Wednesday, September 13, 2006

Entry for September 13, 2006

Ăn chặn tiền hỗ trợ lũ lụt

"Sau vụ thiên tai này, chính quyền huyện nhận được 24.4 tỉ đồng và 1300 tấn lương thực.

Nhưng nay có bằng chứng cho thấy các vị quan chức ở đây đã chi tiêu số tiền cứu trợ một cách vô tội vạ.

Phòng Tổ chức - Lao động - Thương binh & Xã hội và phòng Kế hoạch - Tài chính của huyện Hương Sơn được phân bổ số tiền 5.3 tỉ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về người và tài sản.

Nhưng hai phòng này chỉ chi hết 1.566.000.000 đồng, số tiền còn lại được dùng cho những việc sai mục đích như trợ cấp ngân sách xã, phục vụ hành chính.

Công an Việt Nam chỉ mới điều tra ở bốn xã và thị trấn thì đã thấy xã nào cũng dính vào việc thâm lạm số tiền.

688 triệu đồng được gửi cho bốn xã và thị trấn này, nhưng chỉ có 195 triệu đồng được chi cho việc cứu trợ".

Thử tính xem mức độ hao hụt là bao nhiêu:

1. Từ cấp huyện tới cấp phòng

Từ 24.4 tỷ cho huyện, hai phòng của huyện nhận được "5.3 tỉ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về người và tài sản". Hao hụt bao nhiêu trước khi phân bổ thì chưa biết chắc vì bài báo không đề cập tới việc ngòai hai phòng trên, còn có phòng ban nào nhận được phân bổ không. Nếu giả sử hai phòng ban này là cơ quan chịu trách nhiệm cứu trợ và không phòng nào khác được nhận thì tỷ lệ hao hụt ở cấp huyện khoảng 78 %

2. Từ cấp phòng tới cấp xã: Tỷ lệ hao hụt ở cấp phòng là (5.3-1.566)/5.3=70 %

3. Từ cấp xã tới người dân: Tỷ lệ hao hụt trung bình ở cấp xã sẽ là 1-195/688=71%

Vậy chỉ tính riêng từ cấp phòng tới người dân thì người dân chỉ nhận được 8.3% số tiền hỗ trợ lũ lụt. Nếu giả thuyết ở (1) là đúng thì họ chỉ nhận được trung bình 1.8% số tiền cứu trợ.

Tức là nếu bạn đóng 100.000 đồng để ủng hộ bão lụt thì trung bình có thể sẽ chỉ có từ 2000 cho tới 8000 đồng là tới tay người dân bị nạn, còn lại là góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt và làm việc của các cán bộ nhà nước các cấp từ huyện tới xã.

Đó là mới chỉ có hai cấp là huyện và xã, còn chưa kể nếu việc cứu trợ này còn phải qua các cấp khác, ví dụ cấp tỉnh, hay Ủy ban phòng chống lụt bão. Rồi còn Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...Số tiền còn lại trên thực tế sẽ là bao nhiêu, hoàn toàn có thể dưới 1%. Bạn góp 100.000 nghĩ rằng số tiền này có thể đủ cho một gia đình nghèo chi tiêu cho nhu cầu ăn uống trong một tuần, nhưng có biết đâu tất cả những gì họ nhận được từ lòng thông cảm và chia sẻ của bạn chỉ là một gói mỳ tôm duy nhất.

Mà thôi, dù sao thì các cán bộ ăn chặn cũng là những người sinh sống trong vùng bị bão lụt mà, nếu nhìn thoáng một chút thì họ cũng là nạn nhân bão lụt thôi. Lá lành đùm lá rách vẫn là truyền thống dân tộc cơ mà. Lọt sàng xuống nia cả, số tiền đấy thì cũng được dùng để phát triển kinh tế xã nhà, huyện nhà, nếu không trực tiếp thì cũng bằng tiêu dùng, đầu tư mang tính kích cầu. Các bạn không nên vì thế mà không hưởng ứng khi người ta quyên góp cứu trợ bão lụt, thiên tai.

1 comment:

  1. Chua ung ho em da biet ngay la tien cuu tro chac chan se bi xa` xeo, lan nao chang the, tiep tuc co che nay thi con tiep tuc tham nhung khap noi!

    ReplyDelete