Thursday, February 8, 2007

Giăng lưới bắt chim và Ngồi



1. Giăng lưới bắt chim- Tập tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp. Ban đầu, tôi không kỳ vọng gì nhiều vè cuốn sách này vì thấy có một số bạn chê nó. Hơn nữa, tôi hay có cảm giác là các nhà văn ở Việt Nam ít khi có thể làm được nhiều hơn một việc, do một cái dớp hay cái mặc cảm nào đó. Bảo Ninh cuối cùng cũng chỉ có Nỗi buồn chiến tranh. Chu Lai, Lê Lựu... đều lặp lại mình trong các trang viết. Nhưng có lẽ chính vì không có kỳ vọng gì nhều vào cuốn sách này, mặc dù nó mới được giải thưởng về lý luận văn học gần đây, nên nó lại là một sự ngạc nhiên khá thú vị. Tôi đã đọc hết cuốn này trên chặng hành trình 26 giờ từ Hà Nội tới Minnesota (cùng với vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và 100 trang cuốn O Zahir). Các nhận định về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp trong "Trò chuyện với hoa thủy tiên" (hình như cũng gây ầm ĩ một thời gian?) và vài bài khác khá thú vị, và đa phần, theo tôi, là chính xác. Mặc dù, có thể nói Nguyễn Huy Thiệp hơi ẩu về mặt tư liệu, (ví dụ trích dẫn nhận định của Khổng tử về tiểu thuyết nhưng mà lạy trời, thời Xuân Thu- Chiến quốc đâu có tiểu thuyết theo nghĩa như từ tiểu thuyết hiện nay, thêm nữa các trích dẫn của ông trong sách đều rất đại khái, rất khó kiểm tra là ông thực sự trích dẫn hay là bịa ra, đó là chưa kể một số sai sót về mặt tư liệu) và cảm tính trong các bài viết của mình. Các bài viết của ông, có lẽ nên xem là các mạn đàm trà dư tửu hậu về văn chương và về bạn văn, chứ không phải là các tiểu luận-phê bình văn học theo đúng nghĩa của nó. Nhưng các mạn đàm của ông nói chung đều thú vị và sâu sắc.

Đọc tập sách này cũng hiểu thêm chút ít về Nguyễn Huy Thiệp, ông có vẻ chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa dân gian, đôi chút của Nho học và Thiền học, và rất hâm mộ Nietzsche. Các chân dung văn học được ông đề cập tới đều là các nhà thơ dân gian như Đồng Đức Bốn (được ông coi là người làm hồi sinh thơ lục bát Việt Nam, kế tục sự nghiệp của Tản Đà, Nguyễn Bính và Bùi Giáng) và Nguyễn Bảo Sinh. Có hai câu thơ của Đồng Đức Bốn mà ông hay trích dẫn trong cuốn sách này :
"Xong rồi chả biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương"
Hai câu thơ phảng phất sự cô quạnh và bế tắc trong sáng tác, trong đời sống văn học ở Thủ đô, và có lẽ còn là sự cô quạnh và bế tắc của cả chính Nguyễn Huy Thiệp nữa.

2. Ngồi của Nguyễn Bình Phương là tiểu thuyết Việt Nam mới đọc gần nhất. Hôm trước vừa nói Thuận là tiếng nói lạ của văn học Việt Nam (dù không lạ lắm trên thế giới) nhưng đọc Ngồi thì mới thấy Nguyễn Bình Phương mới thực sự là tiếng nói lạ. Có thể nói Nguyễn Bình Phương là một trong số ít nhà văn Việt Nam để tâm và khá thành công trong việc cách tân hình thức của tiểu thuyết (trước đó có thể kể Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly). Tiểu thuyết của Phương pha trộn giữa hiện thực với tưởng tượng, không chú trọng nội dung của chuyện mà là cảm giác do nó mang lại tới người đọc. Đọc Ngồi còn thấy Nguyễn Bình Phương hình như muốn đưa ảnh hưởng của hội họa siêu thực, và âm nhạc với các tiết tấu, giai điệu khác nhau của câu chữ vào trong tiểu thuyết, nhằm tạo nên một ấn tượng về sự lùng bùng, bí ẩn, vừa pha trộn vào vừa tách bạch ra giữa thực và tưởng tượng/quá khứ/huyền ảo. Có gì đó hơi giống với bức tranh "Sự dai dẳng của trí nhớ" của Dali, trong đó có những chiếc đồng hồ bị kéo dài ra, dẹt lại, treo lủng lẳng trên cây, trong sự tĩnh tại của không gian xung quanh. Thời gian trong "Ngồi" đối với nhân vật Khẩn cũng là một thứ lùng nhùng như vậy. Người đọc khó phân biệt được trong các đoạn về chuyện của anh ta với một cô gái tên là Kim, đâu là tưởng tượng, đâu là giấc mơ khi ngủ, đâu là giấc mơ khi thức, đâu là quá khứ, đâu là huyễn hoặc...

Đọc xong Ngồi, nếu bảo review về nội dung của nó thì sẽ thấy rất khó, vì đây không phải là một tiểu thuyết theo nghĩa truyền thống, nó hơi giống với môt mảng cắt trong cuộc đời tẻ nhạt của một số viên chức bị lost in time, pha trộn thêm vào là những yếu tố huyền ảo. Những người đọc trẻ ở độ tuổi 8x có thể khó đồng cảm với nó, như Nguyễn Bình Phương tự nói, anh ta viết không cho những người trẻ tuổi, cách anh ta 10 tuổi hay hơn vì anh cũng không hiểu gì về họ cả. Trước Nguyễn Bình Phương, Phạm Thị Hoài đã đề cập tới sự bế tắc, ngột ngạt và vô dụng của cuộc sống viên chức Việt Nam trong Marie Sến. Có điều Hoài viết về thời mới mở cửa còn Phương viết về những năm 2000, tức là chừng 15 năm sau. Thực ra cũng có thể tách Ngồi ra thành hai tiểu thuyết/truyện ngắn: một về đời sống viên chức/Đảng viên trong các cơ quan Nhà nước và hai về các ảo ảnh/tưởng tượng/hồi tưởng của nhân vật chính trong truyện.Và cả hai phần này, theo tôi, đều là những trang viết hay (và đẹp nữa, nhiều đoạn phiêu diêu có thể so với những đoạn văn đẹp nhất trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh)- nó vừa gợi lên một cuộc sống thô tục, tầm thường và đầy dục vọng trong đời sống thực (vô số các từ chửi bậy, các đoạn mô tả sex khá trần trùi), vừa gợi lên một thế giới huyền ảo, bí ẩn tồn tại song song. Nếu như Khẩn ừ ào ba phải, sống bừa bãi trong thế giới thực bao nhiêu thì trong thế giới huyền ảo của anh, anh lại là người thông minh và dịu dàng. Nếu ở ngòai đời, anh sống không hôn thú với Minh, quan hệ tình dục với đồng nghiệp Nhung, với cả người đàn bà bán khoai nướng, chưa kể vô số lần đi chơi gái, thì trong giấc mơ/hồi ức của mình với Kim, anh nhớ ra mình chưa bao giờ làm tình với Kim. Và cả hai phần đó trộn lẫn với nhau hình thành nên cuộc sống của Khẩn- một viên chức/ Đảng viên/quyền trưởng ban... có lẽ ở tuổi cuối 30 và đầu 40. Trong thế giới thực anh không biết mình cần gì, tìm gì. Trong thế giới ảo, anh biết mình có Kim.

Ấn tượng chung sau khi đọc cuốn này là Nguyễn Bình Phương là một tác giả đáng đọc, mặc dù có thể không phải cho mọi người, nhất là n
hững người chờ đợi ở tiểu thuyết một câu chuyện có tính truyền thống, hay những kết luận đã có từ trước.

Có vẻ như Nguyễn Bình Phương và Thuận hiện đang là hai cái tên đáng kể nhất trong văn học Việt Nam vài năm qua, là những người đủ công lực và tự tin để tạo ra một hướng đi mới và riêng cho mình, khai thông dòng chảy văn học Việt Nam vốn tù đọng trong chừng 15 năm gần đây. Họ cũng là những người viết cần mẫn, với 4-5 tiểu thuyết trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

32 comments:

  1. Em mới đọc mấy chương trích ra từ Ngồi trên talawas và một số truyện khác nữa của NBP (cũng đọc trên mạng) nhưng nhận thấy NBP ảnh hưởng nhiều của Faulkner (hoặc có thể là Borges chăng?). Cũng như đọc Lý Nhuệ ấy, thấy truyện của NBP cũng viết theo một cách thức y hệt. Mà nói chung, những ông nhỏ bị ảnh hưởng của các ông lớn thì cũng đúng thôi :P

    ReplyDelete
  2. Càng ngày em càng hâm mộ anh. :P

    ReplyDelete
  3. Faulkner cũng trộn giữa suy nghĩ bên trong nhân vật với sự vật khách quan, cái gọi là stream-of-consciousness tương tự như Joyce hay Virnigia Woolf nhưng với các tác giả này thì người ta có thể phân tích được đoạn nào là thời hiện tại, đoạn nào là quá khứ, đoạn nào là suy nghĩ. Ở NBP thì có sự pha trộn và có vẻ như khó biết được đâu là quá khứ, đâu là tưởng tượng trong các đoạn suy nghĩ của nhân vật. Ở đây có thể có ảnh hưởng của Borges nhưng mà nói chung anh không thể nào nghiền được Borges khi đọc thử ông này bằng tiếng Anh (tiếng Việt thì thấy bảo Nguyễn Trung Đức dịch sai hết mà cũng chưa đọc) nên không có ý kiến gì.
    Mà ở Việt Nam chưa có ai dịch Virginia Woolf nhỉ, anh thấy bà này dịch có vẻ dễ hơn là Joyce hay Faulkner mà viết thì rất hay, giàu chất thơ.

    ReplyDelete
  4. Thì Joyce cũng chỉ dịch có tẹo, Faulkner thì hình như mới có mỗi Âm thanh và Cuồng nộ được dịch ra. Borges thì em đọc lan man trong một số tập truyện ngắn, ko nhớ ai dịch. Nhưng nếu là Nguyễn Trung Đức dịch mà còn sai bét thì biết tin ai nữa nhỉ? Em tưởng NTĐ là người đỉnh nhất trong dịch dòng văn học ngôn ngữ này rồi?

    ReplyDelete
  5. Ôi, anh đọc nhanh thật! Chỉ cho em cách với! hix
    Đồng ý với anh, NBP đúng là một tác giả đáng đọc, nhất là với những ai thích sự cách tân trong nghệ thuật. Em thích "Trí nhớ suy tàn" của P., đọc không "mệt" như "Thoạt kỳ thủy" và có lẽ cả "Ngồi" - quyển này "nhờ" anh review mà chưa kịp đọc nữa ;)

    ReplyDelete
  6. @MinhThi: Hâm mộ anh vì gì thế ;)).
    @zim: Đấy là anh cũng nghe nói thế chứ anh có biết tiếng TBN đâu mà biết NTĐ dịch sai hay đúng. Nhưng cũng nghe đồn là cả Trăm năm cô đơn, NTĐ cũng dịch sai nhiều, thực hư thì không biết thế nào?
    @Cỏ nâu: Anh mới đọc mỗi quyển này của NBP thôi, anh thấy cũng không khó đọc lắm, nhất là lại có nhiều đoạn sex càng thôi thúc đọc giả như anh đọc nhanh. :D. Nghe nói NBP còn có "Thoạt kỳ thủy" với "Những đứa trẻ chết già" cũng gây ấn tượng, để lúc nào rảnh anh sẽ đọc xem sao.

    ReplyDelete
  7. "...có nhiều đoạn sex càng thôi thúc độc giả như anh đọc nhanh": Đã ghi sổ câu này nhé :P

    ReplyDelete
  8. Có hai bài viết này về cuốn Ngồi là đáng đọc
    Bài của Phạm Xuân Thạch:
    http://www.viet-studies.org/PXThach_doc_NBPhuong.htm
    và bài của Đoàn Minh Tâm
    http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9152&rb=0102

    ReplyDelete
  9. Mình không đọc Giăng Lưới Bắt Chim bản đã in ra sách. Nhưng bản online thì còn có cả những dòng tùy bút về Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Phan Thị Huyền Thư, và Vi Thùy Linh. Nhưng cũng giống như thể lọai truyện ngắn, những bài phê bình của NHT viết khỏang 15 năm trước mới thực sự có tính nguyên sơ và dồn nén nhiều năng lượng. Những gì viết sau này viết cho vui và để đua theo dòng thời sự văn chương VN nhạt nhòa. Hơn 15 năm trước, ông ta viết với niềm tin tưởng văn học thực sự có ích và cao cả (Khỏang trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn - 1991). Mười năm sau đó văn học đối với ông ta trở thành một thứ lằng nhằng mua vui một vài trống canh. Tuy nhiên, phải chăng là cả hai đều đúng! :)

    ReplyDelete
  10. hihi, US dung la quoc gia lao dong, anh Linh ve toi MN mot cai la co bao nhieu review.

    ReplyDelete
  11. Đang chờ review của anh về O Zahir :)

    ReplyDelete
  12. To thay tinh hinh cua bac Linh rat la tinh` hinh`, doc sach voi review suot ngay the nay`. Nan giai qua' :-? Ca'c ban. kha'c thay bac Linh suy doi nhu the le~ ra phai can ngan, ma` ko can ngan thi` thoi, ko duoc nhay vao dong vien, ham mo nhu the. Cha^.c ...

    ReplyDelete
  13. Hôm qua, em G. cũng bảo tớ là "geek" nhưng mà tớ lấy làm xấu hổ mà thú nhận là dù sao, mình vẫn chưa xứng đáng để nhận lấy cái chữ "geek" đó :D. Nhưng than ôi, mùa đông lạnh lẽo, ngòai trời tuyết phủ, nhiệt độ -20 độ chẳng muốn đi đâu thì còn biết làm gì ngoài viết nhăng cuội mấy thứ thế kia chứ. Mà thực ra, hầu hết các sách được review này đều là đọc trong lúc ngồi cafe một mình ở Việt Nam (believe it or not! ) hay ngồi chờ máy bay :D.

    Em HA sao giờ lại thành mèo béo thế kia, nhìn avatar rất chi là yêu đời.

    @Van nguyet: Anh không thích cuốn O Zahir lắm nên chắc thôi, không review về nó :p. Em viết thử gì về nó đi.

    ReplyDelete
  14. :( Buồn mất mấy giây.

    Em chỉ copy va paste các quote từ Zahir. Còn review, good or bad, thì phải dành cho good reviewer ah! ^_^

    ReplyDelete
  15. Con mèo béo của em Ếch hết sức là có tính biểu tượng :p

    ReplyDelete
  16. Em giơ tay đồng ý với ý kiến của anh Hiếu :D Nói chung từ hồi anh Linh quay lại Mỹ xong rồi review hết quyển này đến quyển khác làm em sợ anh Linh như sợ cọp, mà em cũng thuộc dạng lười đọc sách/truyện vừa vừa thôi :D j/k đúng là mùa đông ở xứ lạnh này làm việc đọc/review sách như anh Linh là vinh quang + dễ chịu nhất :P

    ReplyDelete
  17. Các anh chị các bạn phải tăng cường phủ đầu thông tin anh Linh bằng các tác phẩm văn hóa lành mạnh khác đi, không nên tiêu thụ văn hóa đồi trụy mãi thế này, ví dụ như "Paris Hilton có sex tape mới", "Brad & Angie đột ngột đến Việt Nam lần 3", vnexpress vừa đăng tâm sự "đi Venice với mẹ chồng" ...
    Em hâm mộ em mèo của chị ML từ lâu lâu rồi, mới xin được quyền sử dụng hình ảnh.

    ReplyDelete
  18. @Trang: Mùa đông rét mướt thế này thì dễ chịu nhất là làm việc khác, em ạ, không phải là đọc sách đâu :P.
    @hoaianh: Đâu, tâm sự "đi Venice với mẹ chồng" đâu cho anh đọc với :P

    ReplyDelete
  19. Phải đi Venice về thì mới tâm sự được chứ ;))

    Có thể bình bầu chuyến đi này là "chuyến đi Ý thiếu lãng mạn nhất trong năm" :-D

    (he he tiếp tục mục chuyện phiếm của các cô dâu mất nết) :p

    ReplyDelete
  20. trao tang danh hieu cung nhu binh bau bay gio la con qua som :D

    ReplyDelete
  21. NGồi không thể xem là một quyển tiểu thuyết cho dù theo bạn đó là sự cách tân, mới lạ, là luồng gió mới, là sự cách tân. Chẳng có gì siêu thực trong đó, mà là những mảnh ghép rời rạc, ngôn ngữ vỉa hè đầy thô tục và thiếu văn hóa. Một nhân vật hết sức mờ nhạt dù đã cố đánh bóng mình bằng các mối quan hệ, bằng sex và bằng cả mối tình hư ảo. Tóm lại, cậu chỉ dụ được đứa bạn tớ đọc và khen truyện này thôi. Còn lại đa số người đọc đều nằm trong nhóm không thích, giống như nhận xét cuối bài viết của cậu.

    ReplyDelete
  22. Tớ nghĩ bạn Thuy đã đánh giá về Ngồi theo quan điểm thông thường về tiểu thuyết, tức là phải có cốt truyện rõ ràng. Nhưng với một bức tranh, một bức tranh lập thể, cắt khúc đa chiều vẫn là tranh mà một bức tranh cổ điển, tả thực vẫn là tranh, có đúng không.
    Nhân vật Khẩn trong truyện có mờ nhạt không? Tớ nghĩ là không. Đúng là anh ta chẳng có gì nổi bật nhưng đó là một everyman. Chính với việc mô tả một người bình thường hơi lạc lõng với cuộc sống như vậy, NBP đã đặt ra được một câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của con người. Một người như Khẩn, nếu sống ở một thời khác trong một hoàn cảnh khác, có thể sẽ là một con người đẹp. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, anh ta lạc lõng, chẳng biết ý nghĩa đời sống của mình, vừa cơ hội, hám dục vọng, vô phương hướng. Nhưng cái mà người đọc như tớ vẫn có cảm tình ở nhân vật này vẫn là ham muốn hướng thiện của anh ta, mong muốn tìm được ý nghĩa của cuộc sống, để đời mình không trở nên vô nghĩa. Anh ta có tìm được hay không thì đó lại là việc khác.
    Mà bạn nào của cậu đọc và khen truyện này thế ;)).
    Tớ nghĩ rằng khá đông phụ nữ sẽ không thích truyện này vì thấy trong truyện này, đàn ông Việt Nam "hư" quá. Nhưng nếu nhìn một cách khách quan thì tớ cho đây là cuốn truyện xuất sắc nhất trong vài năm gần đây ở Việt Nam, nó vượt được mặt bằng tiểu thuyết VIệt Nam hiện nay. Dù rằng nếu 10 người đọc thì tớ tin là sẽ có 8 người không thích nó.
    Một lý do để mọi người (nhất là phụ nữ) không thích vì chẳng có nhân vật nào "tốt" trong truyện cả. Tất cả đều bình thường tới mức tầm thường.
    Hạn chế của Ngồi, có lẽ là ở chỗ tác giả chưa thực sự làm chủ được truyện. Có vẻ NBP viết cuốn này theo cảm giác hơn là có một sự định hình rõ ràng về những gì anh ta muốn truyền đạt.
    Hôm trước tớ đọc thêm một số bài viết về NBP thì thấy nói anh ấy là bộ đội phục viên, cũng không có vốn ngoại ngữ gì như Hồ Anh Thái hay Nguyễn Việt Hà, Thuận để có thể tiếp cận các trào lưu văn học hiện đại ở nước ngòai. Với các hạn chế đó mà NBP viết được một tác phẩm kết hợp hài hòa giữa tính dân gian với tính hiện đại như Ngồi thì cũng là một điều đáng phục.

    ReplyDelete
  23. Anh co the viet bai review ve cuon Mau Thuong Ngan cua Nguyen Xuan Khanh duoc khong? Cam on lam lam.

    ReplyDelete
  24. Sorry em, cuốn đó dầy quá nên anh cũng chưa đọc.

    ReplyDelete
  25. Ban Jack oi, cuon Mau thuong ngan doc chan lam, mac du minh da gang doc het vi do la mot cuon tieu thuyet ve "dong bong" ma minh cung co mot vai hieu biet, nhung truyen viet nhat va dai dong...
    To Anh Linh: Cuon giang luoi bat chim em co doc roi, nhung noi that, doc xong em thay o hay lam nhu anh noi vi hau het cac cau chuyen cua nha van rat nhat...
    Em se thu doc cuoi Ngoi nhu anh recommend va neu ma cung o hay nua thi...:-(
    Anyway, day la lan dau tien em vao blog cua anh trong khi dang google de kiem blog cua mot ngoi khac...Blog cua anh rat hay... Cam on anh nhieu...

    ReplyDelete
  26. Xong rồi chả biết đi đâu
    Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương"
    Hai câu thơ phảng phất sự cô quạnh và bế tắc trong sáng tác, trong đời sống văn học ở Thủ đô, và có lẽ còn là sự cô quạnh và bế tắc của cả chính Nguyễn Huy Thiệp nữa

    Ko hẳn vậy đâu. "Xong rồi" ấy là cái cảm giác khi ta vừa cho ra đời một cái gì đó, khi ta vừa sáng tác xong một tác phẩm. Đây là hai câu diễn tả cực hay về cảm giác của một nhà thơ vừa "đẻ" ra một bài thơ tâm huyết. Nó cứ chống chếnh, hụt hẫng thế nào đó... Bèn làm một việc cực vô nghĩa, vô mục đích: nhay xích lô ra cầu Chương Dương

    ReplyDelete
  27. Linh ơi, anh NBP không phải là bộ đội phục viên mà vẫn đang là lính "xịn".
    Hiện anh ấy là trung tá, biên tập viên của Ban thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
    Chà, khi nào về Việt Nam, qua Văn nghệ Quân đội chơi, mình đưa sang phòng anh NBP "buôn" cho vui!

    ReplyDelete
  28. thật là tình cờ vì có người cũng thik "Ngồi" của NBP. Anh hay chị ơi cho E add blog nhé! E học văn - ĐHKHXH&NV Hà Nội, năm ngóai E có 1 đề tài liên quan đến "Ngồi" tên đề tài là: NGỒI - CÁNH CỬA CHƯA KHÉP LẠI CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG, em vô cùng tâm đắc nhưng cũng chỉ gọi là tập tọe nghiên cứu thôi. E đọc Ngồi lần đầu tiên và nghĩ ngay phải làm cái j đó về tp này. Và thế là hơn 90trang ra đời. Tuy nhiên E còn non kém về mặt lý luận nên bài của E có thể viết hay nhưng mọi ng cho là nó cảm tính, thiếu tính khách quan trong khoa học. Hy vọng add blog này E có thể có nhiều cơ hội để lắng nghe những ý kiến đánh já, fê bình văn học mà E quan tâm. Được chứ ạ! Cho E 1 cái quick comment và nhấn accept nhé! thanks...

    ReplyDelete
  29. xin chào mọi người. em cũng đang cần đọc tác phẩm này nhưng mà em tìm không được cuốn nào cả.
    các anh chị có cho em xin photo với.
    cám ơn rất nhiều

    ReplyDelete
  30. em tên Nguyễn Thị Thúy Liễu. số điện thoại 0935160196
    email: thuylieu24381@gmail.com

    ReplyDelete
  31. hiện em đang cần đọc gấp tiểu thuyết " Ngồi" của Nguyễn Bình Phương. anh chị nào có quyển này làm ơn cho em mượn photo với. cám ơn thật nhiều.

    ReplyDelete