Friday, April 10, 2009

Entry for April 10, 2009

Thiếu tướng Lê Văn Cương thực sự nói gì?

Theo bài tường thuật trên VNN, bản đã bị rút xuống bởi quá chi tiết, chú trọng tới những ý kiến phản biện (xem bản lưu ở đây, bản Google Cache ở đây), ông Lê Văn Cương, Thiếu tướng, Viện khoa học chiến lược Bộ Công an phát biểu như sau:

"Thiếu tướng Lê Văn Cương, Viện khoa học Chiến lược Bộ Công an đồng ý: Bô-xít là tài sản lớn của quốc gia, cần được khai thác nhưng nếu làm với cung cách ào ạt, làm nhanh sẽ mang đến những hậu quả khôn lường, nhất là về mặt an ninh kinh tế, an ninh xã hội.

Nhắc lại nhận định của các nhà địa chính trị quốc tế: "Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương. Ai làm chủ được Tây Nguyên, sẽ làm chủ Đông Dương", TS Lê Văn Cương lưu ý cần đặc biệt coi trọng các dự báo, cảnh báo sớm về tác động đối với an ninh quốc gia của các dự án bô xít Tây Nguyên.

"Các đe doạ đối với an ninh quốc gia không diễn ra nhanh chóng và dễ nhận thấy như hiệu quả kinh tế và tai biến về môi trường. Do đó, cần đặc biệt coi trọng các dự báo, cảnh báo sớm", ông Cương nói."

Theo báo Thanh Niên trong một bài viết đúng lề bên phải thì ông Cương lại phát biểu hơi khác: "Sau khi bác bỏ quan điểm cho rằng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể tác động đến vấn đề an ninh, GS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học - Bộ Công an nói rằng, điều làm ông lo lắng chính là dự án chưa thể hiện quan điểm phát triển kinh tế bền vững."

Vậy ông Lê Văn Cương thực sự nói gì? Cùng một tham luận mà tại sao nhà báo VNN nghe thành ông Cương lo ngại "những hậu quả khôn lường, nhất là về mặt an ninh kinh tế, an ninh xã hội" trong khi nhà báo Thanh Niên lại khẳng định ông Cương "bác bỏ quan điểm cho rằng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể tác động đến vấn đề an ninh, " mà chỉ lo về phát triển bền vững?

Hoặc là micro trên hội trường bị trục trặc nên cho ra các version trái ngược nhau của cùng một bài phát biểu, hoặc có ai đó đã bẻ cong ngòi bút, bóp mồm bóp miệng thiếu tướng Cương.

Tôi không dám khẳng định trong hai tường thật khác nhau này, bài nào đáng tin cậy hơn. Người đọc có thể tự rút ra kết luận. Nhưng nếu giả sử rằng lời tường thuật trên VNN về ý kiến ông Cương là chân thực thì đúng là sự giả dối, tráo trở đang ngự trị khi mà bài báo VNN đã bị xóa sổ trong khi ý kiến trái ngược về lời ông Cương lại được lưu hành trên bài báo Thanh Niên.

3 comments:

  1. mà kỳ lạ là không có ai ghi âm lại cả... haha... hoặc là ko có ai dám post bản ghi âm lên

    ReplyDelete
  2. Sao không nghĩ là cả hai tờ báo đều tường thuật chính xác? Trên viet-studies có biên bản buổi hội thảo, có thể tham chiếu. Vấn đề ở đây không chỉ là khái niệm "an ninh quốc gia" được những người tường thuật hiểu khác nhau, mà còn trọng tâm của tường thuật được đặt ở những chi tiết khác nhau. Nếu tôi tổng hợp cả hai báo, cộng với viet-studies thì tôi có thể nghĩ rằng ông Cương nói dự án không đe dọa an ninh quốc gia theo nghĩa Trung Quốc lấy Tây Nguyên khống chế Việt Nam, nhưng có vấn đề về an ninh kinh tế dẫn đến an ninh quốc gia, tức nguy cơ tiềm ẩn mất ổn định xã hội từ những nguyên nhân nội tại (tức là vấn đề phát triển bền vững), hơn là những nguyên nhân an ninh đến từ quốc gia khai thác.

    Sao không thử đặt vấn đề Vietnamnet chữa bài 2 lần, rút xuống rồi thay bằng bài khác, có mục đích gì không? Ít nhất Bùi Tín đã chớp cơ hội Vietnamnet làm như vậy để đả phá Việt Nam. Vietnamnet khá nhiều lần làm như vậy. Không thể ngụy biện rằng làm như vậy là cách thông tin đến cho công chúng trong tình thế đặc biệt của Việt Nam, và nhờ Google truyền hộ đến độc giả, bởi vì những thông tin như thế không cần Vietnamnet phải làm như vậy, chúng vẫn xuất hiện trên mạng internet, ví dụ như biên bản hội thảo, các ý kiến phản biện tại hội thảo như của Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc. Do đó không thể không nghĩ tới khả năng về một cố ý có mục đích xác định của Vietnamnet.

    ReplyDelete
  3. ??? vần đề là thảm họa bô xít về môi trường, về đời sống của người dân không được truyền thông đăng tải, công bố cho bàn dân thiên hạ. Nhà nước tự quyết định một vấn đề nghiêm trọng mà bỏ qua những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học... chỉ có ở các nước độc tài toàn trị. Những ai quyết tâm cho tàu vào khai thác bô xít sẽ bị trăm họ nguyền rủa, nguyền rủa tới ba đời. Nên nhớ là quy luật của trời đất, cái ác sẽ không thể thoát được, sẽ bị trừng phạt, sẽ phải trả giá, bị đào thải. Trời có mắt, không chạy đâu cho thoát!!!

    ReplyDelete