Sunday, January 18, 2009

Entry for January 18, 2009

Nước Mỹ sẽ tan rã?

Đó là nhận định không phải của một nhà chiêm tinh học mà của một vị giáo sư Nga có tên tuổi, cựu nhân viên KGB và là viện trưởng viện đào tạo các nhà ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, tiên đoán về sự sụp đổ và tan rã của nước Mỹ . Theo dự đoán của vị giáo sư này, nước Mỹ sẽ chia thành ba: cộng hòa California gồm các bang miền Tây, nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc; New York và Washington DC cùng các bang miền Đông sẽ gia nhập Liên minh châu Âu; còn miền Bắc nước này sẽ thuộc về Canada. Texas và các bang miền Nam sẽ gia nhập Mexico! Hawaii thuộc về Nhật còn Alaska trở lại với Nga. Một kịch bản còn xa hơn những tưởng tượng của nhà văn Philip Dick trong tác phẩm giả tưởng lịch sử The Man in the High Castle, trong đó Philip Dick giả tưởng nước Mỹ thua trận trong thế chiến thứ Hai và miền Tây sẽ dưới sự bảo hộ của Nhật còn miền Đông dưới sự cai trị của Đức. Nhưng Philip Dick là nhà văn viết tiểu thuyết giả tưởng chứ không phải "chuyên gia" về quan hệ quốc tế.

Đáng nói hơn là những ý tưởng điên rồ như của vị giáo sư này lại được nước Nga tiếp nhận khá nghiêm túc, được báo đài của chính quyền đưa tin, phỏng vấn rộng rãi, thậm chí còn được đưa ra thảo luận bàn tròn tại Bộ Ngoại Giao Nga. Ông ta được những trường ngoại giao hàng đầu trong cả nước mời đến phát biểu, trình bày quan điểm của mình. Đó có phải là dấu hiệu của thái độ căm ghét phương Tây, căm ghét Mỹ mù quáng trong công chúng và chính quyền Nga hiện nay?
Tôi nghĩ trong lịch sử của mình, nước Nga luôn là một hung thần, một hiểm nguy đối với các dân tộc ngoài Nga. Thời nước này hùng mạnh, nó là hung thần với các công dân của các dân tộc thiểu số trong lòng nó (xem số phận người Ukraine, người Chechen...) và các nước lân bang. Thời nước này suy yếu, nó là hung thần với những người nước ngoài và những người Nga thuộc sắc dân thiểu số sống trong lòng nó. Chủ nghĩa sô-vanh và tệ phân biệt chủng tộc ở nước này quá sức nặng nề và hầu như không có một kháng lực nào để căn bệnh đó thuyên giảm.

Bài viết này của Richard Pipes, giáo sư sử học Mỹ, chuyên gia hàng đầu về Liên Xô cũ và nước Nga, do Thái Linh dịch và đăng trên blog Lilia. Xin mạn phép copy lại để thêm nhiều người đọc.

Nước Nga buồn thảm


Richard Pipes (nhà sử học, chính trị học, Xô-viết học người Mỹ, cố vấn của tổng thống Ronald Reagan. Bài đăng trên tuần báo Wprost (Ba Lan) số ra ngày 21-28/12/2008. Thái Linh dịch)

Xưa kia, Gogol đọc những chương đầu tiên của „Những linh hồn chết” cho Pushkin nghe. Nhà thơ thường ngày hay cười, khi nghe tác phẩm của Gogol, trở nên mỗi lúc một buồn bã hơn. Khi nhà văn ngừng đọc, Pushkin thở dài và thốt lên: „Lạy Chúa, nước Nga của chúng ta mới buồn thảm làm sao!”

Tôi nghĩ đến cảnh tượng từ đầu thế kỷ XIX ấy khi theo dõi các sự kiện ở Nga. Vì đâu một dân tộc như dân tộc Nga, tài năng trong văn học, nghệ thuật và khoa học, lại không thể tổ chức được cuộc sống xã hội để bảo đảm cho mình sự ổn định và một nhà nước pháp quyền? Tại sao người Nga che giấu hết cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, bù đắp cho điều đó bằng sự khinh mạn và khủng bố các nước láng giềng? Thật là một vở kịch thương tâm. Đã 17 năm trôi qua từ khi Liên Xô sụp đổ. Các nước Đông Âu, sau khi thoát khỏi sự kìm kẹp của Nga, đã xây dựng được những nhà nước dân chủ dù ít dù nhiều và hòa nhập vào cộng đồng châu Âu. Họ biết họ thuộc về cái gì. Chỉ có nước Nga là vẫn không biết.

Theo các điều tra dư luận, người Nga chối bỏ lối sống và các giá trị phương Tây. Trên phương diện chủng tộc và tôn giáo, họ không thuộc thế giới Hồi giáo hay Phật giáo phương Đông, họ khẳng định rằng họ muốn đi theo con đường riêng của mình, mặc dù họ không xác định được con đường đó là gì. Vì vậy họ rơi vào tình trạng tự cô lập, không biết tìm cho mình một chỗ đứng trong gia đình các dân tộc toàn thế giới.

Những người lãnh đạo nước Nga – phần lớn là các cựu quân nhân cảnh sát chính trị xô viết – ý thức được sự vô vọng của nền kinh tế cộng sản và đã quay sang chủ nghĩa tư bản. Nhưng đấy là chủ nghĩa tư bản trong đó nhà nước kiểm soát các ngành kinh tế mang lại nhiều lợi nhuận, như dầu lửa và khí đốt, đồng thời tỏ ra không tôn trọng sở hữu tư nhân. Ví dụ như các hợp đồng với British Petroleum và Shell, bị cắt đứt với lý do không tuân thủ việc bảo vệ môi trường. Tài sản của Michail Chodorkovsky, chủ hãng Yukos, bị tịch thu trên cơ sở các cáo buộc gian dối về tội trốn thuế. Thực chất là các lý do chính trị.

Cả Putin lẫn Medvedev đều không được chuẩn bị cho các hậu quả của khủng hoảng tài chính thế giới. Cả hai đều cho rằng nước Nga được cách ly khỏi kinh tế thế giới như Liên Xô trước kia. Vì vậy họ cam đoan rằng họ kiểm soát được cuộc khủng hoảng là hậu quả sự thiếu thận trọng của người Mỹ. Nhưng họ không giải thích được cho nhân dân tại sao thị trường chứng khoán Nga sụt giảm 85%, mất nhiều hơn bất cứ thị trường chứng khoán nào khác trên thế giới. Họ không thể giải thích tại sao đồng Rúp mất giá. Nền kinh tế của họ, phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, đang bị đe dọa, khi mà trên thị trường quốc tế giá m
ột thùng dầu tụt xuống dưới 70 USD.
Các nhà lãnh đạo Nga đến bây giờ mới nhận thức được họ đã trả cái giá đắt như thế nào cho cuộc xâm lược Georgia, khi sau đó các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Nga một số vốn trị giá gần 100 tỉ USD.

Trong lãnh vực chính trị tình hình cũng không khá hơn. Người Nga hoài nghi cho rằng mọi chính phủ đều do các chính khách chỉ biết chăm lo đến quyền lợi cá nhân lãnh đạo. Bởi vậy phần lớn dân Nga không quan tâm đến chuyện bầu những người lãnh đạo. Họ thấy các chính phủ chuyên quyền là phù hợp với mình. Những người lãnh đạo phải „mạnh mẽ, cương quyết và không khoan nhượng”. Putin và Medvedev đều tỏ rõ cho mọi người hiểu rằng họ không định xây dựng nước Nga thành một nước dân chủ. Họ lặp lại quan điểm của nữ hoàng Catherine II và Aleksandr II, rằng dân chủ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nước Nga. Trong bài giảng ở Đại học Columbia, Mỹ vào năm 2003 Putin phản đối lại lời chỉ trích rằng ở nước ông ta không có tự do ngôn luận, viện lý lẽ là trong lịch sử của mình, nước Nga chưa từng biết đến thứ tự do này. Việc chính quyền hiện nay không ưa tự do ngôn luận đã khiến cho mười ba nhà báo dũng cảm dám chỉ trích chế độ phải trả giá bằng mạng sống. Cho tới nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Lệ chuyên quyền, đối với truyền thống phương Tây là cá biệt, lại được 2/3 dân Nga ủng hộ. Hậu quả của nó là sự tách biệt dân chúng khỏi các vấn đề của quốc gia. Có thể đặt câu hỏi nếu khủng hoảng chính trị nổ ra, người dân Nga có đứng lên giúp đỡ chính phủ hay không? Trong các thời điểm như vậy dân chúng rút lui vào cuộc sống riêng, để kệ cho chính phủ tự bảo vệ mình. Người ta đã có thái độ như thế ở Nga vào năm 1917 và năm 1991, khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, trong sự thờ ơ của nhân dân.

Khi người Nga nói họ muốn chính phủ phải „mạnh mẽ, cương quyết và không khoan nhượng”, ý họ cũng muốn nói đến chính sách ngoại giao. Khi hỏi rằng nước họ nên được nhìn nhận như thế nào trên trường quốc tế, gần một nửa số người được hỏi trả lời là „một nước hùng mạnh, bất khả chiến bại, một cường quốc của thế giới”. Chỉ có 3% trả lời là „nước yêu hòa bình và thân thiện”, và 1% là „nước pháp quyền và dân chủ”. Thái độ ấy của phần lớn xã hội lý giải sự nỗ lực đến mức ám ảnh của người Nga để xây dựng địa vị „cường quốc lớn” mà họ đạt tới đỉnh điểm trong chế độ Xô viết và đã đánh mất. Cũng chính vì lý do này mà phần lớn người Nga coi Stalin là lãnh tụ lớn nhất, và coi thường Kerensky và Yeltsin, những người đã cố gắng mang tự do đến cho họ. Tham vọng lớn nhất của các lãnh tụ là xây dựng cho nước Nga khả năng gây khiếp sợ và bắt người khác phải vì nể.

Mỗi năm chính sách ngoại giao của Nga một trở nên hung hãn hơn. Chính quyền phản ứng một cách giận dữ khi cảm thấy các mong muốn của mình bị lờ đi, như trong trường hợp Kosovo, Georgia hay các vấn đề hệ thống phòng chống tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Séc. (...) Có vẻ như mục đích chính của sự can thiệp vào Georgia là để quấy rối và làm mất thể diện nước Mỹ. Moscow muốn cho thấy – và họ đã thành công – rằng Mỹ không có khả năng cứu bất cứ một đồng minh nào trong „vùng ảnh hưởng đặc biệt” của Nga. Các nỗ lực của Nga để chia rẽ châu Âu và Mỹ cũng phục vụ cho mục đích này. Moscow thực hiện chính sách này thành công. Một phần là do sự phụ thuộc của châu Âu vào việc cung cấp năng lượng của Nga, phần khác vì sự ghen tị với vai trò chủ đạo của Mỹ trên thế giới mà các chính khách châu Âu – Berlusconi, Sarkozy và Merkel – đã chọn sự trung lập trong căng thẳng của Washington – Moscow. Nước Nga cảm ơn Liên Hiệp châu Âu vì đã không áp dụng với nước này các hình phạt cho cuộc xâm lược Georgia.

Chuẩn bị cho dân chúng trước sự sụp đổ giả tưởng của Hoa Kỳ, truyền thông Nga vẽ ra những bức tranh vui tươi cho nước mình, mà đến năm 2020 phải vượt qua Hoa Kỳ trong kinh tế và quân sự và có thể - cùng với Trung Quốc - thay thế siêu cường quốc đáng căm ghét này. Đồng Rúp sẽ phải trở thành ngoại tệ dự trữ chính, còn Moscow – thành thủ đô tài chính của thế giới. Khi đọc các dự báo như vậy, người ta có thể đặt câu hỏi liệu các tác giả có tin vào chúng không, hay là họ đang có mưu đồ. (...)

Tôi tin rằng để nước Nga không còn là một khó khăn cho chính mình và cho phần còn lại của thế giới, nó phải chọn ra được một chính phủ biết xóa bỏ những mộng tưởng siêu cường quốc, dồn công sức cho việc phát triển nền kinh tế quốc dân hiệu quả và nhà nước pháp quyền. Chính phủ ấy cũng phải từ bỏ sự tự cô lập và tiếp nhận một tiến trình theo phương Tây mạnh mẽ. Chính sách này không có cơ hội dưới trướng chính phủ của Putin – Medvedev. Có thể nước Nga cần một cú sốc mới để đương đầu với hiện thực."


20 comments:

  1. Good entry, Linh!

    and good conclusion,too ;))

    "Tôi tin rằng để nước Nga không còn là một khó khăn cho chính mình và cho phần còn lại của thế giới, nó phải chọn ra được một chính phủ biết xóa bỏ những mộng tưởng siêu cường quốc, dồn công sức cho việc phát triển nền kinh tế quốc dân hiệu quả và nhà nước pháp quyền. Chính phủ ấy cũng phải từ bỏ sự tự cô lập và tiếp nhận một tiến trình theo phương Tây mạnh mẽ. Chính sách này không có cơ hội dưới trướng chính phủ của Putin – Medvedev. Có thể nước Nga cần một cú sốc mới để đương đầu với hiện thực."

    ReplyDelete
  2. Đọc entry của Linh blog, đúng sai đến đâu thì chưa hiểu, nhưng luôn thấy hay và đáng đọc. Mình thích cái lối viết này quá. Chặt chẽ logic và dễ hiểu.

    ReplyDelete
  3. Bảo nước Nga từ bỏ mộng siêu cường thì mình e là khó - suốt từ thời Petr Đệ Nhất tới nay họ đã hướng tới mục đích đó (mặc dù không nói rõ hẳn ra), và những thành công của họ càng làm họ vững tin vào điều đó.

    ReplyDelete
  4. Entry này chán hơn những entry trước đây nhiều

    ReplyDelete
  5. Ối vinh dự quá, hôm nay bài của mình được lên blog của siêu sao :)

    ReplyDelete
  6. Một entry hay.Xin phep copy về trang blog của tôi để thâm nhiều người đọc.
    Cám ơn

    ReplyDelete
  7. Sướng nhé. Thật là một dân tộc anh hùng v.v. và v.v. (Nghe quen không?)

    ;))

    ReplyDelete
  8. Người Nga có văn hoá chính thống riêng, không hoà hợp hoàn toàn với phương Tây được. Bảo Nga từ bỏ văn hoá của họ, hoàn toàn học theo phương Tây (Pipes) giống như bảo Việt Nam hoàn toàn bỏ văn hoá dân tộc, học theo Trung Quốc toàn bộ vậy, dù cái sau có somewhat superior và gần gũi đến đâu.

    ReplyDelete
  9. Không phải là nước Nga, Mỹ mới là gã độc tài hung hãn nhất thế giới. Đó là gã độc tài sẵn sàng bước qua những công ước quốc tế để thực thi quyền uy của mình trên phạm vi toàn thế giới. So với Mỹ, Nga chỉ là "gã độc tài cấp huyện" thôi.

    ReplyDelete
  10. Ngu*o*`i Nga van con lang man lam anh ah.

    Nen ho lam chinh tri cung lang man luon.

    ReplyDelete
  11. haha nuoc My se tan ra~? Ba'c nay choi die.n tu? nhie`u hay sao y'?

    ReplyDelete
  12. Các bạn Nga thường đề cao cái 'how they feel deeply about things'. Có lẽ vì thế mà văn học, nghệ thuật thì rất hay và đáng được đánh giá vì vẻ đẹp. Nhưng mà những thứ còn lại nếu chỉ là 'feel' để làm việc thì sẽ ra những thứ huyễn hoặc thế này?
    Không biết anh gặp nhiều người Nga và có so sánh gì giữa người Nga, Mỹ và con người từ các nước individualistic. Hè em đi qua Hung và Ru thì cũng hiểu một phần nào đấy vì sao đất nước, kinh tế của người ta chỉ đang đến vậy. Có lẽ đi thì sẽ quan sát và học được nhiều hơn. (Em định làm một tour Stockholm, Helsiki va St. Pete mà. À, mà tháng 3 này em qua Québec anh ạ.)

    ReplyDelete
  13. Híc Nga và TQ là vô địch rồi ^^
    Tụi EU sợ vãi hồn với 2 thằng này.

    Chính quyền của tụi Nga cũng độc tài như gì à.

    ReplyDelete
  14. Em chào anh Linh, xin mạo muội gửi ít comment ạ. Mạo muội vì tình cờ mà em được biết đến blog của anh, và sự tình cờ đó đã giúp em tiếp cận được một nguồn thông tin phong phú và thú vị. Cảm ơn anh! Chúc anh và gia đình năm mới bình an, hạnh phúc!

    ReplyDelete
  15. Anh Linh không có thiện cảm với nước Nga nên đã không công bằng với nước Nga. Theo anh như tôi thấy nước Nga là một cái gì đó thật xấu xa, phải tránh xa ra, còn nước Mỹ thật đáng ngưỡng mộ và đáng để chúng ta noi theo. Nhưng anh có thể trả lời tôi các câu hỏi này không?
    1. Nước nào gây ra cuộc chiến tranh ở Afganistan và Iraq, và nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh là gì?
    2.Nước nào đã ném bom vào Liên bang Nam Tư vào năm 1996 và lí do vì sao?
    3. Xa hơn một tí thì Mỹ cũng đã đưa quân vào miền Nam Việt Nam từ giữa những những năm 1960s cho tới năm 1973, lí do vì sao? Anh ở Hà Nội chắc là
    anh cũng nghe ông bà cha mẹ mình kể lại chiến tranh ác liệt như thế nào.
    Tôi rất ngưỡng mộ phương Tây và nước Mỹ vì những giá trị nhân văn, lí tưởng dân chủ, các giá trị văn minh mang tính phổ quát ở tầm nhân loại mà các dân tộc này đã sáng tạo ra. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng từ xưa tới nay khi một dân tộc nào đó mạnh lên, trỗi dậy đều muốn và mang giấc mộng "làm bá" cả, lúc trước thì Liên Xô và Mỹ, còn bây giờ có thêm anh Tàu láng giềng của chúng ta nữa đấy, chúng ta cũng phải đề phòng với anh láng giềng này, anh có thấy Trung Quốc gần đây cũng trở lên rất hung hãn, họ cũng chuẩn bị binh bị cứ như là sắp đánh nhau với ai ấy,ngân sách dành cho quốc phòng thì không ngừng tăng lên, ngôn ngữ thì mang tính hiếu chiến hơn.Trong lần tranh chấp vùng biển Hoa Đông với Nhật Bản, Trung Quốc nói" chiến tranh là không thể tránh khỏi",rất may là chiến tranh đã không xảy ra, còn trong lần công bố sách trắng quốc phòng gần đây họ có nói" quân đội Trung Quốc phải có tính răn đe", mà để răn đe ai kia chứ?

    ReplyDelete
  16. Ảo tưởng người Nga quả thật kinh ngạc!

    ReplyDelete
  17. Nghèo khó, ít học như lão đây cũng mơ ước được làm đại ca chứ huống hồ gì thiên hạ. Mà đã muốn đứng trên thiên hạ thì phải chinh phục. Cách hiệu quả nhất để chinh phục là tàn bạo (vì nhân loại đâu đã thoát ra khỏi chữ CON người!). Biết không để chê trách, bình phẩm mà để tìm ra cho mình một cách hòa nhập tốt nhất. Lão nông cạn nên chỉ nghĩ như vậy. Xin cảm ơn Linh.

    ReplyDelete
  18. Bài viết hay quá , xin phép copy lại cho bạn bè cùng đọc nhé . cám ơn nhiều.

    ReplyDelete
  19. giá dầu cứ giữ mức 30-40 đô la một thùng thì thằng bu tin, thằng hu gô, thằng i răn chẳng to mồm nổi đâu.

    ReplyDelete