Nghe tắc kè kêu trong thành phố
Nguyễn Duytắc kè
tắc kè
tôi giật mình
nghe
trên cành me góc đường Công Lý cũ
cái âm thanh của rừng lạc về thành phố
con tắc kè
sao mày ở đây?
sáng ra nhìn soi mói mọi cành cây
chả thấy con tắc kè đâu cả
khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá
tắc kè kêu như tiếng ai vọng về
chợt hiện về thăm thẳm núi non kia
dưới lá là hầm, là tăng, là võng
là cơn sốt rét rừng vàng bủng
là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn
những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
ngủ ôm súng suốt một thời tuổi trẻ
đêm trăn trở đố nhau
bao giờ về thành phố?
con tắc kè nghe, nhanh nhảu nói: sắp về
sắp về
sắp về...
người bạn tôi rung võng cười khoái trá
ấy là lúc những cánh rừng trút lá
mùa khô năm một ngàn chín trăm bảy tư
ăn tết rừng xong, từ giã chú tắc kè
chúng tôi xuôi, ào ào cơn lũ đổ
các binh đoàn tràn vào thành phố
đang mùa thay lá những hàng me
lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
chồi non lăn tăn nơi đầu cành run rẩy
cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay
người bạn tôi không về tới nơi này
anh gục ngã bên kia cầu Xa lộ
anh nằm lại trước cửa vào thành phố
giây phút lạnh lùng chấm dứt cuộc chiến tranh
đồng đội, bao người không về tới như anh
nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù và xa nữa
tất cả họ, suốt một thời máu lửa
đều ước ao thật giản dị:
sắp về.
qua hai mùa thay lá những hàng me
cái tết hoà bình thứ ba đã tới
chao ôi nhớ tết rừng không hương khói
đốt nhang lên
chợt hiện tiếng tắc kè
tôi giật mình
nghe
có ai nói ở cành me
sắp về...
Nguyễn Duy - TP.Hồ Chí Minh, Tết Mậu Ngọ, 1978.
2. Một bài hát của một ông Duy khác.
Kỷ vật cho em
Phạm Duy
Lời Linh Phương
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã,
Anh trở về anh trở về, hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã. Em ơi!
Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em một chiều dạo phố mùa xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anhh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.....
Đức tin thơ ca gì. Ý bác Linh đáng để suy nghĩ. 27 tháng 7 là ngày thương binh liệt sĩ. Hai bài thơ trên là tâm sự của hai người từng là lính - hai nhà thơ của hai chiến tuyến: Phạm Duy, Linh Phương. Một bên là Thương Binh Liệt Sĩ Việt Nam Cộng Sản. Một bên là Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà. Một bên là chiến thắng, bên kia là chiến bại. Một bên là vinh quang vinh danh, bên kia là buồn tủi thầm lặng.
ReplyDeleteBên phía VNCH có nhiều người là lính thành nhà thơ và làm thơ về số phận, về chiến tranh hay như Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Kiệt Tấn... Tài hoa mà kiêu bạc nhất có lẽ là Nguyễn Bắc Sơn với những vần thơ về chiến tranh rúng động lòng người.
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc.
Hay :
Kẻ thù ta ơi những đứa xăm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi..
Nghe nói cha của Nguyễn Bắc Sơn là bộ đội cấp chỉ huy tập kết miền Bắc, thành ra hai cha con hai trận tuyến bắn nhau.
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh Hồn chắc sẽ thành mây bay
Câu "mặt trời thoáng đã ở phương Tây" có ý nói đến cái chết, nhanh như đầu ngày cái ngày, bắt nguồn từ quan niệm xưa bên Trung Hoa. Khi người ta chết rồi, muốn siêu thoát thì linh hồn phải nhằm hướng tây mà đi, đường về suối vàng khó tránh, lòng hoài niệm khó phai, hồn đừng bao giờ ngoảnh lại vấn vương nhân gian thì mới nhanh được đầu thai.
từ "đức tin" chuyển sang "thơ ca" - hẳn phải có lý do?
ReplyDeleteSáng nay em nghe đài thấy nhà thơ Anh Ngọc bình bài thơ này của Nguyễn Duy. Có lẽ lời nhà thơ Anh Ngọc cũng là cảm giác mơ hồ của em khi vừa dứt bài thơ: ở cuối bài thơ tiếng tắc kè kêu và lời người bạn nói "sắp về" như lẫn vào nhau, không biết là chú tắc kè đang kêu hay lời người bạn vẳng về trong kí ức... Giờ lại tìm thấy bài thơ ở đây thật là may quá. Cám ơn anh Linh nhé.
ReplyDeleteTất cả những đoạn thơ được trích ở trên đều thật hay. Nhất là bài của Phạm Duy. Dù sao sống hay chết, lành lặn hay thương tật thì họ cũng đã may mắn (hoặc không may?) có mặt ở một giai đoạn lịch sử như vậy.
ReplyDeleteTớ không nghĩ là họ may mắn chút nào khi có mặt ở giai đoạn lịch sử đó, bạn Nga ạ. Thế hệ như mình dù sao cũng vẫn là may mắn vì không phải lớn lên cầm súng đi bắn nhau.
ReplyDeletePost tặng Linh và những người có quan tâm bài thơ gốc của Linh Phương đã được Phạm Duy phổ nhạc.
ReplyDeleteKỷ vật cho em
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giả
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vột vã chít khăn sô vĩnh biệt
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn màu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh- ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em- anh cố sẽ quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối
Thơ LINH PHƯƠNG
(20/02/1970)
Cảm ơn bác Panda. :)
ReplyDelete