Saturday, July 21, 2007

Zarathustra và Grenouille

img


“Ta gọi con người đích thực là kẻ bỏ đi vào trong những vùng sa mạc không Thượng Đế, là kẻ đập vỡ tan quả tim tín mộ của mình.
Bước đi trên cát vàng nóng bỏng, bị ánh mặt trời thiêu đốt, hắn thèm khát liếc nhìn những hòn đảo với những suối nước tràn trề, nơi mà đời sống an nghỉ dưới những chiếc cây đầy bóng mát.

Nhưng cơn khát của hắn không thuyết phục hắn trở thành giống kẻ an nhàn tự mãn đó; bởi vì nơi nào có ốc đảo xanh tươi thì nơi đó cũng có những thần tượng.

Đói khát, tàn bạo, cô đơn, vô tín ngưỡng, không Thượng Đế: đấy chính là ước muốn của ý chí con mãnh sư.

Giải thoát khỏi hạnh phúc của hạng nô lệ giải phóng khỏi những thần linh, khỏi những sùng bái ngưỡng mộ, không sợ hãi và kinh hoàng, cao cả và cô đơn: đấy là ý chí của kẻ chân thực.”

(Về những nhà hiền triết nổi danh- Zarathustra đã nói như thế, Nietzsche).

Đoạn văn này khiến tôi nhớ tới ai? Tới Jesus khi ông bỏ vào sa mạc, lòng đầy đau khổ và nghi ngờ. Đau khổ vì loài người và nghi ngờ về bản thân mình, và nghi ngờ cả về việc loài người có đáng được cứu vớt không. Khi Jesus trở lại thành phố từ sa mạc, ông tin là có Thượng đế và ông là con của Người, ông tin vào việc có thể cứu vớt loài người và họ đáng để cứu giúp và ông rao giảng một thứ tôn giáo dựa trên tình yêu và điều Thiện. Nietzsche hẳn không thể tha thứ cho Jesus về điều này. Theo Nietzsche, Jesus đã rất gần với con người Siêu Nhân- vượt lên trên cả Thiện và Ác, nhưng rồi ông lại chịu thỏa hiệp với đám dân chúng thấp hèn, đem rao giảng cho họ một thứ tình yêu và điều thiện một cách tầm thường. Có lẽ Nietzsche cũng nghĩ như Marx, tôn giáo là một thứ thuốc phiện cho nhân dân. Nietzsche căm ghét nó vì nó khiến đám quần chúng ngu muội càng thỏa mãn với việc làm nô lệ cho các thần tượng và khiến những kẻ trí tuệ nhất cũng nhụt chí, cam phận “kéo chiếc xe của dân chúng đi, như một bầy lừa”.


Đoạn văn này còn khiến tôi nhớ tới ai? Tới nhân vật Grenouille trong tiểu thuyết Mùi Hương của Patrick Sueskind. Cũng như Jesus, y đã từng bỏ đi rất xa, lang thang trong núi mấy năm trời để tìm cho ra mình là ai, và đâu là mục đích sự sống của mình. Nếu như Jesus có một Thượng đế và một sứ mệnh thì Grenouille là một kẻ đúng như Nietzsche mơ ước “đói khát, tàn bạo, cô đơn, vô tín ngưỡng, không Thượng Đế”. Nhưng cũng có thể coi là y cũng có một Thượng đế và một sứ mệnh. Có điều Thượng đế của Grenouille là Mùi Hương – là một thứ hương thơm tuyệt đích, khiến tất cả nhân loại phải quỳ gối cúi đầu tôn thờ nó. Và sứ mệnh của y là tìm được Mùi Hương đó, là chế ra nó- không phải là để cho nhân loại quỳ mọp dưới chân y (dù y cũng cảm thấy kích thích bởi ý nghĩ đó) mà vì đó là sứ mệnh của sự tồn tại của y. Một cái gì không khác được giống như khi Jesus tự nhận sứ mệnh con Chúa của mình trên thế gian. Và cũng như Jesus, y bị đám dân chúng mà y khinh bỉ bắt bớ, tra tấn rồi kết tội chết. Để rồi chính đám dân chúng đó lại quỳ mọp dưới chân y và tôn thờ y (có điều may mắn- hay không may mắn- cho y là việc đó diễn ra khi y chưa chết, khác với Jesus chỉ được tôn thờ sau khi đã bị đóng đinh).


Nhưng khác với Jesus, Grenouille thờ ơ tuyệt đối với Thiện và Ác. Đối với y, các khái niệm đó không tồn tại. Thật là một sinh vật hiếm có, thoát khỏi vòng cương tỏa của các khái niệm Thiện Ác ngay từ khi nó mới ra đời- Nietzsche liệu có vui mừng khi có những Siêu Nhân trở thành Siêu Nhân mà không phải đau đớn, dằn vặt chối bỏ, vượt lên trên Thiện và Ác?. Cuộc sống và cả cái chết của y là một sự nhạo báng kinh người đối với loài người, với việc làm nô lệ cho các thần tượng của loài người, với tôn giáo nhân danh tình yêu mà loài người bấu víu vào như là chỗ ẩn của lương tri và Cái Thiện.

Grenouille không phải Jesus, người vẫn tin vào Cái Thiện và dùng nó để cứu rỗi loài người. Grenouille cũng không phải Faust, kẻ sẵn sàng bán linh hồn cho Satan- Cái Ác- để có bằng được những gì hắn muốn có. Grenouille đứng trên Thiện và Ác. Jesus là con người (trước khi bị đóng đinh). Faust cũng là con người. Grenouille không phải là người theo nghĩa đúng của từ này. Có thể gọi y là Siêu Nhân hay là quái vật, có điều chắc chắn y là một kẻ phi-người.


Với bề ngoài của một tác phẩm thriller về một tên giết người hàng loạt, tác phẩm Mùi hương là một sự cười cợt, nhạo báng mang tinh thần Nietzsche đối với tôn giáo, với chính trị, với bản chất con người, với cả một điều mà loài người vẫn tôn thờ và coi là thiêng liêng nhất- Tình yêu. Grenouille có cái gì đó của Jesus, của Faust, thậm chí của cả Napoleon, Hitler hay Stalin…sự có mặt của y trong cuộc đời hẳn là một sự nhạo báng đối với bản chất con người, nhất là ở cái nhu cầu của loài người được đi tìm thần tượng ở những kẻ ít có điểm chung với con người bình thường nhất. Mang tinh thần Nietzsche nhưng có thể nhân vật Grenouille còn là một sự giễu cợt đối với chính Nietzsche với mơ tưởng của ông về những vị anh hùng đứng trên Thiện và Ác.


Các bài điểm sách đầy đủ về cuốn này: có thể đọc bài này của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan và bài này của bác 5xu. Bài trên chỉ là tản mạn khi đang đọc Zarathustra đã nói như thế của Nietzsche thôi. Có thể là hiểu rất sai (cả Nietzsche và Sueskind).

13 comments:

  1. có miền sa mạc nào cho tôi không nhỉ?...

    ReplyDelete
  2. Người đẹp mà vào sa mạc thì uổng lắm. Lúc đó nếu yêu thì biết nói cho ai nghe :P

    ReplyDelete
  3. co the hieu sai, co the hieu dung. The nao la sai, the nao la dung?

    ReplyDelete
  4. Câu em Nam Giang hỏi thế thì cũng tương tự như câu thế nào là thiện, thế nào là ác. Nói chung là siêu hình học quá, không trả lời được :P

    ReplyDelete
  5. "Und Zarathustra sprach" mà dịch là "Zarathustra đã nói như thế" thì bị sai nghĩa và mất hẳn tính nhịp điệu.

    ReplyDelete
  6. Tôi không biết tiếng Đức, theo bác Marcuscello thì dịch thế nào sẽ tốt hơn. Cuốn này ở Việt Nam được dịch trước 75 ở miền Nam, sau này cũng không có bản dịch nào khác thì phải.

    ReplyDelete
  7. Không phải cứ phi-Người là có thể khơi khơi xếp ngang hàng với tinh thần của Nietzsche. Những kẻ tự nhốt mình trong một cái vỏ Người mang tính khuôn mẫu, định kiến nào đó, sẽ bị Nietzsche coi là nô lệ. Tuy nhiên, nếu tự nhốt mình trong một trạng thái phi-Người nào đó thì cũng lại là một sự nô lệ khác.

    Vì vậy Siêu Nhân không phải là bất cứ một hình mẫu, khuôn khổ cố định nào.

    Siêu Nhân là trạng thái vận động không ngừng nghỉ, theo xu hướng siêu việt hóa.

    Thế nào là siêu việt, chỉ có Will-to-power bên trong mỗi cá nhân có thể tìm thấy câu trả lời trong hành trình vô tận của nó. Ngay cả Zarathustra cũng không thể giúp gì được ở đây. "Hãy rời bỏ ta, hãy đề phòng Zarathustra; thậm chí tốt hơn là hãy hổ thẹn vì dính tới hắn; biết đâu hắn đã lừa gạt tất thảy ..." (Chương 22, Phần I)

    Chỉ khi ở trong quá trình tự vấn, tự gạn lọc rạch ròi và khắc nghiệt như vậy, con người mới xứng đáng có nhân phẩm. Hiểu tinh thần này thì có thể cảm nhận được nguồn năng lượng sôi sục, chất thi ca trong văn Nietzsche.


    "... phải biết yêu kẻ thù, và căm ghét chính bằng hữu của mình"

    Nếu đọc những dòng như vậy của Nietzsche với lý trí khô khan thì không thể cảm nhận đúng được. Cần cảm thụ với nguồn năng lượng cảm xúc sôi sục mà Nietzsche muốn biểu đạt tới người đọc.

    ReplyDelete
  8. không hiểu sao em lại thấy tâm hồn của Grenouille cực kì trong sáng và tinh khiết...

    ReplyDelete
  9. Tui có phần đồng ý với Le. Vấn đề mà tui thấy rắc rối nhất trong cách hiểu Mùi Hương của bài bên Nhị Linh lẫn bài này là: Grenouille vượt lên đạo đức hay không có khái niệm gì về đạo đức cả?

    Hôm bữa tui có ý định viết vài dòng về chuyện này, và đã có viết, chưa hoàn tất thôi, vì mấy vụ dân oan biểu tình và cái tình trạng báo chí VN làm tui cảm thấy... cuộc sống ảm đạm quá, chả muốn nói về Grenouille nữa.

    Thôi chép lại lên đây vài ý vậy:

    Có một điểm về bản chất của Grenouille khiến tôi cảm thấy chút gì đó lấn cấn khi nhà phê bình lồng câu hỏi dưới đây vào trường hợp của Grenouille:

    Liệu có thể có chân lý và “cái đẹp thuần túy” (cũng là chân lý nốt!) ở bên ngoài đạo đức và lương tri, bên ngoài ý niệm về Thượng đế (cái thiêng liêng và siêu việt nói chung) và ý niệm về tội lỗi?

    Với một người nghệ sĩ thực thụ đi tìm cái đẹp và tự do, hẳn người nghệ sĩ đó đã tự cảm nhận một cách hoàn toàn không chủ ý rằng mình thuộc về cái đẹp, thuộc về tự do, nói nôm na là "cùng một loại", theo ngôn ngữ của Thanh Tâm Tuyền là “chúng ta đã thắng giữa cuộc đời”. Bởi vậy hắn hăm hở với việc vươn tới cái đẹp và tự do trong sự sáng tạo nghệ thuật [ở đây tôi không đồng hóa cái đẹp với cái tốt] - vượt ra ngoài biên giới cái-gọi-là đạo đức hay ý niệm tội lỗi.

    Grenouille thì khác, hắn biết rõ "cái đẹp thuần túy" mà hắn tìm kiếm hoàn toàn là sự đối lập với bản chất của hắn, vắng bóng trong con người hắn. Nếu như thế, cuộc tìm kiếm "cái đẹp thuần túy" có còn là "cái [gần] đẹp tìm đến cái đẹp", hay chỉ đơn thuần một sự tìm kiếm của tham vọng con người nhân danh cái đẹp [suy cho cùng, ai chẳng muốn chiếm hữu cái đẹp - người ta có nhận ra được cái đẹp hay không thôi]? Và nếu chỉ là một cuộc tìm kiếm nhân danh cái đẹp, câu hỏi trên có còn hợp lý?

    Cho nên tôi nghĩ trường hợp Grenouille là tuồng kịch của một con người với bản chất nô lệ [và một khả năng thiên tài] nhưng thèm khát có được sự tự do bằng mọi giá để trở thành một kẻ khác. Tuồng kịch này có thể là trường hợp của nhiều con người. Nhưng không phải là tất cả.

    Vì vậy mà kết luận:

    "Khối mâu thuẫn mà Patrick Sueskind gài vào cuốn dã sử hoang đường này thật kinh khủng: nguyên lý của sáng tạo chống lại nguyên lý của đạo đức, “cái đẹp thuần túy” xung đột với trật tự luân lý và lương tâm, chân lý thì áp chế và tha hóa con người..."

    Theo tôi có phần hơi vượt ra ngoài bi kịch của Grenouille. Có hay không nguyên lý sáng tạo chống lại nguyên lý đạo đức? Có. Grenouille đã giết 25 thiếu nữ để phục vụ cho nguyên lý sáng tạo của hắn. Có hay không có “cái đẹp thuần túy” xung đột với trật tự luân lý và lương tâm? Không, tôi không nghĩ như thế. “Cái đẹp thuần túy” – chân lý, trong trường hợp của Grenouille không đối đầu với lương tâm, Grenouille chỉ nhân danh nó. Chính tham vọng sở hữu cái đẹp – cái không thuộc về bản chất của hắn – mới đối đầu trực tiếp với luân lý và lương tâm.

    ReplyDelete
  10. @Le & Duật: Tớ không định nói Grenouille là hình mẫu một con người Siêu Nhân như Nietzsche nói. Chỉ nghĩ là Susekind lấy cảm hứng từ Nietzsche để tạo ra nhân vật Grenouille.
    Con người SIêu Nhân theo quan điểm của Nietzsche khá gần với việc đi tìm chữ Ngộ và cõi Niết bàn của Phật giáo.
    Tại sao Grenouille không phải là Siêu Nhân. Đơn giản vì hắn sinh ra đã không phải là người nên ở hắn không có quá trình đi tới sự siêu việt bằng ý chí quyền lực.
    Nhưng với hình tượng Grenouille, một kẻ phi-nhân, ở bên ngoài Thiện và Ác (chữ bên ngòai hẳn chính xác hơn bên trên trong trường hợp này), Sueskind đã giễu cợt loài người với bản năng nô lệ của họ.
    Với Grenoille, những khái niệm lương tri, thiện-ác và cả linh hồn đều không tồn tại. Cũng không thể coi y là người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp như Nguyễn Chí Hoan nói vì với y, Mùi Hương là một thứ tuyệt đối, nó không là Cái Đẹp, không là Chân Lý, cũng không là Cái Thiện, mà chỉ đơn giản là cái Tuyệt đối. Chỉ có loài người với các tiêu chuẩn đạo đức và giá trị của họ mới phân biệt Chân THiện Mỹ. Với Grenoille, không có sự phân biệt này, do đó hoàn toàn không có sự đấu tranh giữa đạo đức và cái đẹp. Sự đấu tranh đó là do tưởng tượng của con người, và đặt cho Grenoille ngọn đuốc của người nghệ sĩ đi tìm cái Đẹp cũng là một ự gì đó hơi lố bịch.

    Vậy cái Grenoille tìm kiếm là gì? Đó là tìm kiếm cội nguồn của chính bản thân hắn. Mùi Hương là một thứ Thượng đế với Grenoille, gắn với bản chất của hắn (một cái máy ngửi nhưng bản thân lại không có mùi). Chỉ có điều trong khi loài người sùng bái và đi tìm Thượng đế thì Grenoille khám phá và sáng tạo ra Thượng đế của mình.

    ReplyDelete
  11. Con đường sùng bái và đi tìm Thượng Đế của con người chẳng lẽ không phải là con đường khám phá và sáng tạo ra thượng đế của con người hay sao ;)) Đã có bao nhiêu Thượng đế được khám phá và sáng tạo rồi :p Chỉ là cách thức khác nhau thôi mà :p

    ReplyDelete
  12. Tôi đang đọc cuốn Zarathustra này, kiếm bài giới thiệu thì lạc vô đây. Quả thực bây giờ tôi đã ngộ ra nhiều điều về cả 2 tác phẩm và sợi dây liên kết giữa chúng, vì quanh tôi không nhiều người ngấm được 2 tác phẩm này. Thật tuyệt vời, cảm ơn bác vì bài viết. Tôi thích tất cả các bài viết của bác.
    Nhân tiện, tôi cũng thấy bản tiếng Anh là "Thus spoke Zarathustra" - "Zarathustra đã nói như thế", ko hiểu sai ở chỗ nào? Bản dịch tôi đọc là của Trần Xuân KIêm, NXB VHTT 2003, chắc ko giống bản dịch trước năm 75 mà bác đề cập.
    Những ngày cuối đời Nietzsche bị tâm thần và ông cũng nghĩ rằng mình là kế nhiệm Chúa.

    ReplyDelete
  13. Cảm ơn bài viết của bạn, có lẻ mình sẽ tìm đọc cuốn Mùi hương.
    Còn về Nit thì không biết gì nhiều. Mình chỉ cảm nhận được sự mạnh mẻ và giải phóng trong tư tưởng ông này. Nhưng đâm ra lạc lối và nghi ngờ mọi thứ: từ CN phát xít, phân biệt chủng tộc. Thức sự nó có xấu không? Mọi người (có thể là phần lớn) đều nói đấy là Tội ác.

    ReplyDelete