Công đoàn : « hữu danh vô thực ! »
Theo những thống kê chưa đầy đủ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ), chỉ trong ba tháng đầu năm 2006 đã xẩy ra 197 cuộc đình công, tức nhiều hơn cả năm 2005 về số vụ lẫn số người lao động tham gia. Xét về mặt pháp luật lao động, tất cả các cuộc đình công này -cũng như 1000 cuộc đình công xẩy ra từ năm 1995 (năm ban hành bộ luật lao động) đến năm 2005 - đều là « bất hợp pháp » theo nghĩa không do công đoàn lãnh đạo và tổ chức [Diễn Đàn số 159 và 160].
Thừa nhận tình trạng đó, bản báo cáo mới đây của TLĐLĐ giải thích rằng một trong những nguyên nhân là « công đoàn cơ sở còn yếu kém, mờ nhạt nên không đại diện, không bảo vệ được quyền lợi cho người lao động ». Chủ tịch TLĐLĐ Cù Thị Hậu, thẳng thắn hơn, cho rằng « cơ chế của chúng ta không cho phép công đoàn đứng ra bảo vệ công nhân » [Thời báo Kinh tế Sài Gòn 16.3.06]. Trưởng ban pháp luật TLĐLĐ Lê Thanh Khương môt tả cơ chế này như sau. Một mặt, chủ tịch của công đoàn cơ sở là thành viên của ban giám đốc doanh nghiệp, thực chất là thuộc về giới chủ : « Người làm chủ tịch công đoàn lại đồng thời là phó giám đốc hoặc quản đốc phân xưởng, thậm chí còn là giám đốc điều hành, ăn lương của ông chủ 5 triệu, 6 hay 7 triệu, thậm chí có người tôi biết được trả tới 15 triệu. Luôn luôn bên cạnh ông chủ thì làm gì họ có thể hy sinh quyền lợi của mình để bảo vệ người lao động ». Mặt khác, muốn tổ chức đình công, công đoàn cơ sở phải báo cáo trước đó với đảng bộ Đảng cộng sản của doanh nghiệp : « Đảng bộ là ai ? Bí thư là ai ? Thường là giám đốc với phó giám đốc. Chính cơ chế ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’ này khiến công đoàn không thể tổ chức đình công » [Vietnamnet 27.3.06].
Một cuộc điều tra do Viện lao động xã hội thực hiện trong 24 doanh nghiệp cho biết chỉ có 16 % người lao động nghĩ rằng công đoàn có một vai trò trong giải quyết tranh chấp lao động. Một nghiên cứu khác của tổ chức Mêkong Economics trong ngành dệt may cho thấy hoạt động chủ yếu của công đoàn là cung cấp cho người lao động những « dịch vụ xã hội » : tặng quà vào các dịp lễ lớn (Tết, Ngày phụ nữ, Ngày thiếu nhi...), sinh hoạt văn hoá, thể thao, du lịch hay cho vay tiền không có lãi suất. Trong một cuộc hội thảo của TLĐLĐ với Tổ chức lao động thế giới (ILO) đầu tháng 4 vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia của ILO có đề nghị với TLĐLĐ tìm giải pháp giảm thiểu các cuộc đình công « tự phát » trong sự cải thiện quan hệ lao động, hoá giải những tranh chấp giữa chủ nhân và người làm công bằng cách « tăng cường đối thoại xã hội » trong một cơ chế ba bên gồm công đoàn, giới chủ và nhà nước. Các chuyên gia của TLĐLĐ đều tán thành giải pháp này nhưng cho biết nó khó khả thi ở Việt Nam, bởi vì « cả công đoàn, phòng thương mại và công nghiệp, liên minh các hợp tác xã đều là của nhà nước, lấy gì... ‘đối thoại xã hội’ ? » [Lao Động 5.4.06].
Để công đoàn không còn « hữu danh vô thực », ở nhiều cuộc hội thảo khác, lãnh đạo TLĐLĐ có đề xuất một cơ chế mới theo đó « cán bộ của công đoàn cơ sở ăn lương của tổ chức công đoàn, không kiêm nhiệm » trọng trách khác trong doanh nghiệp và, « ở cấp trung ương, TLĐLĐ cũng phải trở thành một tổ chức có tính độc lập bảo vệ quyền lợi của người lao động » [Thời báo Kinh tế Sài Gòn 16.3.06]. Nếu quả như vậy thì, sau hơn mười năm đứng ngoài các cuộc đình công đấu tranh đòi quyền lợi của người lao đông, công đoàn có một bước đầu đổi mới tư duy đáng chú ý.
Luật về đình công : « công cụ không chế người lao động ! »
Có thể nắm bắt chiều hướng nói trên trong quyết định vừa qua của TLĐLĐ bác bỏ dự án của chính phủ sửa đổi bộ luật lao động và kiến nghị yêu cầu quốc hội không thông qua dự luật đó « vì nó sai cơ bản từ phương pháp luận, giống như kiểu ‘nhức đầu’ lại kê thuốc... ‘tiêu chảy’ ». Phải nói rằng chính phủ đã trình Uỷ ban thường trực quốc hội một dự án sửa đổi luật khó hiểu nổi : Sau khi xác nhận rằng hầu hết các cuộc đình công từ 10 năm qua xuất phát từ chỗ người sử dụng lao động vi phạm những qui định của luật lao động, đẩy người lao động sử dụng hình thức đình công để đấu tranh bảo vệ quyền của mình, tờ trình của bộ trưởng lao động-xã hội Nguyễn Thị Hằng lại chủ trương duy trì qui định không cho phép người lao động bảo vệ « quyền » (quyền lợi do pháp luật qui định) bằng đình công, mà chỉ được giải quyết loại tranh chấp đó ở hội đồng hoà giải và toà án. Quyền đình công của người lao động chỉ dành cho những tranh chấp về « lợi ích » (lợi ích cao hơn các qui định của luật pháp). Theo đánh giá của ông Lê Thanh Khương (trưởng ban pháp luật TLĐLĐ), « dự án luật chỉ chăm chú sửa thủ tục đình công về ‘lợi ích’ chưa từng xảy ra ở Việt Nam, nghĩa là... ‘lạc đề’ vì nó không liên quan gì đến hơn 1.000 cuộc đình công vừa qua » [Lao Động 17.3.06]. Hay như công đoàn Tổng công ty dệt may nhận định, người lao động tiếp tục bị « đặt ra ngoài vòng pháp luật khi đấu tranh đòi quyền lợi » mà pháp luật đã qui định [Lao Động 20.3.06].
Hơn thế nữa, ông Nguyễn Duy Vy (phó trưởng ban pháp luật TLĐLĐ) cho biết bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng còn chuẩn bị trình c
hính phủ một nghị định, theo đó người lao động tham gia đình công không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng [Vietnamnet 14.3.06]. Trong khi ấy thì nhà nước để cho tình trạng giới chủ xâm phạm quyền của người lao động trở nên phổ biến và kéo dài : đội ngũ thanh tra lao động, mà nhiệm vụ là phát hiện và xử lý những sai phạm trong doanh nghiệp, không những quá mỏng mà hầu như chỉ tiếp xúc với giới chủ. Trong điều kiện đó, theo ông Lê Thanh Khương, các qui định về dình công trong bộ luật lao động, vô hình trung, « trở thành công cụ dùng để khống chế người lao động » [Lao Động 17.3.06]
Trong tranh chấp về quyền, TLĐLĐ đòi bộ luật lao động phải qui định người lao động có quyền đình công, hay chí ít « quyền ngưng việc », khi người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình [Lao Động 4.3.06]. Công đoàn Tổng công ty dệt may còn khẳng định : « Chừng nào quyền chính đáng của người lao động được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành còn bị người sử dụng lao động vi phạm ; chừng nào cơ quan quản lý nhà nước còn không ngăn chặn, chế tài kịp thời thì người lao động còn tiếp tục đấu tranh đòi quyền » [Lao Động 20.3.06]. Không những thế, người lao động đã bắt đầu biết sử dụng luật lao động để đấu tranh, và một lãnh đạo công đoàn báo trước : « Nếu yêu cầu của chúng tôi không được giải quyết, chúng tôi sẽ vẫn vào làm, nhưng cứ tới đợt cao điểm giao hàng chúng tôi sẽ đồng loạt tự ý nghỉ việc bốn ngày, rồi đi làm lại. Để xem lúc đó công ty có thỏa thuận lại không. Công ty không thể đuổi việc vì luật qui định tự ý bỏ việc năm ngày mới xử lý được » [Tuổi Trẻ 8.3.06]
Qua các hội nghị công đoàn vừa qua, người ta còn được nghe ý kiến cho rằng, ở những doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở hay công đoàn cơ sở kém cỏi, TLĐLĐ cần công nhận hiện thực các cuộc đình công do những tập thể đại diện người lao động, ngoài công đoàn, đứng ra tổ chức. Và có thể nói rằng : cho đến khi nào công đoàn chưa chấp nhận từ bỏ độc quyền lãnh đạo đình công - thật ra là độc quyển ‘ảo’ - ghi trong bộ luật lao động thì TLĐLĐ sẽ khó lòng đi tiếp quá trình tự đổi mới mình.
(Hải Vân soạn tin và bình luận)