Bài viết của Nguyễn Quang trên báo Diễn đàn, lý giải phần nào nguyên nhân xung đột và bạo động của dân “rệp” ở Pháp trong thời gian trước (có phần đứng trên quan điểm tả phái). Theo tác giả, người Pháp đã sai lầm trong việc duy ý chí, “mù màu”, lý tưởng hoá theo hướng nhấn mạnh điểm giống nhau mà ít chú ý tới sự khác biệt, đề cao một xã hội hợp nhất và ngần ngại thừa nhận tính đa văn hoá.
http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u157nquang.html
trích đoạn kết:
“Trong một thời kì dài, « dự phóng cộng hoà » đã mang lại kết quả tích cực : từ những người nhập cư tứ xứ, nhờ nhà trường, tiếng nói, nhờ những giá trị phổ quát, nhờ chính sách tách biệt Nhà nước với các giáo hội, nhờ một Nhà nước « duy ý chí », nó đã « tạo sinh » ra những công dân Pháp... Nó là một mô hình hiệu quả, thừa sức đua tranh với những mô hình « duy cộng đồng » kiểu Anh-Mĩ. Mô hình Anh-Mĩ có thể ví như một tấm « vải ghép » (patchworks), khâu những mảnh màu sắc bất kỳ, riêng rẽ, lại với nhau, còn mô hình Pháp có thể ví như một bức tranh « ghép » (mosaïque), cũng từ những mảnh nhỏ đa dạng, ghép thành một tổng thể theo một « đồ hoạ », một « ý đồ » chung. Phải chăng cuộc khủng hoảng ngoại ô vừa qua đã chứng tỏ rằng « mô hình » Pháp đã cạn kiệt sức sống rồi ? Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một thế hệ sinh trưởng trên lãnh thổ Pháp cảm thấy mình không hội nhập được, nó ứng xử như một thành phần xa lạ với tập thể quốc gia, và có nguy cơ khởi động một quá trình li khai và « cộng đồng hoá ».”
Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển về thân phận người da đen hay người thiểu số nói chung, “The Invisible man” của Ralph Ellisson, có đoạn đại ý nói “tôi tưởng họ (…) không phân biệt màu da, nhưng thực ra là vì họ không nhìn thấy được màu sắc, thậm chí họ không nhìn thấy những con người riêng lẻ.” Người Pháp cũng gặp phải vấn đề tương tự chăng, nhất là khi cộng đồng di dân ngày càng lớn khiến việc phổ quát giá trị hay Pháp hoá trở nên thiếu hiện thực?
Nhân tiện giới thiệu luôn phim Crash là một phim rất hay trong năm 2005 về mối quan hệ giữa con người và tính phân biệt và định kiến chủng tộc tiềm ẩn của mỗi cá nhân trong một xã hội đa chủng tộc.
No comments:
Post a Comment