Thursday, February 15, 2007

Đọc Linh Sơn- Cao Hành Kiện

1. Lời cảm tạ của Cao Hành Kiện (với quốc vương Thụy Điển tại lễ trao giải Nobel văn học 2000).


"Quốc vương bệ hạ tôn kính,

Con người đang đứng trước mặt ngài hãy còn nhớ, anh ta hồi tám tuổi, bà mẹ bảo viết nhật ký, anh ta đã viết như thế này, và cứ viết mãi cho đến lúc trưởng thành.

Anh ta cũng còn nhớ, khi vào trường trung học, thầy giáo dạy tập làm văn treo lên bảng một tấm tranh quảng cáo, không nói đề mục, mọi người hãy viết về bức tranh này. Nhưng anh ta không thích bức tranh ấy, bèn viết một bài dài phê bình nó. Thầy giáo không những không nổi giận mà còn cho anh ta điểm cao, lại có lời nhận xét nữa: "Bút lực rất khỏe". Anh ta cứ thế tiếp tục viết, từ đồng thoại sang tiểu thuyết, từ thơ đến kịch, mãi khi cách mạng văn hóa tới, anh ta sợ quá, đốt hết toàn bộ.

Sau đó anh ta đi làm ruộng khá nhiều năm. Nhưng vẫn ngấm ngầm viết, đem bản thảo giấu vào trong hũ, chôn xuống đất.

Những tác phẩm anh ta viết sau đó lại bị cấm in.

Về sau, khi sang phương Tây, anh ta vẫn viết và không quan tâm tới việc xuất bản hay không. Dẫu xuất bản đi nữa, cũng không để ý là có phản ứng hay không. Bỗng nhiên lại được đến đại sảnh lộng lẫy này, để nhận từ trong tay quốc vương bệ hạ phần thưởng cao quý.

Thế rồi, không nén được, anh ta hỏi: Thưa quốc vương bệ hạ, đây là thực ư? Hay là câu chuyện đồng thoại?"

(In trong cuốn Linh Sơn- bản dịch của Hồ Quang Du).

Đọc bài này, không khỏi nghĩ, giá thử người thầy giáo trung học của họ Cao cũng theo thói thường tình, chấm bài theo đáp án mà cho Cao điểm thấp hay phê bình anh ta thì liệu Cao còn cảm hứng để sau này tiếp tục viết, “đem bản thảo giấu vào trong hũ, chôn xuống đất”. Và không biết nước Trung Hoa hơn 1 tỷ dân tới giờ liệu có người nào được tặng thưởng giải Nobel văn học hay chưa.

2. Về Linh Sơn

Nhớ khi mua và bắt đầu đọc Linh Sơn ở Việt Nam, thấy rất thích, bạn bèn nhắn SMS cho một số người: “Ấy/cậu/em đọc Linh Sơn chưa. Tớ/anh đang đọc đấy. Hay lắm”. Thế nhưng, cũng phải sau hai tháng, bạn mới đọc xong được cuốn sách có độ dày hơn 600 trang này, trong buổi tối cuối cùng của năm Tuất.

Có thể nói gì về Linh Sơn và Cao Hành Kiện? Bạn cảm thấy khó nhận xét về cuốn sách đó. Ngoại trừ bạn cảm giác đó là một cuốn sách rất đẹp, hơn nữa, như lời của Hội đồng trao giải Nobel 2000, đó là một cuốn sách tự nó làm thành riêng một thể loại. Gần đây, người ta thường nhắc tới các tiểu thuyết hậu hiện đại, nhưng trong số ít ỏi mà bạn đọc thì có lẽ “Đời nhẹ khôn kham” của Kundera và “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện là hai tác phẩm mẫu mực, để lại ấn tượng cho bạn nhiều hơn cả.

Với Linh Sơn, bạn còn tìm thấy được một vẻ đẹp khó tả được của thiên nhiên, của nền văn hóa Trung Hoa giàu có, của lịch sử một nước Trung Hoa bạo liệt. Và không phải chỉ là nền văn hóa Trung Hoa của người Hán mà còn là nền văn hóa của người Miêu, của các dân tộc ít người trên vùng biên giới Tây Nam, vốn bị người Hán khinh rẻ và văn hóa Hán đè áp (giống như trong câu chuyện Cao kể vua Hoàng đế- thủy tổ người Hán- diệt Suy Vưu, còn vua Đại Vũ là kẻ đầu tiên bóp chết kẻ khác để thực hiện ý chí của mình).

Trước kia, bạn ngại đọc tiểu thuyết Trung Hoa hiện đại vì ghét cái tủn mủn, tiểu khí, hay thô tục trong đó- cái khí chất của một thùng phuy nặng mùi bí bách lâu ngày mới được (thỉnh thoảng) mở nắp. Nhưng với Cao Hành Kiện thì lại khác. Văn Cao Hành Kiện rất đẹp, phóng khoáng, lãng mạn dạt dào, lúc trầm mặc như bức tranh thủy mặc, lúc hào hứng, lúc huyền ảo mà có lúc lại rất phong tình, đôi khi có hóm hỉnh nhưng dư vị của hóm hỉnh vẫn là chua xót.

Nhân vật trong Linh Sơn đi tìm Linh Sơn, một ngọn núi thiêng trong huyền thoại. Đó là hành trình tìm về tự ngã của anh ta? Hay hành trình tìm về một cội nguồn văn hóa, về những khoảng thời gian đã bị đánh mất, những vẻ đẹp của quá khứ, những số mệnh đau khổ của con người bị đè nghiến, bị vùi dập, bị lãng quên trước những đổi thay của thời cuộc. Con người trong Linh Sơn thật cô đơn, dù họ có bấu víu, yêu thương hay hành hạ nhau thì họ vẫn cô đơn- nhưng phải chăng chỉ khi họ tự ý thức được sự cô đơn đó thì họ mới tìm được mình? Cũng nói thêm là những trang viết về giới tính, về nỗi cô đơn và ham muốn của đàn ông và đàn bà rất xuất sắc, nhân vật nữ trong tác phẩm của ông sinh động và giàu sức sống không kém nhân vật nam, trong khi lại vẫn có một cái gì đó huyền ảo (các đồng thoại Trung Quốc vẫn để những nhân vật nữ là các hồ ly tinh lấy chồng, sinh con nhưng vẫn bí hiểm một cách rất “hồ ly tinh” đó sao). Người đọc dễ đồng cảm mình với nhân vật nam nhưng lại hết sức cảm thông và thương xót cho nhân vật nữ của ông.

Con người đó có tìm được Linh Sơn không? Cao Hành Kiện trả lời bằng mấy câu kệ, mà ông cho là một ngạn ngữ cổ đã có từ mấy nghìn năm:

“Có cũng về,
Không cũng về,
Đứng ở bên sông gió tái tê”,

Khi ta biết là đã có thể “về” rồi, thì phải chăng lÃ
  ta đã tá»›i được Linh SÆ¡n? Hoặc là gần tá»›i chăng?

So sánh Cao Hành Kiện với các tác giả khác thì gần như không thể. Ông là một nhà văn thấm đẫm chất phương Đông và tính dân gian (bản thân ông cũng là một họa sĩ tranh thủy mặc), nhưng lại là người thử nghiệm một cách viết chịu ảnh hưởng của phương Tây, có lẽ ông là người đầu tiên chăng? Người duy nhất khiến tôi cảm thấy có gì đó gần gũi với Cao là Kawabata với những câu văn phảng phất như những bài thơ thiền, nhưng như kết tinh trong đó vẻ đẹp của nền văn hóa Nhật Bản, “đẹp và buồn”? Có lẽ, không phải ngẫu nhiên, mà Cao và Kawabata là hai người Trung Hoa và Nhật Bản đầu tiên được trao giải Nobel.

Biết đến bao giờ văn học Việt Nam mới đi ra được những tủn mủn của thời gian, của áp lực tên tuổi và một mảnh chiếu trên văn đàn để có được những tác phẩm đẹp và gợi cảm, kết tinh được cả một nền văn hóa đặc sắc như của Cao Hành Kiện hay Kawabata?

Cũng xin nói thêm về bản dịch. Như tôi được biết, có ba bản dịch Linh Sơn ra tiếng Việt, cũng là một hiện tượng hiếm hoi, phản ánh sự đánh giá cao của người Việt với Cao Hành Kiện và phần nào là sự tương đồng văn hóa giữa Linh Sơn với người Việt (thực ra bối cảnh Linh Sơn là vùng Tây Nam Trung Quốc- chính là địa bàn sinh sống của người Việt cổ khi xưa- bộ tộc Âu Việt của Thục Phán cũng xuất xứ từ vùng này mà tiến xuống phương Nam lập ra nước Âu Lạc). Bản tôi đọc là của Hồ Quang Du (không biết là ai, có hay dịch không) dịch từ tiếng Trung, và theo tôi, là bản dịch rất xuất sắc. Ngoài ra còn một bản dịch từ tiếng Pháp cũng tên là Linh Sơn của Trần Đĩnh (nghe nói cũng Việt hóa rất hay nhưng lại là dịch từ một ngôn ngữ trung gian) và bản tên là Núi Thiêng của Ông Văn Tùng.

Viết đã khá dài như vậy nhưng thực ra tôi có hiểu Linh Sơn không? Xin quote lại ba dòng cuối cùng trong cuốn sách thay cho câu trả lời.

“Vờ làm ra hiểu nhưng rốt cục vẫn chẳng hiểu.
Kỳ thực tôi chẳng hiểu gì, chẳng biết rõ điều gì.
Nó như thế đấy”.

Thế đấy!

9 comments:

  1. Hap dan qua', em fai ti`m doc thoi. :>

    ReplyDelete
  2. :-D Đọc cái review này nhớ ra mình cũng đã từng có 1 bạn từng gọi bạn xưng bạn. Chẳng biết bạn còn nhớ không?

    Bao nhiêu là nước chảy qua cầu rồi (sigh) (sến ngày cuối năm)

    ReplyDelete
  3. Cả cái review dài dằng dặc ngày cuối năm của mình cuối cùng cũng chỉ làm cho em G. nhớ tới cố nhân (sigh).
    Thực ra cách phân thân bạn/tôi là từ trong Linh Sơn. Ngòai cặp bạn/tôi còn một cặp là cô ấy/anh ấy nữa.

    ReplyDelete
  4. Anh có trong fiends list của ivy mode, nhưng hôm nay mới đọc blog anh. Kiến thức của anh rộng và cảm xúc vô cùng tinh tế.

    ReplyDelete
  5. Khà khà, lâu lắm mới gặp được một người cảm LS giống mình. Thú vị quá

    Tớ thích cách dùng từ đảo đi đaỏ lại nưã, Linh đọc Bốn kiếp thùy liễu chưa? nếu đọc rồi cho xin tí rì viu nhé

    ReplyDelete
  6. Không biết anh, nhưng tôi thấy anh hiểu ông Cao Hành Kiện kia quá.
    Cảm ơn anh đã public blog này, nên tình cờ tôi mới biết thêm một blog hay!

    ReplyDelete
  7. Vì đọc post ni mà em đã đi tìm Linh Sơn của CHK về đọc, nhưng tìm hoài ngoài nhà sách mà không có, vì nó chưa tái bản.

    ReplyDelete
  8. cac ban co nhan xet hay,hom truoc co doc cua TRUONG THAI DU te qua ,hinh nhu ong Du khong hieu gi ve LINH SON cua CAO HANH KIEN thi phai.

    ReplyDelete
  9. Tìm Linh Sơn và tìm thấy anh!
    Cảm giác cô đơn trong Linh Sơn "Con người cô đơn dù có bấu víu, yêu thương hay hành hạ nhau thì họ vẫn cô đơn..." thường trực trong đời sống của chúng ta; và đúng đắn một điều rằng "chỉ khi tự ý thức được sự cô đơn đó thì ta mới tìm được mình"
    Rất vui vì tìm được một page hay để em thường xuyên ghé tới.

    ReplyDelete