Bác Trần Đình Hiến có vẻ thích dịch các cuốn sách gây sốc và thính trong các sách bán chạy trên thị trường (thực ra cũng dễ vì hình như cuốn nào ở Tàu bán chạy là ở ta cũng bán chạy- tất nhiên sau khi được Marketing là ở Tàu sách đó bán chạy đấy!).
Trước là Mạc Ngôn giờ tới Khương Nhung. Mạc Ngôn tuy cay nghiệt nhưng vẫn đáng đọc. Khương Nhung thì dở dở ương ương, viết sách văn học không phải văn học, khảo cứu không ra khảo cứu… Mình cũng bấm bụng mua 1 cuốn ở Đinh Lễ hết 70.000 sau đó còn vác sang bên này đọc vì ở nhà chưa đọc kịp mà cũng muốn đọc một vài quyển gì đó về văn học Trung Quốc (vốn văn học hiện đại Trung Quốc của mình nếu không kể cuốn này, mới duy nhất có Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Đàn Hương Hình của Mạc Ngôn, thêm Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp nữa là hết. Vệ Tuệ thì cũng có xem lướt lướt).
Đọc xong bực cả mình, chẳng hiểu nó hay thế nào mà ầm ĩ thế. Các bài điểm sách trên báo chí cũng toàn tâng bốc lên trời, bằng những câu chung chung sáo rỗng. Không hiểu người ta thực sự thấy nó hay, hay là vì nể nang nhau? Hay vì nó bán chạy ở Tàu thì hẳn là phải hay :D. Trong khi một cuốn như Linh Sơn, đáng để khen hay chê thực sự thì tớ cũng không đọc thấy trên mạng có một bài phê bình nào nghiêm túc của các nhà phê bình (ngoài một bài cũng dở dở ương ương của Trương Thái Du nhân đọc Linh Sơn nói chuyện văn minh Tàu).
----
Bài này cũng như hầu hết các bài phê bình em đã đọc của các bác phê bình gia Việt Nam, đều phạm phải sự mỉa mai cạnh khóe quá liều và sử dụng từ ngữ biểu đạt thái độ thái quá, không có được sự tiết chế trong thể hiện suy nghĩ. Có thể là hay với một số người đọc, thiếu sức thuyết phục với một số người khác (trong đó có em, he he).
ReplyDeleteVề tổng thể ý kiến thì chắc cũng được, chưa đọc quyển này nên không đi vào chi tiết. Tuy nhiên có quá nhiều ý kiến và thái độ thừa thãi. Ví dụ về việc không có gì mới về mặt... kiến thức. Nói chung chắc không có ai trông chờ một phát kiến khoa học mới từ 1 quyển tiểu thuyết. 1 quyển tiểu thuyết có thể được trông đợi là hay, hấp dẫn, có phong cách, cách biểu đạt mới, có ý tưởng mới, thậm chí một triết lý mới. Nhưng chắc không ai trông đợi một phát minh sáng chói về sinh vật hay vật lý lượng tử từ 1 quyển tiểu thuyết cả. Cho nên cho rằng phần khoa học trong này không có gì mới thì có vẻ không được phù hợp.
Trong phần mổ xẻ nội dung, bác lên án cuốn sách về tinh thần sôvanh phát xít với cách nhìn đầy tính tự tôn dân tộc (dân tộc đây là dân tộc Việt :-D). Khi chú thích sự mở rộng cương thổ của người Mông là ăn cướp "Đơn giản chỉ vì đoàn quân Nguyên Mông khét tiếng tàn bạo ấy đã có tác dụng mở rộng cương thổ (bằng cách ăn cướp) cho người Hoa Hạ" thì bác cũng quên mất rằng mọi sự "mở rộng cương thổ" đều là ăn cướp của ai đó cả, ví dụ như sự mở rộng cương thổ về phía Nam Việt Nam thì cũng có thể coi là cướp đất Chămpa Chiêm Thành. Thế mà có ai từng thắc mắc về những lời hay ý đẹp kiểu "mang gươm đi mở cõi" không nhỉ :-?
Sau đó bác này cũng dùng những từ đao to búa lớn kiểu "dùng chính lịch sử nhục nhã của ông cha để chứng minh cho sự hèn đớn (rành rành) của nền “văn minh canh nông”, chứng minh cho tác dụng to lớn của cuộc cưỡng hiếp văn hoá ấy, tác giả Khương Nhung ngoài việc coi liêm sỉ chỉ là cái đinh gỉ, còn tỏ ra “có lý” quá trời". Vì đó là điều nhục nhã của ông cha thì ta nên lờ đi không nói tới nữa? Nên ngủ vùi sung sướng trong việc tự ca tụng quá khứ hoành tráng hào hùng 3 lần đánh thắng quân Nguyên? Lờ đi 10 thế kỷ và 100 năm nô lệ? Em không nói là cứ phải lấy các "nỗi nhục ông cha" ra mổ xẻ mới là điều hay, nhưng nếu nói ra hay sử dụng cũng chả phải là điều gì đáng lên án. Đó là các sự thật, anh có thể nói tới/sử dụng các sự thật đó hay không, nhưng việc nói tới/sử dụng không có gì xấu hơn việc không nói tới/không sử dụng.
Và cuối cùng khi có ý kiến về việc NXB này nọ nên hay không nên xuất bản cái gì, bác lại đi vào con đường toàn trị tư tưởng: cái này nó xấu, nó dở, dân chúng không nên đọc cái này. Và anh (tức NXB) với tư cách người lớn :-D anh phải biết cái này không tốt để không cho những đứa trẻ con không có định hướng rõ ràng (nhân dân) đọc các thứ độc hại như thế này :-D
Có lẽ con đường còn rất dài cho đến khi chúng ta có thể đọc được các bài phê bình của các nhà phê bình VN có tính trung dung, cầu thị, thể hiện ý kiến cá nhân với tư cách cá nhân và không đặt mình lên 1 tầm cao phán xét và định hướng :-D
Yeah, thực ra phê phán cuốn này thì đúng nhưng bác Phạm Lưu Vũ cũng hơi cay nghiệt và cảm tính cá nhân trong việc phê phán.
ReplyDeleteCác ví dụ của bác ấy hơi khiên cưỡng, khi lấy dân tộc Việt ra để phản bác luận điểm trên mà không thuyết phục lắm.
Trong ý thứ nhất về việc tiểu thuyết này không có gì mới, em nói đúng nhưng ý của bác Vũ ở đây cũng không sai. Là vì cái ý đó đặt trong bối cảnh cuốn sách này. Người ta ca tụng nó là chứa đựng kho tàng tri thức nên bác ấy mới phản biện là chẳng có gì là kho tàng tri thức ở đây cả. Mà hiện nay người ta hay có xu hướng ca tụng một số cuốn sách về ý nghĩa khoa học/tri thức gì gì đó của nó trong khi thực ra không phải vậy. Một ví dụ tương tự trong việc ngợi ca Hạt cơ bản.
Ý thứ 2 của em thì anh không có ý kiến. Đúng là trong việc phản bác sô-vanh văn hóa trong cuốn sách này, bác Vũ đã lùi vào tấm áo giáp tự tôn dân tộc một cách không cần thiết. Hoàn toàn có thể phê phán tính chất phát xít, sô-vanh của cuốn này một cách khách quan hơn.
Ý cuối thì anh nghĩ bác ấy muốn thể hiện một sự nghịch lý thì đúng hơn. Vì cuốn sách này lại do Nhà xuất bản CAND tiến hành và PR rất kinh. Cái câu đó mang tính mỉa mai hơn là moralist (bị ảnh hưởng từ này vừa đọc trên blog bạn Nhị Linh).
Anyway, việc xuất bản một cuốn sách là việc riêng của nhà xuất bản nhưng trách nhiệm của các nhà phê bình là lên tiếng kịp thời, đúng lúc trước những cái kitsch. Thời này có thể không còn là thời của các moralist trong phê bình, nhưng với những cuốn sách có tư tưởng lệch lạc thì các nhà phê bình vẫn có quyền thể hiện chính kiến, gọi rõ tên gọi của cái tư tưởng cuốn sách đó và những lệch lạc, nguy hại có thể có của nó. Nhất là với nhiều cuốn sách, được chú ý không phải vì mặt văn học mà vì tư tưởng bên trong nó.
Chỉ hơi lạ là với một cuốn sách dịch tư tưởng phát xít này, rất lâu sau mới có một bài phê bình tư tưởng của nó, mà cũng chỉ có sau khi trên báo chí VIệt Nam đăng lại nhận định của một nhà Hán học người Đức về tình hình văn học Trung Quốc, trong đó cuốn này được nhận định là có tính phát xít và nếu một cuốn tinh thần tương tự giờ viết ở Đức thì sẽ chẳng ai in ra cả.