Sunday, February 22, 2009

Ma chiến hữu

img


Trên blog đang ồn ào bàn tán về cuốn Ma chiến hữu của Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ dịch, công ty Phương Nam và Nhà xuất bản Văn học xuất bản. Có thể đọc ở trên blog Người buôn gió và blog Hoang Linh. Cũng xem thêm nhận xét của Trương Thái Du trên BBCVietnamese:

Tôi đã đọc cuốn này sau khi được biết (qua blog Trương Thái Du) rằng cuốn này đề cập tới số phận những người lính Trung Quốc trong chiến tranh Việt-Trung 1979. Tôi nghĩ một cuốn sách đề cập tới một cuộc chiến tranh với góc nhìn từ phía bên kia sẽ gợi mở nhiều điều thú vị. Tôi tìm đọc cuốn này cũng như trước kia từng tìm đọc các cuốn The Quiet American của Graham Greene, The Things They Carried của Tim O'Brien hay Tree of Smoke của Denis Johnson, hoặc xem các phim Trung Đội, Trời và Đất, Rambo, Apocalyse Now, Full Metal Jacket...

Tôi chưa đọc bản tiếng Hoa của cuốn sách (và cũng không biết tiếng Hoa để đọc) nên không thể nói về nguyên bản mà chỉ có thể nói về bản dịch của Trần Trung Hỷ. Cũng không rõ bản dịch tiếng Việt có cắt xén gì so với bản tiếng Hoa không. Nhìn chung, tôi nghĩ Ma Chiến Hữu là một cuốn sách hay. Cuốn sách đề cập tới thân phận của những người lính Trung Quốc tham chiến tại Việt Nam. Họ đều là những thanh niên nông thôn nghèo thất học. Họ tham chiến mà không biết rõ lý do tại sao lại tham chiến, chỉ đơn giản là bị bắt lính và đi lính thì đỡ miệng cơm ở nhà, nếu chết trận thì gia đình ở nhà cũng được một khoản tử tuất còm. Đến khi kết thúc chiến tranh thì kẻ còn, người mất, những kẻ sống sót cũng có số phận mạt rệp, nghèo khổ, cùng quẫn, chịu ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh. Không những thế, họ còn bị chính quyền và nhân dân lãng quên. Trong truyện có đoạn các hồn ma tử sĩ Trung Quốc khóc than đau đớn khi biết tin Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và họ cảm thấy rằng cái chết của họ là vô nghĩa.

Tôi nghĩ chủ đề cơ bản của cuốn sách này mà tác giả của nó là một nhà văn quân đội rất nổi tiếng của Trung Quốc là phản chiến. Đứng trên phương diện người Trung Quốc, tác giả cho rằng cuộc chiến Việt-Trung vô nghĩa và người mất mát và hy sinh, rốt cục, lại cũng chỉ là những người lính thường nghèo khổ. Trong bản dịch tiếng Việt, tôi cũng không thấy có những chi tiết nhạo báng, chửi bới, nhục mạ người Việt hay quân đội Việt Nam. Đúng là có những chi tiết những người lính Tàu chúc tụng nhau lập nhiều chiến công, giết nhiều quân địch (như trong trích dẫn trên blog Người buôn gió)...nhưng đó là những việc xảy ra ở bất cứ quân đội nào, trong bất cứ cuộc chiến nào. Tiểu thuyết này còn có sự mỉa mai châm biếm khi nhân vật được coi là anh hùng, tài giỏi nhất truyện, thượng sĩ Tiền Anh Hào- người được bạn đồng ngũ kỳ vọng sẽ lên làm Tư lệnh trong tương lai- lại chết lãng nhách, khi chưa giết được một người Việt nào chỉ bởi cái mông nhô quá cao của viên Tiểu đội trưởng khiến cả tiểu đội lính Tàu hứng trọn trận pháo Việt. Và cũng không có dòng nào mô tả ai trong các cựu chiến binh ấy đã giết được người Việt như thế nào.

Tôi có thể hiểu sự phẫn nộ của nhiều người đọc với những người chịu trách nhiệm trong việc dịch và in cuốn Ma Chiến Hữu ra tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi không cho rằng cuốn sách này là một cuốn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng như lời PR ngu xuẩn của nhà xuất bản Văn học ở bìa 4. Không phải là ca ngợi mà đó là sự nhạo báng, lên án của một nhà văn quân đội Trung Quốc đối với một cuộc chiến tranh vô nghĩa, vô lý và không cần thiết. Với những người lính Tàu sống hay chết tại cuộc chiến thì Mạc Ngôn có một sự cảm thông sâu sắc, nhưng cái khiến tác phẩm sống động cũng không phải là ở "chủ nghĩa anh hùng" mà là ở tình đồng đội. Đó chính là lý do khiến cuốn sách này có tên là "Chiến hữu trùng phùng" trong bản tiếng Hoa. Nhưng chính điều đó lại càng khiến lời PR trên bìa 4 của tác phẩm ("Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng") thêm phần ngu xuẩn và phản cảm. Bởi lẽ khi tán tụng chủ nghĩa anh hùng của các quân nhân Trung Quốc trong cuộc chiến chống Việt Nam thì NXB Văn học đã xúc phạm tới những người Việt đã hy sinh trong cuộc chiến đó dưới bàn tay của các "anh hùng" Trung Quốc. Hơn thế, như tôi đã nói, nó còn sai lệch so với chủ đề tác phẩm.

Dù sao, tôi nghĩ nên đón đọc cuốn sách này một cách bình tĩnh. Chúng ta có thể xem phim, đọc sách của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam đứng trên phương diện của người Mỹ thì việc đọc sách của người Tàu viết về chiến tranh Việt Trung trên quan điểm của người Tàu cũng là chuyện bình thường, để có thể hiểu thêm những góc độ khác của chiến tranh (miễn là những tác phẩm đó không xuyên tạc, bôi nhọ một cách có dụng ý).

Như vậy, tự thân nó thì việc dịch, xuất bản và đọc cuốn sách này ở Việt Nam thực ra không có vấn đề gì cả. Nó cũng tương tự với việc ở Mỹ người ta xuất bản Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Nhưng nó chỉ là bình thường với một điều kiện: đó là sách vở, báo chí Việt Nam được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh... Nếu điều kiện đó không được đáp ứng thì việc xuất bản cuốn sách này lại là một việc rất bất thường và phản cảm.

Nó cho chúng ta thấy sự méo mó, dị hợm, nhược tiểu, hèn nhát của chúng ta. Trong khi người Trung Quốc có thể viết sách về chiến tranh Việt-Trung, xuất bản chúng thì người Việt Nam không thể: từ tiểu thuyết của Trần Thu Trang bị yêu cầu cắt xén vài câu liên quan tới chiến tranh Việt Trung cho tới tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến bị thu hồi và nhà xuất bản Đà Nẵng bị đóng cửa bởi lý do trên. Trong khi người Việt không thể đọc được những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh Việt-Trung thì lại có thể dễ dàng mua được sách của người Trung Quốc viết về chiến tranh này. Trong khi báo chí Việt Nam không được đề cập tới chiến tranh Việt Trung thì lại vẫn có thể đọc thông tin từ các t
rang mạng bán chính thức của Trung Quốc về vấn đề này*.

Đó quả là nghịch lý. Và đáng buồn là cái nghịch lý ấy lại phổ biến đến mức thành chân lý, cứ như tằm ăn rỗi, nuốt trọn dần tâm thức người Việt, khi mà phim ảnh, sách báo Trung Quốc tràn ngập thị trường văn hóa Việt Nam. Rồi cứ đà này, người Việt sẽ chỉ biết Càn Long là vị minh quân thánh chúa chứ không biết y là kẻ xâm lược Việt Nam năm 1789. Sẽ chỉ biết Đặng Tiểu Bình là vị lãnh tụ xuất chúng siêu quần chứ không biết y là kẻ xua quân đánh Việt Nam năm 1979. Sẽ chỉ biết Hứa Thế Hữu là lão tướng tài năng được Mao Chủ tịch yêu dấu chứ không biết y là kẻ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Lạng Sơn và Cao Bằng 1979 (cho dù vị "tướng tài" mà báo Hà Nội Mới ca ngợi đó đã bị quân địa phương Việt Nam gây thiệt hại nặng nề đến mức bị Đặng tước quyền Tổng tư lệnh cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979). Sẽ chỉ biết tới những anh hùng quân đội Trung Quốc như "liệt sĩ" Tiền Anh Hào trong cuộc chiến Việt-Trung chứ không thể thuộc tên một anh hùng quân đội, một liệt sĩ Việt Nam nào trong cuộc chiến này.

Và rồi cuối cùng, chúng ta sẽ nhìn lịch sử Việt Nam bằng mắt của người Trung Quốc.


*Gọi là "bán chính thức" theo nghĩa các trang này được chính phủ Trung Quốc cho phép thành lập hay trực thuộc một cơ quan của chính phủ, chịu sự kiểm duyệt về nội dung của chính quyền tuy nội dung là do các thành viên đưa lên. Có thể lấy ví dụ về sự kiện trang sina.com đưa "kế hoạch" tiến chiếm Việt Nam (mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối) hay gần đây hơn, việc một số trang web Trung Quốc đưa tin, bình luận về cuộc chiến "tự vệ" của Trung Quốc trước Việt Nam (gọi là "tự vệ" theo cách gọi chính thức của Trung Quốc với chiến tranh biên giới Việt-Trung)


counter widget
img

50 comments:

  1. hay. đồng ý là có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước. bình tĩnh cũng là một cách.

    ReplyDelete
  2. Về chuyện cái bìa 4, có khi nào các bác NXB VH chả vờ in như thế để tránh được kiểm duyệt bước đầu không hả anh =)
    Chẹp, vì cứ như em thấy thì thiên hạ bây giờ đi mua sách rất chi là hay ho, toàn kiểu đọc bìa 4 với mấy cái trích dẫn toàn những câu từ rất cliché và được chăng hay chớ ...
    Mà sách ra nhiều như quân Nguyên thế này, nên có khi các bác bên Cục xuất bản cũng chỉ liếc qua cái bìa 4 thôi, thấy kiểu " à, chiến tranh Việt - Trung - chủ nghĩa anh hùng " thế là cho pass thôi.
    Thêm nữa, em thấy nhiều người thật lố bịch, bình thường thì vẫn cứ dùng hàng Tàu nhan nhản ra , xong lúc có tí gì nghe hơi nồi chõ là lại húng hoắng hết cả lên a dua a tòng rất là silly !!!

    ReplyDelete
  3. Cám ơn bác Linh vì entry này!
    Và xin phép bày tỏ tí :
    Tớ ko đồng ý với câu kết trong comment của bạn aka DĨN. Bởi ko có ai bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trước làn sóng ồ ạt của hàng cho-na-chí!

    ReplyDelete
  4. Entry của bạn Linh có 2 vế, tớ đồng ý với cả 2 vế đó!

    ReplyDelete
  5. Nhưng tớ có không đồng ý với ý này: "(miễn là những tác phẩm đó không xuyên tạc, bôi nhọ một cách có dụng ý)." Tác phẩm nào "xuyên tạc bôi nhọ một cách có dụng ý"? Lại phải giao cho một công nhân viên nhà nước nào đó chấm điểm chuyện xuyên tạc bôi nhọ?

    Đọc giả chả ngu, xuyên tạc bôi nhọ v.v. người ta biết chứ làm gì ko biết.....

    ReplyDelete
  6. May quá, các bác hot blog đã lên tiếng, không thôi sau Trần Trung Hỷ sẽ đến tôi bị rủa xả vì đã nhắc đến Ma Chiến Hữu trong diễn đàn 1979 trên BBC. Mr. Do cũng có một bài đáng đọc [http://blog.360.yahoo.com/blog-i6NVJtsyc6fL1iElqBL11pf3_ao-?cq=1&p=4339&n=28500]

    ReplyDelete
  7. Một entry rất thuyết phục như rất nhiều entry khác của bạn.

    ReplyDelete
  8. Lứa của mình, bạn Linh và hiện tại có được học lịch sử Việt Nam và nhìn lịch sử Việt Nam bằng con mắt và cái tâm của người Việt Nam đâu?

    ReplyDelete
  9. @ Mẹ Nấm : Chị ơi, chị là người tiêu dùng thì chị có toàn quyền quyết định những gì mình muốn mua chứ, thời buổi này ai lại trông chờ người khác đứng ra bảo vệ mình nữa chứ ?!

    Mà em nói ở đây là nhắc đến những người có đủ 2 " yêu cầu " : vừa dùng hàng Tàu lại vừa thích húng hoắng.

    Nếu đã thực sự tranh đấu cho cái gì thì nên tranh đấu đến cùng, chứ còn tranh đấu kiểu sáng 8h cầm súng ra trận, đến 5h chiều lại về nhà ăn tối xong xem tivi thì thật là ... chẹp chẹp =)

    ReplyDelete
  10. Em cũng có đọc cuôn này rồi. Đung là hài chết thôi với cái gọi là "chủ nghĩa anh hùng" của NXB VH

    ReplyDelete
  11. Tớ chưa được đọc quyển này nhưng sau khi theo dõi hết những phản ứng của dư luận trong thời gian qua thì tớ hưởng ứng quan điểm và thái độ của cậu :)

    ReplyDelete
  12. có khi cái bìa 4 là để chửi đều thứ "chủ nghĩa anh hùng" của TQ cũng nên ấy nhỉ?

    ReplyDelete
  13. càng nghĩ chỉ càng thêm buồn, thêm đau lòng

    ReplyDelete
  14. Entry hay. Cám ơn a Linh đã chia sẻ!

    ReplyDelete
  15. Trước đây, Leila có đọc quyển hình như là "Đặng Tiểu Bình - 3 lần vào ra Trung Nam Hải", (chỉ đọc lướt qua nên không nhớ rõ tựa có đúng không) và "chỉ biết Đặng Tiểu Bình là vị lãnh tụ xuất chúng siêu quần chứ không biết y là kẻ xua quân đánh Việt Nam năm 1979"

    ReplyDelete
  16. Haizzz... cuối cùng cũng đọc đc một cái entry viết rất hay về vấn đề này... nhìn mấy bác kia yêu nước sao mà thấy ngán quá trời...

    ReplyDelete
  17. Thực ra trong cách xử sự của chính quyền VN hiện tại về những vấn đề liên quan đến Trung quốc có những điều không ổn và gây ra sự bất bình trong dư luận . Những ai tin vào những sự thực đó mà dửng dưng, không căm phẫn thì mới đáng phê phán. Nhưng đôi khi những thông tin thiếu kiểm chứng hoặc được sắp đặt một cách có dụng ý đã làm mọi người cuồng nộ một cách không sáng suốt. Đây cũng là điều dễ hiểu vì những kẻ đầu cơ chính trị chuyên nghiệp thì không từ bỏ thủ đoạn nào dù có hèn hạ đi chăng nữa để đạt được mục đích! Chúng ta không nên vô tình làm " Hồng vệ binh " dù cho bên nào đi chăng nữa !!! ;-)

    ReplyDelete
  18. Các nhà nước cộng sản kiểu cũ đã đi theo một mô hình kinh tế sai lầm, thành thử những nhân vật tạo ra bước ngoặt thay đổi dễ được xưng tụng ngút trời, ở Trung Quốc có Bình, ở Việt Nam có Linh. Trong khi đó không ai tung hô Thạch ở Đài Loan và Diệm ở Việt Nam vì những mô hình kinh tế thị trường của họ, có lẽ bởi kinh tế thị trường là điều quá đỗi đương nhiên trong mô hình nhà nước tư bản của Thạch và Diệm.

    Mình thì thấy Mao thắng Thạch là một điều may cho thế giới nói chung và VN nói riêng, chứ nếu không, TQ trong tay Thạch đã mạnh hơn chục lần so với TQ hiện nay. Ở VN, khá chán là Minh lại thắng Diệm, cho nên nước ta kém đi nhiều lần. Các bạn cộng sản mình vốn quen đánh đấm cướp bốc chứ có biết quản trị hay làm kinh tế đâu mà.

    Cuộc chiến Việt Trung là sự đánh nhau của A.Q Tàu và Chí Phèo Việt, chẳng có gì để hai bên phải tự hào. Đánh nhau chết một đám rất vớ vẩn.

    ReplyDelete
  19. mỗi khi lướt blog không thể không dừng lại ở blog của anh Linh. có quá nhiều thứ hay ho để đọc và suy nghĩ. rất xứng đáng với danh hiệu: Siêu Sao Blog :)

    ReplyDelete
  20. Đây cũng là lý do Hoa không thích đọc sách do người Việt Nam viết và dịch. Lúc đọc cứ lo ngại "có bị cắt xén không?" hay lại "một chiều" lại "cực đoan" lại chỉ "ca tụng". Sách vở VN chán kinh khủng. May H có cơ hội học và biết thêm tiếng nước ngoài.

    Hy vọng các nhà văn cao tuổi có tinh thần phản biện, sẽ lưu lại cho tuổi trẻ VN về sau này những sách hay, nhưng hiện nay chưa công khai.

    ReplyDelete
  21. Đây cũng là lý do Hoa không thích đọc sách do người Việt Nam viết và dịch. Lúc đọc cứ lo ngại "có bị cắt xén không?" hay lại "một chiều" lại "cực đoan" lại chỉ "ca tụng". Sách vở VN chán kinh khủng. May H có cơ hội học và biết thêm tiếng nước ngoài.

    Hy vọng các nhà văn cao tuổi có tinh thần phản biện, sẽ lưu lại cho tuổi trẻ VN về sau này những sách hay, nhưng hiện nay chưa công khai.

    ReplyDelete
  22. Bài viết của bạn Linh hay,rất đáng để đọc và tham khảo.Mà từ ngày về,bạn Linh có vẻ ít viết hơn thì phải??Chắc mải lo chuyện cơm,áo,gạo,tiền hay tình củm cá nhân đây.Rất khâm phục sự hiểu biết & tư duy của bạn,chúc sức khỏe và có nhiều entry mới.

    ReplyDelete
  23. Tôi đồng cảm với tác giả về nhận định sau:

    "Nhưng nó chỉ là bình thường với một điều kiện: đó là sách vở, báo chí Việt Nam được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh... Nếu điều kiện đó không được đáp ứng thì việc xuất bản cuốn sách này lại là một việc rất bất thường và phản cảm.

    Nó cho chúng ta thấy sự méo mó, dị hợm, nhược tiểu, hèn nhát của chúng ta."
    Cám ơn bạn Linh.

    ReplyDelete
  24. Định kiến nặng nề khiến cho con người ta có sự căm thù dẫn đến bài bác TQ khá nặng thời gian gần đây. Có điều là điều này cũng dễ hiểu đối với những ai trực tiếp tham chiến hay có người thân ngã xuống hay bị thương tật ở cuộc chiến 30 năm trước. Còn những người khác thì hơi có phần thái quá một chút. Mới đây là vụ nghĩa trang Trung-Việt gì đó và giờ là cuốn sách này. Có điều là đối với mối quan hệ với TQ mà nói, CN dân tộc cực đoan của người VN cũng góp phần tăng tinh thần cảnh giác đối với các bạn láng giềng TQ thân thương của chúng ta.

    ReplyDelete
  25. @Aka-Ji : Ý của tớ tức là dùng hàng TQ mà ko được biết đó là hàng TQ. Ví dụ : nhiều người hàng ngày vẫn phải nhắm mắt mua trái cây TQ mà ko biết rõ xuất xứ khi chính người bán lập lờ. Rau xanh TQ tràn qua... Ý tớ là như thế đấy :)

    Bạn siriusstar trên đây lại gọi TQ là láng giềng thân thương. Tớ chỉ đồng ý ở khoản láng giềng thôi, còn ko thể thân thương được.

    ReplyDelete
  26. Xin phép anh Linh nói với bạn Minh Minh chút!
    Tớ định viết một đoạn dài chửi cậu nhưng thôi, tớ không có thời gian.
    Tớ không hiểu sao cậu có thể nói: "Cuộc chiến Việt Trung là sự đánh nhau của A.Q Tàu và Chí Phèo Việt, chẳng có gì để hai bên phải tự hào. Đánh nhau chết một đám rất vớ vẩn". Ít ra, đó là cuộc chiến tự vệ của người Việt mà nhiều người lính Việt Nam đã ngã xuống mà không thể lãng quên. Nhìn từ phía bên kia đó là cuộc chiến vô nghĩa gây cái chết của nhiều người nông dân thất học Trung Quốc. Lịch sử không có nghĩa là phải tự hào mới là lịch sử.
    Nói về Chí Phèo, cái gàn dở khi cùng đường của Chí và cái định kiến gay gắt đã bám rễ trong tâm hồn mình về hình thức thì khác nhau, nhưng bản chất có khác nhau không?

    ReplyDelete
  27. Có phải những người lính TQ sang đánh VN trận 1979 là « những người nông dân Hoa nam nghèo đói », nói như anh Trương Thái Du trên BBC, hay « Họ đều là những thanh niên nông thôn nghèo thất học » như anh Linh ở đây không ? Nhấn mạnh : anh TT Du và anh Linh lấy dữ kiện từ Mặc Ngôn.
    Theo tôi biết, trong cuộc chiến 1979, phía TQ tung vào chiến trường, ngoài 2 đạo quân chính qui xuất phát từ Quảng Tây và Vân Nam, tổng cộng khoảng 100.000 quân ( ?), còn có thêm trên 200.000 (20 vạn) phu khuân vác tuyển từ dân địa phương.
    Những con số này chưa thể kiểm chứng khoa học trong lúc này nhưng ít nhất nó phản ảnh một sự thật lịch sử : có sự tham gia của dân chúng TQ trong cuộc chiến.
    Như thế chắc gì « những xác chết của bộ đội Trung Quốc từng được người Việt Nam đếm như xác súc vật cách đây 30 năm » (trích từ Trương Thái Du, BBC) là bộ đội thực sự ?
    Và chắc gì « những người nông dân Hoa nam nghèo đói » ấy là bộ đội ?
    Tôi chưa đọc cuốn sách của Mạc Ngôn mà anh Linh đang đề cập ở đây, nhưng ở dữ kiện ấy (tức bộ đội TQ là những người nông dân Hoa nam nghèo đói) thì phải cần kiểm chứng lại.
    Với những gì tôi biết về cuộc chiến, tôi cho rằng cuốn sách này chỉ nhằm tô điểm thêm 16 chữ vàng gì gì đấy của tình hữu nghị Việt-Trung mà thôi.
    Sự thật nó nằm ở nơi khác.

    ReplyDelete
  28. Đúng là không thể chấp nhận nổi, lòng tự trọng của người Việt ở đâu? Thật sự tôi không muốn dùng từ vô học nhưng đúng là những người có trách nhiệm cho xuất bản là một lũ vong quốc. Bọn Tham quan TT&VH thì bây giờ chỉ vì tiền, có bao giờ chịu đọc sách báo, biết nội dung cụ thể đâu, chỉ thấy thằng nào tống cho ít tiền hay phát biểu này nọ là cấm đóan, thu hồi... mặc dù các "cụ" này chắc chắn phải có tuổi đều biết thế nào là chiến tranh biên giới, cảm nhận được sự dã man của bọn bành trướng Bắc Kinh nhưng không chịu đọc mà chỉ ngồi phán và nhận phong bì nên mới để quyển sách như này có thể xuất bản.
    Tay gián điệp nằm vùng Trần Trung Hỷ thì đã được đào tạo làm điệp viên của Tàu khựa 7 năm nên đủ ma mãnh để bắt đầu với những truyện nổi tiếng trước đó và bây giờ nhờ NBG mới nhanh chóng lộ mặt đểu cáng. Mấy thằng biên tậpơở nhà xuất bản thì đúng là một lũ lừa, chỉ còn biết tiền, tiền và tiền... Bọn này cứ thấy mạc Ngôn là OK, có lẽ chỉ liếc qua để làm việc khác, kiếm phong bao. Nếu có đọc mà cho phép xuất bản thì đúng là một lũ mất dạy, coi rẻ xương máu những đồng đội đã hy sinh.
    Chắc căắn các bạn vào đây đều không phải "vô học" vì đều biết chữ và sử dụng được máy tính theo tiêu chuẩn "Nguyễn Thiến Nhầm", nhưng quả thật các bạn đã bị nhồi sọ, tẩy não từ bé nên không hiểu chiến tranh biên giới 1979 là cuộc chiến gì??? Có thể các bạn là nhà văn, đòng nghiệp ở NXB, chỉ quan tâm đến văn học, nhưng các bạn cũng nên bổ sung thêm kiến thức tối thiểu về lịch sử và địa lý. Nếu như lịch sử khô khan, việc tiếp tư liệu về cuộc chiến chống bọn Bành trướng Bắc kinh bị Đảng cấm đoán, thì các bạn cũng nên học cách xem bản đồ thế giới, phải biết nước ta nằm ở đầu và cuộc chiến phía Nam TQ là nước nào, chẳng lẽ là Taliban... Kể cả đây là một tác phẩm văn học bất hủ thì vêệc xem người VN đứng lên bảo vệ Tổ quốc là bọn địch phưong Nam cũng không thể câấp nhận được. Hy vọng những người có năng lực và trách nhiệm vận động êể thu hồi cuốn này sớm.
    Riêng tôi danh thàng lương này mua sách và sẽ mang đến ĐÀI Tưởng niệm Chiến sỹ Vô danh hỏa thiêu với niềm tin các vị anh hùng dân tộc sẽ giúp thức tỉnh dân chúng để chúng ta không thành thuộc địa kiểu mới của TQ

    ReplyDelete
  29. Ô. Trần Trung Hỷ hoàn toàn có quyền lựa chọn giữa việc dịch hay không dịch cuốn sách này.
    Và ông ta đã chọn dịch nó, tôn trọng nguyên tác như cái tâm làm nghề của ông ta.
    Vậy có ba khả năng xảy ra:
    1. Vì miếng cơm manh áo, ông TTH chọn dịch MCH như bất kỳ 1 tác phẩm ngoại văn nào. Chấm hết!
    2. Có một thế lực nào đấy, buộc ông dịch cuốn này và yêu cầu ông giữ nguyên văn, ý tưởng.
    3. Cái lý do này có vẻ tiêu cực nhưng không phải là không thể xảy ra: ông TTH đang lãnh lương bằng nhân dân tệ!

    ReplyDelete
  30. Chỉ bổ túc về các con số mà tôi có ghi dấu chấm hỏi phía sau :
    Quân số TQ đánh Cao Bằng trên 100.000 người. Con số các nơi khác chưa biết đích xác. Tổng số quân TQ tham dự chiến là trên 200.000 người.
    Không phải chỉ có quân đội ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây bị động viên mà còn có quân ở các nơi khác bổ sung thêm như Thành Đô và Vũ Hán.
    Con số chính xác dân phu cho cuộc chiến thì chưa biết. Riêng số dân phu tỉnh Quảng Tây là trên 200.000 người. Như thế con số dân phu toàn mặt trận phải rất là lớn.

    ReplyDelete
  31. Bạn gì muốn chửi tớ thì chửi đi, tớ rất rảnh. Gái mà chửi tớ, tớ vinh dự và hoan hô.

    Mạc Ngôn không tả cảnh quân Tàu giết quân Việt có thể là không đủ tư liệu, hai là nếu đủ tư liệu thì lại không dám, vì quân Tàu ác quá, chứ hoàn toàn không có gì là hay ho.

    Các nghệ sĩ thường nhắng, sáng tác bài này bài kia rất hào hùng, chứ thực ra chiến tranh rất củ chuối. Mình nghe 1 bác kể (đúng ra là mình hỏi chuyện bác ấy, bắt bác ấy kể), có khi, quân Tàu và Việt đánh nhau chỉ bởi mấy cục cứt. Vì mấy cục cứt, mà cả đám chết. Sau 1979, VN và TQ vẫn rất căng thẳng vùng bên giới và rất nhiều lần nện nhau. Có lần, lính VN xin thuốc lá, lính Tàu quẳng cho 1 bịch. Lần sau lính Tàu xin, lính VN đùa, quẳng sang một bịch cứt. Sau đó, lính Tàu cũng quẳng sang, nhưng không phải thuốc lá cũng chẳng cứt, mà là lựu đạn. Thế là hai bên nện nhau, chết kha khá vài chục mạng mỗi bên. Tất nhiên đến lúc báo cáo lên trên thì không ai đã đọc đến chuyện cứt, mà chỉ nói là chúng nó hung hăng gây sự này nọ.

    ReplyDelete
  32. Theo những gì tôi nghe được từ những người trước kể lại, đó là cuộc chiến khốc liệt. Cuộc chiến ấy nằm trong tính toán của những người lãnh đạo TQ còn binh lính TQ có phải là những người nông dân thất học hay không thì cũng chỉ nghe nói từ tiểu thuyết này mà thôi. Nhưng trong chiến tranh này, nhiều người lính Việt Nam đã hy sinh. Cá nhân tôi là người bình thường nhưng tôi ghi công họ và cũng tự hào vì cuộc chiến tự vệ này.
    Cám ơn bạn gì nhận ra tớ là gái (dù tớ không dán nhãn gái trên đầu), hơn nữa lại sẵn sàng cho tớ chửi nhưng mà tớ e bạn đề cao mình quá rồi.

    ReplyDelete
  33. Cuốn sách chưa biết nhưng quả thật cái bạn nói về sự hèn nhát, nhu nhược của (nước) chúng ta và phần về sự nghịch lý ấy rất đáng để suy nghĩ

    ReplyDelete
  34. Để tìm đọc rồi mới dám có ý kiến

    ReplyDelete
  35. Dịch giả chỉ là người dịch, nhiệm vụ của người dịch là dịch cho hay. NXB cũng chỉ là nơi xuất bản sách, họ xuất bản tác phẩm mà họ thấy hay. Chửi dịch giả là vô lối, nếu có chửi, nên chửi NXB là người trực tiếp đưa quyển sách đến với công chúng.

    Thêm nữa, nên nhìn từ góc độ của người đọc. Người đọc là người có tri thức, nên hiểu mình đọc cái j và mình nhận thức được điều j. Xuất bản một quyển sách như vậy nói rằng phản bội tổ quốc là ko sai nhưng đứng dưới góc độ văn học đó là sự tôn trọng độc giả.

    Thử soi sang Mỹ, sang Trung, người Việt ta chửi Mỹ, chửi Trung như thế nào khi họ ko chiếu những bộ phim, viết những cuốn sách về cuộc chiến với VN theo cái nhìn của người Việt. Giờ ta làm điều tương tự, bưng bít mọi tác phẩm của nước ngoài theo cái nhìn của họ về cuộc chiến VN và cho rằng vì mình đúng, mình chính nghĩa, mình tự hào dân tộc. Vậy có ai biết VN xưa đã chiếm Chiêm Thành ra sao, tại sao cuộc chiến đó gần như ko được nhắc đến trong các sách giáo khoa lịch sử? Vậy chính nghĩa ở đâu?

    Tóm lại, văn học là văn học. Ko nên lồng chính trị vào văn học, khi đó tác phẩm văn học đã ko còn cái ý nghĩa ban đầu của nó nữa.

    ReplyDelete
  36. Cái gì mà không có yếu tố chính trị trong đó! Ngay cả cái chuẩn cho trẻ mầm non còn có huống chi...
    Nếu không thì ban tư tưởng VH, ban tuyên giáo ngồi chơi xơi nước à...

    ReplyDelete
  37. Nen tiep nhan cuon sach voi thai do binh tinh va thau cam cua nhung nguoi trong cuoc tu ca tu hai phia. Dat minh vao vi tri cua mot nguoi linh hay mot hay dan binh TQ thu xem.
    Khong nen len an nguoi dich hay nha XB. Co cuon sach doc la rat tot...

    ReplyDelete
  38. khi tán tụng chủ nghĩa anh hùng của các quân nhân Trung Quốc trong kuộc chiến chống Việt Nam thì NXB Văn học đã xúc phạm tới những người Việt đã hy sinh trong cuộc chiến đó dưới bàn tay của các "anh hùng" Trung Quốc. Hơn thế, như tôi đã nói, nó còn sai lệch so với chủ đề tác phẩm.
    CHÍNH XÁC.

    ReplyDelete
  39. "Và rồi cuối cùng, chúng ta sẽ nhìn lịch sử Việt Nam bằng mắt của người Trung Quốc." Kết cái này của anh quá đi. Sao mấy thằng dở hơi ở Ban Tuyên giáo không hỉu như thế nhỉ.

    ReplyDelete
  40. Em cũng không phản đối cuốn sách, biết được lính của hai đầu chiến tuyến họ nhìn về cuộc chiến ra sao, họ đấu tranh cho mục tiêu gì, là rất hay.

    Anh Linh so sánh ở trong bài này, chúng ta nên tìm hiểu cái nhìn của TQ về chiến tranh 1979 cũng giống như chúng ta tìm hiểu về cái nhìn của người Mỹ đối với trận chiến Vietnam War. Cũng giống như mình muốn biết về người lính VNCH và phía đấu tranh dưới chỉ đạo của ĐCS, ở 2 chiến tuyến khác nhau, họ đấu tranh vì cái gì, và cuối cùng họ rút được bài học gì cho mình.

    Mạc Ngôn Người lính TQ họ cũng cầm súng với lý tưởng bảo vệ tổ quốc thôi, chứ đằng sau họ những lãnh đạo họ có ý đồ gì, tốt thí làm sao biết được.
    Nên em thấy Mạc Ngôn và cuốn tiểu thuyết làm gì có tội đâu. Nên không gì phải chống nó cả.

    Chỉ trách Nhà Nước mình, cấm không cho nhà văn Việt viết về trận chiến 1979, tuổi trẻ đa số không hiểu gì về bản chất của trận xung đột, nên nhiều người lớn tuổi lo sợ rằng ... văn hóa tức tuổi trẻ VN thế hệ sau này sẽ bị Tàu hóa, biết cách nhìn của người TQ (địch) nhưng lại chả biết gì về cách nhìn của cha ông ta.

    Em thì em chửi NXB, người dịch và Nhà Nước.

    ReplyDelete
  41. He he, khổ thân cả cuốn sách lẫn anh Mạc Ngôn :| Hay là đóng cửa luôn NXB Văn học, gộp chung nhân sự với NXB Đà Nẵng rồi dịch 1 cuốn nữa của Pháp cho viên mãn! (Am I really kidding). Mình có bản ebook cuốn Tầng đầu địa ngục của Alexander I. Solzhenitsyn, bản in năm 1973, chưa đọc vào đến truyện đã thấy giới thiệu bị xén!

    ReplyDelete
  42. Thế L nghĩ là ai cũng bình tĩnh với kẻ thù để suy nghĩ được hả?
    Sách xuất bản cho công chúng VN như thế là đốn mạt!

    Nói thẳng: thằng NXB khốn nạn.

    ReplyDelete
  43. Học ở trường nó đè đầu, nhối nhét ko biết bào nhiêu lần về chống Mỷ chống Pháp( từ lớp 4 cho lên tới đại học), nhưng những cuộc chiến đầy "máu của dân Viêt" với Pôn-pốt, Trung -cộng thì nó uim thin thít...
    Bây giờ xb sách còn khen giặc ngoại xâm là anh Hùng, thế mới thấy được cái khốn nạn của mấy thằng làm văn hóa vn. Nó bôi tro trát trấu lên mặt cha ông đã hy sinh cuộc sống này cho nó.
    Bài viết của Linh rất hay, cho phép mình mang về blog để góp phần vào truyền thông chống quân gian thần nhé.

    ReplyDelete
  44. Mỗi tuần một cuốn sách: Ma Chiến Hữu - Mạc Ngôn

    Cuốn sách viết về những người lính Trung Quốc, đánh trả quân xâm lược Việt Nam (1979). Một bản hùng ca về Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Dù họ đã là Ma, họ vẫn Chiến, vẫn Hữu, nghĩa là Ma Chiến Hữu.

    Trân trọng giới thiệu: Nhà xuất bản Văn học Việt Nam.

    Giá bán (sách in lậu) 17 nghìn VNĐ (bằng giá bán một cân gạo).

    ReplyDelete
  45. Viet rat hay va thuyet phuc. xim cam on!

    ReplyDelete
  46. @Linh: “Nó cho chúng ta thấy sự méo mó, dị hợm, nhược tiểu, hèn nhát của chúng ta.”

    Anh nói sai rồi. Chúng ta không hèn nhát, người dân Việt Nam không hèn nhát. Chỉ có ĐCS là hèn nhát mà thôi.

    Vì thực tế là họ kiểm soát, sửa đổi, định hướng quyền con người theo ý họ. Họ làm hỏng cảm giác, suy nghĩ, và nhìn nhận của người dân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả Lịch sử. Họ tẩy xóa, cắt xén, giấu giếm, làm méo mó, sai lạc, hư hỏng 1 phần lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

    Lỗi, tất cả đều là ở họ…

    ReplyDelete