Đọc bài này của bác Đông A, thấy hay, mạn phép bác copy một đoạn về blog:
"....
Sự trở về luôn là một điều gì đó rất cuốn hút. Con đường mòn vẫn còn in dấu chân quên lãng của tuổi thơ. Từ Thức ở cõi tiên vẫn không nguôi ngoai nỗi niềm trở về cố quận. Odysseus khao khát "chỉ có một niềm ước ao mà ta mong ước là mỗi ngày ta được trở về nơi đó để nhìn thấy trong ngôi nhà của mình ngày ta trở về!" Nhưng sự trở về luôn kèm theo bi kịch - bi kịch Từ Thức. Con đường mòn tưởng vẫn còn in dấu chân quên lãng của tuổi thơ đó thực chất đã vĩnh viễn không còn nữa. Nhà của mình, đúng là nhà của mình nhưng cũng đúng không còn là nhà của mình. Sự xa lạ. Xa lạ ngay trong chính những gì tưởng là gần gũi nhất, thân thuộc nhất. "Sự xa lạ không xảy ra với người đàn bà mà anh định mồi chài, mà xảy ra với người đàn bà từng là của anh." Đối với Từ Thức, cõi tiên không phải là một sự xa lạ, mà là một cái gì đó mới lạ giống như một người đàn bà mới mà ta định khám phá. Mới lạ không phải là xa lạ. Khi trở về cố quận, trở về nhà của mình, Từ Thức mới thấy xa lạ. Sự xa lạ chỉ xảy ra với những gì ta đã từng biết, từng là của ta. Kết cục của câu chuyện Từ Thức là hình ảnh một con người đơn độc, áo tơi nón lá, lầm lũi đi vào dãy Hoành sơn. Hình ảnh này man mác buồn nhưng mà lãng mạn và vẫn còn quyến rũ rất nhiều người.
Giả Nghị khi viết văn tế Khuất Nguyên có nói rằng tại sao không đi tìm một minh chúa mới, chín châu đâu phải chỉ là đất Sở, khổ sở trẫm xuống dòng Mịch La làm gì. Khổng tử ngày xưa chẳng từng lang bạt sáu nước tìm chủ để thờ. (Ngày xưa đi lại khó khăn mà Khổng tử còn đi được 6 nước, chứ nếu ở ngày nay đức thánh này dễ đi cả 6 châu lắm.) Nguyễn Du khi đi qua sông Tương lại bác Giả Nghị rằng "Không đi qua sông Tương/ Làm sao biết sông sâu/ Không đọc Hoài sa phú/ Sao hiểu lòng Khuất Nguyên?"
Tôi chưa qua sông Tương và cũng chưa đọc Hoài sa phú."
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment