Saturday, April 11, 2009

100 nhà kinh tế và bánh đậu xanh Hải Dương


Bài trên Blogspot.

Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, 100 nhà kinh tế họp nhau ở Hải Dương trong một hội thảo có quy mô lớn do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức để bàn về suy thoái kinh tế và các chính sách đối phó. Đây là một hội thảo rất có quy mô vì lần đầu tiên quy tụ được các chuyên gia kinh tế từ các viện kinh tế, các trung tâm nghiên cứu kinh tế khắp cả nước. Đọc bài tường thuật này trên VNN thì có cả Đinh Văn Ân ở Viện Quản lý Kinh tế TW, Trần Đình Thiên ở Viện Kinh tế học, Vũ Thành Tự Anh ở chương trình Fulbright, Bùi Đức Sơn ở Viện KT-CT Thế giới, Lê Đăng Doanh và Nguyễn Quang A ở Viện Nghiên cứu Phát triển, Nguyễn Đức Thành ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (theo VTV thì còn cả Trần Du Lịch ở VIện kinh tế TP HCM)... Có thể tóm lại rằng đây là một hội thảo quy mô hoành tráng. Chủ đề hội thảo cũng hết sức thiết thực, chính là những vấn đề mà hơn 80 triệu người dân Việt Nam phải đối phó, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách bấy lâu nay (nhưng cũng có thể là không?) và được nói đến hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thế nhưng nếu đọc trên báo chí thì có thể thấy ngoại trừ VNN và SGTT, hầu như không có mấy báo nhắc tới hội thảo này cùng với ý kiến của các chuyên gia kinh tế. Trên Tuổi Trẻ, nhật báo lớn nhất Việt Nam, chỉ có vài dòng về hội thảo, lược ghi ý kiến ông Thiên và bà Susan Adams. Trên Thanh Niên (bản online) và Lao động (bản online), tôi cũng không đọc được bài nào về thông tin hội thảo. Xem ra ý kiến của 100 nhà kinh tế Việt Nam và chuyên gia kinh tế nước ngoài không hề được quan tâm.

Lý do cũng dễ hiểu khi đọc hai bài tường thuật trên hai tờ báo hiếm hoi đưa tin tương đối chi tiết về hội thảo này, không thấy nhắc tới các nhà hoạch định chính sách, ngoại trừ Bí thư tỉnh ủy Hải Dương- địa phương đăng cai hội thảo, cho dù hội thảo này là do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì. (Phát biểu của ông Bí thư này khá thú vị, nó cho biết thêm nhiều điều về thực trạng kinh tế hiện nay). Phải chăng đây cũng là lý do khiến giới truyền thông bỏ qua Hội thảo này vì cảm thấy nó không có ảnh hưởng gì tới chính sách kinh tế trên thực tế.

Điều này hoàn toàn có lý bởi từ trước tới nay, các chính sách kinh tế được đưa ra mà người ta không thấy nhiều sự tham vấn các chuyên gia kinh tế từ trước. Trước đây còn có Ban cố vấn kinh tế cho Thủ tướng nhưng khi Thủ tướng Dũng lên cầm quyền, một trong những việc làm đầu tiên của ông là dẹp bỏ Ban này. Gần đây, trước các biến động phức tạp về tài chính-ngân hàng, Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia do cựu Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy làm Chủ tịch. Nhưng rút cục, chức trách của Hội đồng này là gì, quyền lực Hội đồng ra sao thì không ai thực sự biết (có lẽ kể cả ông Thúy).

Và các "quyết sách lớn" của Đảng và Nhà nước thường được đưa ra rất đột ngột, không kèm theo các lý giải về sự cần thiết cũng như các đánh giá khách quan đầy đủ về hiệu quả của các chính sách được thực thi. Lấy ví dụ về gói kích cầu đợt 1 trị giá 1 tỷ USD và sau đó được nâng lên thành 6 tỷ USD. Gói này gồm nhiều thành phần như cho tiền Tết người nghèo, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng...Tuy nhiên cho tới nay, người ta vẫn không rõ cụ thể gói này gồm bao nhiêu phần là hỗ trợ lãi suất, bao nhiêu là các chính sách chi tiêu, bao nhiêu là giảm thuế....Cũng chưa có đánh giá nào thực sự nghiêm túc về hiệu quả của gói kích cầu này thời gian qua, chẳng hạn riêng với gói hỗ trợ lãi suất thì tỷ lệ vay để thực hiện đầu tư mới là bao nhiêu, vay để đáo nợ là bao nhiêu, bao nhiêu % cho DNNN, bao nhiêu cho DN ngoài quốc doanh, tạo được bao nhiêu việc làm mới...Ngay trong số liệu về thất nghiệp cũng đầy mâu thuẫn và mập mờ về phương pháp luận (ví dụ tính thế nào với trường hợp làng nghề?). Cũng không có công bố nào đánh giá khả năng ảnh hưởng tới lạm phát của các chính sách kích cầu này.

Thế nhưng chỉ đùng 1 cái, Chính phủ đã công bố gói kích cầu 2, lần này hướng tới đối tượng vay trung và dài hạn. Gói này còn mập mờ hơn cả gói 1 vì thậm chí không công bố số tiền mà Chính phủ định bỏ ra để hỗ trợ lãi suất. Trong khi Quốc hội Mỹ bàn bạc cả hàng tháng, đập lên đập xuống nghị sự về các gói kích cầu rồi mãi mới thông qua được thì ở Việt Nam chỉ cần Thủ tướng đặt bút ký thế là gói kích cầu được thông qua mà không gặp phải bất cứ sự phản biện nào.

Thế nên không có gì lạ khi các nhà kinh tế nói gì thì cứ nói, hội nghị cứ hội nghị còn Chính phủ thì việc mình cứ làm. Thậm chí hình như còn chẳng có vị quan chức cao cấp nào dự Hội thảo này- bởi lẽ các vị còn bận rộn trong việc hoạch định chính sách, đưa Việt Nam vượt qua khủng hoảng. Báo chí cũng chẳng buồn đưa tin. Đóng góp lớn nhất của 100 nhà kinh tế tại Hội nghị về suy thoái kinh tế ở Hải Dương, có lẽ là những gói bánh đậu xanh Hải Dương họ mua về làm quà. Như vậy âu cũng là góp phần làm tăng sức mua, đóng góp thiết thực cho chính sách kích cầu của Chính phủ.


8 comments:

  1. bác nói hoàn toàn chính xác về quà Hải Dương, may mà chưa phải mùa vải thiều

    ReplyDelete
  2. ơ nhưng tại sao lại đem nhau về Hải Dương mà hội thảo cơ chứ?

    Hà Nội có mở rộng cũng có ra hướng đó đâu?

    ReplyDelete
  3. ( Vào đây mà xem - http://sachtroi.blogspot.com )

    ReplyDelete
  4. Hình như Hải Dương rất nổi tiếng đậu xanh phải không ?

    ReplyDelete
  5. Bài viết rất hay và bổ ích. Mời bạn ghé qua website ủng hộ mình nhé Gia sư Tiếng Anh

    ReplyDelete
  6. Ông bà tổ tiên không nhận được gì khi chúng ta đốt vàng mã.
    Mới đây, trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 31 đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

    ReplyDelete