Tuesday, May 15, 2007

Entry for May 15, 2007

Để bắt đầu nghiêm túc, chuyển sang mục bình luận báo chí. Việc này có thể một số người coi là nhàm, và rất có thể sẽ có vài comment như “báo chí Việt Nam nó thế” hay gì đó tương tự. Nhưng tớ nghĩ, quan sát những gì báo chí đăng tải là một điều thú vị, nó phần nào thể hiện được cái tâm thức của xã hội, những suy nghĩ phổ biến trong dư luận, hay cách thức mà xã hội nhìn và nghĩ về bản thân nó. Báo chí Việt Nam trong thời buổi hiện này được gán ghép cho chức năng (buộc phải có) là công cụ hướng dẫn dư luận của chính quyền (tớ nhớ không lầm thì hình như có nhiệm vụ giáo dục, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước được đề cập rõ ràng như một nhiệm vụ chính thức của báo chí!). Thế nên không có gì ngạc nhiên khi phải đọc những bài viết như trên báo CAND về các phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến. Tớ chỉ thấy đáng tiếc một điều là nhiều bài viết với tinh thần đấu tố, bôi nhọ như thế lại được đăng lại nguyên văn trên báo Lao động online, dù sao cũng là một tờ báo đứng đắn và có tên tuổi, trong khi các báo mạng như Vnexpress hay VNN chỉ đăng các tin ngắn.

Mà lướt qua báo hôm nay thấy có tin này mới:

Giám đốc luật Sài Gòn lĩnh án vì chống nhà nước

Hóa ra không chỉ có vụ anh Đài, chị Công Nhân ở Hà Nội mà có cả bác luật sư này trong Sài Gòn cũng bị xử, thế mà đây là lần đầu tiên mình đọc thấy tên bác này.

Anyway, chuyện chính trị bỏ qua một bên, dù cũng phải nói nốt một ý là các vụ xử tới tấp này cho thấy một thực trạng đáng buồn trong đời sống chính trị Việt Nam, với tư duy để ổn định, cần bỏ tù những người có ý kiến khác vẫn hoành hành.

Entry này thực ra muốn nói tới chuyện báo chí Việt Nam khai thác một cách quá đà với những sự “sa ngã” của các diễn viên, nghệ sĩ. Gần đây là việc anh diễn viên hài Hiệp “gà” (mà thật ra mình chẳng biết ảnh là ai). Chỉ việc anh ấy bị nghiện và bị khởi tố do tàng trữ ma túy đã khiến cho không biết nhà báo có được tiền nhuận bút bằng những bài viết dớ dẩn, vô bổ, đầy tinh thần thương hại. Đó là chưa kể các bạn diễn viên cùng nghề lại được dịp lên giọng nọ kia, và vô số bạn đọc được dịp thể hiện phê phán, động viên con người lầm lạc với giọng điều vừa bề trên, vừa thầm khoái trá. Tục ngữ có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” (câu này cũng hay được các bạn đọc và nhà báo trích dẫn khi bảo ban, khuyên bảo), nhưng trên thực tế thì hình như tâm lý của người Việt với kẻ ngã ngựa là trước hết quật túi bụi cho nó gục hẳn đã, sau đó mới bắt đầu bảo ban mắng mỏ xoa đầu. Nhớ vụ Văn Quyến khi trước cũng thế. Khổ thân thằng bé :D

Các tờ báo có lẽ nên lớn lên, đừng “trẻ con”, viết theo dư luận thế nữa. Vai trò của nhà báo trước hết ở chỗ thông tin: cung cấp các thông tin chính xác nhanh nhạy, trung thực và khách quan. Thứ hai ở sự sắc sảo và thông tuệ trong việc bình luận các vấn đề mà xã hội quan tâm (chính là vị trí của các columnist). Và khi đóng vai trò bình luận thì người viết bài cần đứng trên lập trường của chính mình, nêu ra quan điểm của mình và được bảo đảm bằng việc ký tên chính mình dưới bài viết đó. Nhà báo không bao giờ nên đóng vai trò người phán xử đạo đức, đặt mình đứng trên xã hội, hay nhân danh dư luận (một từ thực ra rất sáo và rất trống rỗng).

Mà thực ra ở các tờ báo của Việt Nam hình như chưa thực sự có các columnist, ngoài một vài tên tuổi và vài chuyên mục nho nhỏ? Cách làm báo ở Việt Nam vẫn có sự lẫn lộn giữa đưa tin và bình luận. Bình luận nhiều (và nhiều khi rất vớ vẩn) trong khi đưa tin, nhưng lại thiếu những bài bình luận thật sự và có trách nhiệm từ những người viết báo sắc sảo và có kinh nghiệm.

13 comments:

  1. khi nào 30 tuổi em cũng sẽ viết được như anh

    ReplyDelete
  2. Báo nghiêm chỉnh thì lấy đâu ra độc giả, chưa kể đến chuyện bị "kiểm điểm" nữa chứ. Hai chữ "tồn tại" bao giờ cũng như một cái búa treo trên đầu, đi đâu thì cũng thấy nhà nhà giương chữ "nhẫn". Lấy ví dụ từ cái blog của bác Linh, đảm bảo các topic thể loại ong bướm bao giờ cũng có nhiều replies hơn mấy thứ chính trị nhàm chán này :P:P:P

    ReplyDelete
  3. viet hay qua'. mong cang nhieu nha bao VN doc duoc bai cua Linh cang tot.

    ReplyDelete
  4. Trong thời đại ngày nay, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng cực lớn của các phương tiện truyền thông đối với nhận thức của đại đa số dân chúng. Hàng ngày, chúng ta tiếp nhận thông tin từ báo chí, truyền hình v..v..Một cách vô thức, những thông tin mình tiếp nhận đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách nhìn nhận vấn đề thuộc mọi lĩnh vực. Không phải ai cũng biết chắt lọc và phân tích thông tin, quan điểm bình luận cung cấp bởi phương tiện truyền thông. Cũng không nhiều người thường xuyên theo dõi sản phẩm của truyền thông nước ngoài để có cơ hội so sánh và tiếp cận vấn đề từ góc nhìn khác.

    Câu hỏi đặt ra: khi mà giới truyền thông "bèo nhèo", các tờ báo thì "chưa lớn", thiếu những người viết xuất sắc và có kinh nghiệm thì nhận thức của người dân về các vấn đề xã hội cũng "không khá" lên được? Nếu vậy thì phải làm sao đây? Thay đổi cách làm báo? Thay đổi bắt đầu từ đâu để có hiệu quả nhất?

    ReplyDelete
  5. Hic, báo chí là công cụ của Đảng và nhà nước mà. Thế nào là một công cụ tốt? Ví dụ Linh cầm một cái rìu, định chặt một cái cây xanh. Cái rìu ấy nếu là một công cụ tốt thì phải giúp Linh phăng teo luôn cái cây ấy. Chứ cái rìu mà lại đi cãi lại: "Cái cây ấy tốt chứ có tội gì đâu! có mà chặt Linh ý!", thì cái rìu ấy có phải một công cụ tốt không?

    ReplyDelete
  6. Ý thứ nhất là về việc định hướng khi đưa tin
    Mình nghĩ báo chí ở bất cứ đâu cũng có chủ, và nếu 1 sự kiện nào đó có quyền lợi liên quan đến chủ thật sự của tờ báo, thì việc đưa tin không thể khách quan, nói màu mè là thông tin “phải có định hướng”. Sự khác biệt giữa những tờ báo văn minh với báo lạc hậu ở chỗ: cái sự định hướng đó tinh vi hay thô thiển (ví dụ, thay từ “ném bom” bằng từ “không kích” là định hướng tinh vi, còn đưa nhiều tính từ thể hiện thái độ tờ báo vào bản tin là định hướng thô thiển). Sự khác biệt giữa một môi trường báo chí văn minh với môi trường báo chí lạc hậu còn ở chỗ: cái môi trường đó có nhiều báo phục vụ nhiều chủ khác nhau hay không, để còn điều chỉnh thông tin của nhau.
    Không bàn chuyện pô li tích, ta cứ lấy ví dụ là báo Thanh Niên làm cái Duyên dáng VN với giải bóng đá U20, báo Tiền Phong tổ chức thi Hoa hậu thì nhất định những báo này không thể khách quan khi viết về những sự kiện họ có dính líu.
    Cho nên khi đọc báo, dù là báo nào, muốn tiếp cận với sự thực thì phải phân tích.
    20 năm trước, đọc tờ báo A thấy ông B nói điều C, mình nghĩ C là chân lý.
    10 năm trước, đọc tờ báo A thấy ông B nói điều C, mình rút ra ông B ông ấy đã nói cái điều C (và điều C chưa chắc đã đúng).
    Bây giờ, đọc tờ báo A thấy ông B nói điều C, mình chỉ có thể kết luận là báo A viết rằng ông B nói điều C, chứ sự thật chưa chắc ông B đã nói.

    Ý thứ 2 là về chuyện khai thác đời tư người nổi tiếng.
    Tây cũng đầy báo lá cải đưa tin lá cải để phục vụ độc giả lá cải. Nhưng vì nó có báo 100% lá cải rồi nên nó cũng có những báo không thèm đăng tin lá cải.
    VN không có báo 100% lá cải và cũng không có báo nào 100% không lá cải. Cho nên độc giả không lá cải, đọc báo nào cũng phải chừa một số tin ra không đọc.

    ReplyDelete
  7. Sao bằng trên Vietnamnet đăng bài của 1 chú nghiên cứu sinh tên Hà Anh Tuần nào viết từ Úc, lấy Philipin ra để minh chứng cho sự thất bại của dân chủ như thế nào. Trời ạ.
    Hỏi 10 thằng Philipin, đứa nào muốn sống ở chế độ Độc Tài Cộng Sản, biết liền. Hỏi bất kỳ người nào từng hít thở không khí tự do xem...

    Gần Bầu Cử rồi, Việt Nam ta nhiều tró lố lăng qua, mà cái mức độ lố lăng giờ đã trở thành độc ác rồi.

    Em bức xúc.

    ReplyDelete
  8. http://blog.360.yahoo.com/blog-ZgoN8pMlbqe_5o0CuKzEnoQ-?cq=1

    ReplyDelete
  9. 1. Columnist đồng nghĩa với tôn vinh cá nhân (trong quan niệm của nhiều người). Ở VN, ko có chuyện tôn vinh cá nhân, chỉ có tập thể! Cũng chính vì đứng sau, núp bóng tập thể, các 'nhà báo' chẳng ngại ngùng gì mà viết nhăng viết cuội, thiếu trách nhiệm vì cuối cùng dư luận cũng chỉ đổ tội lên cái 'tập thể' ấy. người ta mắng mỏ cái tờ Tuổi Trẻ, cái báo Thanh Niên, cái trang VnExpress, chứ có ai biết người viết là ai, dù bài viết đôi khi chỉ là cá nhân một người. Hiếm hoi có những cây viết mà nghe tên thì mình muốn đọc và (ít ra, phần lớn hay nhiều) là tin lời họ hơn người khác, như Danh Đức, Tương Lai...

    2. Nếu dân trí nâng cao, người dân đủ trình độ/ nền tảng giáo dục, họ sẽ tự động biết 'phân luồng', biết lọc tin, biết nghe ai và không nghe ai. Báo chí chỉ thay đổi khi người đọc thay đổi, tui nghĩ vậy. Một người như bạn Linh cũng chỉ là tiếng nói nhỏ nhoi tuyệt vọng lạc lõng. Nhưng hk6ong có nghĩa là tui nói 'bạn Linh đừng nói nữa'. Tui chỉ nói là, nếu bạn Linh còn đủ sức thì cứ tiếp tục lên tiếng, nhưng đừng quá bực bội ngơ ngác không hiểu vì sao mình cô đơn lạc lõng rồi thất vọng tràn trề v.v... Bởi sự đời nó thế. Theo tui, khi mà cái nền giáo dục còn rệu rã thì chả có gì phát triển nổi.

    3. Bạn Linh cứ nhạc sến cùng cỏ hoa để dụ độ chim bướm bay đến, rồi bạn viết vài bài thế này cho (may ra) vài chú chim nàng bướm vô tình đọc được mà ngộ ra chân lý ở đời, âu cũng là chuyện hay ho. Chứ cả ngày mà viết cái này thì cũng quanh đi quẩn lại một dúm các bạn hoaianh, Codet, Anaconda, Yuna, Hieu, nhocdepthui, today20 v.v.... ra vào đọc rùi bình luận, mà như vậy thì tự nhiên giống một nhóm ngồi túm lụm lại than thở với nhau những chuyện ai (trong số họ) cũng biết rùi.

    4. Hôm nay mình nghiêm túc quá, hahaha

    ReplyDelete
  10. ac đọc comment của Phanxine cười nắc nẻ. Thôi anh post blog sến đi cho vui cả nhà.

    Cool!

    ReplyDelete
  11. @all: Cảm ơn các bạn ;).

    ReplyDelete
  12. Đọc bài báo trên thấy bác này... chẳng có tội gì cả ngoài việc "lên mạng vào trang web phản động", nếu vậy chắc mình cũng mang tội lỗi đầy mình mà không biết :D.

    ReplyDelete