tiên của trang đầu tiên – nhưng về những nhân vật tôi chẳng lưu giữ lại chút gì, thậm chí cả tên họ.
Tại sao chỉ còn chừng đó lưu lại trong tôi? Có phải đó là kết quả của một trí nhớ đang suy giảm, hay quả thực cuốn sách thực sự phi trọng lượng? Đời nhẹ khôn kham đã thành công khác thường khi nó được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1984 (mùa thu này sẽ có ấn bản kỷ niệm của NXB Faber). Đây là một cuốn tiểu thuyết được thừa nhận là “hậu hiện đại" trong đó tác giả đã bỏ đi rất nhiều thứ chúng ta chờ đợi ở một cuốn tiểu thuyết, như những nhân vật tròn trĩnh – “Sẽ vô nghĩa nếu tác giả cố thuyết phục độc giả rằng những nhân vật của y đã có lần thực sự sống" – một không gian có thật, một cốt truyện sắp xếp hợp lý, và trong đó có những đoạn dài về suy xét thuần triết học hay chính trị, tuy vậy nó đã trở thành cuốn sách bán chạy khắp thế giới, được cả các nhà phê bình và công chúng yêu thích như nhau.
Như mọi thành công nghệ thuật ngay tức thời và to lớn, cuốn sách của Kundera ắt phải truyền cảm trực tiếp được vào "lỗ tai" đương thời. Vào năm 1984 cái nhìn bi thảm của Orwell về một thế giới bị cai trị bởi những ý thức hệ toàn trị được coi như sự tiên đoán đáng sợ, đặc biệt từ quang cảnh của những quốc gia khối Đông Âu. Cuộc chiến tranh lạnh đang ở vào một trong những giai đoạn nóng hổi nhất, với Reagan ở Nhà Trắng và Andropov ở Kremlin. Tuy nhiên trong những năm đen tối đó, những ai có thính giác đủ nhạy có thể nhận ra tiếng cọt kẹt yếu ớt của chỏm băng khi nó bắt đầu dịch chuyển. Kundera là một trong những cái tai thính nhất nghe được sự tan vỡ của một trật tự quốc tế.
Khi Đời nhẹ khôn kham được xuất bản, tác giả đã sống ở Pháp nhiều năm rồi, và cuốn sách cho thấy ảnh hưởng của Rousseau và Stendhal nhiều hơn là của Kafka hay anh em Capek. Kundera là một đứa con của Khai sáng, và không chút lưỡng lự khi tranh đấu cho lý trí trước tình cảm. Như đã thường làm trong những tiểu luận cũng như trong tiểu thuyết, ông chỉ ra rằng phần lớn những thảm họa kinh khủng nhất mà nhân loại đã trải qua là do những kẻ cuồng nhiệt đi theo sự chỉ dẫn của con tim gây ra.
Kundera bị thôi miên sâu đậm bởi kitsch và ghê tởm kitsch, một khái niệm cứ trở đi trở lại trong tác phẩm của ông. Trong Đời nhẹ khôn kham ông viết về một nhân vật, cô họa sĩ người Séc tên Sabina lúc đó sống ở Mỹ, được đi trên xe của một Thượng nghị sĩ Mỹ khi ông này ngừng lại để những đứa con nhỏ của ông chơi đùa trên bãi cỏ trong nắng. Đối với ông, Thượng nghị sĩ tuyên bố, hình ảnh của những đứa trẻ nô đùa là định nghĩa thuần tuý của hạnh phúc, chính ở lúc đó vụt thoáng qua đầu Sabina hình ảnh của ông Thượng nghị sĩ trên khán đài ở Praha mỉm cười hiền lành hướng xuống cuộc diễu hành trong ngày lễ Lao Động.
“Cách nào ông Thượng nghị sĩ biết trẻ con có nghĩa là hạnh phúc? Ông nhìn thấu suốt tâm hồn chúng được ư? Giả như, lúc không có người lớn xung quanh, ba đứa xúm vào và đánh đập đứa thứ tư thì sao?"
“Ông Thượng nghị sĩ có câu biện giải duy nhất cho ông: cảm quan của ông. Khi trái tim ông phát biểu, đầu óc ông không được sỗ sàng phản đối. Trong thế giới của kitsch, trái tim độc tài thống trị trên đỉnh cao tối thượng".
Những suy xét đó dẫn Kundera đến một công thức: “Tình thương huynh đệ giữa con người trên mặt quả đất này chỉ có thể tồn lưu trên cơ bản kitsch".
Sabina là một trong bốn nhân vật dạo nên những biến tấu phức tạp trong số ít những sự kiện của cuốn sách. Những người khác là Tomas, một bác sĩ giải phẫu tài năng vốn bất đồng với chính quyền Sécvà kết cục phải làm nghề lau chùi cửa kính; vợ anh tên Tereza, một cô hầu bàn chụp ảnh những sự kiện trên đường phố Praha khi Séc bị Nga Xô xâm lược vào năm 1968, chỉ để sau đó nhận ra rằng một cách không ý thức cô đã phục vụ cho cảnh sát mật bằng cách cung cấp cho họ hình ảnh để nhận diện những người chống đối; và giảng sư đại học Franz, người tham gia vào một vụ biểu tình cấp tiến, hợp thời trang chống lại Khmer Đỏ và chết dưới tay những tên cướp ở Bangkok.
Người anh hùng của cuốn sách, nếu có, là Tomas. Giống như tất cả nhân vật nam của Kundera, anh có một tính cách hơi rờn rợn, lý trí đến độ lạnh lùng tuy vậy là một tên trai chơi nhiệt tình và thậm chí, trong những hồi sau của cuốn sách, tận tâm cuồng nhiệt – Tereza nhận thấy anh đã phản bội cô khi cô nhận ra cái mùi lạ lùng cô ngửi được trong tóc anh trên giường mỗi tối là cái mùi háng của những cô nhân tình của anh.
Một ngày Tomas thấy là những người cộng sản già nua thừa nhận rằng sẽ không có thiên đường xã hội chủ nghĩa trên mặt đất, nhưng họ bảo vệ những hành động trước kia bằng cách khăng khăng rằng họ đã thành thật tin tưởng một hình ảnh lý tưởng như thế là có thể xảy ra, thì nên theo gương của Oedipus, dù không biết về tội ác mình đã phạm, vẫn chọc mù đôi mắt khi khám phá những tai họa chàng gây ra một cách không ý thức. Khi bản văn này được in ra trong mục thư từ của một tờ báo chống chính quyền ở Praha, Tomas bị đuổi việc và phải hành nghề ở một thị trấn nhỏ; tuy nhiên, bản chất của chế
độ toàn trị là không bao giờ quên, và cuối cùng anh bị đẩy khỏi ngành y tế hoàn toàn và thay vào đó làm nghề lau chùi cửa kính, mà anh ngạc nhiên thấy rằng nó thích hợp, không chỉ vì sự “khinh phù" đột ngột của đời anh, mà bởi vì công việc cho anh những cơ hội không dứt để tán tỉnh ăn nằm với nhân tình.
Kundera là người ít phán xét nhất trong số những nhà đạo đức. Khi Franz bảo Sabina rằng một nhà triết học có lần kết tội anh là không có gì trong những công trình của anh trừ “những suy xét không được kiểm chứng", ta không thể không nghĩ rằng một lời kết tội như thế có thể đã được chĩa vào Kundera. Giữa mớ lý thuyết mệt mỏi đó, đoạn cảm động nhất trong cuốn sách liên quan đến cái chết của con chó Karenin của Tereza và Tomas, một “nhân vật" tuyệt vời, và được vẽ ra sống động hơn bất kỳ ai trong những nhân vật loài người của ông. Giống như JM Coetzee, một nhà văn mà ông tương đồng ở nhiều điểm, Kundera luôn là người bảo vệ nhiệt thành thú vật, không chỉ vì tình cảm giản đơn, mà ở niềm tin chắc rằng bằng lối đối xử với thú vật chúng ta để lộ ra sự ngạo mạn thuộc bản chất và không thể tha thứ được của chúng ta như một chủng loại.
“Lòng lương hảo thật sự của con người, ở dạng đơn thuần và thanh khiết nhất, chỉ có thể bật ra khi kẻ đón nhận không hề có chút quyền thế nào. Bài trắc nghiệm đạo đức của con người, bài trắc nghiệm cơ bản (nằm sâu dưới bề mặt), bao gồm thái độ con người đối xử kẻ dưới tay: đó là loài vật. Và ở khía cạnh này con người vướng phải thất bại cơ bản, cơ bản đến nỗi tất cả những thất bại khác đều từ đó mà ra."
Những thấu hiểu như vậy tạo cho Đời nhẹ khôn kham tầm lớn lao của nó. Một tiểu thuyết, ngay cả một tiểu thuyết bởi một nhà văn dấn thân như Kundera, phải được phán xét trên bình diện nghệ thuật, chứ không phải vì sức nặng đạo đức, xã hội hay chính trị của nó. Điều khác thường, tuy vậy, là một tác phẩm cắm rễ thật chặt vào thời điểm của nó lại chưa bị lỗi thời. Thế giới, và đặc biệt là phần thế giới mà chúng ta thường gọi, với sự cẩu thả cao ngạo là Đông Âu, đã thay đổi sâu sắc kể từ năm 1984, nhưng cuốn tiểu thuyết của Kundera dường như vẫn còn phù hợp với thời nay như ở lần xuất bản đầu tiên. Sự phù hợp, tuy nhiên, chả là gì so với cảm giác của đời sống được cảm thông mà những nhà tiểu thuyết vĩ đại truyền đạt lại. Và sự khinh phù, trong nghệ thuật, thường giống như là sự mỏng manh.
© 2004 talawas
Chú thích: Tất cả phần dịch Việt của các trích dẫn từ bản tiếng Anh được lấy từ bản dịch Đời nhẹ khôn kham của Trịnh Y Thư.
Nguồn: John Banville, Light but sound, The Guardian
Bài này hay quá anh ơi.
ReplyDeleteĐời nhẹ khôn kham có phải là The unbearable lightness of being, phải ko anh? Em có đọc qua bản tiếng Tiệp rồi.
ReplyDeleteĐúng rồi em ạ. Em thấy cuốn đó thế nào? Mà em đang ở Tiệp à?
ReplyDelete"And lightness, in art, more often seems like slightness." = "Và sự khinh phù, trong nghệ thuật, thường giống như là sự mỏng manh."
ReplyDeleteDịch chẳng ra làm sao cả.