Tuesday, December 30, 2008

Entry for December 30, 2008

Định viết điều gì đó về quy chế quản lý blog ngu xuẩn và kệch cỡm của Bộ 4T, nhưng thấy cũng chẳng cần thiết nữa. Hơn nữa trong những sự ngu xuẩn và kệch cỡm của Bộ 4T thì đây không phải là lần đầu.

Ngày này cũng là ngày làm việc cuối cùng của 2 TBT hai tờ báo lớn nhất nước trước khi bị buộc phải nghỉ việc do vi phạm luật đi bên phải. So farewell, Angelina.

Mua một đống sách tiếng Việt để đọc. Giờ chỉ thích nằm nhà đọc sách nghe nhạc, hoặc ra quán cafe đọc sách. Hiện cũng hầu như không có thời gian và hứng thú cho blog.


Yes, 'n' how many times can a man turn his head,
Pretending he just doesn't see?
The answer, my friend, is blowin' in the wind,

The answer is blowin' in the wind.

Sunday, December 28, 2008

Entry for December 28, 2008

Home at last.
Hà Nội khí hậu mấy hôm nay cũng dễ chịu, không lạnh lắm, tuy hơi ẩm ướt. Nhưng cũng vì thế mà đỡ bụi hơn.
Buổi tối đi, đường mờ mịt sương, nhất là ven hồ Gươm hay hồ Tây.
Thời tiết này chỉ ăn nhậu với ngủ là thích.
Thôi, tớ đi ăn phở sáng đây.


Monday, December 22, 2008

Entry for December 22, 2008


Biểu tình được coi tương đương với "bạo loạn, khủng bố"? Thậm chí còn đứng trước! Trong khi không có luật nào cấm biểu tình và vì thế, biểu tình hoàn toàn là một hoạt động hợp pháp.

Về mặt này, Việt Nam còn kém tiến bộ hơn Trung Quốc khi Trung Quốc đã có luật biểu tình, và cho phép biểu tình nếu thực hiện đúng trình tự pháp luật (tất nhiên là rất khó nhưng về nguyên tắc thì vẫn có biểu tình hợp pháp). Còn Việt Nam? Coi biểu tình là hoạt động tương tự với bạo loạnkhủng bố???

(Ngoài biểu tình còn vấn đề đình công. Tuy pháp luật Việt Nam hiện nay cho phép đình công nhưng 100% các cuộc đình công của công nhân Việt Nam là bất hợp lệ -nhưng không có nghĩa là bất hợp pháp-vì không tuân thủ luật này. Như thế luật này hóa chẳng là trò cười sao khi chẳng ai thèm quan tâm tới nó?)

Tiếp theo là khái niệm "tội phạm đối lập", một khái niệm quá buồn cười. Tội phạm là người phạm tội theo quy định của pháp luật. Vậy "tội phạm đối lập" là cái gì? Người "phạm tội" "đối lập"? Có tội này không nhỉ? Lại còn phát hiện sớm mầm mồng, nghe cứ như là đội chuyên săn bắt tội phạm trong ý nghĩ (thoughtcrime).


Không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, khủng bố

""Về nhiệm vụ của ngành Công an năm 2009, Thủ tướng chỉ rõ: Cần quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia. Trước mắt, tập trung ngay vào việc đảm bảo an ninh trật tự trong dịp tết cổ truyền, ngăn chặn đốt pháo nổ, không để tai nạn giao thông gia tăng.

Bên cạnh đó, ngành phải làm tốt vai trò nòng cốt trong việc đấu tranh và phòng chống tội phạm, chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm mầm mống tội phạm đối lập để xử lý kịp thời, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bảo đảm an toàn các sự kiện, các hội nghị lớn trong năm."

Sunday, December 21, 2008

Entry for December 21, 2008




ЗИМНЯЯ ДОРОГА

Александр Пушкин

----------------------------------------------------
Сквозь волнистые туманы
Пробирается луна,
На печальные поляны
Льет печально свет она.

По дороге зимней, скучной
Тройка борзая бежит,
Колокольчик однозвучный
Утомительно гремит.

Что-то слышится родное
В долгих песнях ямщика:
То разгулье удалое,
То сердечная тоска...

Ни огня, ни черной хаты,
Глушь и снег.... На встречу мне
Только версты полосаты
Попадаются одне...

Скучно, грустно..... завтра, Нина,
Завтра к милой возвратясь,
Я забудусь у камина,
Загляжусь не наглядясь.

Звучно стрелка часовая
Мерный круг свой совершит,
И, докучных удаляя,
Полночь нас не разлучит.

Грустно, Нина: путь мой скучен,
Дремля смолкнул мой ямщик,
Колокольчик однозвучен,
Отуманен лунный лик.


Con đường mùa đông
Pushkin

Xuyên những làn sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua
Buồn dải ánh vang lai láng
Trên cánh đồng buồn giăng xa

Trên con đường mùa đông vắng vẻ
Cỗ xe tam mã băng đi
Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ
Đều đều khắc khoải lòng quê

Bài ca của người xà ích
Có gì phảng phất thân yêu:
Như niềm vui mừng khôn xiết
Như nỗi buồn nặng đìu hiu

Không một mái lều, ánh lửa...
Tuyết trắng và rừng bao la...
Chỉ những cột dài cây số
Bên đường sừng sững chào ta

Ôi, buồn đau, ôi cô lẻ...
Trở về với em ngày mai
Nhina, bên lò lửa đỏ
Ngắm em, ngắm mãi không thôi

Kim đồng hồ kêu tích tắc
Xoay đủ những vòng nhịp nhàng
Và xua lũ người tẻ ngắt
Để ta bên nhau trong đêm

Sầu lắm. Nhina, đường xa vắng
Ngủ quên, bác xà ích lặng im
Nhạc ngựa đều đều buông xa thẳm
Sương mờ che lấp ánh trăng nghiêng

(Thúy Toàn dịch)


Con đường mùa đông

Alexandr Pushkin

------------------------------------------------
Mặt trăng rồi cũng lách được ra
Xuyên qua màn sương mù gợn sóng
Và buồn bã rót xuống trần ánh sáng
Trên những cánh đồng buồn thảm lạnh lùng.

Trên con đường buồn chán mùa đông
Xe tam mã chạy một mình vồi vội
Chiếc chuông nhỏ vẫn réo hoài mệt mỏi
Một âm thanh tẻ ngắt suốt dọc đường.

Có điều gì nghe thấy rất thân thương
Trong bài hát dài của người xà ích:
Khi cuộc say sưa gần như liều lĩnh,
Khi lại nỗi buồn sâu thẳm trong tim…

Không ánh lửa hồng, không mái nhà đen
Hoang vu quá, xung quanh toàn là tuyết
Chỉ có những cột chỉ đường vằn vện
Một vài nơi tôi còn thấy mà thôi.

Chán ngán, buồn, ngày mai, hỡi Nina,
Ngày mai về gặp người thương ta,
Để quên hết thảy bên lò sưởi
Để ngắm hoài cho thỏa lúc vắng xa

Kim đồng hồ vẫn gõ nhịp đều
Xoay mãi vòng xoay của mình đều đặn
Và nửa đêm xua những người tẻ ngắt
Lại không làm chia rẽ hai ta.

Đường tôi buồn, chán ngán lắm Nina
Bác xà ích ngủ gật nên im lặng
Chiếc chuông nhỏ vẫn rung tẻ ngắt
Và mặt trăng mờ khuất dưới sương mù

(Nina dịch)


Winter road


Through the murk the moon is veering,
Ghost-accompanist of night,
On the melancholy clearings
Pouring melancholy light
.
Runs the troika with its dreary
Toneless jangling sleigh-bell on
Over dismal snow' I'm weary,
Hungry, frozen to the bone.
Coachman in a homely fashion's

Singing as we flash along;
Now a snatch of mournful passion,
Now a foulmouthed drinking-song.
Not a light shines, not a lonely
Dusky cabin. . . Snow and hush. . .

Streaming past the troika only
Mileposts, striped and motley, rush.
Dismal, dreary. . . But returning
Homewards! And tomorrow, through

Pleasant crackles of the burning
Pine-logs, I shall gaze at you:
Dream, and go on gazing, Nina,
One whole circle of the clock;
Midnight will not come between us,
When we gently turn the lock
On our callers. . . Drowsing maybe,
Coachman's faded, lost the tune;
Toneless, dreary, goes the sleigh-bell;
Nina, clouds blot out the moon.

(bản tiếng Anh)


Dịch cho vui từ bản tiếng Anh và tiếng Việt chứ hai bản dịch của Thúy Toàn và Nina đều rất hay và chắc là chuẩn.

Con đường mùa đông

Xuyên làn sương mờ tỏa
Ánh trăng le lói qua
Trên cánh đồng buồn bã
Trải ánh sáng nhạt nhòa

Xe tam mã phi nhanh
Lục lạc rung buồn bã
Chỉ tuyết ở bên anh
Mệt mỏi và buốt giá

Có điều gì thân thương
Trong bài ca xà ích
Khi say sưa đùa cợt
Khi buồn thảm xót xa

Không bếp lửa, mái nhà
Chỉ tuyết và im lặng
Chỉ những cột cây số
Trơ trụi lướt qua anh

Rầu rĩ và cô độc
Nhưng ta sắp về nhà!
Ngày mai, bên lửa hồng
Ngắm mãi em cho thỏa

Kim đồng hồ quay vòng;
Sẽ không còn nữa đêm
Chẳng có ai làm phiền
Chia rẽ hai chúng ta

Người xà ích ngủ gật
Tiếng hát chợt lặng im
Lục lạc rung tẻ ngắt
Sương che mờ bóng trăng.

Hình:
René Magritte. The Lost Jockey. 1948

Entry for December 21, 2008

Hỏi: Ở Việt Nam, khi nào người dân được phép vẫy quốc kỳ ngoài đường, mặc áo phông cờ đỏ sao vàng, hô Việt Nam muôn năm, Việt Nam- Hồ Chí Minh mà không sợ bị công an bắt, không sợ bị giật áo có hình quốc kỳ, không sợ bị mật vụ hỏi thăm, không sợ bị nhà trường đuổi học, cơ quan đuổi việc hay bắt làm kiểm điểm?

Trả lời: Khi đội tuyển Việt Nam thắng một trận đá bóng nào đó. Đó là trường hợp duy nhất mà lòng yêu nước (?) được phép tự do thể hiện, cho dù sau đó các chú công an có vất vả vì nạn đua xe.

Ngoài ra: Miễn!

img

img

Hình trên blog Na Son, thuộc bản quyền Na Son.

Saturday, December 20, 2008

Entry for December 20, 2008

Bác Bùi Trọng Liễu quả là thâm thúy.
Bác kể 9 câu chuyện xưa và liên hệ với chuyện giáo dục ngày nay. Cả 9 câu chuyện đều ý nhị và thâm thúy.

9 câu chuyện nhỏ và những bức xúc lớn của ngành giáo dục

Đây là chuyện thứ 9:

"Có câu chuyện cổ tích: Người hầu già của một ông vua già xin vua trao vàng cho mình để cất công dạy cho một con khỉ lớn tập nói và cả quyết rằng sẽ dạy được khỉ biết nói. Vua hỏi bao lâu thì khỉ nói được, người hầu nói phải mươi năm. Vua trao vàng cho y, để đài thọ y dạy khỉ. Câu chuyện không kết luận, nhưng người nghe chuyện, tất nhiên hiểu khỉ sẽ không bao giờ biết nói, và người khờ không phải là người hầu, y hẳn ước đoán rằng mươi năm thì khỉ và người đều đã chết. Lẽ ra nhà vua phải biết mục tiêu có khả thi hay không.

Kết luận có thể rút ra là những tác giả các đề án hoành tráng ngày nay, định mốc "đến năm 2020, đến năm hai nghìn bao nhiêu đó thì sẽ có thế này thế nọ", và những vị hạ bút ký chấp nhận và cho giải ngân, liệu đến thời gian đó còn ngồi đó để nhận trách nhiệm của mình không, hay các vị cùng thân nhân sẽ đang phơi phới ngao du nơi Bồng Lai tiên đảo nào đó, kệ cho nhóm hậu sinh "sống chết mặc bay"?"

Entry for December 20, 2008

Đọc bài này, thấy buồn cười.

Bỏ qua chuyện những danh hiệu của Viện tiểu sử Hoa Kỳ mà đối tượng nhằm vào chủ yếu là các nhà khoa học ở các nước đang phát triển có nhu cầu mua danh đã được nhiều người nhắc tới thì việc nêu công ông Toàn với toán học thế giới là không thỏa đáng. Báo CAND viết "Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn được thế giới biết đến như một danh nhân khoa học thế giới qua phát minh nổi tiếng của ông mang tên: "Hình học siêu phi Euclid"."

Không phải là người học Toán nên tôi không biết ông Toàn có "phát minh" (?) "hình học siêu phi Euclid" hay không. Không biết chính xác tên tiếng Anh của từ này là gì nhưng trên Wikipedia tiếng Việt có ghi công trình của ông Toàn là "
Ultra non euclidian geometry” (“Hình học siêu phi Ơclit”; 1999), viết bằng tiếng Pháp". Thử tìm với từ khóa này "Ultra non euclidian" trên Google thì có 10 kết quả (!) và gần như tất cả đều từ các website của Việt Nam. Vậy là phát minh của ông Toàn cho thế giới chỉ được biết đến ở Việt Nam.

Theo báo CAND thì ông Toàn rất năng suất, ở tuổi hơn 80, mỗi tuần ông viết một bài báo khoa học. Nhưng theo Wikipedia tiếng Việt thì dựa trên kết quả tìm kiếm trên MatSciNet trong cả đời nghiên cứu, ông chỉ có 8 bài báo khoa học được liệt kê, trong đó có 4 bài đăng ở tạp chí Việt Nam (nhưng là những tờ được công nhận có tính quốc tế và do đó được liệt kê trên MatSciNet). Tôi có kiểm chứng thì bài về hình học siêu phi Euclid của ông cũng là đăng trên tạp chí Acta Mathematica Vietnamica. Bốn bài còn lại đăng ở tạp chí của Hungary (tại sao lại không phải tạp chí Liên Xô nhỉ vì ông Toàn bảo vệ luận án TSKH ở Liên Xô). (Tìm theo từ khóa Toan Nguyen hay Canh Toan Nguyen không có kết quả nào).

Đáng chú ý hơn, bài đăng gần nhất của ông Toàn trên tạp chí Toán Hungary là từ năm 1963, tức là 45 năm trước. Bài đăng gần nhất của ông trên tạp chí Acta Mathematica Vietnamica là từ năm 1989, tức là 20 năm trước. Vậy không hiểu với năng suất 1 tuần một bài báo khoa học của ông thì các bài báo khoa học đó sẽ được đăng ở đâu. Toán học và Tuổi trẻ?

Có thể ông Toàn là một tấm gương tự học đáng nể. Có thể ông là một nhà sư phạm có nhiều đóng góp cho nền toán học Việt Nam, qua việc đào tạo nhiều nhà khoa học trẻ, cũng như việc truyền cảm hứng học Toán cho nhiều thế hệ từ tờ Toán học và Tuổi trẻ mà ông làm TBT hơn 40 năm. Nhưng nếu xét trên phương diện đóng góp cho khoa học thế giới thì đóng góp của ông rất nhỏ, hoàn toàn không xứng đáng với những gì mà tờ CAND (và nhiều bài báo, tờ báo khác ca tụng ông). Để so sánh với những người cùng thời hay gần thời với ông, tìm kiếm từ "Hoang Tuy" có 150 kết quả, "Phan Dinh Dieu" 30 kết quả. Thế hệ trẻ khoảng 40 tuổi hiện sống ở nước ngoài có Lê Tự Quốc Thắng 37 bài, Ngô Bảo Châu 13 bài

Một điều đáng nói hơn, xét về phương diện sư phạm, ông Toàn thường được nhắc tới như một tấm gương với thế hệ trẻ và như một nhà giáo dục quan trọng. Nhưng những gì ông làm như mua mấy cái chứng chỉ dở hơi của bọn bán chứng chỉ bên Mỹ rồi để báo chí bơm vá mình thì hoàn toàn là những việc làm phản giáo dục. Tuy rằng nó gần gũi với truyền thống coi trọng "học giả" hơn "học thật", bằng cấp hơn kiến thức ở nước ta nhưng thật là mỉa mai khi tấm gương nhà giáo dục lớn, người từng dạy dỗ, hướng dẫn không biết bao nhiêu nhà khoa học lại là một người chạy đua với những chứng chỉ giả dối như thế. Một người lãnh đạo khoa học, lãnh đạo giáo dục của Việt Nam như thế (ông Toàn là Nhà giáo nhân dân, phó Chủ tịch hội Toán học Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục) thì trách gì nền giáo dục Việt Nam ngày càng trọng hình thức và những chuyện mua bán bằng cấp trở nên phổ biến, thường ngày.


img

Friday, December 19, 2008

Entry for December 19, 2008

Film Addict.

Theo link của bạn siriusstar. Tớ được 63,2% (các phim xem và chưa xem ở đây). Tuy nhiên, kết quả này sẽ đánh giá quá mức
độ nghiện của tớ vì tớ xem phim theo định hướng Top 250 của IMDB mà cái trang này cũng là từ Top 250, hehe.

Entry for December 19, 2008

Đọc cái này thì có vẻ như ở Nhật Bản, việc người Việt ở Nhật ăn cắp vặt rồi tuồn hàng về nước đã trở thành hệ thống, thành đường dây có tổ chức, có người chuyên môn đứng ra thu thập hàng ăn cắp và đưa về nước qua Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.

Làm phi công Việt Nam chắc thu nhập phải cao lắm chứ, sao chú này lại còn tham mối lợi nhỏ thế. Chỉ $100 cho một chuyến bay. Như bài báo viết thì một tháng chuyển được từ 1-2 lần. Như thế thì tính ra cả 1 năm cũng chỉ kiếm thêm được $2000 cho 20 lần phạm pháp (!). Thu nhập 1 tháng của phi công hẳn cũng phải cao hơn số này chứ?

Phi công Vietnam Airlines nhận 100 USD để tuồn hàng lậu


+ Đọc bài trên Người Việt (căn cứ theo báo Nhật) theo link của bạn Ngọc Lan, thấy tình cảnh thật đáng buồn cho tu nghiệp sinh Việt Nam. Họ được trả lương rẻ mạt với mức lương 700-800 USD/tháng, trong khi tiền phải trả cho công ty môi giới của Bộ Lao động lên tới 11.000 USD. Như vậy, nếu họ muốn trả hết số nợ trong hai năm thì mỗi tháng phải trả 500 USD, và họ chỉ còn 200-300 USD mỗi tháng để sống ở một đất nước đắt đỏ nhất thế giới.
Và những đường dây đánh cắp hàng hình thành với những tu nghiệp sinh là những người trực tiếp đánh cắp hàng và các nhân viên Vietnam Airlines tiếp tay vận chuyển về nước. Hiện nay chính quyền Nhật đã bắt gần 100 người, gồm cả người ăn cắp và các đầu mối tiêu thụ, vận chuyển.

Lỗi là ở ai? Việc "bần cùng sinh đạo tặc" này tất nhiên có lỗi của các tu nghiệp sinh, hầu hết là các thanh niên nông thôn nghèo phải vay mượn tiền tứ tung để xin đi làm thợ (dưới cái mác "tu nghiệp sinh" có lẽ để tránh quy định về tuyển dụng lao động và lương tối thiểu ở Nhật?). Nhưng còn là trách nhiệm của các công ty xuất khẩu lao động, khi "bán người" với giá rẻ mạt và thu phần lớn lợi nhuận về tay mình? Thử nghĩ mà xem, giả sử nếu các con số trong bài báo trên báo Nhật mà Người Việt đưa lại là chính xác thì công ty xuất khẩu lao động chỉ ký một hợp đồng đã thu được 10.000 USD, trong khi người lao động phải cày lưng mấy năm trời mới đủ tiền trả nợ đấy. Và giờ đây, nhiều người trong số họ còn phải trả giá bằng ngồi tù hàng năm trời trong nhà tù Nhật Bản. Báo Lao Động đưa tin có 2 tu nghiệp sinh Việt Nam đã bị kết án một năm rưỡi tù vì ăn cắp mỹ phẩm.

Wednesday, December 17, 2008

Entry for December 17, 2008

Hehe, bài này của Đỗ Minh Tuấn đểu phết (link trên blog Bút Lông).

Những cuộc “vượt cạn” của nhà báo anh hùng Hữu Ước

Trích đoạn này của họa sĩ ăn khách Thành Chương "mong có nhiều Hữu Ước".

"...hoạ sỹ Thành Chương phẫn nộ: “Trước kia để có tiền chia cho người nghèo các hảo hán giang hồ còn đi ăn cướp của nhà giàu. Cướp của giết người vì người nghèo còn được đời ca ngợi huống chi một chương trình nghệ thuật sạch sẽ công phu như thế! Một con người làm từ thiện như vậy rất đáng quý. Tôi mong đất nước này có nhiều Hữu Ước để bà con nghèo được nhờ. Những người không bao giờ bỏ ra một cắc làm từ thiện lại cứ đố kỵ dè bỉu chê bai những người như ông Ước. Mấy hôm nay tôi cũng phải tranh luận rất nhiều”.

Thế nào mà nghệ sĩ (nhiều sĩ quá nên gọi tắt) Hữu Ước vẽ tranh lại được họa sĩ Thành Chương so với hảo hán cướp của giết người vì người nghèo. Hữu Ước múa bút vẽ tranh lấy của người giàu chia cho người nghèo chắc cũng tương tự như Lý Quỳ múa búa giết người? Bác Hữu Ước được Thành Chương ca ngợi thế không biết có nên vui không?

Đúng là "nghệ thuật vị nhân sinh".


Còn đây là bảy đêm nhạc họa Hữu Ước:

"Cũng hay thật đấy. Cứ nghĩ anh chàng này “thần kinh”, “liều mạng” khi mới tập tọng vẽ vời viết nhạc mà dám vác ca khúc và tranh pháo ra Nhà hát lớn “khủng bố” bà con suốt bảy đêm liền, lại còn bán vé giá trên trời như giá vé chung kết bóng đá Uôn-cắp vậy! Ây vậy mà hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau đi xem kín khán phòng, vỗ tay ròng rã bảy đêm, đến màn kết, khán giả vẫn chưa nguội hào hứng. Biết lý giải thế nào nhỉ? Cứ như Tôn Ngộ Không vừa nhổ lông thổi phù thành tranh, thành nhạc, thành sân khấu với hàng trăm nghệ sỹ điệu đàng lộng lẫy, múa may cuồng nhiệt, chơi nhạc say sưa. Mà bảy ông nghệ sỹ nhân dân Thất thập cổ lai cứ hơn ha hớn hở, nhảy nhót tưng tưng hát bài về nghệ sỹ, giai điệu rộn rã là thế, mà ca từ lại vui buồn trĩu nặng. Hữu Ước đã tạo ra một tiền lệ mở toang cánh cửa cho những cuộc chơi nghệ thuật trước đây chưa hề có. Ước đã chứng tỏ cho đời thấy rằng một người chưa bao giờ vẽ và viết nhạc, nếu muốn, có thể trở thành hoạ sỹ và nhạc sỹ, có thể thực hiện một chương trình 7 đêm liền hoành tráng tại Nhà hát lớn, lại có thể bán tranh với giá hơn nửa triệu đô la! "

Tiếc thời nay không có Vũ Trọng Phụng.

Monday, December 15, 2008

Entry for December 15, 2008

Ông GS Nhật này cho rằng Hồ Chí Minh là người theo tinh thần Cộng hòa Pháp. Tôi không nghĩ như vậy. Dù sống ở Pháp khá lâu (ít nhất từ 1911 tới 1923) nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng của Hồ Chí Minh bởi văn hóa Pháp và tinh thần Cộng hòa Pháp không nhiều, nó có nhưng chỉ là bề ngoài. Lý tưởng "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của cách mạng Pháp không phải là cái đích Hồ Chí Minh hướng đến.

Tôi nghĩ về cơ bản Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc mang đặc điểm Á châu, một mô hình nhà nước hơi giống Tôn Trung Sơn hay Nehru mong muốn theo đuổi: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế khẩu hiệu tam dân của Tôn Trung Sơn mới có mặt trên mọi văn bản của nhà nước CHXHCN Việt Nam: độc lập, tự do, hạnh phúc. Độc lập là trước hết, trên hết, sau đó mới tới tự do hay (mưu cầu) hạnh phúc. Tuy nhiên, phải hiểu chữ "tự do" ở đây theo một cách hiểu khác phương Tây, và khác chữ "tự do" trong khẩu hiểu cách mạng Pháp. Tự do theo Hồ Chí Minh (và có lẽ Tôn Trung Sơn) trước hết là tự do của dân tộc chứ không phải là tự do của cá nhân. Nói cách khác, nó là quyền tự quyết, không bị lệ thuộc, và gần gũi với chữ "độc lập". Tôi nghĩ tự do cá nhân chưa bao giờ là điểm thu hút Hồ Chí Minh, một người được đào tạo theo tinh thần Nho giáo, ở một xứ tuy hay học nhưng lại là bảo thủ nhất Việt Nam.

Đúng là chữ "bình đẳng" có sức hấp dẫn với Hồ Chí Minh, và có thể là một nguyên nhân quan trọng đưa ông tới với CNCS. Tất nhiên, "bình đẳng" không phải là phạm trù riêng của CNCS mà còn có một sức hấp dẫn lớn với những người cánh tả nói chung. Khác với những nhà cách mạng cùng thời và trước đấy, Hồ Chí Minh coi "bình đẳng" là một điều kiện quan trọng của nhà nước tương lai. Với các nhà nho hay cả lớp trí thức tiểu tư sản đương thời, nhiều người hẳn khó hình dung được sự bình đẳng giữa một ông cử nhân Tây học với một anh kéo xe thất học và khúm núm. Ngay cả tới thế kỷ 21 mà cả một lớp trí thức Tây học, Mỹ học nhiều đời bên Thái Lan còn nhất quyết không cho người dân nông thôn có quyền bầu cử tương đương với người thành thị, lấy lý do là họ kém hiểu biết, thất học hơn, thì việc hình dung "quyền bình đẳng" hẳn là xa xôi với các nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20. So với Phan Bội Châu chẳng hạn thì ý thức về quyền bình đẳng của Hồ Chí Minh cao hơn hẳn.

Còn "bác ái"? Tôi nghĩ đây là khái niệm thật xa vời với những nhà cách mạng VN, không riêng gì Hồ Chí Minh. Riêng với Hồ Chí Minh thì lại càng không có khái niệm này bởi vì "bác ái" là một thứ tình cảm xuyên dân tộc, xuyên giai cấp, theo kiểu tình yêu của Mặc Tử. Nhưng có lẽ ở đây là do cách dịch: chữ fraternité trong "Liberté, égalité, fraternité" theo tôi hiểu chỉ là tình bằng hữu, đồng chí, không hiểu thế nào khi dịch sang tiếng Việt lại thành "bác ái". Nếu chỉ là "fratenité" thì nó lại rất thích hợp cho lý tưởng CNCS mà HCM chọn sau này, bởi lẽ những người cách mạng theo CNCS thường sinh hoạt một cách hết sức chặt chẽ, có kỷ luật, dựa trên lòng trung thành với nhau và với tổ chức.

Nói cách khác, nếu như Hồ Chí Minh ảnh hưởng của tư tưởng "tự do, bình đẳng, bác ái" như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt như ông GS Nhật kia nói thì thực ra, "tự do, bình đẳng, bác ái" đó phải được nhìn nhận qua lăng kính người châu Á bị đô hộ, chứ nó đã chệch so với khái niệm nguyên thủy đưa ra bởi cách mạng Pháp. Và nền cộng hòa Pháp, như quan sát của HCM, hoàn toàn không phù hợp với khẩu hiệu này. Trong khi đó, CNCS là một sự lựa chọn lý tưởng. Xét một cách thực tế, nó hứa hẹn một giải pháp thần kỳ mang lại độc lập và tự do cho dân tộc (với những ưu thế vượt trội cả về kỷ luật, kinh nghiệm và sự trợ giúp có tính quốc tế). Tham gia các đoàn thể Cộng sản trong những giai đoạn đầu còn là nơi hun đúc tinh thần "bình đẳng" và "bằng hữu". Còn về lâu dài, CNCS cũng hứa hẹn một xã hội có được tự do tuyệt đối cả về kinh tế lẫn phát triển con người, sự bình đẳng và tình hữu ái giữa những công dân đó. Nói cách khác, nó thỏa mãn cả mong ước ngắn hạn, sôi sục trong lòng người cách mạng HCM và cả mơ mộng xa xôi về một xã hội không có cảnh người bóc lột người.

Như vậy, hoàn toàn không có mâu thuẫn trong việc HCM vẫn kính trọng tinh thần "tự do, bình đẳng, bác ái" của Cách mạng Pháp, hay "tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của cách mạng Mỹ với việc ông là người trung thành với lý tưởng Cộng sản cho dù từng đích thân chứng kiến cuộc Đại Thanh trừng khủng khiếp của Stalin (trong đó sếp của Hồ Chí Minh ở Quốc tế cộng sản là các lãnh tụ Zinoviev và Radek cũng bị giết). Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa Stalin (và Stalin cũng nghĩ thế nên từ chối mọi sự giúp đỡ Hồ Chí Minh cho tới khoảng 1950). Trong mắt Stalin, Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa quốc gia, chỉ mượn danh cộng sản. Nhưng dẫu không phải người theo chủ nghĩa Stalin, Hồ Chí Minh vẫn cho rằng CNCS là cái đích cần đến, là lý tưởng của loài người, và nó không hề mâu thuẫn với tinh thần tự do, bình đẳng của cách mạng Pháp cả. Ngược lại, nó còn là phương tiện để thực hiện điều đó. (Và trong lúc chờ đến cái đích bình đẳng đó thì các cháu cứ gọi Bác là Bác).

Vậy Hồ Chí Minh là một người cộng sản hay một người cộng hòa? một người dân tộc chủ nghĩa hay một người quốc tế chủ nghĩa? Có lẽ là tất cả. Cũng như người Việt Nam có thể trộn cả đạo Phật, đạo Lão và đạo thờ Tổ tiên để vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh, vừa thờ Ma ở nhiều nơi, thì Hồ Chí Minh cũng có thể kết hợp cả chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, tư tưởng Tôn Trung Sơn, lý tưởng cách mạng Pháp-Mỹ, thậm chí cả Khổng Tử hay tín ngưỡng dân gian* mà không cảm thấy mâu thuẫn. Sự mềm dẻo ấy là ưu thế khiến Hồ Chí Minh có thể thành công trong bao nhiêu năm, trước những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nó cũng khiến cho người ta có những đánh giá khác nhau về ông, từ việc ông là quốc gia hay c
ộng sản cho tới việc ông thân Nga, thân Tàu, thân Pháp hay thân Mỹ? Nhưng mặt khác, nó cũng là nhược điểm khiến người ta không hiểu ông là ai, tư tưởng Hồ Chí Minh (một môn học mà sinh viên Đại học nào ở Việt Nam cũng phải học) rốt cục là gì? Hơn nữa, nó có thể là biểu hiện của sự thiếu nguyên tắc, khi một người đứng đầu cũng không rõ định hướng đất nước là gì? Điều này khác xa so với Lê Duẩn chẳng hạn, hay Mao, hay Stalin, hay thậm chí cả Gorbachev- họ đều có những kế hoạch, đường hường chỉ đạo rất rõ ràng về một mô hình xã hội mà họ muốn có, hay tạo ra (còn thành hay bại lại là chuyện khác).

Nếu nói về một nhà cách mạng có tư tưởng cộng hòa Pháp thì người triệt để nhất phải là Phan Chu Trinh (cho dù ông không hẳn là nhà cách mạng, và dù sống chục năm ở Pháp, ông cũng không biết tiếng Pháp- theo Duiker).

Đáng nói hơn, là dù thế hệ kế cận Hồ Chí Minh đa phần đều Tây học nhưng hầu hết các vị này đều học ở Việt Nam chứ không du học, và ít hay không chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng hòa Pháp. Những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả của tư tưởng này là lớp trí thức trong Nội các thời Trần Trọng Kim và Chính phủ Hồ Chí Minh 1945-1946, và những đại biểu Quốc hội khóa 1946. Chính họ đã cho ra đời bản Hiến pháp 1946, chứa đựng tinh thần Dân chủ-Cộng hòa rõ rệt nhất, và cho tới nay vẫn là Hiến pháp tự do nhất, là văn bản nhà nước tôn trọng quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền con người nhất trong lịch sử hơn 2000 năm của đất nước. Nó tự do và khoan dung hơn Hiến pháp VNCH khi xưa từng đưa nguyên tắc chống cộng vào Hiến pháp, cũng như Hiến pháp CHXHCN Việt Nam hiện nay đặt Đảng Cộng sản vào vị trí lãnh đạo chính quyền. Nhưng rồi những hạt giống của một nhà nước dân chủ-cộng hòa nhanh chóng bị giày xéo bởi cả ngoại bang lẫn những người từng hứa hẹn gieo trồng. Ngẫm cho kỹ thì đó là kết quả tất yếu, bởi một đảng cộng sản được xây dựng theo mô hình đảng Lê-nin-nít thì sẽ luôn phải gắng giành độc quyền lãnh đạo, như bất kỳ các đảng Lê-nin-nít nào khác. Và việc Hồ Chí Minh từ bỏ đảng Xã hội Pháp (theo tinh thần Quốc tế 2) để tham gia sáng lập đảng Cộng sản Pháp (theo Quốc tế 3 và chủ thuyết Leninism) cũng có nghĩa là cái viễn cảnh dân chủ-cộng hòa thực sự sẽ mâu thuẫn triệt để với tinh thần cộng sản. Trong hai giấc mơ của Hồ Chí Minh, ông chỉ có quyền chọn một.

Năm 1945, ông vẫn còn băn khoăn giữa hai giấc mơ này: dân chủ-cộng hòa hay cộng sản. Rất có thể, tới thời điểm này ông đã nhận thức được rằng hai giấc mơ này không thể nào đồng thời thực hiện. Nhưng những người đồng chí của ông thì dứt khoát đi theo con đường cộng sản.

Tới năm 1950 thì ông có muốn lựa chọn cũng không còn quyền lựa chọn nữa. Và nhà nước VNDCCH trở thành một nhà nước cộng sản điển hình, do một đảng Cộng sản Leninist (có pha trộn Stalinist và Maoist) độc quyền lãnh đạo.

50 năm sau, người ta tiếp tục tranh luận ông Hồ là cộng sản hay cộng hòa. Và liệu có (tới) bao giờ Việt Nam trở thành một nước dân chủ- cộng hòa? 50 năm sau nữa?


* Ví dụ chuyện ông tự viết sách lấy tên Trần Dân Tiên, tôi cho rằng nó giống chuyện Nguyễn Trãi bôi mật cho kiến cắn thành chữ "Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm quan" hay Lý Thường Kiệt cho người giả thần đọc sấm trên sông Như Nguyệt.

Entry for December 15, 2008

Ngày lạnh nhất từ đầu đông.
Nhiệt độ ngoài trời đang là: -20 độ C. Đó là chưa kể tới sức gió (vì có gió sẽ có cảm giác lạnh hơn).
Đêm có thể xuống tới -26 độ C (chưa kể gió).
Tuyết ban đêm rơi, dầy khoảng 2,5 inches.

Entry for December 15, 2008

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 6,7% trong tháng 11, theo Bộ Lao Động Mỹ. Từ tháng 12/2007 tới nay, đã có thêm 2,7 triệu người mất việc làm. Trong các sắc dân thì người da đen thất nghiệp nhiều nhất (11,2%), tiếp đó là người Hispanics (8,6%), người da trắng (6,1%) và cuối cùng là người gốc Á (4,8%).

Nhìn biểu đồ thì có vẻ như suy thoái tới giờ vẫn còn đang giai đoạn lên dốc.

img

Entry for December 15, 2008

Nghe đồn là Lê Hoàng ở Tuổi Trẻ và Nguyễn Công Khế ở Thanh Niên cũng chuẩn bị ra đi. Thấy đồn rầm rĩ trên mạng như vậy thì chắc chỉ trong 1, 2 ngày tới sẽ có tin chính thức. Không biết "trên" sẽ cử đồng chí nào thay thế?

Nếu quả thật Lê Hoàng và Công Khế ra đi thì có thể nói năm 2008 là năm thanh trừng nhà báo thẳng thừng nhất kể từ sau Đổi Mới tới nay, khi cho thôi việc 4 TBT các tờ ĐĐK, Tiền Phong, TT, TN, trong đó cả những nhân vật sừng sỏ cỡ Nguyễn Công Khế từng sừng sững ở báo Thanh Niên không biết bao nhiêu năm mà cũng bị bứt. Chưa kể các phó TBT, Tổng thư ký tòa soạn các tờ này đã bị bứng cách đây không lâu. Rồi hai nhà báo bị truy tố và xử tù, một giam, một treo.

Việc thẳng tay với báo chí như thế cho thấy có một sự xáo động bối rối nào đó trong chính quyền. Sự ra đi của ông Kiệt, người thường bênh vực báo chí, có thể cũng có một phần nào đó khiến nhà cầm quyền bớt nể nang hơn, cho dù vào thời điểm trước khi qua đời không lâu thì tiếng nói của ông Kiệt cũng không còn nhiều trọng lượng. Và trước ông Kiệt là ông Trần Bạch Đằng, những người cộng sản Nam Bộ, tương đối có đầu óc thoáng và có uy tín với chính quyền (và cũng hay viết báo).

Nhưng nói thế này có thể hơi sớm, vẫn chưa có tin chính thức về sự ra đi của hai ông này.


Friday, December 12, 2008

Entry for December 12, 2008

Bài này nói được nhiều điều. Việt Nam dẫn đầu thế giới về số tìm kiếm từ khóa "sex" và "blog" trên Google. Không có Trung Quốc trong những nước dẫn đầu có lẽ vì người Trung Quốc ít dùng Google, hơn nữa Google cũng bị "lọc" ở Trung Quốc.

Việc người Việt Nam tìm kiếm các thông tin liên quan tới "sex" và "blog" nhiều nhất thế giới cho thấy sự kìm nén của xã hội cả về mặt tình dục và quyền tự do phát biểu chính kiến của người Việt.
Chính vì thế Internet mở ra một phương tiện giải phóng cá nhân.

Có thể thấy điều này khi xem xét các nước có số lượt tìm kiếm "sex" tiếp theo Việt Nam, đa số đều là các nước kém phát triển: Ấn Độ, Indonesia, Ai Cập, Morocco...Ở đây cũng còn một ý mà GS Trần Hữu Dũng gọi là "substitution effect" (hiệu ứng thay thế). Khi những quan tâm có thể khác của thanh niên như quyền tự do tư tưởng, chính trị, khả năng phát biểu ý kiến... bị chèn ép thì sex trở thành đối tượng thay thế, giải tỏa bớt năng lượng và bức xúc. Trong sách giáo khoa lịch sử cho học sinh, sinh viên cũng thường nhắc tới điều này, khi gọi những phong trào văn hóa-thể thao-hướng đạo do thực dân Pháp phát động hay tài trợ những năm cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 là những biện pháp nhằm ru ngủ thanh niên, khiến thanh niên lãng quên cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, đánh mất ý chí chiến đấu và tinh thần cách mạng...

Đứng trên phương diện đó, lẽ ra công an không nên bắt mocxi, càng không nên xử án những người quản trị diễn đàn. Họ chính là những người tháo ngòi nổ hữu hiệu nhất.

Cũng tương tự, có biện pháp chi phối công luận hiệu quả nhất mà hình như các chuyên gia ở Bộ 4T hay Ban Tuyên huấn chưa thực sự quan tâm. Đó là khi dư luận đang phẫn nộ vì một việc gì đó, ví dụ PCI chẳng hạn, thì xì ra một vụ scandal nào đấy trong giới show-biz. Thử hình dung xem, giả sử chuyên án PCI hay vụ xử nhà báo đang bức xúc, nóng hết trên thế giới Internet và cộng hưởng sang cả thế giới thực thì xảy ra một vụ tương tự sex scandal của Vàng Anh/Thùy Linh. Lập tức, các báo, người đọc, các blog hot (như Tắc Kè, Vàng Anh...) sẽ tập trung vào khai thác vụ scandal chứ ai quan tâm gì tới tham nhũng, hải đảo hay nhân quyền nữa. Hay chỉ cần một vụ nho nhỏ như em Thùy Dung không có bằng trung học là cũng có tác dụng tháo ngòi không nhỏ.

Có câu "Sex Sells" và thực tế là nó sell được ở mọi lúc, mọi nơi. Bộ 4T cần nghiêm chỉnh nghiên cứu phương châm này, để pha chế liều lượng sex cho vừa đủ trên các phương tiện truyền thông. Nếu nhiều quá thì dân tình bão hòa, chán ngấy lại chuyển sang thắc mắc những thứ không nên thắc mắc. Nếu ít quá thì không có tác dụng. Hợp lý nhất là cho liều lượng vừa phải, có kiểm soát, và gia giảm tùy giai đoạn. Ví dụ lúc nào nhân dân có vẻ bức xúc về kinh tế, chính trị hay xã hội (cái này thì TS Quang và 13 đồng sự cùng vô số cộng tác viên giấu mặt và không giấu mặt ở Viện nghiên cứu dư luận của TW Đảng hẳn phải biết) thì sẽ tăng liều lượng sex, khuyến khích một vài vụ scandal nào đó. Lúc nào tình hình im ắng, dân tình có vẻ bình yên thì rút bớt lại để nền báo chí đích thực là nền báo chí cách mạng lành mạnh, trong sáng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cứ lấy hàn thử biểu đo lường dư luận là hai tờ Nhân Dân và Dân Trí (cùng có chữ Dân). Quản lý chặt chẽ nồng độ sex và tính Đảng ở hai tờ này. Các tờ khác thì cứ căn cứ vào hai tờ này mà di dịch, lúc sang phải, lúc sang trái, khi nhiều sex, khi nhiều Đảng, cho hợp lý, đảm bảo tạo được một cái "lề phải" hữu hiệu hơn "lề phải" của ông Doãn hay ông Hợp.

Thursday, December 11, 2008

Entry for December 11, 2008

Thêm lý do để uống cafe mùa đông nhé:

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200850/20081211000150.aspx

Cà phê chống trầm cảm

"Uống cà phê đều đặn có thể giúp giảm nguy cơ bị trầm cảm ở người thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng. Không những thế, chất caffeine còn có khả năng giảm tình trạng mất trí nhớ.

Các chuyên gia của Đại học Cardiff (Vương quốc Anh) đã rút ra kết luận trên sau khi so sánh thói quen uống và mức độ trầm cảm ở 3.000 người tham gia cuộc nghiên cứu.

Theo kết quả do báo Daily Mail dẫn lại, nguy cơ trầm cảm đã giảm phân nửa ở những người uống khoảng 1 ly rưỡi cà phê pha theo kiểu espresso (tương đương 140 mg caffeine) mỗi ngày so với người không uống. Đối với nhóm người có thói quen uống 2,5 ly cà phê/ngày (tương đương 260 mg caffeine), nguy cơ này giảm xuống gần 4 lần."

Entry for December 11, 2008


1. Nghe nói lời bài này chuyển sang tiếng Việt đã thay đổi ý nghĩa không ít.
Nhưng dù thế, lời tiếng Việt (không rõ ai là người chuyển lời) vẫn hay.

Đôi Bờ


Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời
Lòng em riêng biết có yêu anh,
Giữa tình đôi lứa ta,
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...

Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng
Bên bờ sông vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng
Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với tình yêu thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...

Đêm dần qua ánh ban mai đang lan tràn dâng tới.
Trên bờ sông soi bóng em dài, xa xa phía chân trời.
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...

Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...

Bản tiếng Việt do Thảo Vân hát.
Bản tiếng Nga trong phim Khát nước. Một bản khác.

2. Lời thơ của Akugiava (?, không biết viết theo tiếng Anh thì như thế nào) do Thái Bá Tân dịch

Đôi bờ

Suốt đêm qua trời mưa
Trên lá xanh, cành mục
Ai cũng nói rằng em
Được yêu và hạnh phúc.

Cả em, em cũng tin
Dù trái tim không vậy
Chúng ta ở đôi bờ
Một dòng sông nào đấy.

Đàn chim bay từng đôi.
Như sóng kề bên sóng.
Các bạn gái có đôi,
Chỉ mình em thất vọng.

Nhưng em chờ, em tin
Dù trái tim không vậy
Chúng ta ở đôi bờ
Một dòng sông nào đấy.

Suốt đêm qua trời mưa
Nhưng bình minh đã tới,
Chỉ mình anh, mình anh.
Mình anh em chờ đợi.

Em chờ và em tin,
Dù trái tim không vậy
Chúng ta ở đôi bờ
Một dòng sông nào đấy...

(B. Akugiava - Thái Bá Tân dịch)

3. Bản gốc cho những người biết tiếng Nga

Два берега

Ночь была с ливнями,
И трава в росе.
Про меня "счастливая"
Говорили все.
И сама я верила,
Сердцу вопреки:
Мы с тобой два берега
У одной реки.

Утки все парами,
Как с волной волна,
Все девчата с парнями,
Только я одна.
Я ждала и верила,
Сердцу вопреки:
Мы с тобой два берега
У одной реки.

Ночь была, был рассвет,
Словно тень крыла.
У меня другого нет,
Я тебя ждала.
Всё ждала и верила,
Сердцу вопреки:
Мы с тобой два берега
У одной реки.

Wednesday, December 10, 2008

Entry for December 10, 2008

+ Bài này trên x-cafe về khủng hoảng chính trị Thái Lan rất chi tiết.

Hiện nay PAD, với sự ủng hộ của quân đội và ngầm ủng hộ của Hoàng gia, đang tạm thời ưu thế. Nhưng với đà thế này thì nước Thailand không thể duy trì mãi nền cai trị của quân đội và Hoàng gia. Thaksin hoặc những phiên bản khác của Thaksin sẽ sớm trở lại chính trường nước này.
Câu chuyện dân chủ tại Thái Lan

+ Bài này trên VNN đã bị rút xuống, chỉ còn ý kiến bạn đọc là vẫn để nguyên (?).

Nửa kín, nửa hở” về chuyện "đo" bức xúc của dân

Link gốc ở đây


Entry for December 10, 2008

Giờ đang là 6 độ F ngoài trời, tức là khoảng -12 độ C.
Thứ hai tới còn xuống tới -5 độ F (chừng -22 độ C) :(.
Mùa lạnh đến thật nhanh, 1 tuần trước còn hiếm khi thấy tuyết rơi, giờ thì tuyết phủ trắng khắp nơi.
Nghe Norah Jones hát Cold Cold Heart
vậy.

"Cold Cold Heart"


I've tried so hard my dear to show
That you're my every dream
Yet you're afraid each thing I do
Is just some evil scheme

A memory from your lonesome past
Keeps us so far apart
Why can't I free your doubtful mind
And melt your cold cold heart

Another love before my time
Made your heart sad an' blue
And so my heart is paying now
For things I didn't do

In anger unkind words are said
That make the teardrops start
Why can't I free your doubtful mind
And melt your cold cold heart


Tuesday, December 9, 2008

Entry for December 09, 2008

Một bài báo từ tháng 5/2008 trên tờ Kinh tế nông thôn của nhà báo Chí Cường (link từ một người bạn).

Tiếp sức cho những mảnh đời nghèo khó

"KTNT - Mặc dù còn khá trẻ và vừa qua giai đoạn “lập nghiệp” khó khăn nhưng vợ chồng chị Phan Thị Yến và anh Phan Cao Trí ở khu phố 4, đường 4, phường Linh Chiểu (Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh) được nhiều người biết tiếng nhờ ý chí, nghị lực vươn lên và đóng góp trong công tác từ thiện xã hội.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, Yến sớm phải xa gia đình lên TP. Hồ Chí Minh mưu sinh kiếm sống. Yến đã trải đủ nghề cực nhọc nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám... Gặp và nên duyên vợ chồng với anh Phan Cao Trí, chị như được san sẻ bớt khó khăn. Họ đỡ đần, động viên nhau cùng vượt qua những ngày thiếu thốn, vất vả. Anh chị xoay trăm nghề, thắt lưng buộc bụng dành dụm từng đồng vốn nhỏ... Năm 2001, chị Yến bàn với chồng gom hết tiền tích cóp để thành lập Công ty TNHH Tân Hoàng Phát. Từ nghèo khó vươn lên, anh chị thấu hiểu được nỗi vất vả của những người nghèo. Khi Công ty ăn nên làm ra, ngoài việc luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, vợ chồng chị còn luôn quan tâm đến đời sống nhân viên. Anh chị lo lắng từ chỗ ăn, nghỉ, tiền thưởng... để động viên, khuyến khích công nhân. Gần đây, đôi vợ chồng trẻ còn trở thành “mạnh thường quân” trong công tác từ thiện của nhiều địa phương.
...

Chúng tôi hỏi về việc làm từ thiện, chị Yến cười đôn hậu: “Việc có nghĩa, có tình mình không làm thì còn làm việc gì? Mình giúp đỡ được một người nghèo là đã giúp giảm bớt một gánh nặng cho xã hội. Vợ chồng tôi thấy lòng rất thanh thản khi tham gia công việc này, đó chẳng phải là món quà vô giá hay sao?”.

Đẹp thay những suy nghĩ, tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng chị Yến. ước gì có nhiều doanh nhân có tấm lòng nhân ái như họ, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn..."

Trong cả bài báo ca ngợi ông bà chủ Tân Hoàng Phát, nhà báo không hề đả động tới công ty Tân Hoàng Phát kinh doanh gì. Và nhà báo ca ngợi họ bằng những lời có cánh, thậm chí ước có nhiều doanh nhân có tấm lòng nhân ái như họ.

Và đây là bằng chứng của lòng nhân ái, những tấm lòng đôn hậu, chân thành "tiếp sức cho những mảnh đời nghèo khó" như thế nào:

"Trong thời gian làm việc, tiếp viên nào vi phạm kỷ luật như không chiều khách, bị khách khiếu nại với chủ sẽ bị phạt làm vệ sinh, rửa chén hoặc bị nhốt ở bãi xe và nhà trọ (số 46 và 48 đường số 4 phường Linh Chiểu). Theo lời Hậu khai, chìa khóa nhà do Hậu giữ và có bảo vệ canh bên ngoài. Những tiếp viên nào “ngoan cố” sẽ bị điều ra massage Hoàng Vân tại ngã ba Vũng Tàu để “cải tạo” (chi nhánh của Tân Hoàng Phát). Nếu ai có ý định bỏ trốn mà bị phát hiện, Hậu nhốt vào trong chuồng chó với ba chó bẹc-giê rất dữ. Ông Sỹ (hiện đã bỏ trốn) còn thẳng tay đánh những cô gái nào vi phạm và dùng súng hăm dọa, chĩa vào đầu. Dưới trướng của Sỹ là những đối tượng quản lý, bảo vệ cũng tham gia đánh tiếp viên.

Được giải thoát khỏi “địa ngục” trần gian, cả trăm cô gái cùng người thân vui mừng, nhiều người quá xúc động không cầm được nước mắt. Trước đó, có trường hợp một số gia đình mang “giấy đỏ” để thế chấp hoặc nộp tiền chuộc cứu con về nhưng bị chủ từ chối thẳng thừng."

"Trường hợp của TTHT (21 tuổi, quê Đồng Tháp) thì thê thảm hơn. Tháng 8-2007, lúc rạng sáng, T. nhảy từ lầu hai của nhà số 58 (Linh Chiểu, Thủ Đức) xuống đường thì bị gãy xương sống. Bảo vệ nhìn thấy xông tới đánh đập cô. Tương tự như T., hai cô gái khác cũng nhảy lầu và gãy chân cũng bị bảo vệ bắt lại đánh đập.

Mọi sinh hoạt từ ăn ngủ, mua sắm, tiếp người thân lên thăm của các cô gái bị giam lỏng trong nhà 46, 48, 58 (đường số 4, phường Linh Chiểu) đều bị bảo vệ theo dõi, dò xét. Bà NTD, mẹ của một cô nói: “Tôi vào thăm con phải qua lớp bảo vệ, bị khám xét giỏ xách kỹ lưỡng rồi mới cho vào”. "

Và thực tế là cái tổ quỷ này đã được phát hiện từ năm 2004 nhưng vẫn được tiếp tục hoạt động nhờ sự bảo kê của một số người. Báo Lao Động đã đăng bài từ năm 2006 về việc Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Nguyễn Thị Hữu Hòa nâng đỡ cho công ty Tân Hoàng Phát, nhưng rồi những bài báo đó cũng chìm vào trong lãng quên.

Thậm chí còn có chuyện công an bán súng cho tội phạm nữa, với giá chỉ 10 triệu đồng/khẩu. Thật kinh khủng, còn rẻ hơn mua súng ở Mỹ.

"Theo lời khai của Phan Văn Vũ (21 tuổi, ngụ Vĩnh Long, giữ xe cho Tân Hoàng Phát), vào ngày 2-10, Vũ đi trễ một ngày bị Sỹ chửi mắng và rút súng ra bắn chỉ thiên hai phát. Ngày 15-11, Sỹ chĩa súng vào đầu Cường (quản lý), tát vào mặt và bắn chỉ thiên để “dạy dỗ”. Hai khẩu súng này Sỹ và Hậu nạp sẵn đạn bọc đồng và luôn đem theo trong người.

Chiều qua, PC14 đã bước đầu làm rõ lai lịch hai khẩu súng mà Sỹ và Hậu sử dụng. Hai khẩu súng này do bà Nguyễn Thị Kim Thanh Giám đốc Công ty TNHH Thái Thanh mua của một cán bộ Công an thị xã Long Khánh với giá 10 triệu đồng/khẩu, sau đó bán lại cho Sỹ và Hậu với giá gấp đôi. Hai khẩu súng này có giấy phép sử dụng, được Công an tỉnh Đồng Nai cấp cho Công an thị xã Long Khánh nhưng địa chỉ trong giấy phép lại là Công ty TNHH Thái Thanh. Hiện cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ hành vi mua bán vũ khí quân dụng trái phép của bà Thanh."

Entry for December 09, 2008

Đọc cái này thấy hết sức khó hiểu

Giảng viên đại học phải giảng dạy 900 giờ/năm

"Về thời gian, giảng viên làm việc theo chế độ tuần làm việc 40 giờ và được xác định theo năm học. Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên bình quân trong một năm học là 1760 giờ sau khi trừ những ngày nghỉ; trong đó có 900 giờ giảng dạy. Phân công cụ thể theo nhiệm vụ và chức danh thì giảng viên có 500 giờ nghiên cứu khoa học, 360 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; Phó giáo sư và giảng viên chính có 600 giờ nghiên cứu khoa học và 260 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; với Giáo sư và giảng viên cao cấp, số giờ nghiên cứu khoa học là 700 và số giờ hoạt động chuyên môn và các nghiệp vụ khác là 160."


Như vậy 900 giờ giảng dạy này có tính thời gian chuẩn bị bài không, hay chỉ là thời gian đứng lớp?. Nếu 900 giờ giảng dạy tính cả thời gian chuẩn bị bài và chấm thi thì quy chuẩn thế nào, số giờ đứng lớp phải là bao nhiêu? Còn nếu 900 giờ giảng dạy là thời gian đứng lớp thì sẽ là con số không thể chấp nhận được. Tức là mỗi học kỳ, giảng viên sẽ phải đứng lớp 450 giờ. Cứ cho rằng
một học kỳ gồm 19 tuần (trừ đi 3 tháng hè, 2 tuần Tết và 2 tuần thi trong năm) thì mỗi tuần giảng viên sẽ phải giảng xấp xỉ 24 tiếng, mỗi ngày sẽ phải giảng chừng 4,5 tiếng? Thế thì còn thời gian đâu mà làm việc khác, mà nghiên cứu khoa học và chuẩn bị bài giảng, giáo án...Để so sánh, giáo sư ở các trường đại học bên Mỹ thường chỉ phải giảng từ 1-2 lớp mỗi kỳ, với số giờ chừng 3-5 tiếng mỗi tuần. Có phải giảng viên Việt Nam năng suất gấp 5-7 lần giảng viên bên Mỹ?

Bộ Giáo dục thường đưa ra những con số rất mập mờ khó hiểu, dẫn tới những diễn giải khác nhau. Ví dụ cuối tháng 10/2008, Bộ Giáo dục đưa ra quy định về điều kiện thỉnh giảng và một loạt các báo đưa tin rằng chỉ có giáo sư hay phó giáo sư mới được thỉnh giảng, chẳng hạn như ở đây hay ở đây. Rất nhiều trường Đại học lên tiếng rằng quy định này bắt chẹt họ. Nhưng sau đấy 1 tháng, Bộ lại thanh minh là các báo hiểu sai văn bản này, và văn bản này chỉ quy định là người đi thỉnh giảng phải hoặc là giáo sư, phó giáo sư hoặc phải có chứng chỉ sư phạm.


Cũng tương tự, trong một báo cáo của Sở Giáo dục Hà Nội nêu ra con số 218.200 người mù chữ khiến một loạt báo giật tít "Hà Nội đứng đầu cả nước về số người mù chữ". Sau đó bà Nga, Phó Sở GD Hà Nội mới trả lời trên báo là vì "lỗi cơ học" nên đã "nhầm" từ số thống kê người mù chữ ở tuổi trên 36 là 18.200 thành ra số thống kê người mù chữ là 218.200. Cũng không thấy bà Nga đính chính xem số thống kê thực sự số người mù chữ. Xem ra dạo này những "người đánh máy" tại các công sở Nhà nước rất hay được đổ tội: từ chuyện thống kê mù chữ cho tới tin vỡ đê Hà Tây. Thật là tiện lợi.


Tóm lại là mọi thứ cứ như canh hẹ. Chẳng ai hiểu được ai nói cái gì. Mấy hôm nữa có khi Bộ Giáo dục lại xin đính chính là các báo đã hiểu sai tinh thần công văn bộ?


+ VNN đưa tin đầy đủ hơn báo Đảng và trả lời rõ hơn câu hỏi nêu trên:

"Theo đó, GS và giảng viên cao cấp có khung giờ chuẩn định mức giảng dạy là 360 giờ (riêng giảng viên dạy các môn Giáo dục thể chất, Quốc phòng-An ninh là 500 giờ); PGS và giảng viên chính: 320 giờ; giảng viên: 280 giờ."

Như vậy mỗi giảng viên thường phải dạy tối thiểu 280 giờ một năm hay 6h một tuần, giáo sư phải dạy tối thiểu 360 giờ/năm hay khoảng 8 giờ/tuần. Định mức chuẩn như thế vẫn là nhiều. Chẳng trách hoạt động nghiên cứu ở các trường Đại học Việt Nam rất ít. Một trong những lý do là việc giảng viên phải dạy quá nhiều. Với việc quy định định mức như trên thì thì sẽ còn gây khó khăn cho chương trình xây dựng các Đại học nghiên cứu (research university). Một nghịch lý là các chính sách giáo dục cứ đá chân nhau, thiếu nhất quán và định hướng rõ ràng. Một mặt Bộ Giáo dục cho mở đại học tràn lan, đào tạo tiến sĩ tràn lan, giành ưu tiên phát triển giáo dục Đại học (và hy sinh phần nào giáo dục phổ thông và phổ cập). Nhưng mặt khác, lại ra quy định khá ngặt về giáo viên thỉnh giảng. Vậy thì 1 trường Đại học mà Bộ mới cho thành lập, chỉ có 1 tiến sĩ cơ hữu, 5-7 cử nhân cơ hữu sẽ phải giảng dạy cho hàng trăm sinh viên như thế nào khi việc mời thỉnh giảng không dễ dàng bởi quy định của Bộ (đòi hỏi chứng chỉ sư phạm hoặc là giáo sư/phó giáo sư, có bài báo đăng tạp chí chuyên ngành, hay có sách, hay tham gia đề tài đã nghiệm thu trong 3 năm). Một mặt muốn đào tạo các cơ sở giáo dục có chất lượng nghiên cứu tốt, mặt khác lại mở rộng đại học tràn lan dẫn tới giáo viên bị quá tải, và quy định thời gian giảng chuẩn quá nhiều. Thế thì giảng viên lấy đâu thời gian để phấn đầu 1000 USD một bài báo?

Và ai cũng biết số tiền được quy định trả cho tiết giảng chuẩn rất thấp, chỉ vài chục nghìn một giờ giảng (có mua được 2 bát phở?). Do vậy ở một số trường Đại học còn có hiện tượng giảng viên bóc lột lẫn nhau, các giáo viên có thâm niên, có địa vị, nhờ hay thuê giảng viên trẻ đi giảng chuẩn thay cho mình, để cho mình đủ số
tiết trong sổ sách, còn mình thì đi giảng cho tại chức, bằng 2, hướng dẫn nghiên cứu sinh hay làm ngoài- nơi dễ có những khoản thu nhập béo bở hơn.

Entry for December 09, 2008

Đọc cái này thấy hết sức khó hiểu

Giảng viên đại học phải giảng dạy 900 giờ/năm

"Về thời gian, giảng viên làm việc theo chế độ tuần làm việc 40 giờ và được xác định theo năm học. Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên bình quân trong một năm học là 1760 giờ sau khi trừ những ngày nghỉ; trong đó có 900 giờ giảng dạy. Phân công cụ thể theo nhiệm vụ và chức danh thì giảng viên có 500 giờ nghiên cứu khoa học, 360 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; Phó giáo sư và giảng viên chính có 600 giờ nghiên cứu khoa học và 260 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; với Giáo sư và giảng viên cao cấp, số giờ nghiên cứu khoa học là 700 và số giờ hoạt động chuyên môn và các nghiệp vụ khác là 160."


Như vậy 900 giờ giảng dạy này có tính thời gian chuẩn bị bài không, hay chỉ là thời gian đứng lớp?. Nếu 900 giờ giảng dạy tính cả thời gian chuẩn bị bài và chấm thi thì quy chuẩn thế nào, số giờ đứng lớp phải là bao nhiêu? Còn nếu 900 giờ giảng dạy là thời gian đứng lớp thì sẽ là con số không thể chấp nhận được. Tức là mỗi học kỳ, giảng viên sẽ phải đứng lớp 450 giờ. Cứ cho rằng
một học kỳ gồm 19 tuần (trừ đi 3 tháng hè, 2 tuần Tết và 2 tuần thi trong năm) thì mỗi tuần giảng viên sẽ phải giảng xấp xỉ 24 tiếng, mỗi ngày sẽ phải giảng chừng 4,5 tiếng? Thế thì còn thời gian đâu mà làm việc khác, mà nghiên cứu khoa học và chuẩn bị bài giảng, giáo án...Để so sánh, giáo sư ở các trường đại học bên Mỹ thường chỉ phải giảng từ 1-2 lớp mỗi kỳ, với số giờ chừng 3-5 tiếng mỗi tuần. Có phải giảng viên Việt Nam năng suất gấp 5-7 lần giảng viên bên Mỹ?

Bộ Giáo dục thường đưa ra những con số rất mập mờ khó hiểu, dẫn tới những diễn giải khác nhau. Ví dụ cuối tháng 10/2008, Bộ Giáo dục đưa ra quy định về điều kiện thỉnh giảng và một loạt các báo đưa tin rằng chỉ có giáo sư hay phó giáo sư mới được thỉnh giảng, chẳng hạn như ở đây hay ở đây. Rất nhiều trường Đại học lên tiếng rằng quy định này bắt chẹt họ. Nhưng sau đấy 1 tháng, Bộ lại thanh minh là các báo hiểu sai văn bản này, và văn bản này chỉ quy định là người đi thỉnh giảng phải hoặc là giáo sư, phó giáo sư hoặc phải có chứng chỉ sư phạm.


Cũng tương tự, trong một báo cáo của Sở Giáo dục Hà Nội nêu ra con số 218.200 người mù chữ khiến một loạt báo giật tít "Hà Nội đứng đầu cả nước về số người mù chữ". Sau đó bà Nga, Phó Sở GD Hà Nội mới trả lời trên báo là vì "lỗi cơ học" nên đã "nhầm" từ số thống kê người mù chữ ở tuổi trên 36 là 18.200 thành ra số thống kê người mù chữ là 218.200. Cũng không thấy bà Nga đính chính xem số thống kê thực sự số người mù chữ. Xem ra dạo này những "người đánh máy" tại các công sở Nhà nước rất hay được đổ tội: từ chuyện thống kê mù chữ cho tới tin vỡ đê Hà Tây. Thật là tiện lợi.


Tóm lại là mọi thứ cứ như canh hẹ. Chẳng ai hiểu được ai nói cái gì. Mấy hôm nữa có khi Bộ Giáo dục lại xin đính chính là các báo đã hiểu sai tinh thần công văn bộ?


+ VNN đưa tin đầy đủ hơn báo Đảng và trả lời rõ hơn câu hỏi nêu trên:

"Theo đó, GS và giảng viên cao cấp có khung giờ chuẩn định mức giảng dạy là 360 giờ (riêng giảng viên dạy các môn Giáo dục thể chất, Quốc phòng-An ninh là 500 giờ); PGS và giảng viên chính: 320 giờ; giảng viên: 280 giờ."

Như vậy mỗi giảng viên thường phải dạy tối thiểu 280 giờ một năm hay 6h một tuần, giáo sư phải dạy tối thiểu 360 giờ/năm hay khoảng 8 giờ/tuần. Định mức chuẩn như thế vẫn là nhiều. Chẳng trách hoạt động nghiên cứu ở các trường Đại học Việt Nam rất ít. Một trong những lý do là việc giảng viên phải dạy quá nhiều. Với việc quy định định mức như trên thì thì sẽ còn gây khó khăn cho chương trình xây dựng các Đại học nghiên cứu (research university). Một nghịch lý là các chính sách giáo dục cứ đá chân nhau, thiếu nhất quán và định hướng rõ ràng. Một mặt Bộ Giáo dục cho mở đại học tràn lan, đào tạo tiến sĩ tràn lan, giành ưu tiên phát triển giáo dục Đại học (và hy sinh phần nào giáo dục phổ thông và phổ cập). Nhưng mặt khác, lại ra quy định khá ngặt về giáo viên thỉnh giảng. Vậy thì 1 trường Đại học mà Bộ mới cho thành lập, chỉ có 1 tiến sĩ cơ hữu, 5-7 cử nhân cơ hữu sẽ phải giảng dạy cho hàng trăm sinh viên như thế nào khi việc mời thỉnh giảng không dễ dàng bởi quy định của Bộ (đòi hỏi chứng chỉ sư phạm hoặc là giáo sư/phó giáo sư, có bài báo đăng tạp chí chuyên ngành, hay có sách, hay tham gia đề tài đã nghiệm thu trong 3 năm). Một mặt muốn đào tạo các cơ sở giáo dục có chất lượng nghiên cứu tốt, mặt khác lại mở rộng đại học tràn lan dẫn tới giáo viên bị quá tải, và quy định thời gian giảng chuẩn quá nhiều. Thế thì giảng viên lấy đâu thời gian để phấn đầu 1000 USD một bài báo?

Và ai cũng biết số tiền được quy định trả cho tiết giảng chuẩn rất thấp, chỉ vài chục nghìn một giờ giảng (có mua được 2 bát phở?). Do vậy ở một số trường Đại học còn có hiện tượng giảng viên bóc lột lẫn nhau, các giáo viên có thâm niên, có địa vị, nhờ hay thuê giảng viên trẻ đi giảng chuẩn thay cho mình, để cho mình đủ số
tiết trong sổ sách, còn mình thì đi giảng cho tại chức, bằng 2, hướng dẫn nghiên cứu sinh hay làm ngoài- nơi dễ có những khoản thu nhập béo bở hơn.

Entry for December 09, 2008

Nhận định của GS Trần Văn Thọ từ Nhật Bản trên tờ Tuần Việt Nam. Giáo sư Thọ gọi phát biểu của ông Nguyễn Thành Tài là "thiếu trách nhiệm, thiếu suy nghĩ". Cũng nói thêm là chưa báo nào dám viết bài phê phán phát biểu của ông Tài. Về phát biểu của ông Thứ trưởng Ngoại giao yêu cầu phía Nhật can thiệp để báo chí Nhật ngừng đăng tin về vụ PCI thì cho tới nay, cũng mới chỉ có một bài của Huy Đức phê phán trên Sài Gòn Tiếp Thị (sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo làm rõ vụ PCI).
Theo GS Thọ thì phát biểu của ông Thứ trưởng này "đã gây bất bình cho công luận ở Nhật trong khi người Nhật đang trông chờ một lời giải thích đúng đắn và tích cực từ phía Việt Nam."

Trích một đoạn GS Thọ phát biểu về vai trò của ODA và hình ảnh đất nước:

"GS Trần Văn Thọ: Sự kiện PCI và quyết định của chính phủ Nhật ảnh hưởng đến thể diện của đất nước, đó là một tổn thất lớn. Tổn thất này không thể so với chuyện bị ngưng cung cấp ODA.

Do đó, lấy lại hình ảnh tốt cho đất nước không phải là để được tiếp tục nhận ODA. Phải xem ODA chỉ là hiệu quả phụ trong vấn đề nầy.

ODA chỉ có vai trò giúp cho quá trình phát triển tiến nhanh chứ không phải có tính cách quyết định cho công cuộc phát triển. Những nước phát triển trước 1945 hầu như không nhận ODA.

Sau 1945, Nhật Bản có nhận ODA của Mỹ nhưng với kim ngạch rất nhỏ và chỉ trong thời gian 10 năm. (Nhân tiện đây, tôi xin mở ngoặc, trong thời gian Nhật Bản nhận viện trợ của Mỹ, các Bộ trưởng, thứ trưởng khi đi công du nước ngoài luôn chọn ở khách sạn 3 sao, giá phòng ở thủ đô Mỹ Washington hồi đó khoảng 7 –8 USD/đêm, có lẽ tương đương 40-50 USD bây giờ, và ở chung 2 người một phòng).

Sau thế chiến thứ hai, nhiều nước nhận ODA nhưng thành quả phát triển thì rất khác nhau. Chẳng hạn, Thái Lan và Philippines đều nhận nhiều ODA từ Nhật, nếu tính gộp từ năm 1960 đến năm 1995, tổng ngạch ODA của Nhật rót vào hai nước nầy hầu như ngang nhau. Nhưng Thái Lan thì phát triển mạnh mẽ còn Philippines thì trì trệ. Năm 1960, GDP đầu người của Philippines gấp đôi Thái Lan, nhưng đến năm 1995 thì chỉ bằng một nửa.

Như nhiều ước tính cho thấy, Việt Nam thất thoát tới khoảng 30% ngân sách các công trình trong xây dựng cơ bản. Vấn đề tiên quyết của Việt Nam bây giờ là cải thiện tình trạng này trước khi tính chuyện tìm thêm các nguồn tài trợ ODA.

Tại Việt Nam, ODA chỉ chiếm độ 25% trong tổng kim ngạch đầu tư của khu vực công. Do đó, nếu con số thất thoát 30% là đúng thì, nói một cách hơi cực đoan, dù không có ODA, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển như bây giờ nếu tình trạng thất thoát hoàn toàn được khắc phục."

Trong bài, GS Thọ so sánh Philippines và Thailand, hai nước đều nhận được nhiều viện trợ của Nhật (và còn của Mỹ nữa). Nếu so sánh thêm thì hai nước này đều nằm dưới các chế độ độc tài dù vẫn mang hình thức là các chế độ dân chủ, tuy chế độ độc tài ở Philipines nặng nề và có tính tuyệt đối hơn. Nhưng Thailand đã sử dụng tốt tiền viện trợ và vay nợ để phát triển, và tình trạng tham nhũng không quá mức nặng nề. Trong khi Philippines thì trì trệ và bất ổn, tham nhũng khủng khiếp (trên thế giới, người ta biết nhiều tới bộ sưu tập giày của bà Marcos hơn là về thủ đô Manila) từ chỗ có thu nhập đầu người gấp đôi Thái Lan trở thành chỉ còn bằng một nửa (và hiện nay, không hơn Việt Nam bao nhiêu).

Tuy nhiên, nếu so sánh Việt Nam thì có lẽ thích hợp hơn khi so sánh Việt Nam với Indonesia. Cả Việt Nam (sau Đổi mới) và Indonesia (thời Suharto) đều được các nhà tài trợ như NHTG đánh giá là các tấm gương sử dụng hiệu quả vốn ODA để phát triển. Thế nhưng ở cả hai nước, tình trạng tham nhũng đều hết sức nặng nề, và sự phát triển chủ yếu dựa vào đầu vào (vốn, lao động, đất đai) thay vì công nghệ. Hậu quả là những lâu đài trên cát và một dư chấn động đất cũng có thể khiến những lâu đài này sụp đổ. Lâu đài cát Indonesia đã sụp đổ năm 1998, kéo theo người hùng Suharto từng thống trị đất nước 30 năm, và mở đường cho chế độ dân chủ. Sau khi lâu đài này sụp đổ thì các nhà tài trợ đã không còn nêu gương Indonesia như hình mẫu lý tưởng của việc sử dụng ODA hiệu quả nữa. Trách nhiệm làm hình mẫu đó được chuyển sang cho Việt Nam. Và họ sẽ còn tán tụng Việt Nam tới khi có thảm họa thực sự xảy ra như ở Indonesia, và đến lúc đó họ sẽ lại tìm ra những poster boy khác.

Gần đây có quan điểm của một số người, điển hình nhất là William Easterly ở Đại học New York, cho rằng viện trợ hầu như không giúp gì cho các nước nghèo cả, và những nước như Việt Nam hay Trung Quốc thành công cho tới giờ không phải nhờ viện trợ.

Đoạn mở ngoặc trong bài của GS Thọ cũng khá thú vị. Nó cho thấy lòng tự trọng của người Nhật tới mức nào.

Tờ Tuần Việt Nam gần đây đăng rất nhiều bài mạnh mẽ xung quanh các vấn đề nóng hổi của đất nước, từ ODA, sừng tê giác, lụt ở Hà Nội cho tới Hoàng Sa-Trường Sa.


Entry for December 09, 2008

Tin tham nhũng ở Mỹ:

Thống đốc bang Illinois Rod Blagojevich bị FBI bắt vì âm mưu bán ghế Thượng nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ- chiếc ghế TNS mà hiện nay Tổng thống được bầu Obama đang đảm nhiệm. Theo luật, Obama sẽ phải từ chức TNS để làm Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2009 và Thống đốc bang Blagiojevich có quyền bổ nhiệm người thay thế Obama cho tới hết nhiệm kỳ TNS.

Để bắt Blagojevich, FBI đã phải đặt ghi âm trộm các cuộc gọi điện của ông này. Theo đó, Blagiojevich dự định bán ghế TNS cho một ứng viên TNS được một công đoàn ủng hộ, để đổi những đặc lợi cho ông ta trong một tổ chức phi chính phủ có liên quan tới công đoàn này và vợ ông ta (với ghế trong hội đồng quản trị một công ty) khi ông ta thôi chức TNS. Theo ghi âm điện thoại thì Obama cũng có dự định một người thay cho mình nhưng "họ" không có thỏa thuận hối lộ gì cho Blagojevich cả.

Việc điều tra và ghi âm trộm Thống đốc Blagojevich nằm trong vụ án điều tra của FBI trước cáo buộc một số quan chức chính quyền bang Illinois đã nhận tiền "lại quả" của các nhà thầu với số tiền lên tới 7 triệu USD.

Ngoài ra Blagojevich còn bị cáo buộn đã gây sức ép bằng cách dọa cắt hỗ trợ của bang hòng khiến tờ báo Chicago Tribune sa thải một nhà báo từng lên tiếng phê phán ông ta.

Đáng chú ý là hình như chính quyền Illinois và Chicago hiện nay cũng tham nhũng không kém thời Al Capone là mấy. Blagojevich (thuộc đảng Dân chủ) trúng cử Thống đốc sau khi vị tiền nhiệm của ông ta, cựu Thống đốc George Ryan bị xử tù 6 năm vì các tội giả mạo và tham gia trong đường dây bán bằng lái xe. Nhưng đến lượt mình, Blagojevich cũng không hơn gì Ryan, thậm chí còn tồi tệ hơn. Nếu Ryan bán bằng lái xe thì Blagojevich âm mưu bán ghế Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ!

Xem ra những hình thái tham nhũng trong chính phủ Mỹ cũng tương tự Việt Nam: cũng nhận hối lộ từ các nhà thầu, cũng buôn quan bán chức, cũng dọa dẫm báo chí...Nhưng trong khi hai Thống đốc liên tiếp của bang Illinois đều bị bắt thì ở Việt Nam, hình như rất hiếm (hay chưa có?) quan chức nào cỡ Chủ tịch và Bí thư tỉnh bị xử tù? Thế mới có chuyện ông Bí thư hay Chủ tịch tỉnh Cà Mau hồn nhiên kể chuyện người ta đến nhà ông đưa tiền mua chức như thế nào.



+ Op-ed trên Chicago Suntime. Hóa ra chú này người gốc Serbia, giọng điệu không khác nào một thằng gangster. Chú học hành cũng bình thường (tốt nghiệp trường Luật đứng khoảng thứ 51), nhưng nhờ ông già vợ làm chính trị lão làng kéo chú lên theo.

Gov. Blagojevich must go -- right now

"

With federal agents planting listening devices at Blagojevich’s campaign office and on his home phone, the most damning evidence against the governor comes from his own mouth.

To Blagojevich’s way of thinking, the criminal complaint alleges, picking the next senator from Illinois isn’t a solemn obligation, it’s a sale — to the highest bidder.

“It’s f - - - - - - golden and . . . I’m not giving it up for f - - - - - - nothing,” Blagojevich is recorded saying, according to the complaint.

And if President-elect Barack Obama doesn’t give Blagojevich something valuable in return for selecting Obama’s choice to replace him in the U.S. Senate?

“F - - - him,” Blagojevich allegedly said.

In the same spirit, deciding how much taxpayer money to spend on a tollway project is not a matter of fine planning. It’s a matter of fund-raising — how much money a highway contractor who will profit from the job can raise for the governor. If the contractor raises too little money, too bad.

“If they don’t perform, f - - - ’em,” the governor allegedly said.

And, in the same sad spirit, figuring out whether the state should help the Tribune Co. finance the sale of Wrigley Field doesn’t come down to dollars and cents. It comes down to muscling the Tribune to fire the editorial writers who called for the governor’s impeachment.

“Fire those f - - - - - -,” Blagojevich allegedly said.

We repeat these quotes not to dwell on an unpleasant obscenity but to give you insight, based on what’s in the complaint, into how the governor privately views his commitment to serve the people of this state.

Earlier this year, you may recall, Blagojevich opposed a state ethics law limiting how much businesses with state contracts could donate to him.

He claimed the bill wasn’t tough enough.

Few believed him then.

Fewer will believe him now, as the criminal complaint details how Blagojevich allegedly went on a fund-raising spree to squeeze $2.5 million in contributions from those very businesses before the ethics law went into effect."

Monday, December 8, 2008

Entry for December 08, 2008

Một trong những thông tin rất mù mờ của Việt Nam là vấn đề lương bổng. Hiện nay tôi không rõ chế độ lương ở VIệt Nam như thế nào. Nhưng nếu căn cứ vào bản tin từ đầu năm 2005 thì lương Chủ tịch nước và Tổng bí thư là 3,8 triệu, Thủ tướng khoảng 3,6 triệu...Cứ giả sử trong 4 năm qua, lương của các vị này tăng gấp đôi (tức là còn tăng hơn đáng kể so với lạm phát) thì tới giờ lương Chủ tịch nước và Tổng bí thư cũng chưa đến 500 USD.

Tất cả chúng ta đều không tin rằng thu nhập của các vị ấy chỉ chưa đến 500 USD/tháng, thấp hơn lương đi làm công tại công ty nước ngoài của một cử nhân mới ra trường loại giỏi tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong tất cả các cơ quan nhà nước, chế độ lương đã trở thành một thứ hình thức, không phản ánh mức thu nhập thực sự của cán bộ, công nhân viên. Lương cơ bản, lẽ ra phải là căn cứ chính xác định ít nhất 70% thu nhập thông thường, lại trở thành một cái gì đó mang tính hình thức. Hậu quả là sự lùng nhùng, là sự thiếu minh bạch về thu nhập trong các cơ quan Nhà nước. Và đó cũng là môi trường khiến tham nhũng dễ có điều kiện sinh sôi.

Chế độ lương thấp đó còn làm vô hiệu hóa việc chống tham nhũng. Bởi lẽ hầu như không mấy ai chỉ sống bằng đồng lương. Hậu quả là ai chống chống ai, chẳng có mấy ai trong các cơ quan Nhà nước không có tì vết gì để có thể thực sự yên tâm "chống tiêu cực" cả. Và đó cũng là nguyên nhân khiến chương trình công khai hóa tài sản các quan chức Nhà nước gặp trở ngại, ì ạch bao năm. Mãi tới cuối năm 2007, Chính phủ mới thông qua được Nghị định về việc kê khai tài sản của cán bộ Nhà nước. Nhưng thay vì "công khai tài sản" thì giờ chỉ còn là "kê khai tài sản" và công chúng (và báo chí) không có quyền biết về tài sản của các quan chức. Thêm nữa, việc kê khai này vẫn chưa tính tới các viên chức Nhà nước tại các Tập đoàn Nhà nước, nơi nắm những nguồn tài chính khổng lồ.

Nói chung, tôi rất tò mò với các kết quả kê khai này. Lấy ví dụ, một quan chức bậc trung (cỡ ông Sỹ?) có lương 3 triệu sẽ kê khai thế nào cho giá trị căn biệt thự 3 tỷ và chiếc xe 1 tỷ của mình. Chỉ tính riêng 4 tỷ tiền nhà và xe này và chưa kể các tài sản khác thì quan chức đó cũng sẽ phải làm việc liên tục trong 111 năm và không được ăn uống hay tiêu pha gì trong thời gian này, tạm bỏ qua việc trượt giá trong 111 năm này và giả sử ông này được vợ con nuôi ăn, mặc, ở trong 111 năm đó. Thế nhưng tất cả chúng ta đều biết chẳng có quan chức bậc trung nào sống với mức lương 3 triệu cả. Một viên chức Nhà nước mới được tuyển vào thì có thể sẽ phải sống ở mức lương này hay thậm chí chỉ 1- 2 triệu, và rất có thể anh ta sẽ phải tìm cách xà xẻo gì đấy khi có cơ hội để bổ sung thêm thu nhập (cá nhỏ bắt mồi nhỏ).

Bao nhiêu vốn ODA được đổ vào cho cải cách hành chính công, cải tổ khu vực kinh tế Nhà nước....Nhưng trong chừng 12-13 năm qua, có thể nói những cải cách này rất chậm chạp, nhất là ở khu vực hành chính-sự nghiệp. Khu vực Nhà nước không bị thuyên giảm về lao động mà còn có phần phình ra về vốn.

Để chống tham nhũng, hẳn cần phải cải tổ triệt để khu vực này, công khai hóa tài sản viên chức, thuyên giảm số lượng những viên chức kém hiệu quả, giảm vai trò Nhà nước trong các tập đoàn, đồng thời tăng lương cho các viên chức có hiệu quả. Một hệ thống mà lương (chính thức) Chủ tịch nước chỉ bằng ba lần lương một anh gác cổng là một hệ thống giả dối, trá hình trong tấm mặt nạ bình quân thu nhập.

Lấy ví dụ, lương Tổng thống Mỹ hiện nay là 400.000 USD/năm, bằng khoảng 10 lần lương một cử nhân mới ra trường. Ngoài lương này, Tổng thống Mỹ còn nhận được một số bổng lộc (benefit) và ưu đãi khác và những bổng lộc, ưu đãi này đều được công khai rõ ràng. Thế nhưng Tổng thống Mỹ có nghĩa vụ phải kê khai tất cả những món quà mà người ta biếu ông ở trong và ngoài nước, và chỉ được giữ lại những món quà có trị giá chừng vài chục USD, còn lại phải nộp vào ngân sách. Hệ thống đó không phải là hoàn hảo và vẫn có tham nhũng (ví dụ như vừa rồi, một người Việt đã lần đầu đắc cử Hạ nghị sĩ ở Mỹ vì đối thủ của ông bị cáo buộc nhận hối lộ nửa triệu USD) nhưng dù sao nó cũng đảm bảo được tính minh bạch và khả năng giám sát, kiểm sát của các nhánh quyền lực khác, của báo chí và công luận.

Giả dụ áp dụng thang bậc này thì ở Việt Nam, nếu một cử nhân ra trường có lương 3 triệu thì lương Chủ tịch nước ít nhất cũng phải 30 triệu. Hay thậm chí số tiền này cũng còn là ít và ít nhất ông phải có lương tương đương với CEO của một công ty lớn trong nước. Vậy hãy trả cho ông chừng 100 triệu/tháng. Lương của các Bộ trưởng và các quan chức khác thì cũng căn cứ vào đấy- ví dụ lương Bộ trưởng 60 triệu, Thứ trưởng 50 triệu chẳng hạn. Tất nhiên, lương cao cũng phải gắn với trách nhiệm, và một trách nhiệm quan trọng nhất là không tham nhũng hay nhận những khoản tiền mờ ám. Trong khi đó nếu cả Bộ trưởng và Thứ trưởng đều nhận lương 3-4 triệu, và tất cả đều biết rằng thu nhập thực của họ không phải là số tiền này thì liệu còn ai bảo được ai mà không phải ngượng ngùng không? Hay họ sẽ phải bao che cho nhau cho khỏi xấu chàng thì hổ ai như ông Nguyễn Thành Tài chỉ trích phía Nhật không chịu đưa bằng chứng về việc ông Huỳnh Ngọc Sĩ tham nhũng?

Riêng đối với hệ thống Đảng, việc trả lương bằng vốn Ngân sách cho các cán bộ Đảng là một điều hài hước bởi vì ngân sách là từ tiền thuế cho hệ thống Nhà nước, còn Đảng chỉ là một tổ chức, có thu nhập từ Đảng phí và các hình thức khác. Trong hệ thống Nhà nước, tất cả công chức đều được trả lương cho công việc công chức của mình. Nếu giả sử như vai trò của Đảng cũng tương tự vai trò Nhà nước và cũng cần được trả lương thì tại sao trong hệ thống Đảng, chỉ có những cán bộ cấp cao mới có lương, còn Đảng viên thông thường thì không những không có mà còn phải đóng Đảng phí? Cần minh bạch việc thu chi của Đảng với Nhà nước và không nên dùng vốn Ngân sách để trả lương cho các cán bộ Đảng. Tất nhiên việc này là khó khả thi trên thực tế khi không đời nào
Đảng lại chịu để mất phần kinh tế (theo nguyên lý chủ nghĩa Marx: ai nắm được kinh tế, người đó kiểm soát chính trị).

Mức lương thấp và tình trạng tham nhũng tràn lan trong hệ thống chính quyền hiện nay còn có tác dụng khiến nhiều người giỏi và có lòng tự trọng không muốn tham gia bộ máy Nhà nước khi họ phải đứng trước hai lựa chọn khi tham gia bộ máy này: hoặc nhận đồng lương rẻ mạt và không tham nhũng, hoặc chấp nhận tham nhũng (tất nhiên còn có những khoang màu xám ở giữa hai cực này, những khoản thu nhập nửa chính nửa tà...nhưng nhìn chung đó là bản chất của hệ thống). Và như thế, hệ thống chính quyền dần dần thành một thị trường "chanh", thu hút những người kém năng lực và cả tư cách, và đào thải những người giỏi và có tư cách. Tại sao ở nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản...hệ thống công chức vẫn thu hút được những người giỏi giang và nghề công chức trở thành một trong những nghề danh giá nhất, cho dù rất nhiều công chức có thể nhận được mức lương cao hơn nhiều lần nếu họ làm việc ở khu vực tư nhân? Đó là vì hệ thống chính quyền các nước này vẫn giữ được "phẩm giá", và một công chức có thể hãnh diện, bù đắp cho sự hao hụt về thu nhập bằng một niềm tin rằng mình đang đóng góp cho đất nước, cho xã hội, cho cộng đồng, và những việc mình làm sẽ tạo ra một tác dụng mạnh mẽ hơn cho xã hội so với việc đi làm công ở một ngân hàng hay một công ty chứng khoán. Còn ở Việt Nam, trong mắt người dân thì gần như viên chức Nhà nước nào cũng có chữ "tham nhũng" trên trán, cho dù không phải ai cũng tham nhũng hay có thể tham nhũng (70% hay 80%, hay 90%- làm sao mà biết?). Đó chẳng phải điều đáng buồn sao?

Saturday, December 6, 2008

Entry for December 06, 2008

+ Tường thuật vụ đi biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội trên blog Người buôn gió. Số công an đông gấp 5 lần số người định biểu tình.

+ Tuần Việt Nam đăng bài của Dự Trần, Ph.D. Kinh tế, Đại học Texas Austin về chiến lược diều hâu của Trung Quốc nhưng bài này nhanh chóng bị rút xuống chỉ trong vài giờ.

Biển Đông và chiến lược diều hâu của Trung Quốc

Trích một đoạn:

"Có ba lý do quan trọng để chiến lược diều hâu của Trung Quốc thành công ở Biển Đông: Một là các nước ASEAN như Việt Nam và Phillipine đã rất yếu trong việc đưa vấn đề tranh chấp này tới công luận quốc tế trong khi cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc đã làm tốt việc kết nối Biển Nam Trung Quốc với chủ quyền của Trung Quốc. Vì thế, về mặt công luận quốc tế, Việt Nam và các nước ASEAN cùng tranh chấp ở Biển Đông không được ủng hộ - mặc dù lập trường của họ chính nghĩa hơn về mặt pháp lý.

Thứ hai là các nước này đều phản ứng rất yếu ớt trước sự lấn át của Trung Quốc. Điều này có cơ sở thực tế là nếu đứng riêng biệt từng nước thì họ đều ở vào thế yếu xét cả về tiềm lực kinh tế và quân sự. Do ở thế yếu, họ không thể đưa ra những đe dọa khả tín nào ngay cả khi họ muốn.

Thứ ba là mặc dù ở vào tình thế lép vế nếu đứng riêng lẻ, các nước ASEAN lại không hợp tác với nhau trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Thí dụ như Phillipine đã dễ dàng bị mua đứt để đồng ý ký thỏa thuận hợp tác song phương với Trung Quốc trong khi bỏ mặc Việt Nam sang một bên. Điều này phản ánh ba thực tế đáng buồn: (1) sức ảnh hưởng của Trung Quốc ăn quá sâu vào ASEAN, (2) thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông, (3) các chính phủ ASEAN trong từng thời điểm cụ thể đã tỏ ra thiếu viễn kiến. Bài học về cuộc tranh chấp của Trung Quốc với Nhật và thỏa ước hợp tác khai thác giữa hai nước này cho thấy Trung Quốc không phải không chịu nhượng bộ. Diều hâu chỉ có thể nhượng bộ diều hâu chứ không thể nhượng bộ bồ câu. Với các nước ASEAN có tranh chấp trên Biển Đông, trừ phi họ cùng đứng lại với nhau, sẽ không phải là đối thủ đáng để Trung Quốc nhượng bộ."

Thực ra chính sách của Tàu hiện nay cũng là chính sách của Tần Thủy Hoàng khi xưa: viễn giao, cận công, kết hiếu với các nước lớn ở xa như Sở, Tề và thôn tính các nước nhỏ ở gần như Hàn, Ngụy. Trong đó thì nước Triệu là nước quyết tâm chống Tần hơn cả, và là đối thủ chủ yếu, thậm chí gần như là duy nhất đáng kể, của Tần trong suốt mấy chục năm. Trái ngược với Triệu, nước Hàn liên tục nhượng bộ, mỗi lần bị Tần đe dọa là dâng đất cho Tần để đổi lấy an nguy. Lục quốc cũng có lúc hợp tung để đánh Tần (thời Tô Tần làm tướng sáu nước) và từng thành công khiến mấy chục năm, quân Tần không dám rời khỏi cửa Hàm Cốc sang Đông. Nhưng rồi chính sách liên hoành, kết hợp mua chuộc và đe dọa, viễn giao cận công của Trương Nghi đã khiến kế hợp tung của Tô Tần tan rã và lục quốc dần dần đều bị Tần thôn tính.

Tình trạng biển Đông hiện nay cũng trên đà như vậy. Trung Quốc dùng kế chia rẽ, khiến ASEAN không thể đoàn kết như một khối, khuyến khích ký các thỏa thuận song phương Trung-Phi, Trung-Việt.

Bên cạnh đó, họ đầu tư, viện trợ rất mạnh vào các nước nhỏ trong khu vực vốn không có mâu thuẫn trực tiếp về quyền lợi và lãnh thổ với họ như Lào, Cambodia, Miến Điện khiến các nước này chịu ảnh hưởng chính trị của họ, để trở thành những chư hầu của họ trong khối ASEAN. Cuộc chiến Việt-Miên 1978 và Việt-Trung 1979-89 là kết quả trực tiếp từ việc Trung Quốc kết hiếu với Cambodia để đe dọa Việt Nam.

Friday, December 5, 2008

Entry for December 05, 2008

Nước Nam ta dạo này phong thủy không tốt, có quá nhiều người không biết xấu hổ. Và đáng tiếc thay, những người không biết xấu hổ đó vẫn hàng ngày rêu rao trên báo chí, huấn thị, chỉ bảo nhân dân. Từ "hiệp sĩ" Nguyễn Tử Quảng cho rằng hình phạt 12 năm tù cho blogger là "hết sức thích đáng" cho tới ông Thứ trưởng Bộ 4T muốn cấm người ta viết những suy nghĩ, cảm xúc của mình về các vấn đề xã hội.

Thử nghe ông Phó Chủ tịch Thường trực TP HCM Nguyễn Thành Tài phát biểu gì về vụ PCI:

"Ông Tài cho rằng: “Đối với mỗi quốc gia và ngay cả Việt Nam, khi đưa một công dân hay một tội phạm nào ra xét xử thì cũng phải có chứng cứ để luận tội. Cho nên nếu phía bạn cho rằng PCI đã hối lộ cho nhiều quan chức ở Đông Dương (chứ không phải chỉ riêng TPHCM). Vậy thì hãy đưa ra bằng chứng, chúng tôi sẽ tiến hành xét xử, không thể nói chung chung....


Tôi đã trình bày quan điểm của lãnh đạo thành phố và đã được Thủ Tướng chấp thuận về cách giải quyết. Chỉ cần khi nào phía bạn đưa ra chứng cứ thì sẽ cho tiến hành xử lý. Còn nếu cần hỗ trợ, các cơ quan chức năng tại thành phố sẵn sàng hợp tác tốt nhất cho phía bạn tìm chứng cứ. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy phản hồi gì từ phía bạn”

Ông Tài phát biểu cứ như rằng đây là việc của Nhật, chứ không phải của Việt Nam??? Tại sao khi một quan chức chính quyền bị tố cáo ăn hối lộ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh lại không chịu điều tra mà cứ đòi "bằng chứng" từ phía Nhật? Ông Tài cứ làm như là việc điều tra PCI chỉ là làm ơn cho Nhật, là hỗ trợ cho Nhật nếu họ yêu cầu chứ không phải là việc của chúng ta.

Ở đây, không ai đòi ông Tài (hay ông Hải, ông Dũng...) phải đem ông Sĩ ra xử tù. Nhưng tại sao cứ phải có bằng chứng từ phía Nhật thì mới xử lý. Thế thì cơ quan công an làm gì, chính quyền thành phố làm gì, Ban chống tham nhũng của Đảng, Ban kiểm tra của Đảng, Ban Thanh tra của Chính phủ... làm gì? Chẳng nhẽ họ không thể tiến hành điều tra một quan chức khi có nghi vấn (và nghi vấn này hiện rất xác đáng từ lời khai của bị can PCI và kết quả điều tra của cơ quan điều tra Nhật) rằng quan chức đó phạm tội?


"Các cơ quan chức năng tại thành phố sẵn sàng hợp tác tốt nhất cho phía bạn tìm chứng cứ"- nói mà không biết thẹn. Khi một quan chức Việt Nam bị tố cáo ăn hối lộ 2,6 triệu USD, khi cơ quan tư pháp Nhật Bản tìm thấy đủ chứng cớ để kết tội những người đưa hối lộ cho quan chức đó với số tiền 820.000 USD thì việc nhiều nhất mà chính quyền thành phố HCM làm được là "hồ trợ" cho bạn "tìm chứng cớ". Chứng cớ ở đâu? Có chứng cớ nào bị tiêu hủy trong 6 tháng án binh bất động vừa qua không, khi người bị tố cáo vẫn giữ nguyên cương vị và hoàn toàn có thể tiêu hủy tất cả những bằng chứng nào anh ta có thể tiêu hủy, tẩu tán tất cả những tài sản bất chính nào mà anh ta có thể có do phạm tội?

Với những nhà lãnh đạo không có dây thần kinh xấu hổ như thế, chúng ta sẽ còn đi tới đâu? Quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta là ngồi đợi phía nước ngoài đưa ra bằng chứng! Nhưng ngay cả khi phía nước ngoài đưa ra bằng chứng thì "người ta" có quyết định thí xe hay không, thì sẽ còn là một chuyện khác. Thí tướng thì tất nhiên là không bao giờ.

Nực cười ở chỗ hình như phía Nhật Bản không còn cần Việt Nam "hỗ trợ" "tìm chứng cớ" nữa (sau 6 tháng vô ích) khi trước tòa, cơ quan công tố đã tìm được đủ bằng chứng và bị can đã nhận tội đưa hối lộ. Họ cũng không yêu cầu VN "hỗ trợ" "tìm chứng cớ" nữa mà đang gây sức ép buộc Việt Nam phải làm rõ các vụ việc tham nhũng vốn ODA và cải thiện cơ chế quản lý ODA nhằm chống tham nhũng bằng cách tạm ngừng cam kết viện trợ 800 triệu USD trong năm 2008. Quả bóng đã được đẩy sang chân đội tuyển Việt Nam rồi. Và trong khi đó, ông Phó Thị trưởng Sài Gòn vẫn cứ khẳng định là ông sẽ hỗ trợ phía Nhật tìm chứng cớ!

Thursday, December 4, 2008

Entry for December 04, 2008

Vậy là Nhật tạm thời dừng khoản ODA 700 triệu USD đã cam kết cho nửa đầu năm 2008 vì vụ PCI.

Đại sứ Nhật phát biểu: "Sẽ khó để lấy lại sự ủng hộ từ công chúng Nhật Bản thúc đẩy viện trợ thêm cho VN và chúng tôi không thể hứa những khoản vay bằng đồng yên mới cho đến khi Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước thực hiện các giải pháp chống tham nhũng ý nghĩa và hiệu quả."

Việc Nhật ngừng ODA cho Việt Nam có thể là một cú sốc với không ít người nhưng đó là một cú sốc cần thiết. Có những việc như tham nhũng, ăn hối lộ...bấy lâu nay vẫn được các quan chức và không ít nhân dân coi là việc bình thường, là thủ tục "đầu tiên" cần thiết, kể cả trong các dự án sử dụng vốn nước ngoài. Ít nhất thì việc này sẽ khiến chính quyền mạnh tay hơn với tham nhũng và hối lộ trong các dự án ODA-một khoản tiền "chùa" khổng lồ cho các quan chức từ PMU 18 tới dự án Đông Tây. Với người dân, có lẽ nó cũng có tác dụng không nhỏ.

+

Ối giời, trang web Hội Nhà Văn đăng một bài ngây ngô như pha trò (link từ Diễn Đàn). Không biết ông tác giả Nguyễn Trung Nghĩa này (có phải nhà văn?) ấm đầu thật hay cố tình viết ngây ngô để giễu cợt Đảng và chính quyền. Đọc không nhịn được cười.

Tác giả đề ra ba hướng điều tra cho Chính phủ:

Hướng 1: Bọn Nhật đổ vấy cho Đảng viên Cộng sản. Ông Sĩ là Đảng viên nên "bản chất dứt khoát phải khác các nhà tư bản". Tác giả cũng nêu trường hợp Nguyễn Việt Tiến làm ví dụ. Việt Tiến là Đảng viên nên trong sạch vì thế được ra tù (ở đây tác giả không nhắc tới ông Hội viên Hội nhà văn là Nguyễn Việt Chiến không phải Đảng viên nên chắc bản chất không trong sạch bằng đảng viên Tiến nên giờ mới rũ tù).

Hướng 2: Đảng và Nhà nước ta nên xúi (hay bắt?) ông Sĩ nhận đại tội đi "cho êm chuyện, cho đẹp đội hình rồi tính toán với nhau sau."

Hướng thứ 3: Lằng nhà lằng nhằng đọc chả hiểu nói gì. Đại khái là bảo nên thanh tra toàn diện dự án.

Cái trang web Hội Nhà Văn này thật buồn cười, cứ như cái chiếu rượu cho mấy ông nửa tỉnh nửa say tán phét.

Trích

" Vậy thì để giúp 2 Chính phủ thực hiện được sự nghiêm minh này, chúng tôi xin mạnh dạn gợi ý, đề xuất với Chính phủ và các bộ máy công quyền của Chính phủ và Nhà nước một số hướng giải quyết khi thực thi được nhiệm vu phức tạp khó khăn này. Để không bỏ lọt kẻ gian và không làm oan người ngay, các cơ quan điều tra nên tiến hành điều tra theo các bước và các hướng sau đây:
Hướng điều tra theo giả thuyết 1: Do các quan chức PCI của Nhật Bản là các nhà tư bản, họ thường thiếu trung thực, không khách quan, lập trường tư tưởng của họ không vững vàng, bản chất của họ là quen bóc lột : cứ thấy lợi nhuận là xô vào, bất chấp; họ khác với phần lớn cán bộ, đảng viên của ta thường có các phẩm chất kiên trung: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Do vậy nên họ đã lợi dụng sự nhập nhèm trong cơ chế quản lý con người và các dự án đầu tư xây dựng, tình cảnh: ông đồng ăn một, bà cốt ăn hai nên đã tìm cách đổ vấy cho các quan chức Việt Nam số tiền trên để nhẹ tội mình. Đối với các nhà tư bản thì như Marx nói: lợi nhuận đến 300%, họ sẵn sàng giết cả bố mình. Đây là một trong các giả thuyết, một trong các hướng mà các cơ quan điều tra của chúng ta phải đặt ra để điều tra, kiểm chứng. Gì thì gì ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng là đảng viên của ta, sinh năm 1953, là lứa tuổi đã kinh qua chiến tranh, lại được rèn luyện qua môi trường thanh niên xung phong; những người như ông Huỳnh Ngọc Sĩ vừa được đào luyện trong trường đời, lại được đào tạo, giáo dục bài bản qua nhiều trường lớp giáo dục đạo đức, tư tưởng, lập trường cho nên trước hết chúng ta phải tin cán bộ của ta trước đã, họ là đảng viên, công bộc của dân, bản chất dứt khoát phải khác các nhà tư bản. Trường hợp như ông Nguyễn Việt Tiến là một ví dụ, cuối cũng các cơ quan chức năng vẫn chứng tỏ sự khách quan: chứng minh ông này chỉ vi phạm hành chính chứ không phạm tội hình sự nên đã thả ông ta ra khỏi tù và chỉ cách chức ông Tiến mà thôi.

....

Điều tra theo giả thuyết thứ 2: Dẫu sao Nhật Bản là nước cung cấp ODA vào loại số 1 của Việt Nam, phía Nhật đã đưa ra và kết án rồi, Việt Nam vẫn có truyền thống hiếu khách, thôi thì thuyết phục, ép ông Sĩ nhận đi cho êm chuyện, cho đẹp đội hình rồi tính toán với nhau sau. Do đó, không cần nhiều chứng cớ, bởi muốn có chứng cớ phải tốn tiền, tốn của cho việc đi điều tra công phu. Chỉ cần dựa vào lời khai của các quan chức PCI, chúng ta tuyên án luôn và bắt giam ông Sĩ ngay; coi như kết thúc vụ án, giải quyết xong một vụ việc nhặm nhọt..."


Wednesday, December 3, 2008

Entry for December 03, 2008

1. Không hiểu sao thái độ của Việt Nam trước việc chính phủ Séc ngừng cấp visa cho người Việt lại mềm mỏng đến thế? Đây là một động thái cực kỳ hiếm có giữa các quốc gia có quan hệ ngoại giao bình thường với nhau. Bộ Ngoại giao Việt Nam lẽ ra nên phản đối mạnh mẽ, chẳng hạn như triệu tập đại sứ Séc bày tỏ sự phản đối, trả đũa bằng cách tạm ngừng cấp visa cho người Séc cho tới khi Séc bỏ lệnh cấm này...Thế nhưng, Bộ Ngoại giao VN đã quá mềm mỏng khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ cho rằng việc này "không phù hợp với tinh thần thỏa thuận cấp cao hai nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống" và "mong rằng vì lợi ích quan hệ hai nước, Chính phủ Czech xem xét lại quyết định trên."

2. Như vậy Việt Nam quyết định thực hiện chính sách kích cầu mạnh mẽ với chương trình chi tiêu 1 tỷ USD. Đồng thời, giảm 30% thuế doanh nghiệp trong quý 4 năm 2008. Thuế thu nhập từ chứng khoán cũng được hoãn.


3. Cái chuyện quản lý blog là một chuyện ngu xuẩn mà vẫn cứ được Bộ 4T bàn đi bàn lại không biết bao nhiêu lần, tốn bao nhiêu tiền nộp thuế của nhân dân.


Và tất nhiên đây đỉnh điểm của sự ngu xuẩn (và vòng vo) vẫn là ông Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn:

"Yếu tố cá nhân trong blog là yếu tố cơ bản. Yếu tố này quy định blog không đại diện cho một tổ chức hay thông tin chính thống nào. Những blog vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định", ông Doãn nói.

Thứ trưởng Bộ TT - TT cũng chỉ rõ: "Blog, về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ của mình khó xác định. Nếu là tiếng nước ngoài thì nói blog là đã giới hạn khuôn khổ ngay trong khái niệm đó. Nếu đã đưa thông tin báo chí thì phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí . Người nào vượt quá phạm vi blog, biến thông tin trên blog thành thông tin báo chí là vi phạm Luật Báo chí".

Nhấn mạnh việc trao đổi, tham gia, đóng góp ý kiến về chính sách, chính trị trong xã hội "là quyền của mỗi người", song Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho hay: "Đã là nhật ký cá nhân thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là người thân của mình đọc. Nếu đưa ra đại chúng thì không thể là nhật ký mà vô tình biến nó thành trang thông tin điện tử, như vậy phải chịu sự quy định như đối với trang thông tin điện tử"."

Thế nào là thông tin báo chí? Ông Thứ trưởng không hề làm rõ khái niệm trước khi phát biểu. Ví dụ tôi nói đội tuyển Việt Nam đá như dở hơi thì đó là thông tin cá nhân hay thông tin báo chí? Hay nếu tôi nói ông Thứ trưởng Doãn nói năng ấm ớ dớ dẩn thì đó có phải là thông tin báo chí không? Hay chỉ là nhận định cá nhân? Và tại sao lại cứ phải là "thông tin"? Ví dụ tôi nói ông Doãn dốt như heo thì đó đâu phải là thông tin (haycũng có thể với người nào chưa hiểu ông Doãn thì đó lại là thông tin chăng?). Vậy khi tôi nói ông Doãn dốt như heo thì liệu tôi có phạm quy định về việc đưa thông tin ra công cộng không?

Có ai bảo blog là nhật ký đâu mà ông lấy nó để cho rằng blog "đã là nhật ký cá nhân thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là người thân của mình đọc". Mà cứ cho rằng blog là nhật ký cá nhân thì có những nhật ký cá nhân vẫn được đưa ra cho cả triệu người đọc, thậm chí còn phát động đủ thứ phong trào ăn theo nhật ký từ phong trào mua sách cho tới phong trào học tập tấm gương người viết nhật ký...Lúc đó sao chẳng thấy các vị thắc mắc là nhật ký này người viết chỉ viết cho mình, hay cùng lắm là cho người thân của mình đọc.

Tờ Tuần Việt Nam nêu ra ý kiến thay vì quản lý blog bằng quy định hãy yêu cầu blogger công khai danh tính. Theo tôi, ý kiến này cũng dớ dẩn chẳng kém. Đến các nhà báo còn chẳng chịu công khai danh tính, khi viết bài trên báo chí Đảng và Nhà nước còn dùng tá lả các bút danh lại còn yêu cầu công dân khi viết blog phải công khai danh tính.

Cả cái hội thảo này nói đủ thứ chuyện, quản lý hay không quản lý, nhưng chả thấy đề cập gì tới quyền cơ bản của công dân Việt Nam được nêu trong Hiến pháp 1992 (cho dù Hiến pháp này đã là một bước thụt lớn so với Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946) là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và quyền được thông tin.

+ Về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà (có phải là "cháu Hà" của nhà báo Ánh Hồng), giám đốc Sở 4T Thành phố HCM, có ý kiến khá xác đáng:

"Những thông tin trên mạng có tính ảo và không biên giới, người sử dụng có thể dùng tên giả, địa chỉ giả, hoặc đăng ký ở nước ngoài… nên rất khó để quản lý blog nói riêng và những thông tin trên mạng nói chung. Theo tôi, nên quản lý tốt những cái đã được cấp phép và rõ ràng như website có đăng ký, trò chơi trực tuyến… sau đó mới có thể nói đến quản lý cái chưa rõ ràng như blog. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn chưa đặt vấn đề quản lý blog. Hơn nữa, luật của chúng ta chưa thể xác định hết mối quan hệ giữa thế giới ảo như trong blog và con người thực.

...Thông tÆ° má»›i thu hẹp phạm vi quản lý chỉ gói gọn xung quanh blog. Nếu người ta không gọi là blog nữa hoặc blog có thể đổi tên hoặc chuyển biến thành má»™t dạng khác, khi đó thông tÆ° quản lý ná»™i dung gì? Còn nếu là hÆ°á
»›ng dẫn, định hÆ°á»›ng thì cần xây dá»±ng má»™t kế hoạch tuyên truyền cụ thể để tác Ä‘á»™ng lên nhận thức của blogger mà không cần phải ra má»™t thông tÆ°.
"

Xem ra anh Hà Ha Vợt có tư tưởng tiến bộ và thực tế hơn anh Doãn Lô mô nô xốp. Mà dạo này VN nhiều Ha Vợt ghê: Hà Ha Vợt, Tuấn Ha Vợt, Phát Ha Vợt, Khương Ha Vợt... À mà còn bạn Tề Phi Ha Vợt nữa, mà còn là Ha Vợt xịn (ref: Anh Tú xịn, Ông Già xịn).