Tư Tưởng và Thi Ca
Chân nhân đời xưa đưa ra một “chủ thuyết” nào, đều có như là tình phi đắc dĩ. Chẳng đừng được mà phải nói. Nói ra, mà vẫn có chỗ như là chẳng có muốn nói ra.
Chẳng đừng được mà phải nói tới nhân nghĩa lễ nghĩa, như Khổng Tử. Chẳng đừng được mà phải nói bỏ nhân nghĩa lễ nghĩa đi, như Lão Tử. Chẳng đừng được mà viết tề vật luận, như Trang Tử.
Trang Tử thường dùng phép “chi ngôn”, ấy là bởi ông đứng ngay giữa cơn lốc của sự tình bất đắc dĩ: muốn gát bỏ chuyện thị phi, mà vẫn cứ bị bó buộc phải nêu mãi chuyện thị phi.
Ta thường đem tư tưởng Khổng Lão Trang ra đối kháng nhau (kẻ chủ trương vô vi, kẻ hữu vi, kẻ xuất thế, kẻ nhập thế …) nhưng nếu xét tới cái lẽ “sở dĩ nhiên” của những chủ trương “trái ngược” kia, ắt mọi lời phân biệt phải dừng lại. Mọi lời biện bác bỗng có tính cách phù phiếm.
Và dường như không còn ai còn có thể đưa ra được một “tổng hợp” dưới hình thức một học thuyết.
Sau ba cái khối Khổng Lão Trang, tư tưởng Trung Hoa đã đi vào phiêu nhiên trong cung bậc Đường Thi. Rồi nó kết tinh trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện Kiều là chỗ dung hợp của Khổng Lão Trang Phật.
Người tư tưởng không còn dám viết gì về tư tưởng nữa. Trang Tử tái sinh sẽ nghĩ sao về cuốn Nam Hoa Kinh của ông? Ông sẽ viết một bộ Tân Nam Hoa Kinh, hay là ông hồn nhiên ngâm câu thơ Hồ Dzếnh?
Thơ về nắng sớm lừng lay
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra
Gấp đi cánh phượng cho ngày rạng ra
Hoặc câu thơ Xuân Diệu?
Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ
Giữa đáy trưa trong lòng mẹ vô cùng
Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió
Mẹ là trời con là hạt sương rung
Sương uống mãi chẳng bao giờ hết sáng
Của trời cao chói lọi mỗi chiều ngày
Sáo ca mãi, lòng tre run choáng váng
Gió vẫn đầy ngàn nội bốn phương bay
Giữa đáy trưa trong lòng mẹ vô cùng
Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió
Mẹ là trời con là hạt sương rung
Sương uống mãi chẳng bao giờ hết sáng
Của trời cao chói lọi mỗi chiều ngày
Sáo ca mãi, lòng tre run choáng váng
Gió vẫn đầy ngàn nội bốn phương bay
Thơ như thế là cái chốn của “tâm vô thố hồ thị phi, hưu hồ thiên quân”.
(Trong Thi ca tư tưởng- Bùi Giáng).
No comments:
Post a Comment