Wednesday, April 5, 2006

Guns, Germs and Steel



Jared Diamond, sinh năm 1937, hiện là giáo sư ngành địa lý học và sinh lý học ở trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA). Ông là một trong những học giả uyên thâm và hiểu biết đa ngành nhất thế giới hiện nay. Ông nói được hơn 10 thứ tiếng và nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực từ sinh học, sinh lý học, địa lý học, nhân chủng học, môi trường, khảo cổ học cho tới các kiểu dáng của máy chữ và lịch sử Nhật Bản thời phong kiến. Do kiến thức rất rộng của ông và do ông có nhiều bài viết về các lĩnh vực khác nhau trên các tạp chí chuyên ngành, nhà sinh vật học Markl Ridley từng nói đùa rằng “Jared Diamond” không phải là một người mà là bút danh của một nhóm tác giả. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó nổi tiếng nhất là hai cuốn “Súng, vi trùng và thép” xuất bản năm 1997 và “Sụp đổ: Các xã hội chọn lựa thất bại hay thành công như thế nào” xuất bản năm 2004, trong đó cuốn “Súng, vi trùng và thép” đoạt giải thưởng Pulitzer cho thể loại sách phi hư cấu (non-fiction). Theo bình chọn của tạp chí Prospect của Anh năm 2005, Jared Diamond đứng vị trí thứ 9 trong Top 100 các nhà trí thức có ảnh hưởng nhất trên toàn cầu hiên nay.

Khác với nhiều nhà nghiên cứu khác thường chỉ áp dụng một vài chuyên ngành hẹp và tập trung vào các xã hội có trình độ phát triển văn minh cao, thường là chỉ ở châu Âu hay châu Á và trong khoảng 2-3000 năm trở lại đây, Jared Diamond đặt ra cho mình nhiệm vụ giải thích tiến trình lịch sử loài người trên tất cả các châu lục trong 13.000 năm qua. Để tìm ra câu trả lời, ông áp dụng những kết quả nghiên cứu từ nhiều chuyên ngành khác nhau: sinh vật học, địa lý học, khảo cổ học, ngôn ngữ học…

Bài viết sau đây được in trong tập tiểu luận “Tiến hoá- Xã hội, Khoa học và Vũ trụ” do A.C Fabian chủ biên và Nhà xuất bản Đại học Cambridge xuất bản năm 1998. Trong bài viết này, bên cạnh việc lý giải nguyên nhân dẫn đến những khác biệt trong sự phát triển của loài người giữa các châu lục, Jared Diamond cũng tìm cách hàn gắn và liên kết giữa lịch sử, vốn bị nhiều nhà khoa học cho rằng ít tính khoa học, với các ngành “khoa học cứng” như sinh học nhất là trong việc áp dụng thuyết tiến hoá để giải thích quá trình phát triển của xã hội loài người.

Chương này đặt ra nhiệm vụ khiêm tốn là giải thích xu hướng chung của lịch sử các châu lục trong 13.000 năm qua. Tại sao lịch sử lại mang đến những hướng đi khác nhau cho người dân sống ở các châu lục khác nhau như vậy?

Người Á- Âu, đặc biệt là những nhóm người sống ở châu Âu và Đông Á, đã lan toả khắp thế giới. Họ và những con cháu của họ ở bên kia bờ đại dương ngày nay thống trị trên khắp thế giới hiện đại cả về tài sản và quyền lực. Các nhóm người khác, đặc biệt là hầu hết người châu Phi, vẫn tồn tại và ngày nay đã lật đổ được sự thống trị của châu Âu nhưng vẫn bị tụt hậu nhiều về tài sản và quyền lực. Và còn những nhóm người khác, gồm cả những cư dân nguyên thuỷ ở Australia, châu Mỹ và Nam Phi, ngày nay không còn làm chủ đất đai của họ mà bị tàn sát, chinh phục và thậm chí diệt chủng bởi thực dân châu Âu. Tại sao lịch sử lại diễn ra như vậy, chứ không phải theo chiều ngược lại? Tại sao người Indian ở châu Mỹ, người châu Phi và thổ dân châu Úc lại không phải là những người chinh phục hay diệt chủng người châu Âu và châu Á?

Câu hỏi này có thể được đẩy lùi thêm một bước nữa. Cho tới năm 1500 Công nguyên, vào khoảng thời gian khi cuộc chinh phục lãnh thổ của châu Âu mới bắt đầu, các nhóm dân ở các lục địa khác nhau đã rất khác nhau về các mặt công nghệ và tổ chức chính trị. Hầu hết lãnh thổ Âu-Á và Bắc Phi lúc đó được cai trị bởi các nhà nước và đế quốc thời kỳ Đồ sắt và một số nước đã trong quá trình công nghiệp hoá. Hai nhóm người thổ dân châu Mỹ là người Inca và người Aztec cai trị các đế quốc đang trong thời kỳ Đồ đá hay cận Đồ đồng. Một số vùng đất ở châu Phi cận Sahara được chia xẻ bởi các nhà nước hay các tù trưởng bản xứ trong thời kỳ Đồ đồng. Tất cả các nhóm người ở Australia, New Guinea và các đảo Thái Binh Dương cũng như rất nhiều nhóm người ở châu Mỹ và châu Phi cận Sahara sống bằng nghề nông hay săn bắn-hái lượm và ở trong thời kỳ Đồ đá.

Rõ ràng, những khác biệt của các nhóm người này vào năm 1500 Công nguyên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bất bình đẳng trong thế giới hiện đại. Các đế quốc thời kỳ Đồ sắt chinh phục hay diệt chủng các bộ lạc thời kỳ Đồ đá. Nhưng làm thế nào mà thế giới lại ở vào tình trạng như ở năm 1500?

Câu hỏi này, cũng có thể được đẩy lùi thêm một bước nữa, với sự trợ giúp của các tài liêu lịch sử và các phát hiện khảo cổ. Cho tới Kỷ Băng hà cuối cùng vào khoảng 11.000 năm trước Công nguyên, loài người ở trên tất cả các lục địa đều đang trong tình trạng săn bắn-hái lượm trong thời Đồ đá. Tốc độ phát triển không đồng đều diễn ra ở các lục địa khác nhau, từ năm 11.000 trước Công nguyên cho tới 1500 Công nguyên, chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng vào năm 1500 Công nguyên. Trong khi thổ dân Australia và thổ dân châu Mỹ vẫn trong tình trạng săn bắn- hái lượm ở thời Đồ đá thì hầu hết các nhóm người Âu-Á và nhiều nhóm người ở châu Mỹ và châu Phi cận Sahara châu Phi đã dần dần phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, luyện kim và có tổ chức chính trị phức tạp. Nhiều vùng ở lục địa Âu-Á, và một vùng ở châu Mỹ cũng hình thành chữ viết. Nhưng tất cả các thành tựu này đều diễn ra trước tiên ở lục địa Âu-Á. Chẳng hạn, việc sản xuất hàng loạt các công cụ đồ đồng chỉ bắt đầu phổ biến ở vùng núi Andes Nam Mỹ trong vài thế kỷ trước năm 1500 Công nguyên, trong khi nó đã phổ biến ở nhiều vùng đất Âu-Á từ trước đó 5000 năm. Kỹ thuật đồ đá của thổ dân Tasmania vào năm 1500 Công nguyên còn đơn giản hơn của người Thượng Palaeolithic ở châu Âu hàng chục nghìn năm trước đó.

Đến đây, chúng ta có thể đặt lại câu hỏi ban đầu của chúng ta về nguồn gốc sự bất bình đẳng của thế giới như sau. Tại sao sự phát triển của con người lại diễn ra với các tốc độ không đồng đều ở các lục địa khác nhau trong vòng 13.000 năm qua? Tốc độ khác nhau đó là nguyên nhân mang lại những xu hướng phát triển khác nhau và đó chính là chủ đề của chương này.

Để có thể thấy rằng câu trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản, hãy tưởng tượng có một vị du khách từ ngoài không gian đến trái đất của chúng ta vào 50.000 năm trước. Nếu người ta hỏi vị du khách này dự đoán xem nhóm người nào sẽ phát triển công nghệ nhanh nhất và nhóm người nào sẽ chinh phục nhóm người nào thì vị du khách ngoài hành tinh sẽ dự đoán như thế nào? Vị du khách rất có thể sẽ trả lời “Châu Phi”, bởi vì lịch sử con người ở châu lục này đã có tới 6 triệu năm trước tất cả các lục địa khác. Vị du khách đó cũng có thể dự đoán một cách hợp lý là “Australia”, châu lục có những bằng chứng sớm nhất về con người hiện đại hoàn chỉnh nhất trên phương diện giải phẩu và hành vi. Đây cũng là nơi có bằng chứng sớm nhất về việc con người sử dụng thuyền. Vị du khách chắc chắn sẽ không chọn châu Âu, nơi loài Homo sapiens (người thông minh) chỉ mới đến cư ngụ vào 50.000 năm trước. Đối với vị du khách đó, tình trạng như hiện nay của thế giới quả là một điều bất ngờ. Vậy thì đâu là các nguyên nhân dẫn tới kết quá bất ngờ này?

....

No comments:

Post a Comment